Bài viết của một khán giả Shen Yun tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 17-03-2023] Sau khi xem Shen Yun, tôi có cảm xúc rất sâu sắc trước sự nhu hòa, tao nhã, khí chất cao quý, thoát tục đằng sau mỗi động tác của các nữ nghệ sỹ múa. Họ thực sự truyền tải được sự dịu dàng, đức hạnh, vẻ đẹp và trí tuệ của người phụ nữ Trung Quốc truyền thống, đó không phải chỉ là vẻ đẹp bề ngoài — mà là sự thanh lịch tự nhiên, nhẹ nhàng toát ra từ trái tim và tâm hồn của mỗi người nghệ sỹ.

4a1a808e3fd4ed57042527066b71febf.jpg

Các nghệ sỹ Shen Yun là hiện thân của vẻ đẹp truyền thống. (shenyundancer.com)

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lên nắm quyền kiểm soát Trung Quốc vào năm 1949, nó đã hủy hoại từ gốc rễ nền văn hóa và đạo đức truyền thống vốn là nền tảng của người Trung Quốc trong suốt hàng nghìn năm qua.

Nỗ lực này lên đến cao trào trong cuộc Cách mạng Văn hóa từ năm 1966 đến năm 1976, khi các chuẩn mực truyền thống của xã hội hoàn toàn bị loại bỏ và thay thế bằng văn hóa đấu tranh giai cấp của ĐCSTQ. Người Trung Quốc bị cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ với cội nguồn văn hóa thần truyền năm nghìn năm của chính mình, trở thành những đứa trẻ mồ côi đánh mất tổ tiên, đánh mất các giá trị đạo đức.

Theo đó, hình ảnh của người quân tử trọng nghĩa khinh lợi gần như biến mất khỏi xã hội Trung Quốc. Con người phát triển theo hướng ngày xa rời khí phách của bậc hiền nhân vốn tôn trọng chính trực và danh dự trong cuộc sống hằng ngày. Những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Trung Quốc truyền thống cũng trở nên méo mó biến dị đến không thể nhận ra, quả thực có thể nói rằng đã ‘hoàn toàn thay đổi’.

Trong quá trình không ngừng cổ xúy bạo lực cách mạng và đấu tranh giai cấp, ĐCSTQ đã cố tình làm giảm đi sự khác biệt giữa nam và nữ. Nó bác bỏ các phẩm chất của phụ nữ truyền thống, chỉ trích chúng là “hủ tục của xã hội phong kiến”. Thay vào đó là “những người phụ nữ sắt đá”, những người “Đảng bảo làm gì thì làm nấy”.

Trải qua nhiều thập kỷ, Trung Quốc ngày nay đâu đâu cũng có những “phụ nữ hiện đại”, tranh cường hiếu thắng, độc đoán, và muốn được kiểm soát. Ngoài ra, do độc lập về tài chính, nhiều người có cái tôi tự mãn khiến họ gần như không thể tìm lại được những đức tính đáng quý của người phụ nữ trong bản thân mình.

Theo học thuyết âm dương — nền tảng của văn hóa truyền thống Trung Quốc — nam giới thuộc tính dương, điều đó có nghĩa là họ có khuynh hướng mạnh mẽ và cứng rắn. Mặt khác, nữ giới thuộc tính âm, nghĩa là họ có khuynh hướng dịu dàng và mềm mại. Nam nữ một cương một nhu nương tựa vào nhau mới có thể chung sống hòa thuận. Người này hỗ trợ người kia bằng điểm mạnh của chính mình.

Tuy nhiên, ở Trung Quốc đại lục ngày nay, nhiều phụ nữ đã làm đảo lộn sự cân bằng này, kiểm soát người chồng của họ một cách cực đoan đến mức những người đàn ông này trở nên mất hết nam tính, phục tùng, không có tiếng nói trong gia đình, bị người vợ kiểm soát mọi việc từ tài chính đến tinh thần. Gia đình họ mất đi sự hòa thuận vốn có của một cuộc sống hạnh phúc, dẫn đến tỷ lệ ly hôn và ngoại tình ngày càng cao.

7ce037c27c5841da3d805b8a04f89b9e.jpg

Sự cân bằng đối lập giữa nam và nữ trong truyền thống đảm bảo một cuộc sống gia đình hạnh phúc. (Nguồn ảnh: Pixabay)

Khi vấn đề xảy ra, mọi người thường tìm kiếm nguyên nhân bên ngoài mà không biết nguyên nhân căn bản là do đạo đức của con người đã bị bại hoại khi họ ngày càng xa rời các chuẩn mực đạo đức đã duy trì nhân loại hàng nghìn năm.

Kỳ thực, tôi cũng nhận thấy tâm lý biến dị này thể hiện trong bản thân mình rất mạnh. Một mặt, tôi muốn chồng phải mạnh mẽ hơn tôi, có khí phách của một người đàn ông thực thụ. Mặt khác, tôi lại luôn dùng ‘tài năng’ của mình để cố gắng áp chế anh ấy và yêu cầu anh phải phục tùng tôi. Đó chẳng phải là mâu thuẫn sao? Thảo nào chồng tôi lúc nào cũng khó xử, không biết làm thế nào tôi mới vừa lòng. Bị điều khiển bởi tư tưởng biến dị như vậy, làm sao một người phụ nữ có thể duy trì một gia đình hạnh phúc?

Tôi đã nhận được rất nhiều lợi ích từ việc xem biểu diễn Shen Yun, và tôi cũng được truyền cảm hứng từ các nghệ sỹ Shen Yun về cách chúng ta có thể kế thừa và phát huy các phẩm chất của người phụ nữ Trung Hoa truyền thống trong thế giới ngày nay.

Dưới đây là một vài chia sẻ trải nghiệm từ các vũ công Shen Yun.

Bí quyết lay động lòng người: tái hiện chân thực đạo đức truyền thống

Bà Tào Tường, giáo viên múa tại Học viện Nghệ thuật Phi Thiên và cựu nghệ sỹ múa chính của Shen Yun, cho biết múa cổ điển Trung Quốc có phong cách và đặc điểm hết sức đặc biệt. Cách biểu đạt của nó vô cùng đặc sắc và ý nhị, đòi hỏi những yêu cầu đặc biệt về nội tâm người biểu diễn. Và quan trọng nhất, nó là di sản của nền văn hóa lâu đời của dân tộc Trung Hoa, mang nội hàm được tích lũy từ kinh nghiệm của người Trung Quốc trong suốt chiều dài lịch sử.

Nét đặc trưng của múa cổ điển Trung Quốc khiến nó khác biệt với hầu hết các thể loại múa khác. Thân pháp của người biểu diễn, hay còn gọi là “vận”, bổ sung thêm một tầng ý nghĩa nữa cho mỗi động tác, bắt nguồn từ những phẩm chất mà người Trung Quốc luôn theo đuổi trong hàng thiên niên kỷ qua, đó là thuần chân, thuần thiện, và thuần mỹ.

“Học múa cổ điển Trung Quốc bao gồm rèn luyện tinh thần, năng lượng và trí huệ của người học. Vậy nên, khi học múa cổ điển Trung Hoa và nắm vững các kỹ thuật múa, tính cách và hành vi của người học có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn từng chút từng chút một, ngay cả bản thân người học cũng không nhận ra”, bà Tào cho biết. “Ví dụ, nó có thể khiến một đứa trẻ nhút nhát, hay lo lắng trở nên vui vẻ và lạc quan. Một đứa trẻ nghịch ngợm, bướng bỉnh sẽ trở nên chững chạc và mạnh mẽ.”

“Trong các buổi biểu diễn của Shen Yun, các nghệ sỹ nam đều rất mạnh mẽ, hoạt bát, tràn đầy năng lượng và sức sống. Còn các nghệ sỹ nữ khiến cho khán giả thấy được sự duyên dáng, thanh lịch, nhã nhặn, đoan trang đặc trưng của một người phụ nữ truyền thống.”

2f43131289b3f26da8b2335a906d754b.jpg

Bên trái: Nghệ sỹ múa Miranda Zhou-Galati. Bên phải: Thiệp chúc mừng năm mới tự làm của một học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc có ảnh của cô.

Cô Miranda Zhou-Galati, một nghệ sỹ múa chính của Shen Yun, đã nghiên cứu về người phụ nữ Trung Quốc truyền thống để thể hiện vai diễn của mình trên sân khấu.

“Vẻ nhã nhặn hết sức quan trọng”, cô Zhou-Galati nói. “Trong quá trình học múa cổ điển Trung Quốc, bạn có thể học được rất nhiều điều từ lịch sử và văn hóa truyền thống Trung Quốc. Những điều này, đến lúc nào đó, sẽ được phản ánh ra ngoài qua điệu múa của bạn, tựa như cách một bài thơ thể hiện nội tâm của nhà thơ.”

Kinh nghiệm của cô khi thể hiện vai diễn Hoa Mộc Lan trên sân khấu là dẫn chứng cho cách các vũ công Shen Yun trau dồi kỹ năng của họ—và chính bản thân họ.

“Là một cô gái phải nhập ngũ thay cha, Hoa Mộc Lan hẳn phải mạnh mẽ và dũng cảm hơn nhiều so với những cô gái khác cùng trang lứa”, cô Zhou-Galati nói:

Cô đã dành nhiều thời gian trong thư viện, đọc sách và các giai thoại ghi chép về câu chuyện Hoa Mộc Lan. Sau khi có vốn hiểu biết nhất định, cô đã luyện tập không biết bao nhiêu lần trước gương ở studio, cố gắng tìm ra những cử chỉ phù hợp có thể khắc họa chân thực thế giới nội tâm của nhân vật nữ chính này.

Việc nghiên cứu của Zhou-Galati giúp cô cảm nhận sâu sắc tâm lý nhân vật, từ đó cô tìm thấy hai phẩm cách khác nhau trong con người Hoa Mộc Lan. Thứ nhất là tinh thần chiến binh, dũng cảm và kiên cường, có đủ dũng khí để lãnh đạo binh lính chinh chiến nơi chiến trường. Thứ hai là tính cách nữ nhi, là thân phận mà cô trở lại sau khi trút bỏ bộ giáp lần cuối. Khi đó, Hoa Mộc Lan lại trở thành cô gái xinh đẹp, dịu dàng, hiếu thảo, hết lòng vì cha và gia đình.

“Để thể hiện “vận” trong điệu múa của mình, tôi đã đọc rất nhiều sách về văn hóa Trung Quốc. Bởi mỗi chuyển động cơ thể của múa cổ điển Trung Quốc thường được tạo nên bởi một phần lịch sử hoặc nội hàm văn hóa mang ý nghĩa rất phong phú”, cô Zhou-Galati cho biết. “Đặc biệt là khi tôi đóng vai trong một vở vũ kịch, tôi sẽ nghiên cứu câu chuyện về nhân vật trước và tìm hiểu xem điều gì khiến nhân vật nữ đó trở nên đặc biệt, tính cách của nhân vật như thế nào và khi đối mặt với những tình huống gặp phải, những loại cảm xúc và nội tâm phức tạp gì sẽ xuất hiện trong trạng thái đó?“

Nhờ kết hợp giữa nghiên cứu tính cách và luyện tập vũ đạo, cô Zhou-Galati đã không ngừng nâng cao hiểu biết của mình về văn hóa Trung Quốc. Trong suốt quá trình này, cô càng nhận ra tầm quan trọng của bản thân với tư cách là một vũ công Shen Yun.

7b14813b6452f8fc1b585ecbae6798c4.jpg

Tiết mục “Nữ Oa vá trời” do cô Miranda Zhou-Galati thể hiện, đã giành huy chương vàng nhóm nữ trẻ trong Cuộc thi Múa Cổ điển Trung Hoa Quốc tế lần thứ 6.

“Người Trung Quốc cổ đại rất chú trọng đến đạo đức, đây cũng là yếu tố quan trọng nhất của múa cổ điển Trung Quốc và các loại hình nghệ thuật truyền thống khác của Trung Quốc”, cô nói:

“Sau khi tôi thực sự nắm bắt được những phẩm chất bên trong của nhân vật mà mình thể hiện, tôi sẽ bắt đầu thử các động tác vũ đạo khác nhau để cảm nhận về các sắc thái ý nghĩa được truyền tải qua từng động tác và xem động tác nào có thể khắc họa tốt nhất đức tính của nhân vật”, cô tiếp tục. “Bằng cách này, các nhân vật tôi thể hiện có thể thực sự chạm đến trái tim của khán giả và giúp họ trân trọng vẻ đẹp và giá trị của văn hóa truyền thống Trung Quốc.”

Một phong cách múa xuất phát từ nội tâm

Hơn 20 năm trước, một cô gái nhỏ đến từ Đài Loan đã có một giấc mơ. Trong giấc mơ ấy, cô bay lên trời và nhìn thấy một nhóm tiên nữ trong bộ váy lụa màu vàng nhạt đang múa giữa những đám mây. Những điệu múa của họ vô cùng tuyệt diệu và tỏa ra năng lượng ấm áp rạng rỡ.

Trước cảnh tượng đó, cô bé không kìm được sự phấn khích và thốt lên.

“Tôi cũng muốn nhảy múa với họ!”

Năm 2008, cô gái tên là Lâm Hiếu Hoành (Tiffany Lâm) từ Nam Đầu, Đài Loan đã đến New York để bắt đầu khóa đào tạo trở thành nghệ sỹ múa Shen Yun. Khi học sâu hơn, cô nhận thấy rằng một số điệu múa mà cô được học giống hệt như những gì cô đã thấy trong giấc mơ của mình nhiều năm trước.

e1805608debcb1f9cb067e73fd919e46.jpg

Cô Lâm Hiếu Hoành, thí sinh giành huy chương vàng trong Cuộc thi Múa Cổ điển Trung Hoa Quốc tế lần thứ 5 và thứ 6 của Đài Truyền hình NTD.

Từ nhỏ, cô Lâm đã được giáo dục trong một môi trường thấm nhuần văn hóa truyền thống Trung Quốc, điều này giúp cô cảm thấy trân trọng và có thể truyền tải linh hồn của múa cổ điển Trung Quốc qua mỗi màn diễn của mình.

“Múa cổ điển Trung Quốc yêu cầu các nghệ sỹ phải múa từ nội tâm, đầu tiên là tâm động, sau đó thân thể mới động theo. Vì vậy, khi một nghệ sỹ biểu diễn bằng cả trái tim của họ, màn biểu diễn sẽ có sức truyền cảm và lan tỏa mạnh mẽ. Nó có thể phá vỡ rào cản giữa các quốc gia và các nền văn hóa, để mọi người trên khắp thế giới có thể hiểu được những câu chuyện và ý nghĩa bên trong các điệu múa mà chúng tôi truyền tải.”

“Tiên nữ là hiện thân vẻ đẹp bất tử của Thần, còn múa dân gian thể hiện vẻ đẹp của cuộc sống nơi nhân gian. Chỉ cần chúng ta có thể tìm thấy vẻ đẹp này sau mỗi tác phẩm và thể hiện nó qua điệu múa, thì khán giả sẽ cảm nhận được điều đó”, cô Lâm nói.

Các màn trình diễn của cô và tất cả các nghệ sỹ Shen Yun không chỉ đạt đỉnh cao về kỹ thuật, mà còn cực kỳ tinh tế trong cách biểu đạt cảm xúc và nội tâm. Đây là điểm khác biệt mà khán giả có thể cảm nhận được, thậm chí nhiều khán giả còn thốt lên: “Họ đang múa bằng cả cuộc sống của mình” và “vũ đạo của họ thật sống động!”

2712cb6ca44e311e3e4db508f0381e01.jpg

Cô Lâm Hiếu Hoành trong một cuộc thi múa.

Cô Lâm tin rằng lý do khiến nhiều khán giả xúc động trước các các điệu múa của Shen Yun có liên quan chặt chẽ đến đặc điểm vốn có của múa cổ điển Trung Quốc.

“Đặc điểm nổi bật của múa cổ điển Trung Hoa là xuất phát từ tâm. Chúng ta phải bắt đầu từ tâm của mình trước, sau đó kết nối với từng phương diện của cuộc sống. Ngoài ra, màn trình diễn của chúng tôi mang một thông điệp thiêng liêng, là ca ngợi Thần Phật, điều đó đòi hỏi chúng tôi phải bảo trì tâm thuần tịnh và tâm thái từ bi khi múa. Tôi tin đây là lý do tại sao khán giả cảm thấy chúng tôi đang múa bằng cả cuộc sống của mình”, cô nói.

“Nghệ thuật bắt nguồn từ Thần, và những tác phẩm nghệ thuật đầu tiên của loài người đều thể hiện mối liên hệ thần thánh này. Mục đích của tác phẩm nghệ thuật là thể hiện sự vĩ đại, uy nghiêm của các vị Thần và truyền cảm hứng cho con người hướng đến điều thiện lương. Vậy nên, tôi cho rằng loại hình nghệ thuật nào càng gần với Thần thì càng cao siêu.”

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/3/17/457803.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/4/24/208199.html

Đăng ngày 08-06-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share