Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Bắc Kinh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 12-01-2023] Em trai tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp. Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiến hành cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1999, em trai tôi chỉ mới ngoài 20 tuổi và đã là một quản lý trung cấp ở nơi làm việc tại Bắc Kinh.

Vào thời gian đầu của cuộc bức hại, các cấp trên của em tôi thay phiên nhau ép buộc em tôi từ bỏ Đại Pháp. Một hôm, hai người đàn ông thuộc ủy ban Đảng nơi em trai tôi làm việc đã lấy đi bức ảnh chân dung của Sư phụ Lý, Nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, và một đồ hình Pháp Luân từ phòng ký túc xá của em ấy.

Sau đó, họ gọi em trai tôi lên văn phòng và đe dọa sẽ tước bỏ tư cách Đảng viên cũng như đuổi việc nếu như không chịu từ bỏ tu luyện Đại Pháp. Bầu không khí trở nên căng thẳng cho tới khi cánh cửa mở toang và có một người đàn ông ngoài 50 tuổi vội vã chạy vào. Ông ấy thốt lên: “Đây là một cậu thanh niên tốt bụng!” và bắt đầu liệt kê những thành tích và đức tính tốt của em trai tôi.

Em trai tôi bị sốc. Họ còn không biết nhau thì tại sao người đàn ông đó lại liều lĩnh bảo vệ em tôi? Người đàn ông kia trấn an em trai tôi: “Không vấn đề gì đâu. Đừng sợ họ nhé!” Giọng nói của ông ấy toát lên sự liêm chính của một con người trung thực. Bầu không khí trong văn phòng ngay lập tức dịu đi.

Người đàn ông liền bước đến chỗ chiếc bàn nơi đặt bức ảnh của Sư phụ Lý và đồ hình Pháp Luân, cuộn tròn chúng lại rồi nói: “Tôi sẽ mang về nhà treo!” Bị sốc vì sự táo bạo của ông ấy, hai người đàn ông kia chạy đến và giật những bức ảnh từ tay ông ấy.

Em trai tôi tuy đã bị sa thải nhưng không bao giờ dao động đức tin vào Đại Pháp. Tuy nhiên, đồng nghiệp em tôi đã bắt đầu tránh né và không một ai dám nói chuyện với em tôi. Vì thế, người đàn ông kia lại đến giúp đỡ một lần nữa. Ông ấy mời em trai tôi ăn tối và khoe một bài thơ mà ông viết. Hai dòng thơ cuối ghi là, “Nếu Trung Quốc muốn phồn vinh thì phải bảo vệ ‘Chân-Thiện-Nhẫn’!”

Sau này em trai tôi nhớ lại: “Mặc dù đã nhiều năm trôi qua rồi nhưng em vẫn nhớ sự việc đó hết sức rõ ràng. Ở trong một tình huống căng thẳng và đầy sợ hãi như thế mà một người không tu luyện lại dám đứng lên vì một học viên Đại Pháp, thậm chí cố gắng bảo vệ các vật phẩm của Đại Pháp. Ông ấy quả thực rất tuyệt vời!”

Khi nghe xong câu chuyện này, lòng tôi tràn đầy sự ngưỡng mộ đối với người đàn ông đó. Khi cuộc bức hại bắt đầu, ĐCSTQ đã bao phủ truyền thông với những tin đồn và nhiều lời phỉ báng Pháp Luân Đại Pháp. Quân đội, cảnh sát và đặc vụ mặc thường phục ở khắp nơi trên đường phố để bắt giữ các học viên Đại Pháp. Cuộc bức hại thậm chí còn kịch liệt hơn ở thủ đô Bắc Kinh. Vậy mà, bất chấp sự khủng bố tràn lan khắp mọi ngóc ngách của thủ đô, người dân gốc Bắc Kinh này đã dám cả gan chống lại sự đàn áp của chính phủ và ủng hộ Pháp Luân Đại Pháp. Ông ấy thực sự rất xuất sắc!

May mắn thay, người đàn ông Bắc Kinh này không phải là người duy nhất. Nhiều người khác cũng đã can đảm đứng lên vì công lý và bảo vệ các học viên. Một vài người là lãnh đạo doanh nghiệp đã quyết định không trình báo nhân viên của họ với cảnh sát. Vài người khác thì bảo vệ các vật phẩm và sách Đại Pháp.

Nếu như có nhiều người chính trực giống như người đàn ông này hơn nữa, cuộc bức hại chắc chắn sẽ chấm dứt.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/1/12/454649.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/3/18/207713.html

Đăng ngày 04-05-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share