[MINH HUỆ 02-12-2022] Kê Tây, một thành phố lớn ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, nằm ở phía Tây của núi Kê Quan (núi mào gà), có dân số khoảng hai triệu người bao gồm ba thành phố: Kê Tây, Mật Sơn, Hổ Lâm, và huyện Kê Đông.

Mặc dù Kê Tây là một địa danh ít được biết đến, ngay cả trên bản đồ Trung Quốc cũng ít được coi trọng, nhưng địa danh này từ lâu đã được Thần ưu ái, nơi đây lưu truyền một câu chuyện cổ xưa gắn liền với thành phố Kê Tây và núi Kê Quan.

Truyền thuyết kể rằng, cách đây lâu lắm rồi, nước sông Mục Lăng mênh mông cuồn cuộn. Sau khi chảy qua chân núi Lão Gia, nó chạy chậm lại ở khu vực đồng bằng, cung cấp nước cho đất canh tác ở hai bên bờ sông. Tại hạ nguồn, cư dân địa phương tha hồ chèo thuyền, đánh cá, dẫn nước tưới tiêu.

Không ngờ một ngày nọ, một con rùa thành tinh (rùa tinh) bỗng nhiên ở đâu bơi đến. Nó ẩn mình ở hố nước sâu dưới chân núi Đao Bối và thường xuyên lui tới tấn công gà, ngỗng, lợn, cừu của người dân địa phương. Đôi khi nó còn gây họa, làm ra lũ lụt khiến nước sông tràn bờ, nhấn chìm đồng ruộng, phá hoại mùa màng. Trước sự phá hoại nặng nề đó, người dân trong vùng đã thành kính dâng lễ vật cầu nguyện ông Trời phái thần binh xuống hạ giới diệt trừ yêu quái rùa tinh.

Một ngày nọ, rùa tinh lại gây chuyện, trời nổi sấm chớp đùng đoàng, mưa lớn tầm tã nhấn chìm cả vạn hecta đất đai mùa màng của người dân. Vào đúng thời khắc nguy cấp, hai chú gà trống cao tầm 6 – 7 thước từ phía Tây bay tới, lượn vòng vòng rồi cất tiếng gáy rung trời vang dội. Chúng thay phiên nhau tấn công rùa tinh, cứ nhằm vào mắt rùa tinh mà mổ. Dân chúng thấy vậy vô cùng mừng rỡ, vội vàng khua chiêng gõ trống trợ uy. Đồng thời, bất cứ khi nào rùa tinh nổi lên khỏi mặt nước, họ liền ném đá và vôi vào nó. Trải qua mấy ngày liên tục, cuối cùng rùa tinh bị hai chú gà trống làm mù mắt, bị người dân ném đá vỡ nát mai, chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước.

Hai chú gà trống khổng lồ đáp xuống, gáy lên ba hồi rồi ngay tại chỗ hóa thành hai ngọn núi sừng sững oai nghiêm, trông giống như mào gà. Người dân địa phương đặt tên cho chúng là núi “Mào gà lớn” và núi “Mào gà nhỏ” (hiện nay núi mào gà nhỏ đã bị san bằng). Rùa tinh cũng biến thành một ngọn đồi nhỏ trông giống như hình con rùa.

Theo sử sách ghi lại, hai chú gà trống khổng lồ vốn là hai vì tinh tú trong 28 chòm sao trên trời, được Ngọc Hoàng phái xuống để trừ họa cho dân chúng dưới hạ giới. Sau khi gà trống diệt được rùa tinh, người dân trong vùng trở lại cuộc sống yên bình. Những chú gà này cũng mang theo tiếng gáy để đánh thức nhân gian. Ở ngọn núi Thần Đỉnh, gần Kê Tây, nơi cao nhất trong vùng, cũng là nơi nhìn thấy mặt trời mọc đầu tiên trong những đỉnh núi phía Đông. Hàng năm, vào lúc 2:30 sáng của ngày Hạ Chí, ở các khu khác bầu trời mới còn bàng bạc, thì ở Thần Đỉnh mặt trời đã ló rạng, lúc này cũng là thời khắc quan trọng gà gáy sáng, chỉ trong tích tắc vạn vật bừng tỉnh và tràn đầy sức sống.

Giống như nhiều khu vực khác ở Trung Quốc, người dân Kê Tây đã bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp khi pháp môn này được truyền xuất ra công chúng vào năm 1992. Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tà ác bắt đầu bức hại Pháp Luân Đại Pháp vào tháng 7 năm 1999, vô số học viên đã phải chịu đựng thống khổ để bảo vệ tín ngưỡng của họ.

Núi Kê Quan và sông Mục Lăng đã âm thầm ghi lại cuộc đọ sức giữa thiện và ác, chính và tà trên đất nước Trung Quốc, đồng thời cũng ghi lại việc các đệ tử Pháp Luân Đại Pháp bất chấp sinh tử đánh thức lương tâm của thế nhân, cứu độ chúng sinh trong hoàn cảnh vô cùng gian nan ác liệt.

Phật quang phổ chiếu khắp phía Đông Trung Quốc

Ngày 13 tháng 5 năm 1992, Sư phụ Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, đã truyền xuất pháp môn thượng thừa của Phật gia, Pháp Luân Đại Pháp, hay còn được gọi là Pháp Luân Công, tại thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, chỉ dẫn mọi người tu luyện theo nguyên tắc Chân-Thiện-Nhẫn. Pháp Luân Đại Pháp không chỉ có thể làm cho người tu luyện có thân thể khỏe mạnh, mà quan trọng hơn, là còn có thế khiến mọi người tu tâm hướng thiện, đạo đức hồi thăng, được vô số dân chúng nhiệt liệt hoan nghênh.

Năm 1994, hai học viên Kê Tây may mắn được trực tiếp nghe Sư phụ Lý giảng Pháp đã bắt đầu hồng Pháp và hướng dẫn các bài công pháp tại quê nhà của họ. Pháp Luân Đại Pháp bắt đầu được hồng truyền ở vùng viễn Đông của Trung Quốc. Kể từ đó đã mở ra nhiều hình thức học Pháp truyền công ở các vùng thành thị cũng như nông thôn dọc theo sông Mục Lăng. Đến năm 1999, số học viên Pháp Luân Đại Pháp ở khu vực Kê Tây đã lên tới khoảng 20.000 người.

Học Pháp dưới ánh đèn đường

Mùa xuân năm 1997, cùng với sự phổ biến của Pháp Luân Đại Pháp, số người học Pháp luyện công ở Kê Tây đã tăng lên nhanh chóng. Kinh văn “Giảng Pháp tại một buổi gặp mặt ở New York” của Sư phụ đã truyền tới khu vực Kê Tây. Vào một buổi tối tháng 5, sau khi các học viên đến luyện công tập thể ngoài trời tại Nhà khách Cục Khai thác Mỏ Kê Tây như thường lệ, phụ đạo viên nói với mọi người: “Kinh văn mới của Sư phụ đến rồi,” mọi người đều háo hức muốn được học ngay. Song, trời đã tối lại không có phòng để học, hơn 30 học viên đã ngồi ngay dưới chân một chiếc đèn đường để học Pháp.

Đom đóm bay lượn xung quanh ngọn đèn và ven đường có nhiều người đi bộ. Nhưng lúc đó các học viên chỉ chăm chú học Pháp mà không chú ý đến mọi thứ xung quanh. Một số học viên mới trong nhóm đang trong quá trình tịnh hóa thân thể. Họ thấy bài giảng của Sư phụ vừa hay nhắm vào vấn đề tiêu trừ nghiệp bệnh, các Pháp lý bác đại tinh thâm đã thấm sâu và chỉ đạo tâm trí họ, giúp họ có thể nhanh chóng vượt qua khổ nạn.

Đến Trường Xuân, nơi khởi nguồn của Đại Pháp để học hỏi

Sau khi nghe nói các đồng tu ở Trường Xuân, quê hương của Sư phụ, có kinh nghiệm học Pháp rất tốt, các học viên ở Kê Tây rất muốn được học hỏi từ họ. Mùa hè năm 1997, khoảng 10 học viên Kê Tây đã đến gặp các học viên ở Trường Xuân để học hỏi, giao lưu.

Khi đi đến thủ phủ Cáp Nhĩ Tân của tỉnh, họ quyết định ở lại đó một thời gian. Một người phụ trách ở Cáp Nhĩ Tân đã đưa họ đến thăm nhà của một học viên ngoài 60 tuổi và nghe bà đọc thuộc lòng Chuyển Pháp Luân, cuốn sách gồm các bài giảng của Pháp Luân Đại Pháp. Khi một học viên khác chọn ngẫu nhiên một mục hay một đoạn trong cuốn sách, người phụ nữ liền đọc thuộc lòng một cách trôi chảy, không sai khác một chữ nào. Bà nói với các học viên ở Kê Tây: “Nhiều người ở Cáp Nhĩ Tân đang học thuộc Pháp.”

Khi đến Trường Xuân, các học viên từ Kê Tây đã cùng với một số học viên địa phương đến Công viên Thắng Lợi, nơi Sư phụ Lý từng đích thân dạy các bài công pháp. Hầu hết các nơi trong công viên đều chật kín các học viên Pháp Luân Công. Họ đứng thành hàng ngay ngắn và bắt đầu luyện công theo nhạc nền phát từ máy cát-xét di động. Vào buổi tối, nhóm học viên từ Kê Tây tham gia buổi học Pháp nhóm tại địa phương. Trong sảnh tầng một của một câu lạc bộ, có khoảng hơn 100 học viên ngồi ngay ngắn ở hai bên hành lang và đọc Pháp. Nếu nhìn kỹ sẽ thấy họ hầu hết là những chàng trai trẻ trạc 20 tuổi.

Ngày hôm đó, họ đang học Bài giảng thứ năm trong Chuyển Pháp Luân. Phụ đạo viên nói: “Chúng ta sẽ học tiếp theo ngày hôm qua, ai thuộc rồi thì đọc to, ai chưa thuộc thì nhìn sách.”

Một học viên trẻ bắt đầu đọc thuộc một đoạn, đọc xong một đoạn thì đến học viên tiếp theo, cứ như thế cho đến khi đọc hết. Các học viên từ Kê Tây đã rất chấn động vì những người đọc thuộc lòng không phạm một lỗi nào.

Trong bốn ngày học hỏi và giao lưu, các học viên từ Kê Tây đã chứng kiến ​​cách các học viên Trường Xuân đọc thuộc lòng các bài giảng của Đại Pháp đúng như Sư phụ đã giảng. Họ cảm thấy có động lực để học Pháp tốt hơn và hồng truyền Pháp Luân Đại Pháp.

Tổ chức Pháp hội tại quê nhà

Pháp hội là một hình thức không thể thiếu để các học viên Pháp Luân Đại Pháp đề cao, và đó cũng là một cuộc tụ hội lớn của các học viên. Vào một ngày mùa hè năm 1998, hôm đó là một ngày nắng đẹp và các học viên Kê Tây bước vào hội trường Pháp hội với một tâm thái trang nghiêm và biết ơn. Hội trường không thể chứa tất cả mọi người. Tất cả 1.200 chỗ ngồi trong Câu lạc bộ Trường Y tế Kê Tây đã chật kín, các học viên còn đứng đầy cả lên sân khấu, trong hành lang và bên ngoài cửa khán phòng.

Một học viên từ quận Hằng Sơn chia sẻ rằng cô ấy và chồng đã ly hôn sau khi chồng cô ngoại tình, điều đó khiến cô thổn thương nặng nề cả về tinh thần và thể chất. Phải chịu áp lực một mình nuôi mấy đứa con, mỗi ngày cô đều cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Cô cũng mất hứng thú với công việc và gần như chỉ muốn kết liễu đời mình. Sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, cô hiểu ra rằng hoàn cảnh của mình không phải là ngẫu nhiên. Những khổ nạn của cô đều có mục đích, là hoàn nghiệp cho những việc làm sai trái trong quá khứ của cô. Khi nhận thức về Pháp của cô thay đổi, cô thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa. Các con cô trở nên ngoan ngoãn, hiếu thảo, không còn tranh cãi với cô nữa, mối quan hệ của cô với đồng nghiệp được cải thiện và cô lại yêu thích công việc của mình. Ngoài có sức khỏe tốt, cô còn sống một cuộc sống hạnh phúc mỗi ngày. Cô nói: “Tôi thật may mắn khi đã đắc được Đại Pháp.”

Một nữ học viên đang ngồi trên sàn ở lối đi quay đầu lại thì thầm với một học viên lớn tuổi phía sau: “Nhìn kìa, một Pháp Luân lớn đang quay trên mái nhà!”

Pháp hội đã diễn ra thành công tốt đẹp. Bằng cách lắng nghe trải nghiệm của các đồng tu khác, các học viên trên khắp thành phố Kê Tây đã học được cách tinh tấn hơn trong tu luyện. Mọi người bắt đầu tinh tấn học Pháp, học thuộc Pháp, và hành xử chiểu theo Chân-Thiện-Nhẫn mỗi ngày. Những người có công việc toàn thời gian thường dành mỗi Chủ Nhật để học Chuyển Pháp Luân tại một khu rừng gần Cục Khai thác Mỏ Kê Tây. Một số học viên đóng cửa ở nhà học từ bài giảng thứ nhất đến bài giảng thứ chín của Chuyển Pháp Luân. Một số học Pháp theo các nhóm nhỏ, từ 3-5 học viên,cùng nhau học Pháp, trao đổi. Có người tận dụng hết thảy thời gian để đọc và học thuộc Chuyển Pháp Luân, ở Kê Tây dấy lên phong trào học Pháp. Việc học Pháp nhiều đã thay đổi căn bản về nhân sinh quan, thế giới quan của các học viên. Các học viên nhận ra rằng bản thân đã đắc được Đại Pháp trân quý biết bao, và nhận ra rằng chỉ có tinh ấn thực tu mới là chính đạo dẫn đến công thành viên mãn.

Nhận thấy nhiều người khác có thể gặp khó khăn trong cuộc sống, các học viên thường ra ngoài nói chuyện với người dân địa phương về Pháp Luân Đại Pháp. Một số học viên đã sao chép các băng ghi âm và video bài giảng của Sư phụ Lý. Nhiều người đã đến các thành phố, thị trấn và làng mạc lân cận để hồng Pháp cho mọi người. Họ giương các biểu ngữ, phát băng hình các bài giảng của Sư phụ, hướng dẫn năm bộ công pháp, và trao sách Đại Pháp cho những người hữu duyên.

1cd5d721aa66e4c9db2478539c2e0eda.jpg

Một biểu ngữ của Pháp Luân Đại Pháp

9f6402daf28cb1262f546e71719b5102.jpg

Các áp phích liên quan đến Pháp Luân Đại Pháp

675504da98926dc2994cc6d3ac5f5739.jpg

Luyện công tập thể gần Nhà khách Cục khai thác mỏ Kê Tây

cfc804d059f859bdce5873364dadb72c.jpg

Người dân địa phương đọc các áp phích Pháp Luân Đại Pháp

f083f56f83eeec3cac72bd0a9c513952.jpg

c5298ebb4e91f3f05145031155000dbc.jpg

Các học viên giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp cho mọi người trước khi pháp môn bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp vào năm 1999.

Theo thời gian, nhờ người truyền người, tâm truyền tâm, ngày càng có nhiều người nghe nói về Pháp Luân Đại Pháp và bước vào tu luyện. Số điểm luyện công từ một, hai, rồi đến mười điểm, tăng theo cấp số nhân. Khắp mọi nơi, dù là trong công viên, ven đường, nơi trường học, nhà máy hay các thôn làng, đâu đâu cũng có thể thấy mọi người tu luyện Đại Pháp. Trước tháng 7 năm 1999, đã có hơn 20.000 học viên ở khu vực Kê Tây. Các nhóm học Pháp, điểm luyện công nở rộ khắp nơi, Pháp Luân Công đã bén rễ vào trái tim của người dân nơi đây.

(Còn tiếp)

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2022/12/2/452570.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/7/8/210228.html

Đăng ngày 14-07-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share