Bài viết của Tiểu Kỳ, một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc Đại Lục
[MINH HUỆ 02-10-2022] Tháng 9 năm 2007 tôi đã bị kết án 8 năm tù vì giảng chân tướng về cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp. Tôi bị chuyển đến Nhà tù nữ tỉnh Liêu Ninh.
Tôi đã đối xử với mọi người bằng thiện tâm, khiến những tù nhân ở đây thay đổi thái độ với tôi, từ mắng chửi, sỉ nhục thành khâm phục và tôn trọng; từ coi thường trở thành ngưỡng mộ tôi. Những cải biến này đã chứng thực uy lực của Đại Pháp cũng như tâm từ bi mà tôi đã thể hiện ra trong tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.
Sự chuyển biến của trưởng phòng giam
Ngay khi các học viên Pháp Luân Đại Pháp đến nhà tù, họ thường bị tra tấn và bị ép buộc phải viết thư “nhận tội” và chuyển hóa. Họ bị mắng chửi, đánh đập và sỉ nhục thậm tệ. Họ bị trói và cùm tay, không được đi vệ sinh hay đi ngủ. Sau khi bị ngược đãi như vậy trong 6 tháng, tôi bị chuyển đến một phân xưởng. Người trưởng phòng giam ở đó đối xử với tôi rất lạnh nhạt.
Lãnh đạo nhà tù đã nhận một đơn đặt hàng lớn từ một nhà sản xuất, khối lượng công việc quá lớn khiến các tù nhân không thể hoàn thành số lượng đúng hạn, vì vậy nhà sản xuất đã yêu cầu trưởng khu cho mọi người làm việc vào cả những ngày nghỉ của chúng tôi.
Mặc dù chính sách trong tù không cho phép làm quá giờ, nhưng trường khu vẫn bắt chúng tôi làm thêm giờ với danh nghĩa dọn dẹp nhà xưởng. Lãnh đạo cấp trên cũng nhắm mắt làm ngơ.
Làm thêm vào ngày nghỉ thì không có bữa trưa, do đó bên nhà máy thỉnh thoảng mang thức ăn từ bên ngoài vào, chủ yếu là bánh bao có nhân, để khuyến khích chúng tôi làm việc chăm chỉ hơn. Các tù nhân luôn phải lo lắng xếp hàng chờ đợi lấy đồ ăn, còn tôi luôn chọn là người cuối cùng đi lấy thức ăn.
Một ngày nọ, nhà máy mang cho mỗi người hai chiếc bánh bao ngọt. Trước khi đứng dậy đi lấy đồ ăn, trưởng phòng giam hét lớn: “Cái này không phải dành cho cô … đâu (tên của tôi). Tôi bình tĩnh mỉm cười và không nói gì.
Bởi vì nhà xưởng làm bằng tôn sắt nên mùa đông rất lạnh còn mùa hè thì nóng hầm hập. Có một mùa hè thời tiết cực kỳ nóng nực, nóng đến mức tức thở. Một số tù nhân hỏi xem có được dùng tiền túi của họ đi mua kem que không. Trưởng khu đã đồng ý cho trưởng phòng giam đi mua kem.
Trong khi phát kem, cô ấy hét lớn tên tôi một lần nữa: “A (tên của tôi) không được lấy kem.” Tôi vẫn bình tĩnh và giữ im lặng. Tôi biết cô ấy đã giữ phần của tôi cho bản thân bởi vì ai cũng đều có phần.
Một lần khác, lần đầu tiên nhà ăn trong nhà tù khoản đãi mỗi tù nhân 2 chiếc bánh bao lớn, đây là chuyện chưa từng thấy. Trưởng phòng giam đếm số bánh bao do một người tù nhân mang về và phát hiện thiếu 10 chiếc, cô ấy mắng người kia là đồ vô dụng.
Mọi người biết tôi thường chỉ ăn đồ ăn ở căng-tin và chưa bao giờ mua đồ ăn từ cửa hàng trong nhà tù. Tôi nói: “Tôi chỉ cần 1 chiếc bánh bao là được rồi.” Trưởng phòng giam nhìn tôi và không nói gì cả.
Trong dịp Tết Đoan ngọ, căng-tin phục vụ món nấm chiên. Trưởng phòng giam đưa cho mỗi người một phần nấm chiên. Khi cô ấy đưa cho tôi 2 phần, tôi nói: “Chị không cần đưa thêm cho tôi đâu.” Nhưng cuối cùng cô ấy vẫn thêm nấm vào khay đồ ăn cho tôi.
Vào một ngày nắng nóng khác, nhà máy đã mua một ít kem que cho người quản giáo. Sau đó quản giáo đã đưa cho trưởng phòng giam một que kem và cô ấy đã đưa lại nó cho tôi. Tôi nói: “Cảm ơn chị nhưng xin chị cứ giữ lấy. Cô ấy đã đặt que kem xuống rồi bỏ đi mà không nói câu gì.“
Kể từ đó, trưởng phòng giam không còn đối xử khắt khe mà còn thường xuyên tâm sự với tôi. Sau này cô ấy xem tôi như một người bạn và chúng tôi đã nói chuyện với nhau rất nhiều.
Những người thường bắt nạt tôi cũng đã cải biến
Vương Phượng (bí danh) là người chuyên bắt nạt người khác trong tù. Cô ấy là người có tiền và có bản sự. Cô ấy hễ mở miệng liền mắng chửi và không coi người khác ra gì. Không ai dám gây sự với cô.
Nhà tù đã ban hành nhiều quy tắc khác nhau để kiểm soát các tù nhân. Các tù nhân thường phạm lỗi bởi vì họ không quen bị quản lý. Hình phạt dành cho họ phụ thuộc vào cách mà trưởng phòng giam báo cáo với quản giáo. Vì vậy, các tù nhân đều nịnh bợ và lấy lòng trưởng phòng giam và không dám vượt mặt cô ấy.
Bởi vì Vương Phượng thấy mình có quyền thế, cô ấy không thích kiểu sống như thế nên không hành xử như những người khác. Cô thường xuyên chửi bới sau lưng trưởng phòng giam. Họ có rất nhiều mâu thuẫn.
Các tù nhân được đánh giá bằng những lợi ích mà họ mang lại cho nhà tù. Vì vậy quản giáo đã nhắm mắt làm ngơ với kiểu hành xử của Vương Phượng. Sau một thời gian, mâu thuẫn giữa Vương Phượng và trưởng phòng giam càng ngày càng trầm trọng khiến cho quản giáo đau đầu.
Sau đó, người quản giáo sắp xếp cho tôi vào cùng một nhóm với Vương Phượng. Một ngày nọ, trong khi quét sàn nhà, tôi đi qua chỗ của Vương Phượng. Cô ấy dậm chân nói: “Nhìn này, cô đang quét rác vào chân tôi đấy.” Thực ra chân cô ấy không hề có cọng rác nào. Tôi đã không nói gì cho tới khi dọn dẹp xong.
Một vài ngày sau, giường tầng trên của Vương Phượng có một tù nhân mới, người này dường như có vấn đề về tâm thần. Vương Phượng có thói quen mắng chửi người khác vào buổi sáng. Hôm đó cô ấy chửi người tù nhân mới vào vì đã rung giường lúc nửa đêm khiến cô không thể ngủ ngon giấc.
Khi chúng tôi đến xưởng, tôi nhìn thấy Vương Phượng ở đó một mình. Tôi đánh thức cô ấy và nói: “Vương Phượng, tôi có thể nói với chị việc này không?” Cô ấy hỏi: “Việc gì vậy?”
Tôi nói: “Nhìn chị giống một nhân vật có vai vế, một Vương Phượng lẫy lừng sao lại đi bắt nạt người khác? Khi chị mắng chửi trưởng phòng giam, những người khác cho rằng chị đang trút giận nhưng họ vẫn cảm thấy chị nói có lý. Nhưng người tù nhân mới vào, rõ ràng có vấn đề về tâm thần nhưng chị lại mắng chửi cô ấy, người khác sẽ nghĩ gì khi thấy chị làm như vậy?”
“Hôm trước tôi quét rác và không về quét về phía chị, nhưng chị lại nói tôi làm thế. Chị biết không, quét dọn sàn nhà không phải việc của tôi. Tôi và chị được xếp cùng một đội; chẳng phải tôi cũng đang ghi điểm cho chị đó sao? Ngay cả khi tôi có vô tình quét rác vào chân chị thì chị cũng không nên hành xử theo cách đó.” Vương Phượng im lặng lắng nghe và nói: “Thế à? Tôi đâu thấy như thế là bắt nạt cô ta.”
Từ đó Vương Phượng đã thay đổi và hiếm khi mắng chửi người khác. Cô ấy bí mật nói chuyện với những người khác: “Hôm trước tôi đã mắng chửi một tù nhân mới đến, nhưng cô ấy (chỉ tôi) bảo rằng tôi làm thế là sai.”
Tôi thường giảng chân tướng về Đại Pháp cho cô ấy và kể cho cô ấy nghe những điển tích về văn hóa truyền thống và cách người xưa đã tu thân như thế nào. Cô ấy rất thích nghe những câu chuyện đó.
Tôi nói: “Hãy nhìn vào những danh nhân lưu danh sử sách, có ai được ca tụng vì họ giàu có không? Người đời khắc ghi đạo đức cao thượng của họ. Phúc phận của người ta đều nhờ có đức mà đạt được. Họ biết ước thúc đạo đức bản thân, nhờ đó mà tương lai mới có được phúc phận. Khi chị đánh, mắng chửi hay bắt nạt người khác thì cũng chính là đang cấp đức cho họ. Chúng ta không nên làm những việc ngốc nghếch mà khiến mình bị tổn đức như vậy.”
Dần dần Vương Phượng không chửi bới người khác nữa. Đôi khi, cô ấy không nhịn được việc gì đó, nhưng vừa định chửi thề thì cô ấy nhìn vào tôi rồi nuốt lời vào trong, miệng lẩm bẩm: “Cô ấy (tên tôi) bảo tôi không được chửi bậy.”
Quản giáo để ý thấy sự thay đổi của Vương Phượng và nói: “Chị đã thay đổi rồi, không còn mắng chửa người khác nữa.”
Vương Phượng đáp, “Cô ấy (tên tôi) giải thích tại sao tôi không nên mắng chửi người khác nữa. Chẳng phải tôi đã thay đổi trở nên tốt hơn sau khi chị xếp cho tôi chung nhóm với cô ấy sao?”
Quản giáo mỉm cười. Người khiến cô ấy phải đau đầu bấy lâu nay đã cải biến thật rồi.
Những người xung quanh tôi cũng đã cải biến
Có một cô gái từ tỉnh An Huy tới thành phố làm việc cho một người họ hàng. Cô ấy đã trộm đồ của người nhà nên bị đưa vào tù. Vì không có tiền mua thẻ điện thoại, không thể liên lạc với gia đình ở An Huy, nên cô rất lo lắng. Tôi đã nhờ người quản giáo chuyển 100 tệ từ tài khoản của tôi sang cho cô ấy để cô mua thẻ gọi cho người nhà ở An Huy. Cô gái ấy rất cảm kích.
Tôi đã giảng chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp cho cô ấy. Cô đã hiểu ra và nói: “Ai mà phải vào đây cũng vì phạm tội nào đó, nhưng chị thì không có tội. Chúng em bị bắt vì toan tính lợi ích cho bản thân, nhưng chị lại bị bắt vì làm điều tốt cho người khác. Giá như em biết chị sớm hơn, em sẽ không làm việc (trộm cắp) như thế.”
Có một cô gái khác đến từ tỉnh Vân Nam đã rất buồn bã khi mới vào tù. Tôi đã giúp cô ấy hiểu được thế nào là một người có đạo đức và làm thế nào để trở thành một người tốt. Một ngày nọ cô ấy nói với tôi: “Dì ơi, dì bảo con làm một người tốt, con ghi nhận. Nhưng ở đây con không thể làm được bởi vì người ta cứ bắt nạt những người tốt.”
Tôi đã suy nghĩ về chuyện này rồi nói với cô: “Cháu nói xem, những người ở đây gồm cả quản giáo, họ có tôn trọng dì không?” Cô ấy nói: “Dạ có”. Tôi hỏi tiếp: “Có phải họ tôn trọng dì vì dì đáng sợ không?” Cô đáp: “Không phải, đó là bởi dì là một người tốt bụng.”
Tôi nói: “Vậy thì cháu cũng nên làm một người tốt, để mọi người tôn trọng mình, và sẽ không ai bắt nạt mình đâu. Dì hỏi cháu này, cháu muốn bị bắt nạt hay không?” “Không muốn bị bắt nạt ạ,” cô ấy nói. “Vậy nếu như cháu bắt nạt người khác, họ sẽ không ưa cháu. Nếu cháu không làm tổn hại người khác nữa, họ cũng sẽ dần dần không động đến cháu nữa.” Cô ấy nói: “Đúng là thế ạ.”
Một cô gái đến từ thành phố Bản Khê, tỉnh Liêu Ninh có mái tóc ngắn trông giống như con trai. Cô ấy xin được xếp vào nhóm với tôi. Tôi đã giảng chân tướng cho cô ấy, nói với cô ấy những nguyên lý hành xử chính trực và dạy cô học thuộc các bài thơ trong Hồng Ngâm. Hằng ngày khi thức dậy trước tiên cô đều nhẩm thuộc các bài thơ thơ trong Hồng Ngâm, trong ngày nếu có thời gian cô cũng nhẩm thơ. Một ngày, cô ấy bị đau bụng, cô đã nhẩm đọc Hồng Ngâm và cơn đau bụng đã biến mất.
Những người khác biết cô ấy đang học Đại Pháp với tôi và muốn báo cáo việc này với quản giáo. Cô ấy tâm sự với tôi: “Dì à, cháu không sợ nếu quản giáo xuống nói chuyện với cháu. Cháu sẽ chỉ nói thế này: ‘Cháu đã từng chửi mắng người khác rất nhiều nhưng giờ cháu không làm vậy nữa. Chẳng phải học Đại Pháp tốt hơn so với việc đi chửi bới người khác sao?’”
Dần dần cô ấy đã trở nên đồng cảm hơn với cha mẹ mình và cũng thường kể với tôi chuyện trong gia đình. Cô nói: “Cháu lớn lên như một cậu con trai, đồ chơi toàn là những thứ như súng, dao và xe ô tô đồ chơi. Cháu không thích đi học mà chỉ muốn đi chơi thôi. Bố mẹ cháu rất lo lắng vì cháu thường không hay ở nhà.“
“Bố cháu nhớ và gọi điện cho cháu. Cháu bóp mũi lại (để thay đổi giọng) rồi nói: ‘Xin lỗi, số điện thoại quý khách vừa gọi hiện đang tắt máy.’ Bố cháu ở đầu dây bên kia thở dài: ‘Con nhóc này lại tắt điện thoại rồi.’ Cháu thấy rất buồn cười. Cháu đã không nhận ra rằng bố đã nhớ mình đến mức nào cho đến tận bây giờ.”
“Bây giờ cháu ở đây. Bố mẹ cháu nói rằng: ‘Ít nhất bây giờ thì chúng ta cũng biết con đang ở đâu và có thể đến thăm con bất cứ lúc nào bố mẹ muốn.’ Dì à, sau khi được ra khỏi đây, chắc chắn cháu sẽ không bao giờ sống như trước đây nữa.”
Cô ấy đã trở thành một người kỷ luật hơn và cư xử tốt trong thời gian thụ án và đã được giảm án. Cô đã trở về sống cùng cha mẹ sau khi được ra tù.
Có một bà lão là một thầy cúng. Bà ấy chữa cho một người và cuối cùng người này bị chết. Bà không coi đó là lỗi của mình và không chịu nhận tội. Bà không được giảm án và dường như cũng không quan tâm đến chuyện này. Khi nào thích thì bà ấy hát và muốn chửi ai thì bà ấy chửi. Bà ấy mắng chửi ai đó vì đưa đồ ăn cho người khác hay thân thiết gần gũi với nhau. Bà chửi rủa bất cứ ai ngồi đối diện gần với bà ấy nhất. Quản giáo đã sắp xếp để tôi ngồi đối diện bà ấy.
Đôi khi trong phân xưởng tôi giúp bà ấy sắp xếp lại thành phẩm hay dọn dẹp chỗ làm của bà. Điều đó giúp bà làm nhanh hơn và hiệu quả hơn. Quản giáo cũng thường khen ngợi khiến bà rất vui. Bà ấy cố gắng bày tỏ lòng cảm ơn với tôi như nhường đồ ăn cho tôi nhưng tôi đều lịch sự từ chối.
Hằng ngày tôi cố gắng giữ kỷ luật bản thân rất nghiêm khắc. Một hôm, căng tin phục vụ món củ cải hầm, nhưng không ai thèm ăn. Tôi đã ăn cơm với củ cải hầm. Mọi người thấy tôi ăn ngon lành nên tò mò không biết đó là gì. Khi biết món đó chỉ là miếng củ cải hầm to bằng ngón tay, họ đã rất nể tôi.
Tôi đều đối xử tốt với mọi người và giúp đỡ những ai mà tôi tiếp xúc. Một vài người đã bí mật đưa đồ ăn để cảm ơn tôi nhưng lần nào tôi cũng bí mật trả lại. Bà lão lớn tuổi quan sát thấy hết những điều này và rất khâm phục tôi. Dần dần bà ấy cũng không còn gây sự và chửi mắng người khác nữa.
Đôi khi tôi cũng giảng chân tướng cho người quản giáo và cô ấy nói: “Chị thực sự là một người tốt. Phòng giam này có rất nhiều người, nhưng không có ai trong số họ nói xấu về chị.” Một cô gái mới đến, sau một thời gian quan sát tôi đã nói với những người khác: “Tôi không thể tin ở trong tù mà lại có một người tốt như vậy.”
Những học viên Pháp Luân Đại Pháp thường gặp phải những hoàn cảnh khó khăn trong tù. Trước tiên, quản giáo chọn người xấu nhất xếp vào nhóm với tôi. Nhưng sau đó cô ấy đã sắp xếp tôi vào nhóm với người có trình độ văn hóa cao nhất trong buồng giam, là giám đốc sáng lập của một công ty và giữ nguyên như vậy cho đến khi tôi được trả tự do.
Khi các học viên Pháp Luân Đại Pháp có được tâm từ bi thì sẽ cải biến hoàn cảnh và những người xung quanh chúng ta.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/10/2/446462.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/11/9/204672.html
Đăng ngày 11-02-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.