Theo phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc
[MINH HUỆ 27-11-2011] Em Lưu Hiểu Lâm là một học sinh trung học ở thôn Hóa Long Kiều, thị trấn Hóa Long, thành phố Thọ Quang, tỉnh Sơn Đông. Em đạt điểm cao trong kỳ thi vào Đại học Quốc gia năm 2011. Tuy nhiên, viên chức Phòng 610 và chính quyền địa phương đã ngăn không cho em nhập học vì em và người nhà đều tập Pháp Luân Công. Em Lưu sau đó bị đưa đến trại lao động cưỡng bức vì đã bày tỏ sự bất bình của em về cuộc đàn áp Pháp Luân Công trên Internet. Ngay sau đó, cha em là ông Lưu Tông Cương và mẹ là bà Tùy Xảo Hồng cũng bị bắt vào trại lao động cưỡng bức.
Sáng ngày 9 tháng 8 năm 2011, khi em Lưu đang ở nhà một mình thì một nhóm công an, gồm có Trần Quang Minh ở Đồn công an thị trấn Hóa Long, đã xông vào nhà và bắt em. Công an sau đó đã quay lại căn nhà và lấy đi một máy tính, máy in và nhiều tài sản cá nhân khác.
Cậu của Lưu, ông Lưu Tông Huy, là người chứng kiến vụ đột nhập và đã yêu cầu công an dừng lại. Nhưng cậu của em đã bị đánh, bị cưỡng ép đẩy vào xe công an, và bị giam trong gần một tháng.
Em Lưu Hiểu Lâm đã bị giam tại đồn công an ba ngày và sau đó bị đưa đến một trại giam. Ngày 9 tháng 9 năm 2011, em bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức Vương Thôn để chịu án một năm.
Cha mẹ của em Lưu đã ngay lập tức rời khỏi nhà sau khi biết tin em bị bắt. Tối ngày 21 tháng 9, họ trở về nhà và bị những công an theo dõi ở nhà họ bắt giữ. Cả hai đã bị giam tại Trại giam Thọ Quang. Công an đã thẩm vấn hai người và ngược đãi họ về thể xác. Ông Lưu Tông Cương đã bị bức thực và bị cắm các đầu tăm tre vào móng tay.
Ông Lưu Tông Cương bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức Trương Khâu và chịu án trong 18 tháng. Bà Tùy Xảo Hồng bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức Chu Thôn ở thành phố Truy Bác với thời hạn 18 tháng tù.
Gia đình bị bức hại trong quá khứ
Cha mẹ em Lưu đã bị giam ba lần khác nhau ở các trại giam trong năm 2000 và năm 2001.
Tháng 10 năm 2001, cậu của em Lưu là ông Lưu Tông Sơn đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tập Pháp Luân Công, ông đã bị bắt giữ. Ông bị đánh dã man, bị quật bằng roi da, và bị sốc điện. Hốc mắt trái của ông có một cái xương nhỏ bị gãy (xương đã bị vỡ vụn), và mắt của ông bị sưng tấy. Ông được đưa về quê và bị giam cầm tại Trại giam Thọ Quang
Ngày 12 tháng 11 năm 2011, cha mẹ em Lưu và ông nội đã bị bắt khi đang cùng đọc sách Pháp Luân Công. Công an đã lấy đi một máy ghi âm, điện thoại di động, các sách Pháp Luân Công, cùng nhiều tài sản cá nhân khác. Họ bị đưa đến Trại giam Thọ Quang vào ngày hôm sau. Bà Tùy bị đưa đến Trại tẩy não Thọ Quang sau khi bị giam 20 ngày. Bà bị còng vào cửa sổ và phải đứng trong thời gian dài. Bà cũng bị cấm ngủ.
Cuối năm 2001, ông nội của Lưu, cha, và cậu em đã bị đưa diễu đi dọc các tuyến phố cùng với các tù nhân hình sự. Các viên chức sau đó đã mở một phiên xử công khai ở Sân vận động Thọ Quang. Ông nội em Lưu là ông Lưu Khanh Điền và cha em, ông Lưu Tông Cương đều bị kết án một năm lao động cưỡng bức. Cậu của em Lưu là ông Lưu Tông Sơn đã bị kết án ba năm tù.
Vợ ông Lưu Tông Sơn, bà Lưu Thụ Hồng, đã qua đời vào ngày 25 tháng 7 năm 2005 sau khi liên tục bị giam cầm và bức hại. Bà mới chỉ 35 tuổi, và là mẹ của một đứa trẻ 10 tuổi.
Những người tham gia bức hại gồm: Hà Hồng Đào, bí thư Đảng ủy thị trấn Hóa Long; hai phó bí thư Trương Tín Khuê và Lưu Lan Cát; Vương Văn Tín, bí thư đảng ủy thôn; Ngụy Võ Bân trưởng đồn công an, Lý Đồng Trung ở Trại tẩy não Thọ Quang.
Thông tin trước đó: Phòng 610 ngăn không cho con trai hai học viên Pháp Luân Công nhập học và đưa em đến Trại lao động cưỡng bức
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2011/11/27/中学生上网发言-一家人被劳教迫害-249880.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2011/12/4/129847.html
Đăng ngày 16-12-2011; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.