Bài viết của đệ tử Đại Pháp tỉnh Sơn Đông
[MINH HUỆ 24-01-2023] Tôi là một đệ tử Đại Pháp ở nông thôn, năm nay tôi 66 tuổi, tôi đắc Pháp vào tháng 2 năm 1997. Trong hơn 20 năm qua, Đại Pháp đã mang lại cho chúng tôi sự hòa thuận trong gia đình, thân tâm khỏe mạnh, cùng niềm vui và hạnh phúc. Đại Pháp cũng đã cải biến tôi từ một người tâm địa hẹp hòi, ích kỷ, chỉ biết đến bản thân trở thành người làm việc gì đều có thể nghĩ cho người khác. Do trình độ học vấn có hạn, tôi không cách nào biểu đạt được lòng cảm ân vô hạn của mình đối với Sư phụ và sự từ bi vĩ đại của Đại Pháp.
Tu khứ tâm oán hận với mẹ chồng
Chồng tôi có năm anh chị em. Năm 1980, chúng tôi kết hôn và khi con chúng tôi mới được ba tháng, mẹ chồng tôi vội vàng phân chia nhà. Bà cho chúng tôi sử dụng ba gian phòng, chỗ ăn chỗ ở đều không đủ. Vừa ra ở riêng thì mẹ chồng yêu cầu chúng tôi phải góp tiền phụng dưỡng bố mẹ già. Trong khi đó, bố mẹ chồng tôi còn trẻ, đều có thể lao động, nhân lực trong nhà cũng nhiều, mẹ chồng tôi còn có khoản tiền gia đình liệt sỹ (chồng trước của bà là liệt sỹ), so với cuộc sống của chúng tôi thì còn khá giả hơn.
Khi em chồng kết hôn, mẹ chồng tôi xây cho chú ấy bốn gian phòng mới, lại còn cho chú ấy cả ba gian phòng mà bố mẹ chồng tôi đang ở. Con của em chồng tôi đều do một tay bà nuôi dưỡng, còn con chúng tôi thì bà không đoái hoài gì. Mẹ chồng tôi còn thường xuyên nói xấu tôi trước mặt chồng, rằng tôi làm việc này không đúng, việc kia không tốt, cố tình gây chia rẽ quan hệ vợ chồng chúng tôi. Chồng tôi nghe xong cũng không hỏi rõ đúng sai thế nào, về nhà cứ thế là nổi giận rồi đánh tôi, hoàn toàn không để cho tôi giải thích, còn nói người già có sai cũng không sao. Vậy nên tôi càng oán hận mẹ chồng.
Còn chị chồng, em chồng tôi thì khỏi phải nói, khi tôi và mẹ chồng có mâu thuẫn, họ sẽ vô cớ cà khịa rồi đánh đập tôi. Có lần, chỉ vì một câu nói, chị chồng, em chồng hỏi tôi có nói hay không mà đánh đập tôi tàn nhẫn, cào rách cả mặt tôi. Chồng tôi cảm thấy khó coi, bèn đi hỏi mẹ chồng và chị gái xem vì sao lại đánh tôi. Mẹ chồng tôi bảo bà có thấy chị ấy đánh tôi đâu, mà là can ngăn tôi.
Tôi vô cùng ấm ức, từ đó không nộp tiền phụng dưỡng cho mẹ chồng nữa. Mẹ chồng tôi tìm đến cán bộ thôn nhờ giải quyết nhưng không được bèn kiện tôi ra tòa. Họ hỏi tôi tại sao không phụng dưỡng bố mẹ già? Tôi nói: “Cô em chồng đánh tôi, mẹ chồng tôi cũng mặc kệ, các anh giúp tôi giải quyết mâu thuẫn trước đi rồi tôi sẽ phụng dưỡng.” Họ nói: Chúng tôi không quan tâm đến việc đó, nếu chị không phụng dưỡng bố mẹ già, chúng tôi sẽ đến nhà chị lấy thực phẩm, bằng không sẽ bắt giữ chị. Họ đưa ra cái gọi là danh mục những thứ cần chu cấp (lúc đó trong nhà chỉ còn một mình mẹ chồng tôi, bố chồng tôi đã mất), trong đó liệt kê số lượng cụ thể từng thứ như: tiền mặt, lúa mì, gạo, đậu, dầu lạc. Tôi bảo với chồng: thật là hết chỗ nói. Anh hãy tự đưa tiền cho mẹ đi, em sẽ không bao giờ bước chân qua cửa nhà bà nữa. Vậy là trong bảy, tám năm tôi không về nhà mẹ chồng.
Khi chưa tu luyện, tôi không bao giờ nhìn vào chỗ thiếu sót của mình, ngay cả khi ý thức được bản thân có lỗi, tôi cũng không chịu nhận sai. Tôi luôn coi mình như đóa hoa đẹp đẽ, còn cái sai là ở người khác. Tôi suốt ngày bực mình phát hỏa, ăn không ngon, ngủ không yên, bệnh tật đầy thân, như loét hành tá tràng, đau nhức xương khớp, viêm bể thận, thiếu máu, bệnh phụ khoa, uống thuốc quanh năm cũng không khỏi, thống khổ vì bệnh tật khiến tôi cảm thấy cuộc sống thực sự vô nghĩa.
Sau khi học Pháp Luân Đại Pháp, tôi đã hiểu ra rất nhiều đạo lý làm người, chẳng hạn như vì sao con người có bệnh, có tai họa, có khó nạn, mâu thuẫn giữa người với người đều có quan hệ nhân duyên, đều là nghiệp lực luân báo. Thông qua việc học Pháp, luyện công, cảnh giới tư tưởng của tôi thăng hoa, các quan niệm cũng được cải biến, càng luyện công thân thể tôi càng thoải mái. Ba tháng sau, tất cả bệnh tật trên thân tôi đều biến mất, tôi thực sự vô bệnh, thân thể nhẹ nhàng. Trong hơn 20 năm qua, tôi không phải uống một viên thuốc nào. Với một người bệnh tật thâm niên như tôi mà nói, đó là điều mà có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ tới.
Tôi nghĩ: hiện giờ mình đã tu luyện Đại Pháp, Sư phụ dạy chúng ta rằng đối với ai cũng tốt, lấy thiện đãi người. Mình không thể cứ không nói chuyện với mẹ chồng như thế, mình phải chủ động làm hòa với mẹ chồng. Thế là cuối năm, tôi đã cùng chồng đến gửi tiền và đồ ăn cho bà. Thấy tôi đến, mẹ chồng tôi quả thực vừa mừng vừa ngạc nhiên, không biết nên nói gì. Kể từ đó, tôi thường xuyên mang đồ ăn ngon đến cho mẹ chồng, không bới móc tật xấu của bà nữa, khi xảy ra mâu thuẫn tôi suy xét mình nhiều hơn, nếu sai rồi thì nhanh chóng cải chính. Tôi cũng làm hòa với chị chồng và em chồng, từ đó cả gia đình tôi trở nên hòa thuận.
Coi nhẹ lợi ích, giữ vững tâm tính
Một lần, tôi đến nhà bí thư thôn có chút việc, lúc đó nhà ông có khách đang ngồi uống rượu. Có người hỏi thăm tuổi tác và sức khỏe của mẹ chồng tôi. Tôi nói: mẹ chồng tôi đã ngót 90 rồi, bà vẫn ăn uống tốt, mắt chưa mờ, tai chưa lãng, sức khỏe nhìn chung rất tốt. Tôi nói với bí thư: trước đây, nhà chúng tôi thường hay có chuyện xích mích mẹ chồng, nàng dâu khiến phải phiền ông không ít. Ông liền nói: tôi cũng quên rồi. Tôi nói: sau khi tu luyện Pháp Luân Công, tôi không còn bị bệnh gì nữa và tôi đối xử tốt với mẹ chồng, giữa chúng tôi không xảy ra mâu thuẫn nữa, sẽ không gây phiền phức cho ông nữa. Ông ấy nói: chị đối xử tốt với mẹ chồng là vì tiền của bà ấy thôi. Tôi nói: Pháp Luân Công dạy mọi người trở thành người tốt, là cải biến từ trong tâm, tự mình yêu cầu bản thân làm cho thật tốt, đó là điều mà có dùng tiền cũng không thể làm được. Mẹ chồng tôi không cho tôi một xu, sổ tiết kiệm của bà đến giờ tôi cũng chưa từng thấy. Nguyên tắc tu luyện của Pháp Luân Công là Chân-Thiện-Nhẫn, làm việc gì đều nghĩ cho người khác, coi trọng tu dưỡng đạo đức, có như vậy mới đem lại hiệu quả chữa bệnh khỏe thân. Tất cả mọi người ngồi đó đều yên lặng lắng nghe.
Năm 2006, căn phòng mẹ chồng tôi ở bị dột. Tôi liền bàn với chồng, mời bà về ở cùng chúng tôi. Vì tôi xây phòng mới nên phòng cũ vẫn để không. Mẹ chồng nói với tôi: con trai con sắp lấy vợ rồi, chúng nó sẽ ở đâu? Tôi nói với bà: đến lúc đó rồi tính, mẹ cứ đến ở đi, còn lại không cần lo gì cả. Mùa thu năm nay, con trai tôi kết hôn, chúng tôi sống chung với mẹ chồng, tôi giặt giũ nấu nướng cho mẹ chồng, cuộc sống của bà rất vui vẻ.
Trước khi tu luyện, lúc mẹ chồng tôi cho em chồng tôi bảy gian phòng, còn nhà tôi chỉ được ba gian, trong lòng tôi cảm thấy bất bình, còn muốn tranh giành phòng ở với chú ấy. Sau khi học Pháp, tôi đã có thể chủ động nhường phòng cho mẹ chồng ở, hàng xóm và các thím tôi đều nói: “Cháu thật tốt với mẹ chồng!” Nếu cháu không tu luyện Pháp Luân Công, sao có thể tốt với mẹ chồng như thế! Quả là như vậy, mọi người đã được chứng kiến vẻ đẹp của Đại Pháp.
Năm 2013, em chồng tôi muốn mua ô tô, mẹ chồng đã đưa sổ lĩnh tiền gia đình liệt sỹ cho chú ấy. Sau khi biết chuyện, tôi cũng không để tâm, tôi nghĩ: cha mẹ già muốn dùng tiền của bản thân cho con nào thì cho. Nếu là trước đây khi tôi chưa tu luyện Đại Pháp, tôi sẽ không đối đãi được như thế.
Mẹ chồng tôi tuổi ngày càng cao, bà luân phiên sống ở nhà các con. Được một năm thì bà phát bệnh Alzheimer, đại tiểu tiện không kiểm soát, khi không có người ở bên, bà thường làm phân và nước tiểu vương vãi khắp quần áo, chăn đệm. Tôi nhìn thấy mà trong tâm ngao ngán, nhưng lại nghĩ: mình là người tu luyện, đó chẳng phải là lúc khảo nghiệm tâm tính của mình sao? Mình cần đối xử tốt với mẹ chồng. Vậy là tôi phục vụ bà chu đáo một ngày ba bữa, vì bà không thể ra khỏi giường nên bữa nào tôi cũng bón cơm cho bà. Khi mẹ chồng ốm nặng, vợ chồng tôi thay nhau túc trực chăm sóc bà.
Tháng 11 năm 2018, mẹ chồng tôi qua đời khi đang ở nhà tôi. Chồng tôi bảo em trai lấy tiền liệt sỹ của bà ra để lo hậu sự. Nhưng chú ấy nói: con trai em đánh bạc, thua hơn một triệu nhân dân tệ, nếu không trả đủ tiền, con em có thể bị mất mạng, em không thể lấy tiền đó ra được. Từ năm 2013 đến 2018, tất cả là sáu năm, tổng số tiền là 117.000 nhân dân tệ.
Tôi không thể ngờ rằng em chồng tôi lại lấy lý do trả nợ cho con trai để giữ lại số tiền của mẹ chồng tôi; liệu có đúng là con chú ấy đánh bạc hay không, chúng tôi cũng không biết. Biểu hiện bên ngoài của tôi là nhẫn nhịn nhưng trong tâm lại rất bất bình, tâm tranh đấu, tâm tật đố đều nổi lên.
Sư phụ giảng:
“…có lúc chư vị thấy rằng thứ ấy là [của] chư vị, người ta cũng nói với chư vị rằng thứ ấy là [của] chư vị; kỳ thực nó không phải [của] chư vị. Chư vị có thể cho rằng đó là của mình, [nhưng] rốt cuộc nó lại không phải của chư vị; qua đó thấy được rằng đối với sự việc này chư vị có thể vứt bỏ được không; vứt bỏ không được thì chính là tâm chấp trước; chính là dùng cách này để chư vị vứt bỏ tâm [chấp trước] vào lợi ích ấy; chính là vấn đề này.” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)
Mỗi khi học đến đoạn Pháp này, tôi đều thấy dường như đoạn Pháp này là giảng nhắm vào tôi, và sự việc trước mắt chính là để tôi buông bỏ tâm lợi ích.
Ngẫm lại, tôi thấy việc bản thân mình có thể tu luyện Đại Pháp thực sự là phúc phận lớn nhường nào! Những gì Sư phụ ban cho tôi có dùng bao nhiêu tiền cũng không thể mua được, vậy mà một chút chuyện nhỏ trước mắt tôi cũng không vượt qua, quả thực tôi tu quá kém.
Thông qua việc học Pháp nhiều và chia sẻ với các đồng tu dựa trên Pháp, tâm tôi dần dần tĩnh lại, tôi cũng dần dần có thể buông xuống được và tâm tính đề cao lên.
Hai năm sau, em chồng tôi lấy một phần tiền liệt sỹ của mẹ chồng ra chia cho các anh chị em, cho để lấy lệ, còn vẫn giữ lại số tiền khoảng 40.000 đến 50.000 tệ, nhưng tôi không tranh giành với chú ấy.
Con xin cảm tạ ân từ bi cứu độ của Sư tôn! Con vẫn còn cách rất xa so với yêu cầu của Pháp. Từ nay trở đi, con sẽ tiếp tục học Pháp tốt, tu tốt bản thân, trừ bỏ nhiều chấp trước hơn nữa và con sẽ dũng mãnh tinh tấn, cứu nhiều người hơn nữa trên con đường chứng thực Pháp.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/1/24/453569.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/3/9/207605.html
Đăng ngày 13-04-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.