Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại New York

[MINH HUỆ 16-12-2022] “Lúc thấy thi thể cha tôi, tôi vẫn không sao tin được đó là sự thực. Ông gầy quá, người đầy vết thương; trên mặt bị mất một mảng da lớn và đầy vết bầm tím.”

Trên đây là lời kể của cô Hàn Vũ, một cư dân New York 37 tuổi, trong talk show mới đây nhất vào ngày 13 tháng 12 năm 2022 của Đài Phát thanh WDEL ở Wilmington, bang Delaware, Hoa Kỳ, do người dẫn chương trình nổi tiếng Rick Jensen thực hiện.

Cha của cô Hàn là ông Hàn Tuấn Thanh, một học viên Pháp Luân Công ở thị trấn Đậu Điếm, quận Phòng Sơn, thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc. Ông Hàn bị bắt bị bắt vào tháng 2 năm 2004 chỉ vì không từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công và qua đời vào ngày 4 tháng 5, ba tháng sau đó. Cảnh sát đã hỏa táng thi thể của ông, trái với ý nguyện của gia đình ông.

Ông Rick Jensen được bình chọn là một trong “100 người dẫn chương trình có ảnh hưởng nhất ở Hoa Kỳ”, từng giành được giải thưởng Talk Show hay nhất của Hiệp hội Nhà báo Chuyên nghiệp Vùng Philadelphia. Ông Jensen luôn theo dõi và cập nhật cho khán giả của mình về cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ hơn hai thập kỷ qua. Ông đã mời cô Hàn và một vị khách nữa tham gia chương trình đặc biệt dài 20 phút có tiêu đề “Người sống sót kể về chính quyền Trung Cộng bắt công dân vô tội làm nô lệ và thu hoạch nội tạng để kiếm lời”.

8b8fc57a656958689acca113aac2b6d8.jpg

Người dẫn chương trình phát thanh Rick Jensen thảo luận về tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc trong chương trình talk show của mình ngày 13 tháng 12 năm 2022.

Lời chứng của con gái nạn nhân

“Chính quyền Trung Cộng bắt những người tu luyện hòa bình, vô tội, tống họ vào trại lao động nô lệ, rồi mổ lấy nội tạng của họ và bán để kiếm lời về cho chính quyền Trung Cộng. Pháp Luân Công, như tôi đã nói, là những người tu Phật hòa bình”, ông Jensen giới thiệu với thính giả khi mở đầu chương trình.

Cô Hàn Vũ kể lại trong chương trình: “Tôi thấy một vết cắt dài bằng dao, được khâu lại bằng chỉ đen, từ cổ họng đến ngực, đến đó là bị áo che đi rồi nên tôi không nhìn được nữa. Tôi định vạch áo cha lên để xem vết mổ dài tới đâu, nhưng cảnh sát ngăn tôi lại và buộc tôi phải rời đi.”

Cô Hàn cho biết, người nhà của cô (chú và thím), thừa lúc cảnh sát không chú ý, “đã vạch áo bố tôi ra và thấy vết rạch kéo dài từ cổ họng đến bụng. Họ ấn tay vào bụng bố tôi thì thấy trong bụng đầy đá cứng.”

Trước khi tu luyện Pháp Luân Công, ông Hàn bị bệnh tim và huyết áp cao, hai chân đầy mụn mủ. Từ khi tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997, ông Hàn không chỉ hết bệnh mà còn từ bỏ những thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu và nóng tính.

Tuy nhiên, chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công mà ông Hàn bị bắt vào tháng 2 năm 2004 và chết trong tù vào ngày 4 tháng 5 cùng năm. Hơn 100 cảnh sát được phái đến để canh thi thể ông Hàn, sau đó thi thể ông bị cưỡng chế hỏa táng mà không cần sự đồng ý của gia đình ông. Cô Hàn và gia đình cô nghi ngờ việc hỏa táng này là để che đậy tội ác thu hoạch nội tạng.

Hai năm sau cái chết của ông Hàn Tuấn Thanh, tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng bí mật từ các tù nhân lương tâm trên quy mô lớn của ĐCSTQ đã bị phơi bày ra công chúng. Đến nay, “tội ác chưa từng có trên hành tinh này” vẫn đang diễn ra.

Học viên Pháp Luân Công là nhóm nạn nhân lớn nhất

Khách mời thứ hai trong chương trình talk show của ông Jensen là Tiến sỹ Jessica Russo, một nhà tâm lý học lâm sàng ở Philadelphia, và là ủy viên quản trị của Hiệp hội Bác sỹ Chống Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng (DAFOH). Tiến sỹ Russo cho biết, các hãng truyền thông phương Tây hầu như không đưa tin về tội ác này từ khi nó bị đưa ra dư luận vào năm 2006. Chẳng hạn, sau cái chết gần đây của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, kẻ phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, rất ít hãng truyền thông phương Tây đưa tin về vai trò của ông ta trong tội ác thu hoạch nội tạng này.” Bà cho rằng “Đó đúng là nỗi hổ thẹn, vì đây là nhóm bị bức hại lớn nhất ở Trung Quốc.”

Đã có rất nhiều bằng chứng xác nhận sự tồn tại của nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc. Một nghiên cứu quy mô lớn vào năm 2016 cho thấy có 16.000 đến 100.000 ca ghép tạng được thực hiện ở Trung Quốc mỗi năm. Ngay cả khi ĐCSTQ tuyên bố nguồn nội tạng là các tù nhân bị hành quyết, thì những con số cũng không khớp, bởi số ca ghép tạng nhiều hơn nhiều so với số tù nhân bị hành quyết. Mặc dù số ca ghép tạng ngày càng tăng, nhưng số tù nhân bị hành quyết thực ra lại giảm dần. Thực tế là, Tổ chức Ân xá Quốc tế ước tính chỉ có khoảng 1.700 tù nhân bị hành quyết mỗi năm. Đây là câu chuyện của nhiều năm trước rồi, nhưng chắc chắn họ đều biết, con số này [tử tù] mỗi năm lại giảm đi.

Một nguồn khác là người hiến tạng tự nguyện. Nhưng từ trước năm 2013, Trung Quốc chưa có nguồn dữ liệu hiến tạng tự nguyện. Đó là bởi văn hóa tín ngưỡng của người Trung Quốc vô cùng coi trọng việc giữ thi thể nguyên vẹn, không bị động chạm đến sau khi chết. Vậy nên, số lượng hiến tạng tự nguyện của Trung Quốc rất thấp, chỉ khoảng 0,2% vào năm 2017. Điều này không thể giải thích được tại sao Trung Quốc lại có đến 16.000 đến 100.000 ca ghép tạng mỗi năm.

Hơn nữa, không lâu sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, số ca cấy ghép nội tạng đã tăng đột biến. Năm 2010, một người phát biểu rằng, số ca ghép gan mà họ đạt được năm 2000 cao gấp 10 lần so với năm 1999; đến năm 2005, con số này đã tăng gấp đôi so với năm 2000. So với con số này thì số tử tù và người hiến tạng tự nguyện không thấm vào đâu. Đây là phát hiện của nhân viên nghiên cứu. Chỉ còn khả năng là các học viên Pháp Luân Công, vì họ là một nhóm lớn những người khỏe mạnh và bị lấy mất nội tạng kể từ năm 1999.

Một ví dụ nữa là các trung tâm cấy ghép nội tạng. Trước cuộc bức hại Pháp Luân Công, Trung Quốc chỉ có 150 trung tâm cấy ghép nội tạng. Đến năm 2006, con số này đã tăng lên khoảng 600, tăng trưởng 300%.

Ông Jensen đặt câu hỏi cho thính giả: “Tại sao trước tình hình này, cộng đồng quốc tế lại không lên tiếng hay đưa ra chế tài nào đối với ĐCSTQ?”

Tiến sỹ Russo trả lời: “Câu hỏi rất hay. Chúng tôi cũng luôn thắc mắc, thật không thể tin được vì sao vấn đề này lại ít được chú ý đến vậy. Đó là bởi chúng ta (xã hội quốc tế) đang đầu tư vào Trung Quốc, có quan hệ thương mại với Trung Quốc. Lĩnh vực nào cũng vậy, kể cả lĩnh vực cấy ghép tạng. Chẳng hạn, ở Mỹ, chúng ta đào tạo cho các y sỹ và bác sỹ phẫu thuật của Trung Quốc, rồi khi về nước, họ rất có thể thực hiện những ca phẫu thuật giết người này… Ngoài ra các công ty dược phẩm cũng đang cung cấp dược phẩm cho các ca cấy ghép của Trung Quốc. Năm 2019, một nghiên cứu cho thấy có khoảng 26-27 công ty dược phẩm phương Tây, chủ yếu là ở Mỹ, đã cung cấp dược phẩm cho các ca ghép tạng của Trung Quốc. Các công ty dược phẩm của chúng ta phụ thuộc vào Trung Quốc trong hoạt động sản xuất, điều này đã là rất tệ rồi.”

Trước tình hình này, DAFOH đã hợp tác chặt chẽ với các quan chức dân cử để soạn thảo các dự luật nhằm hạn chế tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ. Hiện có ba dự luật đang được thảo luận tại Quốc hội và Thượng viện Hoa Kỳ. “Chúng ta cần đảm bảo rằng chính phủ Hoa Kỳ không cấu kết với Trung Quốc trong lĩnh vực cấy ghép tạng. Đó là một vấn đề lớn. Nếu chúng ta không hỗ trợ hoạt động cấy ghép tạng của Trung Quốc nữa thì họ [các quan chức ĐCSTQ] cũng không thể tiếp tục [tội ác này]”, Tiến sỹ Russo nhấn mạnh.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/12/16/453170.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/12/18/205242.html

Đăng ngày 23-12-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share