Bài viết của phóng viên Minh Huệ Chương Vận

[MINH HUỆ 24-04-2023] Ngày 25 tháng 4 năm 1999, hơn 10.000 học viên Pháp Luân Đại Pháp đã tập trung tại Văn phòng Kháng cáo Quốc gia ở Bắc Kinh. Họ yêu cầu chính quyền trả tự do cho 45 học viên Pháp Luân Công vô tội ở Thiên Tân đã bị cảnh sát giam giữ phi pháp và có một môi trường an định để tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Trong suốt cuộc thỉnh nguyện, dũng khí, sự bình tĩnh và lý trí của các học viên đã khiến thế giới chấn động. Phong thái đạo đức chính trực của họ đã tạo nên một tượng đài vĩnh cửu.

Trong buổi gặp mặt gần đây, các học viên trẻ tuổi ở Toronto đã chia sẻ câu chuyện cha mẹ của họ đã tham gia vào cuộc thỉnh nguyện 25 tháng 4 như thế nào. Các học viên trẻ cho biết họ không hối hận khi chọn kiên định trên con đường tu luyện Đại Pháp.

Sự lựa chọn vĩnh viễn không hối tiếc

8a9abcf02b297606d878367cd5ca462a.jpg

Cô Yoyo, một học viên Pháp Luân Đại Pháp trẻ tuổi

Cô Yoyo sinh ra ở Bắc Kinh, cha mẹ cô bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996. Còn cô bước vào tu luyện năm 1997, khi cô 15 tuổi. Hồi đó, Yoyo thường cùng bố mẹ đến Quảng trường Châu Á gần nhà để luyện công . Đôi khi, gia đình ba người của cô cũng tham gia luyện công chung tại Công viên Đào Nhiên Đình, nơi có hàng trăm học viên Pháp Luân Đại Pháp tham gia luyện năm bài công pháp.

Cô Yoyo nhớ lại, “Vào ngày 24 tháng 4 năm 1999, đó là một buổi chiều thứ Bảy. Mẹ của tôi nghe các đồng tu kể về việc Pháp Luân Công bị những người giấu tên phỉ báng, và các học viên đã bị cảnh sát ở Thiên Tân, một thành phố gần Bắc Kinh, tấn công và bắt giữ”.

“Đến tối, cha tôi bảo với tôi rằng ngày hôm sau cha mẹ tôi muốn đi để phản ánh tình hình. Ngày 25 tháng 4 năm 1999 là Chủ Nhật và bố mẹ tôi rời đi lúc 7 giờ sáng. Lúc đó tôi đã rất lo lắng cho họ. Tôi đã gần 17 tuổi và đủ trưởng thành để suy nghĩ một cách logic. Tôi đã nghĩ rất nhiều và những ký ức mơ hồ của thời thơ ấu cứ cuộn lại trong tâm trí tôi, khiến tôi cảm thấy sợ hãi: chẳng hạn như ký ức về sự kiện Lục Tứ, và bi kịch quê hương tôi bị lục soát trong cuộc Cách mạng Văn hóa do mẹ tôi kể lại”.

“Tôi nghĩ chắc hẳn mẹ tôi cũng đã rất vất vả. Nhưng trước áp lực và sự sợ hãi, bà vẫn chọn đi nói lời công chính. Cha mẹ tôi muốn cho họ biết: Bệnh dạ dày, viêm khớp và thấp khớp ở chân của mẹ tôi đã biến mất sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Tương tự, các triệu chứng chóng mặt của cha tôi cũng đã biến mất. Pháp Luân Đại Pháp là tốt! Mọi người đều được hưởng lợi nên mới có thể người truyền người, tâm truyền tâm, và truyền rộng ra khắp cả nước”, cô Yoyo nói.

“Cha mẹ tôi trở về nhà khoảng 11 giờ tối hôm đó. Tôi cảm thấy nhẹ cả người khi cuối cùng cũng nhìn thấy họ. Cha tôi bảo rằng họ đã nhìn thấy một số xe quân sự bọc vải nỉ vào chiều hôm đó và nghĩ rằng có thể điều gì đó bất trắc sẽ xảy ra. Do đó, các học viên đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đối mặt với bạo lực và đàn áp”.

“Cha tôi còn kể rằng không một học viên nào đứng gần cha tôi rời đi. Họ vẫn đứng lặng lẽ bên vệ đường cùng chờ đợi kết quả. Cha tôi và tất cả các học viên khác đều biết rõ rằng tuân theo Chân-Thiện-Nhẫn thì không có gì sai cả” .

Sau đó, cô Yoyo vẫn kiên trì luyện công và học Pháp, cô còn ra ngoài cùng mẹ để phát tài liệu giảng chân tướng . Đã 24 năm trôi qua kể từ khi diễn ra Cuộc thỉnh nguyện ôn hòa “25 tháng 4”, cô Yoyo vẫn luôn giới thiệu về vẻ đẹp của Pháp Luân Đại Pháp cho những người xung quanh và thông tin về cuộc bức hại mà cha mẹ cô phải chịu đựng ở Trung Quốc.

“Hiện giờ, tôi là kế toán của một công ty luật. Tôi nói với các đồng nghiệp của mình rằng tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp. Trong công việc, tôi rất kiên nhẫn với họ, tôi bao dung và thấu hiểu họ trong mọi tình huống nên họ đánh giá tôi rất cao. Nhờ tu luyện Đại Pháp, tôi đã đề cao tu luyện bản thân và cảnh giới của mình, đồng thời tôi trở nên ân cần và khiêm tốn hơn. Tu luyện Pháp Luân Công sẽ mãi là sự lựa chọn mà tôi vĩnh viễn không hối tiếc”.

Kiên định tu luyện mặc dù cha mẹ vẫn đang bị bức hại

ebc1e10d14ab916b457159d7169a26ca.jpg

Anh Cato, một học viên Pháp Luân Đại Pháp trẻ, cùng vợ anh

Anh Cato, hiện đang sinh sống tại Toronto, là người gốc Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc. Anh bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công cùng cha mẹ vào năm 1996 khi mới 9 tuổi.

Khi “Cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25 tháng 4” xảy ra, tôi mới 12 tuổi. Tôi chỉ biết rằng mẹ tôi đã bắt chuyến tàu đêm đến Bắc Kinh. Khi mẹ tôi đến nơi thì đã là sáng ngày 26 tháng 4. Bà đi ngang qua một công viên ở Bắc Kinh và trông thấy có nhiều người luyện công, bà đã tham gia cùng họ. Các học viên nói với mẹ tôi rằng “vấn đề đã được giải quyết một cách hòa bình”, anh Cato nói.

“Năm tôi 15 tuổi, một toán cảnh sát đã đột nhập vào nhà tôi, bắt cóc cha mẹ tôi và tôi đến Cục Công an rồi nhốt chúng tôi ở đó. Anh kể: “Tôi được thả vào chiều hôm sau, còn cha mẹ tôi đều bị kết án 5 năm tù giam. Sau lần chia ly ấy, mãi đến một năm sau tôi mới gặp lại cha mẹ. Khi tôi tới thăm họ tại nhà tù, qua lớp kính, tôi nói qua điện thoại với họ, “Cha mẹ không làm gì sai cả. Con sẽ không cảm thấy thua kém hay tự ti chỉ vì không có cha mẹ ở bên. Con thấy tự hào vì cha mẹ kiên định với tín ngưỡng của mình”. Cha mẹ tôi đã nghẹn ngào rơi nước mắt.“

Anh Cato tiếp tục: “Sau biến cố này, tôi mới hiểu được tâm tình của các học viên tham gia cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4, chỉ bởi một lý do đơn giản rằng họ muốn nói với mọi người rằng Pháp Luân Công đã bị vu khống và mọi người đã bóp méo sự thật. Các học viên Pháp Luân Công chúng tôi không làm bất cứ điều gì trái pháp luật. Mà ngược lại, chúng tôi làm theo yêu cầu của Sư phụ và luôn nghĩ cho người khác. Điều đó thể hiện dũng khí và đạo đức của các học viên Pháp Luân Công trong việc bảo vệ chính nghĩa và lương tâm”.

Chính tinh thần đó đã khiến anh Cato kiên định tu luyện Pháp Luân Công ngay cả khi cha mẹ anh bị ĐCSTQ bức hại. “Trong 5 năm khi cha mẹ tôi bị giam giữ, tôi sống ở nhà một người họ hàng và tự luyện công, học Pháp một mình”, anh nói.

“Năm 24 tuổi, tôi một mình đến Bắc Kinh làm việc . Tôi thường đạp xe trên những con phố nơi các học viên đã đứng trong suốt buổi thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4. Chính sức mạnh của niềm tin đã khiến các cô chú ấy đứng ở đó mà không sợ sống chết. Đại Pháp đã thay đổi hoàn toàn giá trị quan và cái nhìn của tôi về cuộc sống. Không thế lực nào có thể bắt tôi từ bỏ tín ngưỡng của mình”, anh Cato khẳng định.

Anh Cato hiện là một kỹ thuật viên chiếu sáng phim và truyền hình tại Toronto. “Tôi đã tuân theo lời dạy của Sư phụ để trở thành một người trọng đức hành thiện đồng thời không ngừng nâng cao tư cách đạo đức của mình”. Anh nói: “Trước đó, một số đoàn làm phim muốn thuê tôi làm việc cho họ. Tuy nhiên, tôi đã từ bỏ những điều kiện tốt hơn và chọn ở lại làm việc với đoàn phim nơi tôi bắt đầu làm việc. Sếp của tôi rất cảm động vì tôi đã không rời đi”.

Anh Cato chia sẻ: “Các đồng nghiệp của tôi thường nói rằng họ không biết tại sao, nhưng họ cảm thấy rất thoải mái khi ở bên tôi. Tôi đã nói với họ sự thật về Pháp Luân Công và câu chuyện của tôi. Họ đã xúc động trước điều đó và nói “Canada chào đón anh”.

Tự hào khi được là một học viên Pháp Luân Đại Pháp

b49c1d1baac91fec326afee2cec30e49.jpg

Cô Lưu Sướng, một học viên Pháp Luân Đại Pháp trẻ tuổi

Cô Lưu Sướng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp cùng cha mẹ và chị gái của mình khi cô mới 4 tuổi. Cô cho biết bất cứ khi nào cô hồi tưởng lại hành động vĩ đại của các đệ tử Đại Pháp năm đó, cô đều cảm thấy vô cùng tự hào vì được trở thành một đệ tử Đại Pháp.

“Gia đình tôi đã được thụ ích rất nhiều từ Đại Pháp. Căn bệnh thoát vị đĩa đệm của cha tôi và bệnh dạ dày của mẹ tôi đều biến mất một cách kỳ diệu”, cô nói. “Chị gái tôi và tôi đều yếu ớt và thường ốm đau khi còn nhỏ. Chúng tôi từ chỗ học hành kém và ốm yếu đã trở nên khỏe mạnh và xuất sắc trong học tập sau khi tu luyện Đại Pháp”.

“Cha mẹ của tôi thường đưa chúng tôi đến tham gia nhóm học Pháp, điểm luyện công và thường mở video các bài giảng Pháp của Sư phụ cho chúng tôi xem. Mỗi học viên trong nhóm học Pháp đều rất tường hòa, ở họ toát ra một sự hòa ái khác hẳn người thường. Mặc dù khi đó tôi chưa hoàn toàn biết chữ nhưng đã có thể đọc thuộc lòng Luận Ngữ, và kiên trì ngồi đả tọa cùng cha mẹ trong một giờ. Điều đó khiến tôi được các chú dì khen ngợi”, cô Lưu nhớ lại.

Tuy nhiên, vào năm 1999, ĐCSTQ bắt đầu bắt giữ phi pháp các học viên Pháp Luân Công và tước bỏ quyền tự do tín ngưỡng của họ. Để bảo vệ tín ngưỡng của mình, các học viên Pháp Luân Công đã có cuộc thỉnh nguyện ôn hòa “25 tháng 4” tại Bắc Kinh gây chấn động thế giới. “Tôi nhìn thấy rất nhiều học viên Pháp Luân Công đứng lặng lẽ bên ngoài Văn phòng Kháng cáo Quốc gia trên TV, và tôi cảm thấy cảnh tượng đó rất sốc. Lúc đó, cha mẹ nói với tôi rằng họ nghe nói rằng Thủ tướng Trung Quốc có ấn tượng tốt với các học viên nên sẽ không có vấn đề gì, chúng tôi có thể tiếp tục tu luyện”.

Nhưng điều bất ngờ là ba tháng sau, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu cuộc bức hại toàn diện đối với các học viên Pháp Luân Đại Pháp trên toàn quốc.

“Từ đó trở đi, chúng tôi mất đi môi trường tự do tu luyện, chúng tôi chỉ có thể học Pháp và luyện công một cách kín đáo. Do vậy, tôi trở nên dè dặt hơn và thường xuyên sống trong sợ hãi và áp lực mỗi ngày. Nhưng với sự động viên của gia đình, tôi vẫn luôn kiên định với niềm tin của mình . Tôi cũng tin rằng tuân theo Chân-Thiện-Nhẫn không có gì là sai cả”.

Vào một ngày năm 2009, mẹ của cô Lưu đã bị báo cảnh sát khi bà đang giảng chân tướng trong công viên. “Đêm hôm đó, cảnh sát ập vào nhà tôi. Tôi đã bảo vệ mẹ mình, trước mặt nhiều cảnh sát, tôi nói với họ một cách đường đường chính chính rằng niềm tin của chúng tôi vào Pháp Luân Đại Pháp không có gì sai cả! Cảnh sát đã kinh ngạc trước hành động của tôi và không thể tin rằng một học sinh cấp hai lại có can đảm khiển trách cảnh sát”.

“Vì áp lực của tà ác, tôi bị sốt và thức trắng đêm hôm đó. Thật kỳ diệu là tôi không hề bị ảnh hưởng gì khi đến trường vào ngày hôm sau. Tôi cũng đạt điểm tuyệt đối trong bài kiểm tra môn toán, vốn là môn học mà tôi không giỏi. Niềm tin của tôi đã tăng lên gấp đôi và tôi tin chắc rằng Sư phụ luôn ở bên chăm sóc cho tôi”, cô Lưu nói.

“Sau cuộc đột kích vào nhà, Ủy ban khu dân phố bắt đầu sách nhiễu chúng tôi. Họ thường xuyên và gây áp lực buộc chúng tôi phải từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Đại Pháp, và còn đe dọa rằng nếu chúng tôi không không từ bỏ, chị gái tôi sẽ mất việc còn tôi sẽ không được phép đến trường. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển chỗ ở và vượt đại dương đến định cư ở Toronto, Canada”.

Cuối cùng, cô Lưu nói: “Trong nháy mắt, đã hơn chục năm từ khi tôi rời Trung Quốc. Cho dù là cuộc thỉnh nguyện ôn hòa “25 tháng 4” hay hơn 20 năm phản bức hại, đó luôn là sự lựa chọn mà tôi không hề hối tiếc”.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/4/24/459150.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/5/1/208305.html

Đăng ngày 25-05-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share