Theo phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc

[MINH HUỆ 08-10-2011] Một số lớn các học viên Pháp Luân Công tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô đã bị bắt trái phép kể từ giữa tháng 5 năm 2011, gồm có nhiều trí thức. Ở đây chúng tôi muốn chú trọng vào trường hợp của chín học viên: Bà Trương Ái Đông, bà Thủy Lỵ, ông Mã Chấn Vũ, ông Trương Tuyết Phong, bà Lưu Khai Mai, bà Trần Hải Yến, bà Chu Lệ Cầm, bà Lý Quần, và bà Trương Ngọc Hoa.
Bảy người được đề cập ở trên đã bị bắt. Bà Lý Quần và Bà Trương Ngọc Hoa buộc phải bỏ nhà đi để tránh bị bắt giữ và hiện không biết họ ở đâu. Bốn trong số chín học viên đã bị cưỡng ép ly hôn, gồm ông Mã Chấn Vũ, bà Trần Hải Yến, bà Chu Lệ Cầm và bà Trương Ngọc Hoa.

1. Bà Trương Ái Đông đã bị bắt bảy lần và bị đưa đi trại lao động ba lần

Bà Trương Ái Đông, 60 tuổi, là một kỹ sư tại Viện Nghiên cứu Số 14 Trung Quốc, Tập đoàn kỹ thuật Điện tử, thành phố Nam Kinh. Bà Trương đã bị bắt nhiều lần, bị giam tại trại tẩy não và tại một nhà giam khác, bà còn bị nhốt tại trại lao động ba lần (đầu năm 2000, tháng 7 năm 2005, và tháng 9 năm 2009). Bà bị tra tấn dã man tại Trại lao động nữ Cú Đông, tỉnh Giang Tô, và được trả tự do vào đầu năm 2010.)

Bà Trương Ái Đông bị bắt tại nhà vào khoảng 8 giờ sáng ngày 14 tháng 9 năm 2011, hơn mười mật vụ Phòng 610 thành phố Nam Kinh, Phòng 619 quận Cổ Lâu, và đồn công an Giang Đông. Đây là lần thứ bảy bà Trương bị bắt và bị giam tại Trại giam quận Cổ Lâu. Tài sản cá nhân của bà đều bị tịch thu, bao gồm sách về Pháp Luân Công, một máy tính và nhiều thứ khác.

(Thông tin liên quan: “Bà Trương Ái Đông tại thành phố Nam Kinh bị bắt bảy lần”)

2. Bà Thủy Lỵ, công an quản giáo hạng nhất, bị ngược đãi

Bà Thủy Lỵ, gần 70 tuổi, trước đây là một kỹ sư làm việc tại Nhà tù Phổ Khẩu, thành phố Nam Kinh và chức vụ của bà là công an quản giáo hạng nhất. Công an và mật vụ Phòng 610 đã bắt và giam bà nhiều lần. Bà bị giam tại Trại tẩy não thành phố Nam Kinh, Trại tẩy não quận Cổ Lâu, và ngay tại nơi làm việc của bà (Nhà tù Phổ Khẩu).

Sau khi bà được thả, bà Thủy đã bị công an theo dõi, điện thoại nhà bà bị nghe lén, và thậm chí người trong gia đình bà, những người không phải học viên, cũng bị ảnh hưởng. Con trai lớn của bà bị bắt giam trong vòng 15 ngày và nhà của anh bị lục soát, con trai thứ của bà cũng bị bắt giam trong 48 tiếng.

Bà Thủy bị bắt lại tại nhà vào chiều ngày 29 tháng 7 năm 2011, và bị đưa đến Trại giam thành phố Nam Kinh. Khi thời hạn giam một tháng của bà kết thúc, bà bị đưa đến Trại tẩy não quận Cổ Lâu và sau đó được thả.

(Thông tin liên quan: “Bà Thủy Lỵ, một công an viên bị giam trái phép tại Trại giam Nam Kinh”)

3. Ông Mã Chấn Vũ, một kỹ sư, bị bức hại năm lần, tim của ông bị thương tổn nghiêm trọng

Ông Mã Chấn Vũ sinh tại thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây vào tháng 6 năm 1962. Trước đây ông là một kỹ sư và là chuyên gia kỹ thuật của Tập đoàn kỹ thuật điện tử Trung quốc tại thành phố Nam Kinh. Ông cũng là kỹ sư trưởng chế tạo nhiều dụng cụ điện cho quân đội.
Ông Mã bị bắt vào tháng 11 năm 2000, bị kết án bảy năm tù và bị đưa đến Nhà tù Tô Châu. Vợ ông đã ly dị ông để con gái của họ không bị dính líu. Khi ông Mã được trả tự do vào tháng 11 năm 2007, ông không còn nơi nào để sống.

Vào ngày 30 tháng 4 năm 2009, Ông Mã bị bắt lại và bị giam trong sáu tháng. Ông bị bắt lần thứ năm vào ngày 29 tháng 5 năm 2011. Tiếu Ninh Kiện đã dẫn người ở Phòng 610 thành phố Nam Kinh, Đội an ninh công cộng, và đồn công an Tứ Sở Thôn thuộc quận Hạ Quan đến bắt ông. Họ tra tấn ông, khiến cho tim ông bị thương tổn. Ông cũng bị kết án 18 tháng tại trại lao động. Ông bị đưa đi trại lao động hai lần và viên chức ở trại từ chối không nhận ông vì lý do sức khoẻ yếu. Bệnh tim của ông Mã càng ngày càng nặng, và hiện ông vẫn bị giữ tại trại giam.
(Thông tin liên quan: “Ông Mã Chấn Vũ, một kỹ sư bị thẩm vấn tại Trại giam Hạ Quan“)

4. Ông Trương Tuyết Phong, và vợ là Lưu Khai Mai, và gia đình của họ bị ngược đãi

Ông Trương Tuyết Phong, sinh năm 1965, trước đây là một viên chức tại Khoa Kỹ sư xây dựng tại Đại học công nghiệp Nam Kinh. Vợ ông, bà Lưu Khai Mai, sinh năm 1966, trước đây là kỹ sư tại Phòng giáo dục quận Cổ Lâu. Từ khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công xảy ra, cả hai vợ chồng đều bị mất việc.

Viên chức tại Toà án quận Hạ Quan đã kết án ông Trương tám năm rưỡi tù vào tháng 8 năm 2002. Ông bị giam tại Nhà giam Tô Châu và gia đình không được phép vào thăm. Viên chức toà án Hạ Quan cũng kết án vợ ông, bà Lưu Khai Mai bảy năm tù giam và giam bà tại Nhà tù nữ Nam Thông. Sau khi bà được trả tự do, mật vụ Phòng 610 tại quận Hạ Quan đã đến nhà bà nhiều lần để gây rắc rối cho bà. Cũng với những mật vụ đó đã bắt bà vào ngày 2 tháng 7 năm 2008, và đưa bà đến Trại tẩy não quận Cổ Lâu.

Trong suốt tám năm ông Trương bị giam cầm, gia đình cha mẹ của ông Trương cũng bị lục soát. Công an bắt mẹ của ông là Trần Kim Hoa và giam bà tại Trại giam, sau đó bà bị giam tại trại tẩy não. Họ không thả bà cho đến khi bà bị bệnh rất nặng. Cha của ông là ông Trương Thụy Giang, cũng bị giam tại Trại tẩy não Nam Kinh trong mấy tháng. Ngoài ra, ông Trương cũng bị cấm không cho đến thăm con và rất sợ hãi bởi những sự kiện này.

Mật vụ Phòng 619 thành phố Nam Kinh và công an địa phương đã bắt hai vợ chồng một lần nữa vào ngày 16 tháng 5 năm 2011. Họ cũng kết án ông Trương 18 tháng và vợ là một năm lao động. Bà Lưu đã tuyệt thực trong lúc bị giam để phản đối bị ngược đãi. Vì bị hành hạ về thể xác, đôi khi tim của bà đã ngừng đập. Công an đưa bà đến Trại lao động nữ Cú Đông năm lần, nhưng nhân viên tại đó từ chối nhận bà vì sức khoẻ yếu kém của bà. Tuy nhiên, bà hiện nay bị giam tại Trại lao động nữ Cú Đông và ông Trương đang bị giam tại Trại lao động Phương Cường.

(Thông tin liên quan: “Bà Lưu Khai Mai trong tình trạng nguy kịch tại Trại lao động cưỡng bức nữ Cú Đông”)

5. Phó giáo sư và là tổng giám đốc, bà Trần Hải Yến bị hành hạ tàn nhẫn

Bà Trần Hải Yến, một học viên khoảng 50 tuổi, bà là phó giáo sư tại Đại học Dược Trung Quốc và sau đó trở thành giám đốc của Tập đoàn xuất nhập khẩu sản phẩm về sức khoẻ Tô Châu. Sau đó, bà được ủy nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty May mặc của Tập đoàn vật liệu Giang Tô.

Sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công xảy ra vào tháng 7 năm 1999, bà Trần bị đưa đi Trại giam thành phố Nam Kinh vì bà đi Bắc Kinh để thỉnh nguyện. Lúc đó, chồng bà vừa được thăng cấp đại tướng. Ôn Trung Nhân ở Khu quân sự Nam Kinh và Vương Vinh Sinh, trưởng Phòng 610, bắt buộc gia đình bà đưa bà đến Bệnh viện tâm thần Nam Kinh, nơi bà bị tra tấn trong bốn tháng. Ngoài ra, các nhân viên này bắt buộc bà phải ly dị và bắt chồng bà phải lấy vợ khác trong vòng ba tháng.

Vì phân phát tài liệu giảng chân tướng, bà Trần bị kết án 10 năm tù vào năm 2002. Sau khi bị tra tấn bằng nhiều cách khác nhau, bà được thả vào năm 2010. Bà sống với thân nhân và làm việc tại một tiệm dược phẩm.

Công an lại bắt bà Trần một lần nữa vào chiều ngày 26 tháng 5 năm 2011. Sau đó họ thả bà vì bà bị cao huyết áp.

(Thông tin liên quan: “Nhiều học viên bị bắt – Bà Trần Hải Yến ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô bị mất tích“)

6. Bà Chu Lệ Cầm bị lừa dối và bị hành hung

Bà Chu Lệ Cầm sinh năm 1966, bà có bằng đại học. Bà bị bắt nhiều lần, bị đưa đi trại tẩy não, và bị đuổi việc.

Vào cuối năm 2000, bà Chu bị kết án hai năm lao động cưỡng bức, nơi bà bị lừa dối và “chuyển hóa”, vì thế bà đã dừng tập Pháp Luân Công. Khi bà được thả vào mùa hè năm 2002, bà nhận ra rằng bà đã bị lừa, và quyết định trở lại tu luyện. Để tránh bị sách nhiễu, bà đi thật xa đến thành phố Thẩm Quyến và tìm việc làm tại đó.

Vào cuối năm 2005, sau khi bà Chu trở về thành phố Nam Kinh, công an bắt bà và đưa bà vào Trại tẩy não thành phố Nam Kinh. Chồng bà đã ly dị bà.
Công an đưa chừng 20 công an mặc thường phục đến nhà bà Chu vào ngày 15 tháng 5 năm 2011. Họ bắt các học viên đang học Pháp tại nhà bà, tổng cộng là mười người. Bà Chu và bà Bành Quế Hoa bị đưa vào trại giam và sau đó bị kết án 15 tháng tại trại lao động cưỡng bức.

7. Phó giáo sư Đại học quân sự, bà Lý Quần bị ngược đãi

Bà Lý Quần là một phó giáo sư, bà sinh vào năm 1969. Bà tốt nghiệp Đại học Khoa học và Kỹ thuật quân đội giải phóng Nam Kinh. Vì niềm tin của bà, bà bị bắt và tra tấn tại Bệnh viện tâm thần Nam Kinh trong hơn hai tháng.

Năm 2001, bà Lý bị kết án một năm rưỡi lao động cưỡng bức, sau đó thời hạn còn bị kéo dài thêm 6 tháng. Bà bị lừa dối và bị “chuyển hóa” tại trại lao động, và không còn tu luyện Pháp Luân Công nữa. Sau khi được thả, mật vụ Phòng 610 theo dõi bà sát sao và cưỡng ép bà trở thành gián điệp. Khi bà trở lại tu luyện, chồng bà, một quân nhân, từ chối không ly dị bà và vì thế bị bắt buộc phải rời quân đội. Vào tháng 8 năm 2009, bà Lý bị bắt đến Trại tẩy não Nam Kinh, nơi bà bị giam trong sáu tháng. Các viên chức không cho chồng bà tìm việc. Họ cũng đe doạ con gái của bà và nói rằng em là “hạng thấp kém” trước mặt thầy giáo và bạn bè của em.

8. Phó giáo sư bà Trương Ngọc Hoa bị bức hại

Bà Trương Ngọc Hoa, 48 tuổi, trước đây là phó Giáo sư và trưởng khoa Nga văn tại Đại học sư phạm ngoại ngữ và văn hoá Nam Kinh.

Khi cuộc đàn áp xảy ra vào tháng 7 năm 1999, Bà Trương đi đến cơ quan cấp tỉnh để thỉnh nguyện. Bà bị bắt và vụ việc của bà trở thành “trọng điểm” trong ngành giáo dục. Chồng bà bị bắt phải ly dị bà. Sau đó bà bị bắt và tra tấn trong nhà tù và trại lao động.
Mùa thu năm 2000, bà Trương bị kết án một năm lao động cưỡng bức. Vào năm 2002, bà bị đuổi việc tại Đại học sư phạm Nam Kinh. Vào năm 2003, bà bị kết án bốn năm tù và bị đưa đến Nhà tù nữ Nam Kinh. Vào tháng 4 năm 2009, công an ở Phòng Công an Tê Hà đã bắt sáu học viên, trong đó có bà và ông Mã Chấn Vũ. Bà bị đưa đi Trại cưỡng bức lao động nữ Cú Đông trong một năm rưỡi.

Để tránh khỏi bị bức hại về sau, bà Trương đã buộc phải rời khỏi nhà.
(Thông tin liên quan: “Bà Trương Ngọc Hoa bị tra tấn tại Trại lao động cưỡng bức”)
Những cơ quan chịu trách nhiệm về việc bức hại và ngược đãi các học viên Pháp Luân Công:
1.Phòng 610 thành phố Nam Kinh: +86-13813871995, +86-25-83638413, +86-25-84420852
Đội an ninh nội địa thành phố Nam Kinh: +86-25-86015780, +86-25-84420854
Hoàng Á Linh, trưởng Phòng 610 thành phố Nam Kinh, và Phó Phòng Công an thành phố: +86-25-84420178
Cục giáo dục lao động quốc phòng tỉnh Giang Tô: 13951963377
Hòm thư: tanglaoyad88@yahoo.com.cn
2. Những người chịu trách nhiệm bức hại Bà Trương Ái Đông:
Thẩm Chí Hoành, trưởng Phòng 610 quận Cổ Lâu: +86-25-83328720
3. Những người chịu trách nhiệm bức hại ông Mã Chấn Vũ:
Quận Hạ Quan, Trại giam thành phố Nam Kinh: +86-25-85634178
Trưởng trại giam, Lưu,: +86-18913863568

Xin xem thêm tại bản gốc tiếng Hán để có thêm tên và số điện thoại của những người có liên quan đến những trường hợp ở trên.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2011/10/8/南京知识份子遭中共迫害部份案例-247640.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2011/10/29/129062.html
Đăng ngày 12-11-2011; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share