Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc
[MINH HUỆ 03-12-2022] Trại Lao động Cưỡng bức Thành phố Nam Xương cũ (hiện không còn tồn tại) nằm ở đường Mạch Viên, quận Tân Kiến, tỉnh Giang Tây. Trại lao động đã thành lập một trung đội đặc biệt để bức hại học viên Pháp Luân Đại Pháp địa phương vào năm 2001 và trở thành cơ sở chính để giam giữ những học viên từ chối từ bỏ đức tin. Riêng trong năm 2001, đã có hàng chục học viên bị giam giữ ở đây.
Từ năm 1999 đến 2013, khi hệ thống trại lao động bị bãi bỏ ở Trung Quốc, đã có hai cái chết được xác nhận là do bị tra tấn ở trong Trại Lao động Cưỡng bức thành phố Nam Xương. Các hình thức tra tấn đối với học viên gồm: dùng que chống vào mắt của các học viên để ngăn họ chớp mắt và ngủ, bức thực, đánh đập, còng tay và tẩy não họ. Trại lao động cũng bức hại các học viên bằng cách không cho họ gặp gia đình và mua nhu yếu phẩm hàng ngày.
Vì sự phong toả thông tin nghiêm ngặt của chính quyền nên các trường hợp bức hại được nêu sau đây chỉ là tảng băng nổi của những tội ác ở trong Trại Lao động Cưỡng bức thành phố Nam Xương.
Hai trường hợp tử vong do bị tra tấn, bức thực và ép dùng thuốc huy hoại thần kinh
Ông Vương Hân sinh ngày 29 tháng 8 năm 1973, cư trú tại quận Tây Hồ, thành phố Nam Xương. Ông đã tuyệt thực vào tháng 5 năm 2001 sau khi bị một lính canh đánh đập và tịch thu tất cả sách Pháp Luân Đại Pháp mà ông đã tìm cách mang được vào trong trại lao động.
Ông Vương yêu cầu người lính canh đó phải chịu trách nhiệm và trả lại sách cho ông. Vài tuần sau, lính canh xúi giục những tù nhân khác bức thực ông. Họ đè ông xuống và giẫm lên ông trong khi bức thực. Vài ngày sau, ông chỉ còn thoi thóp và được đưa đến bệnh viện. Ông đã qua đời trong bệnh viện vào ngày 2 tháng 7 năm 2001, ở tuổi 28.
Ông Vương Hân
Ông Chu Thế Chân sinh năm 1950, cư trú tại thôn Hoàng Mã, huyện Nam Xương. Cảnh sát của Đồn Công an Thôn Hoàng Mã đã bắt ông hai lần vào tháng 2 năm 2001 và tháng 12 năm 2003, và mỗi lần đều đưa ông vào trại lao động. Vì ông tuyệt thực nên lính canh đã ra lệnh cho tù nhân cùng phòng giam giám sát và tra tấn ông. Mỗi tối họ thường còng tay ông và không cho ông rời khỏi phòng giam.
Sau khi ông Chu được trả tự do vào tháng 3 năm 2004, cảnh sát vẫn liên tục giám sát và sách nhiễu ông. Năm tháng sau, cảnh sát đã bắt ông vào ngày 23 tháng 9 năm 2004 và đưa ông vào trại lao động lần thứ ba. Lính canh đã bức thực ông sau khi ông tuyệt thực. Sau ba tháng, người của trại lao động đưa ông về nhà bằng xe hơi. Chỉ sau hai ngày, thần trí ông trở nên mơ hồ và xuất hiện ảo giác. Ông đã qua đời vào ngày 7 tháng 12 năm 2004. Một người trong trại lao động cho hay một lính canh đã trộn thuốc không rõ nguồn gốc vào thức ăn của ông Chu và tiêm vào người ông loại chất lỏng không rõ nguồn gốc để đầu độc ông.
Ông Chu Thế Chân
Các trường hợp bị tra tấn khác
Bà Cát Bội Linh sinh năm 1957, cư trú tại khu nhà tập thể của Nhà máy Nồi hơi tỉnh Giang Tây. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, chính quyền đã bắt bà vào trại lao động hai lần. Sau khi bị tra tấn tàn bạo vào năm 2001, bà bị cao huyết áp và bắt đầu bị nôn mửa với co giật.
Lính canh lập tức đưa bà tới một bệnh viện, tại đây bà vẫn bị còng tay và xích chân dù đang trong tình trạng hấp hối. Khi một bác sỹ lên tiếng cho bà và muốn biết ai sẽ chịu trách nhiệm nếu bà chết, lính canh đã đe doạ sẽ bắt bác sỹ. Thấy tình trạng của bà xấu đi, lính canh đã rời đi vì họ không muốn chịu trách nhiệm. Chồng bà đã đưa bà về nhà, nhưng chính quyền vẫn tiếp tục giám sát và sách nhiễu bà tại nhà.
Năm 2004, bà lại đi tới Bắc Kinh để lên tiếng cho Pháp Luân Đại Pháp và cảnh sát lại bắt giữ bà. Tại trụ sở Công an Thanh Vân Phổ ở thành phố Nam Xương, cảnh sát đã đánh đập bà tàn bạo và gây ra thương tích ở vùng đầu của bà, khiến bà thần trí không còn thanh tỉnh và không thể tự chăm sóc bản thân. Bà đã qua đời vào tháng 1 năm 2005.
Bà Cát Bội Linh
Ông Triệu Kim Phát sinh năm 1966, cư trú tại thôn Vưu Khẩu, huyện Nam Xương. Các tù nhân cùng phòng giam đã đánh đập ông mỗi đêm khi ông ở trong trại lao động vào tháng 2 năm 2001.
Ông Trần Hướng Dương bị bắt vào trại lao động vào ngày 9 tháng 2 năm 2001. Có lần lính canh không cho ông và các tù nhân cùng phòng ra khỏi phòng giam để đi tắm rửa vì ông từ chối từ bỏ đức tin. Lính canh cưỡng bức ông lao động cường độ cao và xúi giục tù nhân đánh đập ông.
Bà Thư Quyên sinh ngày 2 tháng 11 năm 1949 và là một nhân viên nghỉ hưu của nhà máy công tắc. Sau khi chính quyền giam bà trong trại lao động vào tháng 3 năm 2002, bà đã tuyệt thực 8 ngày để phản đối tẩy não. Lính canh đã trói bà vào ghế và bức thực bà.
Bà Thư Quyên
Bà Kim Tú Liên từng là một kế toán viên của một trung tâm mua sắm. Ngày 23 tháng 1 năm 2001, bà bị cảnh sát bắt giữ khi đang phân phát tài liệu Pháp Luân Đại Pháp ở huyện Phụng Tân. Bảy ngày sau, cảnh sát của Đồn Công an Triều Dương Châu đưa bà vào Trại tạm giam Số 2 thành phố Nam Xương. Chính quyền đã kết án bà 3 năm lao động cưỡng bức mà không thông qua xét xử. Mỗi ngày bà bị cưỡng chế xem các video lăng mạ Pháp Luân Đại Pháp.
Ông Khuất Kiến Huy sinh năm 1969. Ông đã đến Bắc Kinh để lên tiếng cho Pháp Luân Đại Pháp vào tháng 9 năm 1999 và bị cảnh sát bắt giữ và giam 1 năm trong trại lao động.
Ông Khuất lại đến Bắc Kinh vào tháng 12 năm 2000. Cảnh sát đã bắt ông và giam ông 3 tháng ở trong trại tạm giam thành phố Nam Xương trước khi kết án ông 3 năm lao động cưỡng bức. Trong trại lao động, lính canh cưỡng chế ông xem video lăng mạ Pháp Luân Đại Pháp và lao động cường độ cao hơn 10 tiếng mỗi ngày. Họ sẽ đánh đập ông nếu ông không hoàn thành công việc được giao.
Một nữ học viên đã hát những bài hát Pháp Luân Đại Pháp tại một buổi tập trung vào ngày 8 tháng 3 năm 2001. Một lính canh đã lệnh cho tù nhân đánh bà bằng móc treo quần áo. Một sinh viên trẻ vừa tốt nghiệp bị tra tấn trong phòng biệt giam vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Đại Pháp.
Dưới đây là danh sách một số học viên Pháp Luân Đại Pháp từng bị giam trong Trại Lao động Cưỡng bức thành phố Nam Xương.
Ông Trần Khánh Vân, ông Tiêu Viễn Quang, ông Thái Cửu Long, ông Trần Hướng Dương, ông Khương Lai Bình, ông Dư Thu Căn, ông La Vận Lai, ông Triệu Kim Phát, ông Châu Thế Chân, ông Trần Kiến, ông Hùng Kiếm Huy, ông Ngô Huệ Hiền, ông Khuất Kiến Huy, ông Trương Văn Đào, ông Cam Kiến Hoa, ông Vạn Kiến Bình, ông Dương Tùng Sinh.
Bà Tiêu Bình, bà Hùng Tiểu Linh, bà Cát Mãn Trân, bà La Bình, bà La San, bà Lý Quốc Anh, bà Dương Tú Nguyên, bà Chung Tĩnh Dư, bà Nguỵ Mai Anh, bà Giang Lan Anh, bà Vạn Tinh, bà Hứa Tương Vinh, bà Lý Huệ Châu, bà Trình Quang Bình, bà Trần Hoa Anh, bà Cát Bội Linh, bà Thư Quyên, bà Bành Tiểu Lan, bà Kim Tú Liên, bà La Xuân Vinh, bà Hồ Hoả Muội, bà Dương Căn Hương, Trâu Phát Kim, bà Hạ Quân, bà Lý Phương Lan, bà Chu Mỗ Mai.
Danh sách các thủ phạm của Trại Lao động Cưỡng bức thành phố Nam Xương
Các giám đốc: Chương Trọng Vân, Ngô Hải Toàn, Lý Vệ Hoa, Vương Thanh Lâm
Ban Giáo dục: Trình Hạm (phụ quản việc bức hại tẩy não), Ngô Quyên Quyên
Chỉ đạo viên: Tôn Như Chính, Khâu Dương
Trung đội trưởng: Vạn Kiến Bình (một trong những hung thủ chính bức hại ông Vương Hân đến chết), Vạn Nghĩa Dũng, Niếp Chí Cương, Viên Trung Phúc
Các phó trung đội trưởng: Quách Kỷ Chinh, Lưu Hồng Bình
Lính canh: Trần Chí Cường, Ngô Khải, Đào Vũ Ninh, Ngô Cường, Dương Tuấn.
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/12/3/452642.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/12/20/205266.html
Đăng ngày 24-01-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.