Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Hồng Kông

[MINH HUỆ 31-03-2023] Sau khi phá hoại các quầy thông tin của Pháp Luân Công trên khắp Hồng Kông vào tháng 4 năm 2021, ba đặc vụ thân Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ra hầu tòa vào ngày 28 tháng 3 năm 2023 và mỗi người bị cáo buộc với hai tội danh hình sự.

Theo thông tin do công tố viên cung cấp, trước khi vụ việc xảy ra, bị cáo Hồ Ái Dân đã gửi một tin nhắn WeChat với nội dung “Nhắm mục tiêu vào tất cả [các học viên] Pháp Luân Công ở Hồng Kông vào ngày mai.” Người này cũng nhắn tin cho một người bạn nói rằng nếu anh ta có chuyện bất trắc, ông chủ của anh ta sẽ chu cấp chi phí sinh hoạt cho anh ta. Công tố viên cho biết ông tin rằng các vụ việc gây thiệt hại đã được tính toán trước.

Vào tháng 4 năm 2021, những kẻ côn đồ thân cộng đã hơn 10 lần phá hoại các quầy thông tin của Pháp Luân Công. Trong số tám người bị bắt, bốn người đã nhận tội “gây thiệt hại hình sự” và bị giam giữ trong tám tháng. Một người không bị buộc tội. Những người còn lại hầu tòa vào ngày 28 tháng 3 năm 2023. Họ là Hồ Ái Dân (47 tuổi, thất nghiệp), Chu Vĩnh Lâm (43 tuổi, công nhân cải tạo nhà) và Trác Kim Thâm (53 tuổi, thất nghiệp).

Ba người đàn ông này đều bị tình nghi đã phá hủy các quầy thông tin của Pháp Luân Công tại Wong Tai Sin và Mong Kok vào ngày 3 tháng 4 năm 2021. Thiệt hại về tài sản lên tới 7.000 đô la Hồng Kông. Mỗi người trong số những người này bị cáo buộc với hai tội danh gây thiệt hại hình sự. Ban đầu, cả ba người đều không nhận tội, nhưng Chu Vĩnh Lâm đã nhận tội sau khi phiên điều trần bắt đầu. Phiên điều trần được tiếp tục tại Tòa sơ thẩm Thành phố Kowloon vào ngày 28 tháng 3, dưới sự chỉ đạo của thẩm phán Frances Leung Nga-yan.

e1bfe2a7ea13092bee299818225d362e.jpg

Trác Kim Thâm (bên trái) và Chu Vĩnh Lâm (bên phải)

177eb44c42d48168ddaebce3a0a2d8dc.jpg

Hồ Ái Dân

“Ông chủ của tôi sẽ chu cấp chi phí sinh hoạt”

Công tố viên tuyên bố rằng trong một chiếc điện thoại di động mà cảnh sát thu được của bị cáo Hồ, anh ta đã gửi một tin nhắn WeChat cho một liên lạc của mình là A Kiệt vào đêm trước khi vụ việc xảy ra với nội dung: “Ngày mai, chúng tôi sẽ nhắm mục tiêu vào tất cả [các học viên] Pháp Luân Công ở Hồng Kông.” Anh ta cũng gửi một tin nhắn nói rằng: “Nếu có chuyện gì xảy ra với tôi, ông chủ của tôi sẽ chu cấp chi phí sinh hoạt cho tôi.” Bởi vì những tin nhắn này được gửi trước khi vụ việc xảy ra, nên công tố viên tin rằng Hồ đã cố ý thực hiện hành vi gây hại một cách có chủ đích và có tổ chức.

Luật sư bào chữa cho Hồ thừa nhận rằng những tin nhắn đó là từ điện thoại di động của Hồ. Nhưng khẳng định chúng không liên quan đến vụ án này và phản đối việc chúng được đưa ra làm bằng chứng trước tòa. Thẩm phán cho biết tin nhắn WeChat sẽ được coi là bằng chứng vì nó có liên quan đến Pháp Luân Công, còn tin nhắn về việc ông chủ của Hồ cung cấp chi phí sinh hoạt không được sử dụng làm bằng chứng, vì nó không đề cập đến Pháp Luân Công.

Sự hỗ trợ từ các video giám sát

Công tố viên cũng triệu tập sỹ quan Chu (ID cảnh sát 19546), một cảnh sát điều tra từ Đội Điều tra Tội phạm Tây Cửu Long Hồng Kông, để làm chứng rằng trước đó Chu đã nhiều lần xem không dưới 30 lần các video giám sát về các cuộc tấn công ở Wong Tai Sin và Mong Kok ở tốc độ quay chậm.

Dựa theo quần áo và dáng vóc, anh kết luận rằng ba người đã cùng phạm tội ở cả hai nơi. Một người mặc đồ trắng trông giống Chu Vĩnh Lâm, một người mặc quần áo màu đen rất giống Trác Kim Thâm. Người thứ ba mặc quần áo có hoa văn đang quay video bên cạnh trông có vẻ là Hồ Ái Dân. Cảnh sát cũng tìm thấy những bộ quần áo giống hệt và những con dao trong nhà của các bị cáo, những thứ này có thể đã được dùng để phá hoại những vật dụng trưng bày tại các quầy thông tin Pháp Luân Công.

Tòa án đã chiếu nhiều đoạn video giám sát cho các nhân chứng. Trong video, ba người này gây thiệt hại ở Mong Kok, sau đó bỏ đi dọc theo đường Nathan, đến nhà hàng hải sản Ocean Super để ăn tối. Tuy nhiên, do sự cố kỹ thuật nên tòa án không thể chiếu video cho những người tham dự phiên tòa trên màn hình lớn trong phòng.

Công tố viên cũng cho các nhân chứng xem những bức ảnh, và họ đều nhận ra ba bị cáo. Trong ảnh, họ Trác mặc một chiếc áo phông có khẩu hiệu từ Chiến lang của ĐCSTQ: “Người Trung Quốc không chấp nhận điều này.” Công tố viên cũng cho xem một số vật dụng mà cảnh sát tìm thấy trong tư trang của các bị cáo, bao gồm quần áo và một con dao. Các nhân chứng cho biết quần áo này được các bị cáo mặc và dao được dùng để cắt phá đồ tại gian hàng.

Phiên tòa hoãn lại vào buổi trưa và thẩm phán đã lên lịch cho một phiên tòa tiếp theo vào ngày 4 tháng 4. Ba bị cáo được tại ngoại theo quy định hiện hành.

Liên tục bị đặc vụ ĐCSTQ quấy rối

Kể từ khi ĐCSTQ bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, các học viên Pháp Luân Công đã nâng cao nhận thức về sự tàn bạo của cuộc bức hại tại các địa điểm công cộng ở Hồng Kông. Nhưng các đặc vụ thân ĐCSTQ đã nhiều lần sách nhiễu các học viên và tấn công các quầy thông tin của họ. Trong vòng một tuần của tháng 4 năm 2021, ít nhất 6 quầy thông tin của Pháp Luân Công ở Hồng Kông đã bị tấn công hơn 10 lần. Cảnh sát đã bắt giữ tám người vì tấn công các quầy ở Mong Kok, Wong Tai Sin, Hung Hom và Wan Chai.

Bốn bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội và bị tạm giam 8 tháng. Họ là Bành Gia Quân (công nhân xây dựng, 41 tuổi), Chân Kiết Hào (thất nghiệp, 27 tuổi), Ngô Giai Lạc (bồi bàn, 33 tuổi) và một người đàn ông trong số họ là Khâu Gia Lương (thất nghiệp, 36 tuổi) không bị buộc tội.

Ngoài ra, Hồ Ái Dân đã từng phá hủy các quầy thông tin của Pháp Luân Công ít nhất năm lần vào tháng 12 năm 2020. Vào ngày 1 tháng 12 năm 2022, anh ta bị kết án hai tuần giam giữ và 30 tháng quản chế.

Bối cảnh

Pháp Luân Công được Đại sư Lý Hồng Chí giới thiệu ra công chúng vào năm 1992, bao gồm năm bài công pháp và nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Vào năm 1999, ước tính có khoảng 100 triệu người ở Trung Quốc tập Pháp Luân Công.

Vì hệ tư tưởng thù hận và tàn ác của ĐCSTQ không phù hợp với các giá trị truyền thống mà Pháp Luân Công ủng hộ, nên cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã phát động một cuộc đàn áp quy mô lớn vào tháng 7 năm 1999. Sau đó, chế độ này đã tiến hành một chiến dịch tuyên truyền phỉ báng lớn đối với pháp môn này. Sự tàn bạo đối với các học viên Pháp Luân Công bao gồm bắt giữ, giam giữ, bỏ tù, tra tấn, lao động cưỡng bức và lạm dụng tinh thần.

Sau khi tội ác thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ bị phanh phui vào năm 2006, Liên Hợp Quốc, các chính phủ trên khắp thế giới và các nhà hoạt động nhân quyền đã kêu gọi điều tra và hành động. Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua HR1154 – Đạo luật chấm dứt cưỡng bức thu hoạch nội tạng năm 2023 vào ngày 27 tháng 3 năm 2023 nhằm buộc các quan chức ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về tội ác này.

Cho dù bị bức hại ở Trung Quốc, Pháp Luân Công đã được đón nhận nồng nhiệt ở hơn 100 quốc gia, nhận được hơn 3.000 bằng khen từ các quốc gia trên khắp thế giới. Sách Chuyển Pháp Luân bao gồm những bài giảng chính của Pháp Luân Công, đã được dịch ra hơn 50 thứ tiếng. Trong dịp kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới và cũng là dịp kỷ niệm tròn 30 năm Pháp Luân Công hồng truyền vào tháng 5 năm 2022, đã nhận được hơn 1.000 tuyên bố và thư chúc mừng từ các quan chức dân cử trên khắp thế giới.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/3/31/458319.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/4/2/207917.html

Đăng ngày 04-04-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share