Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 02-07-2022] Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp (hay còn gọi là Pháp Luân Công) vào năm 1997, và đã bị bức hại nhiều lần kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999. Tuy vậy, nhờ sự bảo hộ của Sư phụ, tôi vẫn sống sót. Nhìn lại con đường tu luyện của mình, có niềm vui khi tôi ngộ được các Pháp lý và cũng có cả nỗi buồn trong suốt những tháng ngày đen tối.
Năm 2016, tôi bị người khác báo cáo với cảnh sát vì đã giảng chân tướng cho người dân và bị bắt giam phi pháp 4 năm tù. Lính canh nói với chúng tôi phải lựa chọn giữa “bị chuyển hóa” hoặc phải gánh chịu hậu quả.
Nếu một học viên Đại Pháp có thể giữ đầu não thanh tỉnh và không chấp nhận bị tẩy não, lính canh không thể làm gì. Tuy nhiên, nếu học viên đó không có tín tâm mạnh mẽ, họ có thể dễ dàng bị can nhiễu, phục tùng yêu cầu của lính canh và bị “chuyển hóa” và có thể đi theo con đường tà ngộ.
Tôi luôn ghi nhớ trong tâm lời dạy của Sư phụ Lý (nhà sáng lập của Pháp Luân Đại Pháp):
“…nhất tâm bất động có thể ức chế vạn động…” (Giảng Pháp tại Pháp hội San Francisco 2014, Giảng Pháp tại các nơi XIII)
“…Thị nhi bất kiến
Bất mê bất hoặc
Thính nhi bất văn
Nan loạn kỳ tâm.…” (Đạo Trung, Hồng Ngâm)
Tôi cự tuyệt mọi yêu cầu của lính canh như đeo thẻ tù nhân, tham gia điểm danh, lao động cưỡng bức, ký kết vào các văn bản và ghi nhớ nội quy trong tù. Các nội quy trong tù là dành cho tội phạm, chứ không phải dành cho các học viên Pháp Luân Đại Pháp. Nếu tôi tuân theo các nội quy trong tù, điều này cũng là một sự sỉ nhục đối với Đại Pháp. Lính canh đã phạt tôi bằng cách cấm tôi sử dụng nhà vệ sinh, ngăn không cho tôi ngủ và không cho tôi mua các vật dụng hằng ngày, đồng thời từ chối quyền gặp gia đình và bạn bè của tôi. Họ phạt tất cả những người cùng phòng với tôi khi tôi từ chối hợp tác. Kích động sự thù hận đối với các học viên Đại Pháp là một chiêu trò thường dùng của lính canh để phá vỡ ý chí của các học viên.
Khi thấy tôi không hề lay chuyển, họ đã giam tôi vào phòng biệt giam nhỏ trong vòng 35 ngày. Họ đưa tôi rất ít thức ăn và nước, không cho tôi ngủ và buộc phải đứng nghiêm trong thời gian dài. Nếu họ thấy tôi thực hiện một cử động nhỏ nhất, họ sẽ đấm, đá và chửi bới tôi. Đói, rét và kiệt sức khiến tay chân tôi sưng tấy, chuyển sang màu tím tái. Thế nhưng tôi không bao giờ chểnh mảng trong việc nhẩm thuộc Pháp và phát chính niệm trong khi trải qua những thử thách đau đớn này. Tôi nhẩm nhiều nhất có thể, đặc biệt là 9 chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo.”
Ban quản lý nhà tù yêu cầu tất cả mọi người phải nhớ 38 nguyên tắc trong tù, nhưng tôi bỏ qua và tiếp tục nhẩm Pháp hằng ngày. Vào “ngày kiểm tra”, tôi nói với một lính canh rằng tôi không thuộc các nội quy trong tù. Khi cô ấy hỏi tại sao, tôi đáp rằng: “Tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, và tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.” Cô ấy không nói gì và tiếp tục. Kể từ đó không ai yêu cầu tôi học thuộc các nội quy trong tù nữa.
Khi tôi được thả ra khỏi phòng biệt giam nhỏ, một lính canh cho biết tôi đã bị trừ 15 điểm vì bị biệt giam, 15 điểm vì không đeo thẻ tù nhân và 15 điểm vì không tham gia điểm danh. Cô ấy chuyển cho tôi mảnh giấy và muốn tôi ký tên. Tôi trả lời: “Hãy làm những gì chị thích, tôi không muốn bất kỳ điểm nào của chị. Tội phạm rất coi trọng điểm số. Tôi không phải là tội phạm, và tôi không phải ở đây để kiểm điểm. Tôi sẽ không ký tên.” Lính canh chỉ nói: “Được rồi! Chị có thể đi.“
Tôi bị chuyển tới một phòng giam cùng ba học viên khác, những học viên này cũng từ chối “chuyển hóa.” Ở đây có một người có nhiệm vụ ghi chép cho các lính canh, vài người “phụ tá” (chịu trách nhiệm giám sát các học viên) và người phụ trách Ban cải tạo tù nhân. Người phụ trách này thường làm các việc vặt trong văn phòng, như dọn dẹp và lấy thức ăn cho cán bộ trong trại giam. Hằng ngày cô thường mang thức ăn thừa để chia cho mọi người, như trứng, bánh bao, súp và các món ăn khác, và thỉnh thoảng có trái cây. Tôi không bao giờ ăn những đồ ăn đó.
Một người “phụ tá” được chuyển đến phòng giam cùng lúc với tôi. Trước đó, tôi đã giảng chân tướng cho cô ấy. Khi tôi được thả từ phòng biệt giam nhỏ, tôi không thể đi vững. Cô ấy đã đề nghị giặt giũ và lấy thức ăn giúp tôi, nhưng tôi đã từ chối. Cô ấy nói thầm với tôi “Đây là nhiệm vụ của tôi. Tôi đang được hưởng phúc theo chị đó, mười mấy năm qua tôi không được ăn những đồ ăn này.”
Ba học viên và tôi cùng học thuộc Pháp và chia sẻ thể ngộ từ trong Pháp. Chúng tôi cần phải cẩn trọng vì có một chiếc camera trong phòng giam. Lính canh không cho chúng tôi ra ngoài, để phòng người khác theo gương chúng tôi không đeo thẻ tù. Chúng tôi bị giam trong phòng không được bước ra ngoài, vì ở trong phòng giam đã có vòi nước và nhà vệ sinh.
Ban quản lý nhà tù chuyển tất cả các học viên từ chối “chuyển hóa” tới cùng đội với tôi sáu tháng sau, vì sợ rằng những học viên này sẽ khiến công việc “chuyển hóa” người khác của họ trở nên khó khăn hơn. Họ chuyển tôi đến “nhóm cao tuổi” nơi không có học viên nào đeo thẻ tù hoặc đã bị “chuyển hóa”. Các học viên lớn tuổi từ chối tham gia lao động cưỡng bức, nhưng vẫn có thể đến cửa hàng và luyện công vào ban đêm. Môi trường tương đối thoải mái. Một học viên nói với tôi rằng người đứng đầu nhóm đó đã hiểu chân tướng về Đại Pháp và đã nhận được phúc báo.
Nhóm cao tuổi có một yêu cầu rằng bất cứ ai có thể đi lại thì đều phải làm việc, mọi người đều phải đứng xếp hàng đưa tay lên đầu trước và sau khi làm việc mỗi ngày để họ khám xét. Tuy nhiên không học viên nào làm vậy vì điều này vì chúng tôi không phải là tội phạm.
Một lính canh đến và khám xét tôi vào ngày đầu tiên tôi ở đó. Cô ấy suýt nổi cáu khi thấy tôi không để tay trên đầu. Sau đó cô ấy nhận ra rằng tôi cũng không đeo thẻ tù, liền bỏ qua tôi mà không làm to chuyện. Cô ấy biết rằng chỉ có học viên Pháp Luân Đại Pháp mới làm như vậy.
Các học viên từ chối làm việc ở các phân xưởng. Chúng tôi chỉ nhẩm thuộc Pháp và phát chính niệm. Chúng tôi tận dụng mọi cơ hội để giảng chân tướng và giúp mọi người thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó.
Tôi giảng chân tướng cho một tù nhân bị bắt vì tội giết người và dạy cô ấy một vài bài trong cuốn Hồng Ngâm. Cô ấy nhiệt tình học và nhẩm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo” mỗi ngày.
Sau đó nhà tù đã trải qua một quá trình tái cơ cấu. Người phụ trách nhóm cao tuổi đã nghỉ hưu, và hầu hết các lính canh đã được thay thế. Các lính canh mới nhắm vào các học viên để bức hại tàn bạo. Họ cấm mọi người luyện công và đặt một bộ quần áo khống chế (với chiếc đai buộc làm bằng vải bố, bên trên còn có hai nút thắt) cạnh giường của mỗi học viên. Hễ các học viên bắt đầu luyện công, các tù nhân liền ép họ mặc bộ quần áo khống chế. Chúng tôi vẫn không chịu đeo thẻ tù, vì vậy lính canh đã khâu một mảnh vải trắng trên áo khoác của chúng tôi và viết cái gọi là tội danh bên cạnh tên của chúng tôi. Họ may nó vào buổi sáng, và chúng tôi tháo nó ra vào ban đêm. Chúng tôi kiên quyết không để nó ở đó vì chúng tôi là học viên Pháp Luân Đại Pháp, không phải tội phạm.
Tôi đã từng bị giam trong một phòng biệt giam nhỏ. Mỗi bữa ăn là một chiếc bánh mì ngô hấp nguội có kích thước bằng một quả trứng và ba đến năm lát dưa chuột. Chúng tôi không được ăn bất kỳ món súp hay nước nào. Các lính canh buộc tôi phải đứng nghiêm, nhưng thay vào đó tôi đã luyện công. Họ liền mặc bộ quần áo khống chế vào người tôi, trói chân và tay tôi.
Khi tôi hét lớn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân-Thiện-Nhẫn hảo! ” họ trùm một chiếc mũ lên đầu tôi, chỉ để lộ mắt và lỗ mũi. Các tù nhân sau đó đã bỏ mũ trùm đầu, nhục mạ tôi và cấu da thịt trên cơ thể tôi trong khi cho tôi ăn. Khi mặc quần áo tù cho tôi, đầu tiên họ buộc chặt eo tôi bằng một chiếc thắt lưng lớn, sau đó bẻ ngoặt tay tôi ra sau lưng và buộc cổ tay tôi vào khóa và kéo thật chặt. Một sợi dây được thêm vào để kéo và buộc hai cánh tay trên của tôi lại với nhau, đau không thể tả, chỉ những người đã phải chịu đựng nó mới biết. Sau đó, họ buộc hai bắp chân của tôi với nhau bằng ba sợi dây, vì vậy tôi không thể ngồi hoặc đứng một cách thoải mái, luôn ở trong tình trạng đau đớn.
Họ tháo mũ trùm đầu ra khỏi đầu tôi lúc 10 giờ tối, và sau đó tháo tất cả dây ra. Họ chuyển khóa của dây đai khống chế ra phía trước để tôi có thể nghỉ ngơi một chút. Tôi chỉ có thể ở một vị trí trong suốt cả đêm. Họ đã buộc dây đai khống chế vào tôi cả ngày lẫn đêm, và chỉ cho phép tôi đi vệ sinh một lần vào buổi sáng và một lần vào ban đêm.
Tôi tự hỏi mình: tại sao những khổ nạn này lại tái diễn? Tôi đã hướng nội và nhận thấy rằng tôi đã vô tình phát triển tâm tự mãn sau khi chuyển từ một môi trường khắc nghiệt sang một “nhóm cao tuổi” thoải mái hơn. Chấp trước của tôi đã bị cựu thế lực lợi dụng.
Tôi tự nói trong lòng: “Sư phụ ơi, con sai rồi. Tất cả những rắc rối này đã phát sinh vì sự tự mãn của con.” Tôi phát chính niệm để loại bỏ chấp trước và tất cả các yếu tố bất hảo đằng sau nó, và nắm bắt mọi cơ hội để học thuộc Pháp. Tôi không cảm thấy đau khổ nhiều sau khi hiểu được các nguyên lý của Pháp đằng sau khổ nạn này. Dưới sự bảo hộ từ bi của Sư phụ và với chính tín vào Đại Pháp, tôi đã vượt qua một thử thách khác. Bộ quần áo khống chế được cởi bỏ sau tám ngày, và tôi đã ra khỏi nơi giam giữ sau 21 ngày. Từ đó về sau không ai bắt tôi vì không đeo thẻ tù nữa.
Nếu chúng ta có thể vượt qua sự cám dỗ của danh, lợi và tình, cựu thế lực sẽ không còn thủ đoạn nào đối với chúng ta. Nếu chúng ta có thể nhìn thấu sự lừa dối và tất cả những cám dỗ, chúng ta sẽ không hối tiếc trên con đường tu luyện của mình. Tôi có nhiều thiếu sót như sợ hãi, ích kỷ, oán giận những kẻ bức hại, và tôi không phải lúc nào cũng biết hướng nội. Tôi phải học Pháp nhiều hơn, hướng nội nghiêm túc, loại bỏ quan niệm người thường của mình, và nhanh chóng cứu độ chúng sinh trong khoảng thời gian tu luyện hữu hạn này.
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2022/7/2/在黑窩中走正修煉路-442825.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/8/24/202942.html
Đăng ngày 02-10-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.