Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 15-07-2022] Nhà tù Số 1 tỉnh Vân Nam được biết đến là nơi giam giữ các tù nhân phạm trọng tội với nhiều tử tù và tù nhân ngoại quốc. Kể từ khi chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, ít nhất 160 học viên đã bị cầm tù tại đây.

Hầu hết các học viên bị giam ở khu 1, cũng gọi là khu huấn luyện của nhà tù. Đến nay, đã xác nhận được 28 học viên bị giam ở đó. Các học viên kiên định đức tin bị quản lý nghiêm ngặt và bị tra tấn tàn bạo. Ít nhất 4 học viên bị bức hại đến chết và 1 học viên là quân nhân tàn tật đã bị mù do tra tấn.

(Tiếp theo Phần 2)

Tra tấn các tù nhân bình thường

Các tù nhân bình thường cũng bị cưỡng bức lao động hơn 10 tiếng mỗi ngày. Năm 2006, khu 1 đã gia công chế biến nấm và nấm tươi hoang dã cho khách hàng và cưỡng chế các tù nhân làm việc ba ngày liên tục. Nếu không thể hoàn thành nhiệm vụ, tù nhân sẽ bị quản lý nghiêm ngặt hoặc bị còng tay và xích chân trong khi làm việc. Một tù nhân bị còng tay, xích chân và treo lên trong xưởng làm việc hơn 20 ngày sau khi một lính canh phát hiện một rổ nấm trong khu vực sản xuất và cho rằng tù nhân này đang giấu nấm đi để trốn việc.

Đầu năm 2007, khu 1 lắp ráp nguyên kiện máy tính, công việc chủ yếu là luồn một sợi dây đồng vào một vòng từ và khối thiếc chứa vật liệu độc hại. Sau đó, các bán thành phẩm phải được nung chảy và hàn lại. Hàng ngày các tù nhân phải xử lý thiếc nóng chảy bằng tay không mà không mang găng tay bảo hộ.

Vật liệu độc hại khiến các ngón tay của tù nhân bị mưng mủ, khí độc tràn lan trong xưởng khiến nhiều tù nhân bị khí thũng phổi, bệnh tim, hen suyễn, buồn nôn kéo dài, ói mửa, chóng mặt và chân tay yếu không sức lực. Họ phải làm việc trong xưởng từ sáng đến nửa đêm mà không được cung cấp khẩu trang.

Một tù nhân bị phát ban do dị ứng và gãi đến mức các nốt ban chảy máu và mủ. Bệnh viện đã cho anh uống thuốc chống viêm nhưng không có tác dụng. Anh thường xuyên yêu cầu được chữa trị hay được giao việc khác nhưng vô ích. Cuối cùng anh bị quản lý nghiêm ngặt.

Tù nhân Miến Điện bị bức hại đến chết

Anh Triệu Kiều Hoa, một tù nhân người Miến Điện 27 tuổi, bị chuyển từ Nhà tù Đông Hoàn ở tỉnh Quảng Đông đến Nhà tù Số 1 tỉnh Vân Nam vào tháng 7 năm 2009 cùng với 20 tù nhân Miến Điện khác. Quãng đường dài từ Quảng Đông đến Vân Nam khiến sức khỏe của anh Triệu yếu đi rất nhiều. Nhà tù đã để anh cùng một số tù nhân Miến Điện đến bệnh viện nhà tù khám bệnh.

Trên đường quay trở lại nhà tù, lính canh lệnh cho tù nhân phải ngồi xổm và lệnh cho họ bắt đầu làm việc vào buổi chiều. Anh Triệu nói rằng anh bị ốm và xin nghỉ. Một lính canh cho rằng anh giả vờ ốm nên đã đưa anh vào đối tượng quản lý nghiêm. Anh đã bị còng tay, xích chân và lôi vào đội quản lý nghiêm ngặt rồi bị treo người hơn 10 tiếng mỗi ngày. Sau đó, hai tay anh bị còng vào hai thanh kim loại. Anh không được ngồi hẳn xuống mà chỉ có thể ngồi xổm. Họ bắt anh đeo còng tay và xích chân ngay cả khi đi ngủ.

Mỗi ngày anh Triệu được cung cấp rất ít thức ăn và bị đánh đập.

Khi anh ở bên bờ vực của cái chết, anh vẫn bị còng tay và xích chân, đồng thời không được chữa trị y tế. Anh qua đời vào ngày 25 tháng 7 năm 2009, chỉ vài tuần sau khi được chuyển đến nhà tù. Cơ thể anh tím đen khi được khiêng xuống cầu thang.

Bệnh viện đã ra thông báo tuyên bố anh Triệu qua đời vì những nguyên nhân tự nhiên.

Tù nhân Miến Điện qua đời do bị bóc lột lao động quá sức

Ông Lý Tứ, một người Miến Điện ngoài 50 tuổi, đã bị đưa đến trại tập huấn trong khu 1 vào năm 2009. Việc huấn luyện kéo dài từ 3 đến 12 tháng và có thể được thực hiện ở bất cứ nơi nào. Ông Lý phải hái đậu hơn 10 tiếng mỗi ngày. Ông bị cấm ngủ. Khi không thể hoàn thành công việc được giao, ông không được ăn thịt, chỉ được ăn rau. Ông cũng không được ngồi bệt xuống khi lựa đậu.

Vì bị giam trong thời gian rất dài nên ông bị suy dinh dưỡng và thân thể yếu ớt. Một ngày trong năm 2009, khi đứng dậy đi vệ sinh sau khi phải vùi đầu để lựa đậu trong nhiều giờ đồng hồ, ông bị xuất huyết não và qua đời. Sau khi được đưa đến bệnh viện, bệnh viện cũng ra thông báo tuyên bố rằng ông qua đời do nguyên nhân tự nhiên.

Tù nhân bị treo lên những dụng cụ tra tấn do bản thân làm ra theo mệnh lệnh của lính canh

Anh Đàm Thiệu Huy, ngoài 30 tuổi, ở thành phố Côn Minh, bị chuyển đến đến khu 1 vào đầu năm 2004. Vì anh có kỹ năng sửa và hàn kim loại nên anh bị giam ở đội 1.

Bởi nghĩ tới con nhỏ và lo lắng cho vợ nên anh Đàm vô cùng áp lực. Đầu năm 2005, anh xích mích với một tù nhân khác và bị lính canh chỉ trích. Anh cố giải thích tình huống nhưng lính canh không nghe. Thay vào đó, họ còng tay và xích chân anh trước mặt mọi người trong xưởng làm việc. Anh bị treo lên trong 2 ngày và sau đó là 10 tiếng mỗi ngày. Cuộc tra tấn kéo dài suốt hơn 1 tháng. Mỗi ngày anh được cung cấp rất ít thức ăn và trở nên tiều tuỵ sau khi được bỏ quản lý nghiêm ngặt.

Sau một thời gian, anh Đàm nói với một tù nhân rằng khi anh được yêu cầu làm các dụng cụ tra tấn cho đội quản lý nghiêm ngặt, anh đã lắp vòng kim loại ở độ cao thấp hơn vì anh sợ rằng một ngày nào đó anh cũng sẽ bị tra tấn bởi chính những dụng cụ do mình làm ra.

Lính canh câu kết với tù nhân để làm việc mờ ám

Nguyên liệu thô bị hư hỏng hoặc bị ném đi

Năm 2004 và 2005, khu 1 gia công nấm cho khách hàng. Vì thu nhập được tính dựa trên số lượng sản phẩm đã gia công: số lượng càng nhiều thì tiền mà đội kiếm được càng nhiều. Một kg nấm giá từ 50 đến 100 nhân dân tệ. Vì có một số nấm rất nhỏ và khó cắt nên việc gia công mất nhiều thời gian và khó khăn hơn.

Để tăng hiệu quả làm việc, tù nhân được yêu cầu ném những cây nấm nhỏ này đi. Trưởng khu 3 từng đổ hơn 10 rổ nấm vào trong nhà vệ sinh của xưởng khiến nhà vệ sinh bị tắc nghẽn. Trưởng khu 5 (một tù nhân đến từ Hồng Kông) đã chỉ đạo các tù nhân giẫm và dùng gạch đập nấm. Đội trưởng sẽ trông chừng khách hàng và sẽ ra hiệu cho các tù nhân dừng lại khi khách hàng xuất hiện và lại tiếp tục làm hỏng hoặc vứt nấm sau khi họ rời đi.

Sau đó, khách hàng nhận ra có điều không ổn và phàn nàn. Để làm yên lòng khách hàng, lính canh đã còng tay và xích chân một số tù nhân và đặt họ dưới sự quản lý nghiêm ngặt.

Mặt khác, tù nhân cũng nghĩ nhiều cách để giảm khối lượng công việc. Ví dụ, việc lựa đậu có lúc được thực hiện tại nơi công cộng hay trước nhà tù vì nhà tù không có đủ chỗ chứa cho hàng tấn đậu đã nhận từ khách hàng. Tù nhân làm chậm hơn một chút sẽ đổ đậu vào trong nhà vệ sinh hoặc để lại một phần đậu cho các khu khác làm và trao đổi đậu với các tù nhân khác, gây thiệt hại rất lớn cho khách hàng.

Lính canh và tù nhân thông đồng với nhau

Các dự án chính của khu 1 là lựa đậu, phân loại nấm, mài đá quý, đúc chữ bằng đồng, làm hộp giấy, hộp trà, các nguyên kiện máy tính và đồ gỗ như nhạc cụ có dây, bàn uống trà và đồ nội thất “giả cổ”. Các dự án như mài đá quý và làm nguyên kiện máy tính kéo dài trong nhiều năm và một số doanh nghiệp đã bị phá sản hoặc đóng cửa.

Tham ô

Thu nhập lao động được chia giữa lính canh và trưởng khu theo tỷ lệ 70%:30%, và chỉ 70% là được ghi vào sổ sách kế toán, còn 30% là khách hàng đưa trực tiếp.

Bán nấm

Lính canh và tù nhân đã bỏ nấm đã chế biến lên xe buýt để mang đi bán. Một rổ nấm có thể bán với giá 1.000 đến 2.000 nhân dân tệ và quản lý nhà tù bỏ túi khoản doanh thu này. Một số doanh nghiệp đã phá sản sau khi bị lính canh lợi dụng.

Bán lá trà

Sau khi các hộp trà được làm ra và lá trà được bỏ vào hộp, nhà tù cũng giữ lại một phần và bí mật bán đi.

Bán các sản phẩm về đậu

Khu 1 đã lựa đậu trong thời gian lâu nhất. Đậu gồm có đậu trắng, đậu tằm, đậu đỏ, đậu pinto đen và đậu lăng. Khu 1 được biết đến là khu bán đậu thượng hạng.

Một tù nhân được lính canh ở khu 1 đánh giá cao và được chỉ định làm tổ trưởng. Khi nhận nguyên liệu thô vào kho, anh ta đếm và báo số lượng ít hơn so với thực tế; còn khi thành phẩm được xuất kho, anh ta sẽ đếm tăng số lượng lên. Anh ta cũng đếm tăng số hàng hoá bị hư hỏng. Theo chỉ đạo của nhà tù, anh ta đã dùng xe tải lớn chở hàng tấn đậu chở ra ngoài bán. Anh ta đã tự bán đậu và nhờ khách hàng đưa tiền hàng cho người thân ở bên ngoài nhà tù.

Những thủ phạm tham gia bức hại

Khu 1 là khu bức hại các học viên Pháp Luân Công tàn bạo nhất. Sau đây là danh sách những thủ phạm đã trực tiếp hoặc gián tiếp bức hại các học viên.

1. Những thủ phạm chính

Đinh Vĩnh Trung

Đinh Vĩnh Trung, ngoài 40 tuổi, từng là trưởng khu 8 và sau đó là trưởng khu 1. Ông ta được thăng chức lên làm phó giám đốc nhà tù vào năm 2008 và sau đó đã được điều chuyển công tác tới một nhà tù khác

Đinh đã trực tiếp tham gia bức hại học viên Bao Viễn Cận.

Ông Bao Viễn Cận, 40 tuổi, một kỹ sư cao cấp ở tỉnh Cam Túc, đã bị giam tại tổ 5 của khu 8. Ngày 5 tháng 2 năm 2007, Đinh đã ra lệnh thu thẻ cơm của ông Bao nhằm cố ý bỏ đói ông.

Đinh xúi giục một tù nhân dùng xích nặng hơn 10 kg để xích ông Bao và nhốt ông vào một xà lim quản lý nghiêm ngặt tối tăm, ẩm thấp trong hơn 2 tháng.

7150114ea0547839434608426b43d78a.jpg

Tranh minh hoạ tra tấn: Treo người bằng còng tay

Sáng ngày 5 tháng 6 năm 2010, Đinh lại nhốt ông Bao vào xà lim quản lý nghiêm vì ông không hô “Chào cảnh quan” để chào Đinh. Ông Bao bị xích chân và còng tay vào lan can sắt. Sự tra tấn này diễn ra 24/24 trong hơn 3 tháng. Tổng cộng, ông Bao đã bị xích chân và còng tay hơn 6 tháng.

Tăng Niệm Nam

Tăng Niệm Nam, ngoài 50 tuổi, từng là giáo đạo viên ở khu 1, 2 và 3. Ông ta phụ trách bức hại các học viên Pháp Luân Công.

Ông Phổ Chính ở thành phố Côn Minh bị quản lý nghiêm ngặt trong thời gian dài vì kiên định đức tin. Sàn nhà không có tấm trải sàn và phủ đầy bùn đất trong những ngày mưa gió, nhưng ông phải nằm ngủ trên đó chỉ với tấm chiếu mỏng và đeo xích nặng khoảng 20kg trong suốt cả ngày. Lính canh và tù nhân đánh đập ông một cách tùy tiện.

Khi gia đình đến đón ông sau khi ông được thả, quản lý nhà tù tuyên bố ông bị bệnh lao. Ông rất yếu và thường ho ra máu. Ông không thể hồi phục và đã qua đời vào năm 2017.

Tăng đã đích thân ra lệnh quản lý nghiêm ông Từ Lượng vì ông từ chối “chuyển hoá”.

Năm 2004, Tăng lệnh cho các tù nhân khám người ông Phi Học Long khi ông đến nhà tù và đốt quần áo của ông trong lò hơi.

Hiện Tăng làm việc trong ban giáo dục, bộ phận chuyên bức hại các học viên Pháp Luân Công. Ông ta khoe rằng mình đã bức hại hơn 300 học viên.

Triệu Phàm

Triệu Phàm, ngoài 30 tuổi, là phó trưởng khu. Anh ta trực tiếp tham gia bức hại ông Hầu Phát Dũng.

Vương Khôn

Vương Khôn, phó trưởng khu 1, hiện đang là chỉ đạo viên của đội. Trong nhiệm kỳ của mình, ông ta đã xúi giục tù nhân bức hại các học viên và thường xuyên giam họ với các tù nhân buôn ma tuý. Có một tù nhân ma tuý tên là Ngô Thuỷ Thông đã bị kết án tù chung thân. Vì Ngô giàu có nên Vương đã chủ động tiếp cận anh ta. Thuốc lá mà Vương dùng là do Ngô cung cấp, ngoài ra Vương còn đề bạt Ngô làm trưởng đội sản xuất lao động.

Trần Bằng Vũ và Vũ Chính Vĩ

Trần Bằng Vũ là trưởng khu giam giữ đương nhiệm và Vũ Chính Vĩ là trưởng khu 1 kiêm giáo đạo viên của khu, đã tăng cường bức hại các học viên Pháp Luân Công sau khi họ được đề bạt.

Mỗi học viên bị 4 tù nhân giám sát. Các học viên phải ngồi bất động trên một ghế đẩu nhỏ hơn 10 tiếng mỗi ngày. Bốn tù nhân dùng thân mình kẹp học viên: Tù nhân trước mặt dùng lưng tỳ đè vào học viên, tù nhân phía sau dùng đầu gối thúc vào học viên, hai tù nhân hai bên thúc cùi chỏ vào xương sườn của học viên. Học viên ông Văn Xuân Phú đã không thể chịu nổi với cách tra tấn này nên đã dùng tay cào vào người tù nhân bên cạnh mình. Sau đó lính canh vu vạ ông đánh người và biệt giam ông.

Các học viên bị nhốt trong các xà lim biệt giam, quản lý nghiêm ngặt, xịt hơi cay và phải xin phép đi vệ sinh dù trong xà lim có nhà vệ sinh. Các tù nhân được phép đánh đập và gây phiền phức cho học viên bất cứ lúc nào. Lính canh cố ý ngồi lên trên thùng cơm và bắt mỗi tù nhân phải hô “Chào cảnh quan” trước khi được phát cơm. Các học viên không hô chỉ được cấp một muỗng cơm và một ít rau (đủ một miếng ăn).

2. Những thủ phạm bức hại khác

Lương Quân

Lương Quân là bí thư đảng ủy kiêm giám đốc nhà tù. Ông ta từng là bí thư và giám đốc Nhà tù Khúc Tĩnh. Ông ta bị mất việc và khai trừ khỏi Đảng vì liên quan đến vụ Tôn Tiểu Quả (một kẻ hiếp dâm trẻ em hàng loạt và là trùm giang hồ đã được thả sau khi án tử được giảm). Với vai trò giám đốc nhà tù, ông ta đã tham gia bức hại các học viên Pháp Luân Công.

Lưu Tư Nguyên

Lưu Tư Nguyên, ngoài 60 tuổi, là chính ủy của Nhà tù Số 1 tỉnh Vân Nam. Ông ta bị kết án 12 năm tù vì tham gia vào vụ án của Tôn Tiểu Quả. Lưu cũng trực tiếp tham gia bức hại học viên ông La Giang Bình.

Trương Dịch Quý

Tháng 7 năm 2007, Trương Dịch Quý, giám đốc của Nhà tù Số 1 tỉnh Vân Nam, và trưởng Phòng Chính trị của Cục Cải tạo Lao động tỉnh Vân Nam đã bị tai nạn xe hơi khi đang đi cùng nhau. Trưởng phòng chết tại chỗ, Trương được đưa đến bệnh viện. Bác sỹ nói rằng nếu Trương không thể tỉnh lại sau cơn hôn mê, có thể ông ta phải sống thực vật trong suốt phần đời còn lại.

Là giám đốc nhà tù, ông ta chịu trách nhiệm “chuyển hoá” và tra tấn các học viên Pháp Luân Công.

Lưu Hồng Khải

Lưu Hồng Khải, một tù nhân ngoài 40 tuổi, từng có kinh nghiệm về y tế và được đào tạo trở thành một bác sỹ trong tù do nhà tù thiếu nhân viên y tế.

Lưu thường xuyên tiếp xúc với học viên Trịnh Trí Dương. Ông Trịnh biết Lưu từng là một cảnh sát vũ trang và đã gia nhập ĐCSTQ. Ông đã nói với Lưu về Pháp Luân Công và khuyên Lưu thoái đảng. Lưu từ chối lắng nghe và tố cáo ông Trịnh với lãnh đạo nhà tù. Sau đó nhà tù đã gia tăng bức hại ông Trịnh.

Năm 2007, Lưu đột nhiên ngã lăn ra đất bất tỉnh nhân sự và được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Bác sỹ chẩn đoán ông ta có một khối u não. Lưu đã qua đời sau một tháng nằm viện.

Lời kết

Những tội ác của khu 1 của nhà tù nói trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, và tội ác của chúng quá nhiều để có thể liệt kê hết. ĐCSTQ đã đàn áp Pháp Luân Công trong hơn 20 năm, cảnh sát ở Nhà tù Số 1 tỉnh Vân Nam, đặc biệt là những cảnh sát tham gia bức hại học viên Pháp Luân Công ở khu 1, các vị đều biết học viên Pháp Luân Công là quần thể người như thế nào, nhưng các vị lại đi theo Giang Trạch Dân, Phòng 610 mà bức hại những người tin và tuân theo Chân-Thiện-Nhẫn làm người tốt, sinh mệnh của các vị sẽ ra sao?

Tại đây chúng tôi khuyến thiện những cảnh sát đã hoặc đang tiếp tục tham gia bức hại các học viên Pháp Luân Công không nên có tâm lý cầu may nữa. Lịch sử đã có những bài học vô cùng sâu sắc, và sự thật rằng ĐCSTQ luôn “ăn cháo đá bát”: sau Cách mạng Văn hóa, hơn 800 cảnh sát đã trở thành con dê thế tội, bị lôi đến Vân Nam để xử bắn, và nó cũng không còn là điều gì bí mật nữa. Đến khi cuộc bức hại này kết thúc, các vị sẽ đối diện với vợ con của mình như thế nào đây, các vị sẽ đối diện với một quần thể người tu luyện Pháp Luân Công thiện lương như thế nào đây, và các vị sẽ đối diện với “Đại thẩm phán” của vũ trụ như thế nào đây? Lý do là làm theo mệnh lệnh của cấp trên có thể khiến các vị trốn tội được sao?

Cuối cùng, mỗi người đều phải đối mặt với tất cả những gì mà mình làm, hành ác thì sẽ bị Thần Phật giáng tội. Giờ đây, hy vọng duy nhất của các vị là trước khi cuộc bức hại này còn chưa kết thúc, hãy lập tức ngừng bức hại các học viên, tận lực thiện đãi các học viên Pháp Luân Công, triệt để đoạn tuyệt với ĐCSTQ để có thể được Thần tha thứ.

(Hết)

Bài liên quan:

Thủ đoạn bức hại học viên Pháp Luân Công trong Nhà tù Số 1 tỉnh Vân Nam

Bức hại các học viên Pháp Luân Công tại Nhà tù Vân Nam

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/7/15/446199.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/8/20/202877.html

Đăng ngày 01-11-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share