Bài viết của đệ tử Đại Pháp tỉnh Cát Lâm

[MINH HUỆ 29-06-2023] Ở Trung Quốc đại lục, Trường Xuân không phải là một thành phố nổi tiếng, và nhiều người có thể không có ấn tượng gì về thành phố này, nhưng đối với những người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp chúng tôi, đó là một địa danh thiêng liêng và là nơi chúng tôi khao khát được đến, bởi đó là quê hương của Sư phụ, cũng là nơi Pháp Luân Đại Pháp được khai truyền.

Tôi rất tiếc vì không kịp tham gia khóa giảng Pháp của Sư phụ, nhưng là một người gốc Đông Bắc, tôi cảm thấy rất tự hào. Tôi nhớ rằng khi Sư phụ giảng Pháp cho các học viên Úc Châu, có một đồng tu đến từ Đông Bắc Trung Quốc đặt câu hỏi. Sư phụ vừa nghe khẩu âm đã biết là người cùng quê liền mỉm cười nói: “là người Đông Bắc,” lúc đó tôi nghe mà có cảm giác rất thân thương! Vậy nên, sau khi bước vào tu luyện, tôi đã có vài chuyến đi đáng nhớ đến Trường Xuân, những chuyến đi đó đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc, khích lệ và trợ giúp tôi rất nhiều trong tu luyện, khiến tôi càng thêm kiên định, càng thêm tinh tấn. Sau đây tôi xin chia sẻ với mọi người về những năm tháng khó quên đó, đồng thời cũng là kiến chứng cho sự thần kỳ của Đại Pháp.

1. Đến Trường Xuân học Pháp

Đầu năm 1996, cha tôi vừa qua đời, cơ thể tôi suy sụp đến mức tồi tệ nhất, tôi cảm thấy thể xác và tinh thần của mình đều đã ở bờ vực của sự sống, khi đó, tôi bắt đầu tu luyện Đại Pháp. Một ngày trước khi đắc Pháp, tôi yếu đến mức phải truyền tĩnh mạch và không đủ sức để nói một lời nào. Bởi vì tôi bị thiếu oxy nghiêm trọng nên ngực tôi đau thắt dữ dội, lưng, cánh tay trái và các ngón tay của tôi đều tê bì, vai trái của tôi luôn rũ xuống. Vậy mà, ngay khi tôi bắt đầu học bài công pháp thứ ba, tôi đã có thể giơ cánh tay lên một cách hết sức tự nhiên. Tôi chưa bao giờ cảm thấy thoải mái đến thế. Mặc dù tôi bị chứng mất ngủ kinh niên, nhưng đêm đó tôi đã ngủ rất ngon!

Đặc biệt là trong quá trình học Pháp, tôi lại càng chấn động hơn, từng cánh cửa trong tâm lần lượt mở ra, những khúc mắc lần lượt sáng tỏ, một sinh mệnh lạc lối từ lâu cuối cùng cũng tìm được đường về nhà. Trí huệ của tôi được khai mở khỏi sự vô minh, sinh mệnh đang ngủ say trong tôi cuối cùng cũng thức tỉnh. Tâm tình chấn động đó không lời nào có thể diễn tả được! Chỉ trong một ngày, toàn bộ sinh mệnh của tôi đã được thoát thai hoán cốt! Thử nghĩ xem tôi tôn kính Đại Pháp và Sư phụ đến mức nào! Lúc đó, tôi đã hối hận tại sao tôi không biết đến Pháp Luân Công sớm hơn! Tại sao tôi không kịp tham gia khóa giảng Pháp của Sư phụ? Vì quá tiếc nuối, tôi vô cùng ngưỡng mộ các đồng tu đã được tham gia các lớp do đích thân Sư phụ truyền giảng. Tôi cũng rất muốn đến quê hương của Sư phụ, bởi vậy, khi các đồng tu rủ tôi đến Trường Xuân tham gia học Pháp nhóm trong kỳ nghỉ hè, tôi đã rất phấn khởi!

Nhưng ngay trước ngày tôi chuẩn bị đi, tôi lại đến kỳ kinh nguyệt. Tôi có phần bối rối vì trước khi đắc Pháp tôi bị xuất huyết do rối loạn chức năng tử cung. Có lần tôi từng suýt chết vì bị băng huyết không cầm được. Sau khi được cứu sống, tôi bị suy nhược cơ thể và thiếu máu trầm trọng. Mỗi lần đến kỳ kinh, tôi lại mất một lượng máu đáng kể và chỉ có thể cầm máu bằng cách uống thuốc. Tôi yếu đến mức không thể làm việc hay học tập, tôi bị hành hạ cả thân lẫn tâm. Sau ngày đầu tu luyện Đại Pháp, tôi mừng vui với cuộc sống mới và một thân thể khỏe mạnh. Tôi quên mất mình đã từng mắc căn bệnh này, và lần này, mặc dù kinh nguyệt đến tự nhiên mà không phải dùng bất kỳ loại thuốc nào, nhưng máu vẫn ra nhiều khiến tôi lo lắng, lo rằng tôi đến Trường Xuân ở cùng người khác sẽ bất tiện, lo rằng làm bẩn quần áo, ga trải giường sẽ rất xấu hổ. Trong lòng tôi vô cùng mâu thuẫn. Tôi thầm nghĩ, nếu tối nay hết kinh thì tốt biết mấy, như thế mai mình có thể đi Trường Xuân. Mới thoáng nghĩ như vậy, đến buổi tối kinh nguyệt thực sự đã không còn. Tôi rất vui, biết rằng Sư phụ đang quản tôi, Ngài khích lệ tôi đi, vì vậy tôi hào hứng lên đường đến Trường Xuân.

Sau khi đến Trường Xuân, tôi luyện công cùng các đồng tu, thật bất ngờ, khi luyện bài công pháp thứ hai, các đồng tu ở Trường Xuân đều giữ mỗi tư thế trong mười phút. Bởi vì mới tu luyện chưa được bao lâu nên tôi không ôm bão luân trong thời gian dài đến vậy. Nhưng vì tâm tình và muốn giữ thể diện, tôi cắn răng kiên trì chịu đựng. Khi về đến ký túc xá, tôi bắt đầu có triệu chứng cảm lạnh như sổ mũi, chảy nước mắt. Tôi biết Sư phụ đang thanh lý cơ thể cho mình nên nhất quyết tự luyện công trong ký túc xá. Luyện xong bài công pháp thứ tư, tôi lên giường nằm nghỉ, khi vừa chợp mắt, tôi liền cảm thấy như mình đang bay lên, bay qua các tầng lầu và đến đỉnh tòa nhà. Tôi có chút sợ hãi, tự nhủ mình đang bay đến đâu đây, vừa nghĩ vậy liền lập tức trở về, quả đúng như điều Sư phụ giảng trong sách Chuyển Pháp Luân. Loại cảm giác đó vô cùng chân thật, khác với cảm giác trong mơ, tôi biết rằng Sư phụ đã khích lệ tôi, để tôi càng thêm tín tâm kiên định tu luyện.

Tối hôm đó, khi tôi cùng mọi người đến một điểm học Pháp, tôi không còn triệu chứng cảm lạnh nào cả, mà còn cảm thấy rất dễ chịu. Điểm học Pháp đó ở Công viên Thiếu nhi, vốn là nơi Sư phụ giảng Pháp lần đầu tiên, và cũng là nơi tôi rất muốn được đến thăm. Trong khi địa phương chúng tôi còn chưa biết đến khái niệm học Pháp tập thể, thì các đệ tử Đại Pháp ở quê hương của Sư phụ đã đi trước và triển khai rất tốt hoạt động này. Khi tôi đến tham gia học Pháp, tôi cảm thấy như mình tiến vào một cung điện thiêng liêng, thời điểm chúng tôi đến đã có rất nhiều người ngồi trong phòng, thấy chúng tôi bước vào, họ rất nhiệt tình và cho chúng tôi ngồi vào bên trong. Mọi người đều giản dị, dễ gần, không hề có cảm giác xa lạ. Bầu không khí ở đó rất tường hòa, tự nhiên, dù chúng tôi chưa bắt đầu học Pháp, có một số đồng tu trò chuyện với nhau nhưng họ nói rất khẽ, không làm phiền đến người khác. Tôi cảm thấy rất thoải mái khi ngồi ở đó và cảm thấy mình là một người hạnh phúc. Khi bắt đầu học Pháp, mọi người đều ngồi ở tư thế song bàn, rất trang nghiêm, tôi chưa thể ngồi song bàn nên hơi xấu hổ, đành cố gắng ngồi đơn bàn và nghiêm túc học Pháp cùng mọi người, trong lòng tôi ngập tràn sự thần thánh và trang nghiêm.

Sau khi trở về từ Trường Xuân, chúng tôi cũng bắt đầu tổ chức học Pháp tập thể và chia sẻ những gì chúng tôi học được để có thể làm tốt hơn trong công việc, học tập và cuộc sống gia đình, trở thành một người tốt, một người tốt hơn nữa.

2. Đến Trường Xuân thăm triển lãm tranh và thư pháp

Mùa xuân năm 1997, chúng tôi nhận được thông báo tổ chức một cuộc triển lãm tranh và thư pháp ở Trường Xuân để kỷ niệm tròn năm năm ngày Pháp Luân Đại Pháp hồng truyền, và kêu gọi chúng tôi gửi các tác phẩm nghệ thuật. Khi đó ngộ tính của chúng tôi thực sự còn quá kém, cứ nghĩ rằng bản thân không có chuyên môn, sao có thể tạo ra tác phẩm nghệ thuật được, mà không nghĩ rằng hầu như mỗi người trong chúng tôi đều thể nghiệm những biến đổi kỳ diệu sau khi tu luyện, tại sao chúng tôi không thể hiện chúng qua thư pháp, hội họa, nhiếp ảnh, v.v..để cho càng nhiều người hơn biết đến, càng có nhiều người hơn được thu ích? Hồi đó, tôi chỉ nghĩ ra một câu đối: “Tuyệt xử phùng sinh đắc Đại Pháp – Tam sinh hữu hạnh ngộ ân Sư” (Vạn thế nguy nan đắc Đại Pháp, Phúc đức ba đời gặp ân Sư) để bày tỏ lòng biết ơn đối với Sư phụ và niềm vui đắc Pháp của tôi. Tôi đã nhờ chồng của một đồng tu là giáo viên thư pháp viết câu đối đó. Giờ đây nghĩ lại, tôi cảm thấy nuối tiếc vì câu đối đó không diễn tả hết được tâm tình lúc đó của tôi.

Vào ngày tôi đến tham quan triển lãm, thời tiết ấm áp và trời mưa nhẹ, mưa lất phất làm nhuận vạn vật và làm dịu trái đất, giống như cuộc triển lãm này, nó cũng đang nói với thế nhân rằng Đại Pháp đang hồng truyền khắp thế gian, đánh thức và nuôi dưỡng những tâm hồn khát khao. Chúng tôi xếp hàng ở lối vào bên cạnh của Nhà thi đấu Nam Lĩnh ở Trường Xuân để đi vào một cách trật tự, chúng tôi đi qua lối đó bởi chúng tôi là người bản địa, lối vào chính dành cho những người từ nơi xa đến. Mọi người nhắc nhở nhau giữ trật tự và nghĩ cho người khác, không nán lại địa điểm quá lâu để những người khác có thể tham quan triển lãm.

Sau khi bước vào phòng triển lãm, chúng tôi thực sự chấn động bởi những tác phẩm trước mắt, có rất nhiều tác phẩm cao cấp như các bức chân dung của Sư phụ, biểu ngữ ca ngợi Sư phụ, và các tác phẩm thủ công tinh xảo nối tiếp nhau, quả thực, chúng tôi có chút choáng ngợp. Điều quan trọng không phải là trình độ của những tác phẩm này cao đến mức nào, mà điều xúc động tâm linh chúng tôi chính là sự chân thành trong mỗi tác phẩm. Mỗi tác phẩm đều hàm chứa lòng tôn kính và cảm ân vô hạn đối với Sư tôn, niềm vui sướng và hạnh phúc tột độ khi đắc được Đại Pháp, cũng như niềm hân hoan phấn khởi khi được tái sinh. Trong tiếng nhạc nền mỹ diệu, chúng tôi thả hồn trong bạt ngàn tác phẩm, lưu luyến trước mỗi bức tranh mà trong lòng tràn đầy xúc động và niềm hạnh phúc.

Chúng tôi cũng chụp hình lưu niệm trước bức chân dung của Sư phụ. Trong bức họa, Sư phụ đứng trên đỉnh núi đang dang tay chỉ về phía xa. Chúng tôi dù ngồi hay đứng đều hợp thập một cách cung kính trước bức họa, lưu lại một khung cảnh khó quên. Có rất nhiều đồng tu muốn chụp ảnh, nhưng không ồn ào hay chen lấn, tất cả đều lẳng lặng chờ đợi, đều một lòng tôn kính Sư tôn và cùng chung niềm vui và hạnh phúc. Dưới ánh Phật quang phổ chiếu, tâm hồn chúng tôi được thanh lọc, hành vi theo đó cũng trở nên tao nhã, trang nghiêm.

Trong bầu không khí như vậy, chúng tôi thực sự không muốn rời đi, nhưng khách đến thăm rất đông, chúng tôi không thể nán lại quá lâu đành miễn cưỡng rời khỏi phòng triển lãm. Sự kiện trọng đại này khiến chúng tôi quá chấn động, nơi nhân gian có vị Sư phụ nào có được vinh diệu đó, có vị Sư phụ nào có thể làm cho biết bao nhiêu người đạo đức hồi thăng, thoát thai hoán cốt, thân tâm kiện khang, hiểu rõ ý nghĩa nhân sinh và tiếp tục trở về? Hãy nhìn những bức tranh, biểu ngữ và tác phẩm thư pháp, tất cả đều là những lời ca tụng Sư phụ!

Đôi khi tôi nghĩ, những lời bịa đặt, vu khống Sư phụ truyền Pháp để kiếm tiền phô thiên cái địa khắp các phương tiện truyền thông vào năm 1999 thật hoang đường và lố bịch làm sao! Trong số những phúc lành mà Sư phụ đã ban cho các đệ tử, điều gì có thể mua được bằng tiền? Tôi chưa từng được gặp qua Sư phụ, chỉ mới đọc sách và luyện động tác mà đã sống sót qua bước đường cùng, bảo tôi hy sinh mạng sống, tôi cũng không do dự, chứ nói gì đến tiền. Nhưng Sư phụ của chúng tôi rốt cuộc không nhận của chúng tôi đến một xu, mà có hơn hàng vạn đệ tử như tôi. Còn nói về triển lãm lần này, Đại Pháp mới truyền ra được năm năm, mà có nhiều tác phẩm biểu đạt tiếng lòng đến vậy, mỗi bức tranh trưng bày là một câu chuyện tu luyện khiến tôi vô cùng tán thán. Sau khi tu luyện, thân bệnh của tôi đã hồi phục một cách kỳ diệu, nhưng so với các đồng tu thì như vậy là quá bình thường. Chuyện kể rằng, nhiều người trong chúng tôi đã giải quyết được căn bệnh nan y, người điếc trong nhiều năm có thể nghe trở lại, người mù lại thấy được ánh sáng, người bị liệt có thể đi lại, những người ung thư thấy mình hết bệnh, chuyện gì cũng có. Đây là sự thần kỳ của Đại Pháp.

Năm 1997, gần 10.000 người đã đến thăm sự kiện lớn tại Nhà thi đấu Nam Lĩnh ở Trường Xuân. Trong gần một tuần diễn ra triển lãm, tôi tin rằng những ai đã có dịp tham gia sự kiện đó, trong lòng sẽ đọng lại những trải nghiệm khó phai. Chỉ tiếc là, sau nhiều năm bị ĐCSTQ bức hại, không biết còn lưu giữ lại được bao nhiêu trong số gần 1.000 tác phẩm đó.

3. Đến Trường Xuân tham gia buổi giao lưu

Trước khi cuộc bức hại bắt đầu, chúng tôi có thể học Pháp và luyện công cùng nhau, sau khi học Pháp và luyện công xong, mọi người sẽ ngồi lại để chia sẻ tâm đắc tu luyện và niềm vui sau khi đắc Pháp. Một chủ cửa hàng nhỏ kể cho chúng tôi nghe cô bị thấp khớp sau khi sinh con, dù có chữa trị bằng cách nào thì mùa hè cô ấy vẫn không thể mặc váy, vô cùng thống khổ. Sau khi tu luyện, cô ấy hồi phục nhanh chóng và trông cô ấy luôn rất vui vẻ! Một công nhân bị bệnh gan nặng, người gầy nhom, mặt vàng như sáp, và không bao giờ thấy anh cười. Sau khi tu luyện, các triệu chứng bệnh gan biến mất, anh trở nên vui vẻ hơn, việc nặng cũng có thể làm, vợ anh thấy thế cũng theo anh tu luyện. Một thầy giáo trẻ cũng mắc bệnh gan nặng, nhiều lần phải nhập viện, anh đã dùng một số bài thuốc dân gian nhưng không có chuyển biến nhiều khiến anh rất nản lòng. Vốn là một người rất mạnh mẽ, bệnh tật làm anh cảm thấy không có tương lai, suy sụp, chán nản và tuyệt vọng. Sau khi tu luyện Đại Pháp, sắc mặt anh hồng hào trở lại, chất lượng giảng dạy của anh được cải thiện và anh được học sinh rất yêu mến. Còn còn có một bà lão ngoài 60 tuổi bị viêm khớp dạng thấp nặng đến mức các khớp ngón tay của bà đều bị biến dạng. Bà chưa bao giờ được đi học, bà hoàn toàn mù chữ, ngay cả các số La Mã trên đồng hồ bà cũng không biết. Sau khi luyện công, bệnh thấp khớp của bà biến mất, các khớp ngón tay trở lại bình thường. Điều tuyệt vời nhất là bà lão đã có thể đọc được “Chuyển Pháp Luân”. Vào sinh nhật lần thứ 80 của bà, con trai của bà, một vị hiệu trưởng, đã tự hào thốt lên: “Mẹ tôi quá giỏi. Bà đọc sách mỗi ngày!” Những ví dụ như vậy có rất nhiều, chỉ cần bạn gặp một người tu luyện, sẽ có rất nhiều câu chuyện như vậy để kể. Vào quãng thời gian đó, dường như mỗi ngày với chúng tôi đều tràn ngập hạnh phúc. Chúng tôi luôn khích lệ và nhắc nhở nhau làm thế nào để làm tốt hơn, đạt tới tiêu chuẩn của một người tu luyện hơn, bởi vì Sư phụ đã yêu cầu chúng tôi ở nơi nào cũng làm người tốt, người tốt hơn nữa. Trước kia, tôi bướng bỉnh và vô lý, nay đã biết khoan dung, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu cũng được cải thiện. Trước đây, tôi luôn đấu tranh để được giao những việc nhẹ nhàng hơn, thì giờ đây tôi được giao việc gì làm việc nấy, không một lời oán thán. Tôi từng rất coi trọng lợi ích, bây giờ tôi không tranh không đoạt. Những câu chuyện như thế được chia sẻ hàng ngày, vậy nên sinh mệnh của tôi tràn đầy hy vọng, theo đuổi tinh thần cao thượng, mỗi ngày đều cảm thấy được tịnh hóa, cuộc sống của tôi đầy ý nghĩa!

Vào mùa đông năm 1997, chúng tôi đến Trường Xuân để tham gia một Pháp hội quy mô lớn, trên đường đi, tôi cảm thấy như đang đi hành hương vậy, bởi vì tôi biết mình đã may mắn nhường nào và tôi đã được tham gia vào một cộng đồng ra sao. Thật là một cơ duyên hiếm có!

Có rất nhiều người tham gia Pháp hội này, và buổi giao lưu được tổ chức trong một nhà hát lớn với mười mấy đồng tu đọc bài chia sẻ. Họ viết ra tâm đắc tu luyện của mình một cách rất trang trọng, chia sẻ về những thay đổi và niềm vui sau khi tu luyện, cùng lòng biết ơn và tôn kính vô hạn đối với Sư phụ. Nhiều đồng tu đã nghẹn ngào trong khi phát biểu, còn chúng tôi ở dưới cũng rưng rưng nước mắt.

Có một cô giáo từ một trường cấp hai nổi tiếng, cô ấy dạy rất giỏi, có đến mấy ngăn kéo bằng khen. Nhưng khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, cô lại gặp vấn đề về sức khỏe. Cô bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư trực tràng giai đoạn cuối, sinh mệnh của cô chuẩn bị kết thúc. Dạo đó, cô vô cùng đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần, cô không thể chấp nhận rằng cuộc đời mình đang ở thời kỳ đỉnh cao lại đi đến kết cục như vậy, con cô còn nhỏ, làm sao có thể chết được? Cô không thể tin và cũng không muốn tin, nhưng sự thật cứ ở ngay trước mắt, cô vừa thống khổ vừa hoang mang. Sau khi suy nghĩ rất nhiều, cô đột nhiên nhận ra rằng những vinh quang mà cô dốc sức để có được dường như rất xa vời, cô không thể mang theo chúng, cô cũng không biết mình có thể mang theo thứ gì, và cô sẽ đi đâu. Ngay trong lúc mê mang và tuyệt vọng, cô đã gặp được Đại Pháp, nhờ đó cô được tái sinh. Sau khi đọc hết cuốn Chuyển Pháp Luân, cô hiểu ra mọi chuyện, biết được ý nghĩa thực sự của cuộc sống và mục tiêu của cuộc đời mình. Nghĩ đến việc khỏe mạnh về cả thể xác lẫn tinh thần, và lại một lần nữa được nhìn thấy ánh mặt trời, cô không kìm được nước mắt. Cô đã nghẹn ngào trên sân khấu, còn chúng tôi ở dưới cũng nhòa lệ. Sau khi tu luyện, sức khỏe của cô hồi phục và cô lại tiếp tục công việc giảng dạy, kết quả khóa học rất tốt, học sinh cũng rất thích học cô. Mỗi khi bình bầu danh hiệu, trong khi các giáo viên khác cạnh tranh quyết liệt, thì cô ấy, người đủ tiêu chuẩn nhất, lại chủ động rút tên hết lần này đến lần khác. Lãnh đạo của cô đã rất xúc động và nói trước mặt trước mặt các giáo viên khác rằng: “Giá như tất cả các thầy cô có thể tu luyện Pháp Luân Đại Pháp như cô ấy, thì sẽ không có tranh đoạt nữa, và thành tích của mọi người sẽ rất xuất sắc!”

Còn có một thanh niên từng là một tay giang hồ khét tiếng, hút chích, rượu chè, cờ bạc, đánh nhau, việc xấu nào cũng làm khiến gia đình và xã hội đau đầu. Nhưng sau khi bước vào tu luyện Đại Pháp, anh đã bỏ hết mọi tật xấu, học cách nấu ăn và cuối cùng trở thành đầu bếp trong một nhà hàng, công việc rất tốt. Khi đi mua hàng anh rất trung thực, không tham, không chiếm, khiến ông chủ của anh rất hài lòng. Mọi người xung quanh nói rằng anh ấy đã thay đổi hoàn toàn thành một con người khác. Anh cảm thấy cuộc sống trước kia của mình vô cùng u ám, thấy bắt nạt người khác thì có vẻ ngang tàn, ai cũng sợ anh, nhưng anh không vui chút nào. Sau khi tu luyện, anh cảm thấy trong lòng tràn đầy ánh dương, sáng ngời và hạnh phúc. Anh cảm thấy cuộc sống như vậy mới thực sự có ý nghĩa.

Các đồng tu đọc bài chia sẻ còn có công nhân, nông dân, quân nhân v.v..đủ mọi ngành nghề, đủ mọi giai tầng, và mỗi người đều có những câu chuyện cảm động của riêng mình, tôi sẽ không kể thêm ở đây. Nhưng những trải nghiệm đó đủ để minh chứng cho sự tốt lành của Pháp Luân Đại Pháp và cộng đồng các học viên. Bởi vậy, sau năm 1999, tôi thực sự không thể lý giải nổi làm thế nào mà những nhà lãnh đạo đất nước lại giơ con dao đồ tể lên để chống lại một nhóm người như vậy, đẩy họ sang phía đối diện, ngăn cản họ theo đuổi những điều cao đẹp, thiện lương? Những hành động như thế có được coi là hợp lý không? Điều đó rõ ràng là đánh vào đạo đức và tâm hồn hướng thiện của con người, đó chẳng phải là đẩy con người xuống địa ngục sao? Chẳng phải là hại mọi người sao?

Tôi thực sự hy vọng rằng mọi người có thể liễu giải chân tướng, không bị mê hoặc và có một tương lai tốt đẹp.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/6/29/445347.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/7/6/210194.html

Đăng ngày 20-07-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share