Bài viết của một phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 26-03-2023] Tháng 7 năm 2022, 6 cư dân thành phố Hành Dương, tỉnh Hồ Nam đã bị kết án từ 2 đến 7 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Hai học viên trong số họ đã kháng cáo. Ngày 21 tháng 3 năm 2023, Tòa án Trung cấp Thành phố Hành Dương đã ra phán quyết giữ nguyên bản án ban đầu của họ.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Bà Trần Hành Tú, ông Bành Tuấn Nam, bà Trâu Hồng Diễm, bà Tạ Hải Vân, bà Lý Phượng Anh và bà Tưởng Tú Cúc đã bị bắt giữ từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 6 năm 2021.

Đến ngày 30 tháng 9 năm 2021, công tố viên Đường Xán Huy của Viện Kiểm sát Quận Thạch Cổ đã truy tố các học viên.

Ngày 22 tháng 12 năm 2021, ba luật sư đã biện hộ vô tội cho sáu học viên trong phiên xét xử của họ tại Tòa án Quận Thạch Cổ. Thẩm phán đã kết án tất cả học viên vào ngày 1 tháng 7 năm 2022. Bà Trần bị kết án 7 năm và ông Bành 4 năm, cả hai đều đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Thành phố Hành Dương. Gần đây tòa này cũng đã bác đơn kháng cáo của họ.

Thông tin cụ thể về bản án của bốn học viên còn lại hiện vẫn đang được điều tra.

Sự bức hại bà Trần Hành Tú

Bà Trần (66 tuổi), một nhân viên văn phòng đường sắt đã nghỉ hưu, đã bị bắt tại nhà lúc 5 giờ sáng ngày 13 tháng 6 năm 2021. Các sách Pháp Luân Công, ảnh của người sáng lập Pháp Luân Công, máy tính, máy in, cũng như nhiều văn phòng phẩm bao gồm: kéo, máy ép, máy cắt giấy, phong bì và túi nhựa, đã bị cảnh sát tịch thu.

Bà đã được đưa đến bệnh viện khám sức khỏe toàn diện. Khi bà từ chối ký vào các giấy tờ liên quan, cảnh sát đã tức giận và còng tay rồi trói bà vào một chiếc ghế sắt để thẩm vấn. Họ bật băng ghi âm các cuộc điện thoại của bà với các học viên khác và tra hỏi bà về chúng. Cuộc thẩm vấn kéo dài đến 3 giờ sáng và tiếp diễn vào ngày hôm sau. Sau đó, bà được tại ngoại.

Sự bức hại ông Bành Tuấn Nam

Ông Bành (80 tuổi), một giáo viên trung học từng được trao giải thưởng đã nghỉ hưu, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ tháng 7 năm 1998. Nhiều căn bệnh lâu năm của ông, bao gồm chứng thần kinh, viêm dạ dày và sự phát triển quá mức của mô xương, đã biến mất.

Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu, ông Bành đã bị bức hại triền miên và đã từng hai lần bị lãnh án lao động.

Ngày 12 tháng 6 năm 2000, ông Bành đã đến Bắc Kinh để kháng nghị cho quyền tu luyện Pháp Luân Công và bị bắt tại Quảng trường Thiên An Môn. Ông bị buộc phải đeo cùm dài 0,9m nặng hơn 9kg. Lính canh cũng bức thực và đánh đập ông.

Ngày 29 tháng 9 năm 2000, ông Bành bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Tân Khai Phố để thụ án 1,5 năm. Ông suýt mất mạng vì bị tra tấn và được trả tự do vào ngày 12 tháng 9 năm 2001.

Ngày 29 tháng 9 năm 2002, ông Bành bị trình báo vì đã nói chuyện với một giáo viên trong trường về Pháp Luân Công và bị bắt lần nữa. Tại trại tạm giam Huyện Hành Dương, ông bị buộc phải lao động ít nhất 13 giờ một ngày mà không được trả công.

Vào mùa xuân năm 2003, ông lại bị kết án 1 năm trong trại lao động, nhưng bị từ chối nhận vào Trại Lao động Cưỡng bức Tân Khai Phố do huyết áp cao. Cảnh sát đã không thả ông ngay lúc đó mà giam ông trong trại tạm giam. Mãi đến ngày 20 tháng 3 năm 2003, khi ông bị ngất xỉu vì huyết áp cao, trại mới thả ông ra.

Cũng trong tháng 3 năm 2003, nhà trường buộc ông Bành phải nghỉ hưu dù lúc ấy ông chưa đến tuổi hưu.

Ngày 10 tháng 11 năm 2006, ông Bành lại bị bắt vì nói với mọi người về Pháp Luân Công trên xe buýt. Tháng 12 năm 2006, ông bị lĩnh án lao động cưỡng bức lần thứ 3 và bị đưa tới Trại Lao động Tân Khai Phố.

Lần bắt giữ tiếp theo của ông xảy ra vào ngày 29 tháng 4 năm 2012, cũng vì nói với mọi người về Pháp Luân Công. Ông đã được thả ra trong ngày.

Ông bị bắt thêm nhiều lần nữa, vào các ngày 8 tháng 11 năm 2017, ngày 4 tháng 3 năm 2018, ngày 5 tháng 5 năm 2019, ngày 10 tháng 3 năm 2020, ngày 24 tháng 8 năm 2020 và ngày 18 tháng 4 năm 2021, đều chỉ vì nói với mọi người về Pháp Luân Công. Sau mỗi lần bị bắt, ông đều được về nhà ngay trong ngày.

Trong vụ bắt giữ tháng 3 năm 2018, cảnh sát đã trói ông vào một chiếc ghế sắt, thẩm vấn và đánh đập ông.

Ngoài việc bắt giữ, cảnh sát còn sách nhiễu ông Bành vào ngày 14 tháng 10 năm 2020. Cảnh sát đã lắp đặt camera giám sát ở đối diện với nhà ông Bành vào ngày 21 tháng 4 năm 2021, khiến ông và người nhà luôn sống trong sợ hãi, bất an.

Vụ bắt giữ gần nhất

Sáng ngày 12 tháng 6 năm 2021, một toán cảnh sát đã đột nhập vào nơi ông Bành thuê trọ và lục soát. Lúc đó, ông Bành không có ở nhà, nhưng cảnh sát đã tịch thu các sách Pháp Luân Công, tài liệu liên quan, máy in, máy tính, điện thoại di động và một số giấy phô-tô của ông. Cảnh sát đã bắt giữ ông Bành khi ông trở về vào khoảng 11 giờ sáng cùng ngày. Họ đã cố gắng tống giam ông, nhưng trại tạm giam từ chối nhận ông do tuổi tác và huyết áp cao.

Ngày 16 tháng 9 năm 2021, cảnh sát, bí thư chính quyền thị trấn, bí thư học khu và chủ nhiệm ủy ban khu dân cư đã kéo đến sách nhiễu ông Bành. Con gái của (ông người không tu luyện Pháp Luân Công) đã phản đối sự bức hại. Các viên chức phủ nhận việc họ đang sách nhiễu gia đình. Sau khi thấy ông Bành thực sự có một số dấu hiệu cho thấy sức khỏe có vấn đề, họ đã sớm rời đi.

Mười ngày sau, cảnh sát đã liên lạc với con gái của ông Bành và bảo cô nói với cha mình đến bệnh viện để khám sức khỏe. Khi ông Bành đến đó, công tố viên Đường của Viện Kiểm sát Quận Thạch Cổ đã hạ lệnh bắt ông ký tên vào hàng chục mẫu biểu cho bản cáo trạng của ông. Thấy ông Bành không làm theo, Đường đã ra lệnh cho con gái ông ký tên vào giấy tờ thay cha mình. Cảnh sát đã ghi hình lại toàn bộ quá trình này.

Bài liên quan:

Một giáo viên 80 tuổi về hưu đệ đơn kiện những thủ phạm tham gia kết án ông một cách phi pháp

Sáu cư dân Hồ Nam đối mặt truy tố vì kiên định đức tin


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/3/26/458137.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/4/4/207947.html

Đăng ngày 15-05-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share