Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc

[MINH HUỆ 10-12-2022] Vài ngày trước, một đồng tu lớn tuổi đã đến nhà tôi và lặng lẽ đưa cho mẹ tôi tờ Nghiêm chính thanh minh (về việc tiếp tục tu luyện Pháp Luân Đại Pháp). Bà kể rằng bà đã bị kết án quản chế, và chỉ được ra khỏi tù sau khi đồng ý bị cai ngục chuyển hóa, người thân của bà phải tốn rất nhiều công sức bà mới được hưởng án treo như vậy. Hiện tại sức khỏe bà rất yếu và cần người chăm sóc. Sau khi nói với chúng tôi tất cả những điều này, bà ấy vội vã rời đi.

Sau khi bà rời đi, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về tình hình ở địa phương chúng tôi. Trong những năm qua, chúng tôi đã mất đi nhiều đồng tu tốt. Một số đồng tu rất tinh tấn và chưa bao giờ lơ là việc học Pháp luyện công. Có những đồng tu không có tâm sợ hãi, hàng ngày phát tài liệu giảng chân tướng, có thể khuyên thoái cho vài chục người người. Thế nhưng, một số đã bị cựu thế lực lấy đi nhục thân, một số bị kết án tù phi pháp, hoặc bị buộc phải “chuyển hóa”.

Số đồng tu trong khu vực của chúng tôi vốn đã ít lại càng trở nên ít hơn, số đồng tu còn lại không còn là bao. Chúng tôi đều là những đệ tử Đại Pháp kiên định và không hề sợ những khảo nghiệm như thế. Vậy thì, có điều gì sai ở đây?

Sau khi liên tục hướng nội tìm và tăng cường học Pháp, tôi phát hiện ra rằng chúng tôi đều không thực sự chiểu theo Pháp thực tu, vậy nên chúng tôi đã đi đường vòng, trải qua nhiều ma nạn và chịu bức hại ở các mức độ khác nhau.

Lấy bản thân tôi làm ví dụ: mấy năm gần đây nhục thân của tôi bị bức hại không nhỏ, răng của tôi bị đau hơn một năm nay, phải nhổ mất bốn cái; tóc của tôi bị rụng và tôi đã tăng cân rất nhiều. Trong hơn một năm qua tôi đã hướng nội nhiều lần, cũng tìm ra nhiều vấn đề của bản thân, nhưng không vấn đề nào được giải quyết một cách triệt để.

Theo nhận thức của tôi, Sư phụ giảng rằng Ngài đã cài hàng ngàn hàng vạn cơ chế trong thân thể chúng ta, nên trong số đó nhất định phải có một số cơ chế có thể phục hồi được cơ thể. Tôi đã cố chấp rằng Sư phụ sẽ giúp tôi mọc răng mới, bởi từ nhỏ tôi đã rất sợ đi khám nha sỹ và thà không ăn được vì mất răng còn hơn phải đi khám.

Mãi cho đến năm nay, khi tôi nghỉ việc và dành hai tháng ở nhà để tập trung tăng cường học Pháp, cuối cùng tôi mới nhận rõ một số vấn đề của mình.

Tu khẩu

Lấy răng của tôi làm ví dụ. Tôi tìm thấy chấp trước của mình trong khi đọc đoạn Pháp mà Sư phụ giảng về tu khẩu trong Chuyển Pháp Luân. Tôi cũng thích đồ ăn, nhưng tôi đã thực sự buông bỏ chấp trước này chưa? Câu trả lời là chưa, một chút cũng chưa.

Một ví dụ khác là khi trong lòng tôi không thích một người nào đó. Tôi không nói xấu người ấy, người khác bàn luận về người này tôi cũng không tham gia, nhưng khi mọi người chỉ trích người đó, tôi lại cảm thấy hài lòng. Bất cứ khi nào tôi nghĩ đến người này, tôi lập tức nghĩ: Anh/Cô ta cũng không tốt đẹp gì. Tâm bất mãn và tật đố của tôi vẫn còn, cũng như tôi đã hình thành quan niệm về anh/cô ấy. Tôi nghĩ đó là tôi không thực tu.

Một ví dụ khác về vấn đề nóng giận, tôi tưởng rằng mỗi lần tôi nóng giận đều là hợp tình hợp lý. Sư phụ cũng giảng rằng phải giáo dục trẻ nhỏ một cách nghiêm khắc. Tuy nhiên, trên thực tế, tôi muốn trút giận nhiều hơn là dạy dỗ chúng.

Ngoài ra, đôi khi tôi thích nói điều gì đó khéo léo, và cho rằng như vậy tôi có thể cải thiện mối quan hệ với mọi người. Tôi cảm thấy mình có khiếu hài hước, hiểu sâu biết rộng lại giỏi giang. Thực ra tôi đang hiển thị chính mình.

Khi tôi chú ý đến vấn đề tu khẩu từng chút, từng chút, tôi có thể thấy qua thiên mục của mình rằng một đám quái vật đã được loại bỏ khỏi răng của tôi. Có lúc biểu hiện là từng tổ từng tổ kiến ​​đỏ, có lúc là rắn độc.

Không chú trọng luyện công

Tôi có một khuyết điểm rất lớn là không muốn luyện công. Từ sau khi đắc Pháp, tôi đã không coi trọng việc luyện công, bởi tôi đắc Pháp khi mới ngoài 20 tuổi, sức khỏe của tôi lại rất tốt. Khi có thời gian, tôi chỉ tập trung học Pháp. Tôi đắc Pháp đã hơn mười năm rồi mà vẫn còn tồn tại vấn đề này, vậy có thể gọi là thực tu sao? Nếu tôi thực tu, tôi đã không cứ mãi miễn cưỡng luyện công như thế.

Rõ ràng là tôi có chấp trước lười biếng, nhưng tôi cứ che đậy nó bằng lý do này hoặc lý do khác.

Sau khi nhận ra vấn đề và quyết tâm tu bỏ tâm lười biếng đó, một đêm tôi thức dậy, tôi cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ và rất muốn nằm xuống thêm một chút. Tôi chợt nhớ đến tôi phải thực tu, liền chật vật đứng dậy đi luyện công.

Tôi ngáp liên tục trong khi ôm bão luân. Tôi cảm thấy như mình bị tụt đường huyết không trạm trang được nữa. Cánh tay tôi run lên và nước mắt chảy dài trên mặt. Tôi muốn hạ tay xuống. Trong đầu tôi chợt có một thanh âm: “Tôi mới nhổ răng và chưa ăn gì cả. Tôi vẫn còn yếu lắm. Để ban ngày luyện sau cũng được.”

Tôi đã nhiều lần bị thanh âm này dụ dỗ. Lần nào tôi nghe theo nó, rồi tôi lại tiếp tục đi ngủ. Với một công việc toàn thời gian và còn phải chăm sóc hai đứa trẻ, tôi không có thời gian trong ngày để luyện công.

Khi tôi xuất niệm nhất định phải kiên trì thực tu, tôi cảm thấy một tấm lưới bao quanh cơ thể mình bị phá vỡ và vào đúng lúc đó, một thứ gì đó bất hảo từ tận sâu trong thân thể tôi đã rời đi. Rồi tôi cảm thấy năng lượng chảy khắp cơ thể và tôi đã hoàn thành các bài công pháp một cách nhẹ nhàng.

Mâu thuẫn phản ánh tâm chấp trước

Sau khi tôi phát hiện ra vấn đề về thực tu, tôi như người mới tỉnh dậy từ giấc mộng. Tôi nhận ra rằng Sư phụ đã an bài để những chấp trước của chúng ta được phản ánh rõ trên người thân của chúng ta. Ví dụ, con gái tôi mới nhỏ tuổi mà đã rất nổi loạn, cố chấp và tật đố, vì vậy tôi thường cảm thấy khổ sở khi cố gắng giáo dục cháu.

Sư phụ giảng rằng trạng thái của con cái thường phản ánh trạng thái tu luyện của cha mẹ chúng. Nhưng tôi không cảm thấy mình nổi loạn cho đến một đêm tôi nằm mơ thấy mình đánh nhau với lãnh đạo cũ. Tỉnh dậy tôi mới phát hiện ra rằng tâm tranh đấu của mình vẫn mạnh mẽ như xưa. Tôi cũng tự cao tự đại như con gái.

Trước kia tôi thường khó hòa hợp với lãnh đạo và còn cảm thấy phẫn nộ bất bình: Ông ấy quả là hống hách, thật quá đáng. Hơn nữa, các đồng nghiệp của tôi cũng ghét ông ta và hầu như ai cũng từng bị ông ta bắt nạt đến phát khóc. Tôi tin rằng mình không làm gì sai và bất cứ điều gì xảy ra đều là lỗi của ông ấy. Tôi đã quên việc hướng nội tìm và thực tu.

Tuy rằng tôi đã hạ quyết tâm rất lớn, cố gắng cải thiện mối quan hệ với lãnh đạo, nhưng ngay khi bị ông ấy nói, tôi lại chống trả. Giờ đây nghĩ lại, tôi nhận ra rằng nếu không có quyết tâm và nền tảng tu luyện thực sự, không học Pháp tốt, thì tất nhiên, sẽ không thể vượt quan.

Con trai tôi ngoan ngoãn, nghe lời nhưng lại yếu đuối, ngại khó, ngại khổ. Điều này cũng là sự phản ánh mong muốn được sống thoải mái của tôi. Tôi nhận thấy cháu thích học những môn sở trường và tránh những môn mà cháu thấy khó. Kỳ thực tôi cũng hành xử như vậy trong quá trình tu luyện – tôi muốn làm những gì tôi làm giỏi và tránh những chỗ mà mình kém.

Có bao nhiêu người trong chúng ta vẫn ôm giữ những thiếu sót của mình cho đến ngày Pháp Chính Nhân Gian? Ôm giữ tâm dễ làm khó bỏ, không muốn mất đi cuộc sống hiện có, cũng không muốn chịu khổ để tu khứ tự ngã, đến ngày Pháp Chính Nhân Gian, chúng ta muốn Sư phụ giải quyết tất cả mọi việc cho chúng ta sao? Trước kia tôi đã từng có suy nghĩ như thế. Tôi đã có lý giải sai lầm về tu luyện trong thời kỳ Chính Pháp, mà mãi đến hôm nay tôi mới phát hiện ra.

Tôi và mẹ thường cãi nhau vì những chuyện nhỏ nhặt nhưng chúng tôi luôn nhanh chóng dừng lại vì biết rằng chúng tôi không nên cãi nhau. Nhưng không cãi nhau liệu đã phải là tu tốt chưa? Trước kia, sau mỗi lần chúng tôi cãi nhau, tôi lại nghĩ: “Lần sau mình sẽ không bao giờ nói chuyện với mẹ nữa”. Trong cuộc sống bận rộn và đầy những chuyện vụn vặt, chúng ta thường quên việc hướng nội tìm.

Mẹ tôi thường tỏ ra không hài lòng với những thứ tôi mua cho bà, có khi còn nói ra mấy lời không hay. Tôi từng hay nghĩ: “Đã mất tiền lại còn bị trách, từ nay mình sẽ không mua cho mẹ bất cứ thứ gì nữa”.

Sau khi quyết tâm thực tu, tôi nhận ra rằng những lần khắc khẩu trước đây của chúng tôi thực sự rất tầm thường bởi vì cả hai chúng tôi đều nhìn nhận vấn đề từ quan điểm của mỗi người. Khi tôi đặt mình vào vị trí của mẹ, tôi thực sự đánh giá cao tất cả sự giúp đỡ mà mẹ đã dành cho tôi. Bà cũng đã rất vất vả chăm sóc các con của tôi và mua đồ cho chúng.

Sau khi tôi thay đổi quan niệm, tôi đã mua cho bà một món quà nhỏ và lần đầu tiên bà đã phá lệ nói cảm ơn tôi.

Chồng tôi là một người tốt, công việc, đối nhân xử thế và các phương diện khác anh ấy đều tốt, anh đối xử tốt với gia đình và các con. Anh ấy cũng biết Pháp Luân Đại Pháp là tốt. Tuy nhiên, tôi luôn cảm thấy mình hơn chồng vì anh xuất thân từ một gia đình nông thôn, gia cảnh của tôi cũng khá hơn anh rất nhiều.

Khi tôi tự hỏi bản thân liệu tôi có thực tu trong mối quan hệ với chồng mình hay chưa, câu trả lời là chưa. Ngoài việc đối xử với anh hà khắc và như bề trên, tôi còn khá thờ ơ với anh ấy.

Hồi tôi ở cữ mẹ chồng tôi đã đối xử tệ bạc với tôi, nên tuy rằng ngoài miệng tôi không nói gì, nhưng trong lòng lại rất oán hận, coi thường gia đình chồng. Tôi chỉ thỉnh thoảng đưa các con đi thăm họ, ăn uống xong là rời đi. Tình trạng đó đã diễn ra trong nhiều năm.

Khi tôi hỏi bản thân đã thực sự tu luyện về vấn đề này với mẹ chồng và gia đình chồng chưa? Câu trả lời vẫn là chưa. Trước kia thái độ của tôi là: Họ không giúp mình, thì mình cũng không cần quan tâm đến họ.

Sau khi tôi quyết tâm thực tu, một hôm khi đang đứng ngoài ban công, tôi để ý thấy một người đàn ông đang lục thùng rác để tìm các hộp các-tông. Khi tìm thấy một ít, anh ta vui vẻ xếp chúng lại với nhau. Trong lòng tôi chợt cảm thấy đầy thương xót cho anh: Người này tội quá! Anh ấy có thể đã từng là một vị Thần vĩ đại. Vậy mà giờ đây, anh ta lại thấy vui bởi mấy chiếc hộp các-tông có thể bán được một nhân dân tệ này.

Rồi tôi nghĩ đến bố mẹ chồng tôi, chồng tôi, và các chị gái của anh ấy, tất cả đều có duyên phận rất lớn với Đại Pháp. Nhưng họ đã rơi vào cảnh bần cùng ích kỷ như vậy trong cuộc đời này. Thật đáng thương!

Sau khi buông bỏ hoàn toàn tâm oán hận, tôi thấy mình đã nghĩ cho họ hơn rất nhiều. Tôi nghĩ xem nhà chồng có thứ gì cần phải thay không, tôi sẽ mua cho họ. Trung thu sắp đến rồi, tôi nghĩ nên làm gì đó cho họ, tất cả đều xuất ra từ nội tâm.

Mối quan hệ của tôi với chồng cũng được cải thiện rất nhiều và tôi bắt đầu tôn trọng anh, nghĩ cho anh. Có lần nhà tôi ăn cua, anh ấy đã chọn con to nhất cho mình. Nếu là trước kia, tôi sẽ nói điều gì đó chế nhạo, nhưng lần này tâm tôi tràn đầy lòng từ bi và cảm thấy anh ấy xứng đáng được ăn con to nhất.

Sư phụ giảng,

“Thiểu tức tự tỉnh thiêm chính niệm
Minh tích bất túc tái tinh tấn” (Lý Trí Tỉnh Giác, Hồng Ngâm II)

Diễn nghĩa:

“Nghỉ ngơi một hồi tự xét mình sẽ thêm chính niệm
Phân tích rõ rệt những thiếu sót rồi tinh tấn lên” (Lý Trí Tỉnh Giác, Hồng Ngâm II)

Tôi cảm thấy bài thơ này, bao gồm cả tiêu đề, cho chúng ta thấy những yêu cầu của Sư phụ đối với trạng thái tu luyện của đệ tử. Thời gian trôi qua rất nhanh, cuộc sống thì bận rộn và nhiều cám dỗ, có thể chúng ta bất tri bất giác quên đi việc xét lại chính mình.

Gần đây, trong khi đang luyện công, tôi đột nhiên hiểu ra một đoạn Pháp trong Chuyển Pháp Luân nói về việc Thiền tông dùi sừng bò. Nếu chúng ta không thực tu theo Pháp, không đối chiếu với Pháp để yêu cầu bản thân, thì chúng ta chỉ đang tu luyện hạn cuộc trong một ranh giới do mình vạch ra, chính là dùi sừng bò.

Tại sao chúng ta không có được niềm vui như thuở mới bắt đầu tu luyện? Bởi vì chúng ta đã dùi đến đỉnh của sừng bò, càng ngày sẽ càng khó hơn, từng vấn đề cũng dần dần bại lộ. Vậy nên tôi nghĩ nhất định phải viết ra bài chia sẻ này, mong các đồng tu chân chính thực tu.

Trên đây là nhận thức hạn hẹp của tôi. Có điều gì chưa phù hợp, mong các đồng tu từ bi chỉ chính.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/12/10/452778.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/2/1/207148.html

Đăng ngày 26-03-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share