Bài viết của đệ tử Đại Pháp hải ngoại

[MINH HUỆ 29-09-2022] Con xin kính chào Sư phụ! Kính chào các đồng tu!

Mùa hè năm 2018, khi đề xuất trợ giúp ban biên tập của trang web Minh Huệ, tôi không biết lại có một ngày hạng mục này có ý nghĩa to lớn đối với tôi đến vậy. Lúc đó, tôi mới tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được một năm. Vì tôi sống ở nông thôn, cách xa thành phố lớn, nên tôi không thể tới tham gia hoạt động ngày thông tin. Khi một đồng tu kể với tôi trang web Minh Huệ quan trọng như thế nào đối với người tu luyện và người thường, tôi đã quyết định thử sức.

Trong khoảng một năm rưỡi, tôi chủ yếu dịch những bài về tâm đắc thể hội trên Minh Huệ, điều này có tác dụng hỗ trợ cho tu luyện cá nhân của tôi.

Sau này, tôi được phân vào nhóm dịch khác, phụ trách các bài tin tức và báo cáo về cuộc bức hại. Hồi tưởng lại, tôi thấy bước chuyển này có ảnh hưởng sâu sắc đến công việc của tôi với Minh Huệ. Mỗi bài viết đều khiến tôi cảm thấy như được kết nối với các đồng tu đang chịu nạn ở Trung Quốc. Hình ảnh về nhà tù, ấn tượng về các dụng cụ tra tấn và tiếng la hét đã theo tôi vào trong những giấc mơ ban đêm. Tôi thường tỉnh dậy trong trạng thái đẫm mồ hôi và đang khóc. Dịch bài về cuộc bức hại rất khó; những nội dung về cực hình khiến người ta chán ghét và phản cảm; mà đôi khi bài viết rất dài, lên đến 18 trang.

Trong tâm tôi có lúc từng sinh ra phàn nàn và mong muốn được quay trở lại công việc trước đây. Tôi rất muốn được dịch những bài chia sẻ tâm đắc thể hội mà có thể nói là rất dễ đối với tôi.

Khi hướng nội tìm, tôi phát hiện ra tâm tật đố vô cùng mạnh mẽ. Tôi rất ghen tỵ với những người được tiếp tục dịch bài tâm đắc tu luyện, các câu chuyện, hoặc bài về Thần tích của Đại Pháp. Khi giao lưu với nhóm mới về việc này, tôi mới nhận ra tâm thái của mình sai tới mức nào. Các đồng nghiệp đã dịch những bài về cuộc bức hại này hơn chục năm, ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác. Họ khích lệ tôi kiên trì, giúp họ giảm nhẹ áp lực.

Sư phụ giảng:

“Vấn đề tâm tật đố rất nghiêm trọng, bởi vì nó liên quan trực tiếp đến vấn đề chúng ta có thể tu viên mãn được hay không. Nếu tâm tật đố không dứt bỏ, thì hết thảy các tâm người ta tu luyện được đều biến thành yếu nhược. Có một quy định, rằng trong tu luyện nếu người ta không vứt bỏ được tâm tật đố thì không đắc chính quả, tuyệt đối không đắc chính quả.” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Dần dần, tôi đã học được cách khống chế tâm tật đố, và cũng phóng hạ mong muốn tự tư được dịch các bài tâm đắc tu luyện. Tôi nghĩ nếu không có người dịch bài về những gì đệ tử Đại Pháp phải trải qua, làm sao người bên ngoài Trung Quốc có thể biết các đệ tử Đại Pháp bị bức hại như thế nào? Đây cũng là kiến lập uy đức trong công việc ở Minh Huệ. Tôi nhận ra rằng bài nào tôi dịch cũng liên quan trực tiếp đến tôi. Những báo cáo về tra tấn tàn khốc đã dạy tôi cần bảo trì một trái tim thiện lương. Khi các học viên bị bức thực bằng phân và nước tiểu, tôi tự nhủ phải tu khứ cảm giác ghê tởm. Trong quá trình này, tôi nhận ra rằng những đau khổ mà người tu luyện phải trải qua có một mặt tích cực khác.

Sư phụ có bài thơ “Khổ kỳ tâm chí”. Bài thơ khiến tôi không coi người tu luyện chịu tra tấn là nạn nhân của cuộc bức hại, mà là đệ tử Đại Pháp tu luyện trong khổ nạn lớn nhất.

Sau này, tôi bắt đầu tham gia biên tập tiêu đề tin tức, thỉnh thoảng còn có các báo viết về Pháp hội, trải nghiệm cá nhân trong tu luyện, hoặc các kỳ tích của Đại Pháp. So với những bài viết liên quan tới bức hại, đây là một sự thay đổi đáng mừng, và tôi rất trân quý.

Vượt qua cảm giác mệt mỏi và thiếu ngủ

Công việc của Minh Huệ cũng như nhiều hạng mục Đại Pháp khác, đều là tình nguyện, đồng thời cũng cần hoàn thành cả công việc thông thường và gia đình, mỗi tuần có vài ngày tôi phải dịch tới đêm khuya.

Để nắm rõ số bài ra hàng tuần, các thành viên của Minh Huệ sẽ điền số bài dịch vào một bảng theo dõi. Đôi khi, tôi có thể dịch được hơn một chục bài, nhưng vẫn kém xa các đồng nghiệp nộp hơn 20, có người hơn 30 bài dịch mỗi tuần. Tôi thực sự khâm phục sự kiên trì của họ.

Làm sao có thể làm việc bền bỉ không mệt mỏi cho trang web Minh Huệ đến tận khuya chừng ấy năm quả là một ẩn đố đối với tôi. Trước đây, ngủ gật trong khi dịch bài với tôi không phải là chuyện hiếm. Đôi khi, lúc tỉnh lại, tôi lại quyết định để đến ngày hôm sau làm tiếp. Một lần, mãi đến sáng hôm sau tôi mới nhận ra vì ngủ mà chưa làm xong một tiêu đề dài. Thông thường, tiêu đề tin được ưu tiên cao nhất và phải được hoàn thành luôn vào buổi tối. Sáng sớm hôm sau, điều phối viên đã chỉ ra sai sót này. Vì vậy, học Pháp sáng xong, tôi liền dịch nốt bài vào lúc 6 giờ, nên vẫn kịp giờ đăng bài.

Theo thời gian, tôi nhận ra tác dụng của học Pháp trong khi làm việc cho Minh Huệ. Chỉ khi tu luyện vững chắc, tôi mới có thể xử lý tốt nội dung và độ dài của các bài báo về cuộc bức hại. Vì vậy, tôi rất trân quý việc học Pháp buổi sáng của nhóm Minh Huệ, đây cũng là một phần không thể thiếu trong tu luyện của tôi những năm qua. Tuy nhiên, không phải lúc nào tôi cũng dễ dàng thức dậy lúc 5 giờ sáng để tham gia học Pháp. Đôi khi, mắt có cảm giác đau nhói hoặc cay xè, khiến tôi không đọc được chữ, hoặc phải nhắm mắt lại vì đau.

Một lần, sau khi làm việc cả đêm, tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi, nên cứ gà gật. Khi học Pháp, tới lượt tôi đọc, chủ ý thức tôi mới quay trở lại, nhưng khi tới lượt người khác đọc, tôi lại buồn ngủ. Hôm đó, chúng tôi học Bài giảng thứ năm. Tới lượt tôi đọc thì đã đến tiêu đề của mục cuối bài, tôi vô cùng kinh ngạc – vốn tựa đề phải là “Khoa chúc do” (ZhuyouKe), nhưng lại là “ZhuyouMi”. Tôi không sao giải thích được sự việc này. Vì tôi đọc bản trên mạng, nên nếu có lỗi này thì ai cũng phải nhìn thấy. Nhưng khi trao đổi, tôi mới biết chỉ có bản của tôi là hiện tiêu đề sai. Tôi chụp lại màn hình máy tính chỗ sai đó để khẳng định mình không bị mất trí, và chỗ đó đúng là “ZhuyouMi”. Tôi không sao hiểu được, điều này nghĩa là sao? Cả ngày, tôi cứ nghĩ mãi về chỗ tiêu đề sai ấy trong Bài giảng thứ năm. Đến tối, sau khi bình tĩnh hướng nội tìm, tôi mới ngộ ra đây là Sư phụ điểm hóa cho tôi. Cảm giác mệt mỏi là can nhiễu của cựu thế lực, tôi phải dùng chính niệm phủ nhận chúng bằng một chữ “Mie” (Diệt) mạnh mẽ.

Sư phụ giảng:

“Chư vị đã hình thành thói quen vứt bỏ chủ ý thức của mình, hễ chư vị nhắm mắt liền buông lơi chủ ý thức của mình, đã mất rồi; chư vị đã hình thành thói quen như thế mất rồi.” (Bài giảng thứ tám, Chuyển Pháp Luân)

Sau khi minh bạch điểm này, tôi quyết định dậy sớm hơn để cùng chồng cũng là đồng tu, cùng luyện bài công Pháp số 2 và số 5 trước khi học Pháp. Trước kia, tôi thường không làm được việc xem luyện công là một phần của cuộc sống hàng ngày. Bởi vì tôi rất bận, tôi đặt công việc lên vị trí hàng đầu chứ không phải luyện công, vì vậy tình trạng cả ngày không luyện được bài công pháp nào cũng không phải là hiếm với tôi. Tôi thỉnh cầu Sư phụ: “Sư phụ, xin Ngài giúp con! Con thực sự muốn tu luyện vững chắc, dùng chủ ý thức học Pháp.”

Với sự gia trì của Sư phụ và chính niệm, tôi đã đột phá được cái vòng ác tính này. Hiện tại, ngày nào tôi cũng học Pháp, mỗi tuần cố gắng luyện hết năm bài công pháp vài lượt.

Tham gia dịch “Báo cáo Minh Huệ”

Năm 2021, “Báo cáo Minh Huệ: Cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc 20 năm qua” (gọi tắt là Báo cáo Minh Huệ) bản tiếng Đức đã được xuất bản. Tôi đã hỗ trợ dịch cuốn sách này từ tiếng Anh. Đến mùa thu, một nhóm làm việc đã quyết định in cuốn sách này với chất lượng cao và đóng bìa cứng, tôi lại muốn hỗ trợ dự án này.

Trong cuộc họp hạng mục giai đoạn đầu, nhóm chúng tôi nhận thấy, đầu tiên chúng tôi cần đọc báo cáo hơn 500 trang này. Khi chúng tôi phát hiện ra một số lỗi và từ ngữ không phù hợp, chúng tôi quyết định sửa lại toàn bộ cuốn sách một lần nữa. Chúng tôi có ít người, nhưng đã kiên trì sửa từng mục một, mất đến mấy tháng mới xong. Tất cả chúng tôi đều đảm nhận thêm thách thức này bên cạnh công việc dịch thuật thường lệ, gia đình và việc ở cơ quan.

Đồng thời, chúng tôi cũng cân nhắc sau này sẽ quảng bá Báo cáo Minh Huệ như thế nào. Một cơ hội tưởng như ngẫu nhiên tới, tôi đọc được thông tin về Hội chợ sách Leipzig trên mạng, và nhóm chúng tôi nghĩ rằng đó là một cơ hội thích hợp có thể thu hút sự chú ý của mọi người. Chúng tôi đã đăng ký tham gia triển lãm bằng bản thảo của Báo cáo Minh Huệ, và dốc toàn lực để tiếp tục công việc dịch thuật. Nhưng dịch xong thì lại xảy ra sự cố in, file văn bản chưa được căn chỉnh chuẩn. Sau khi giải quyết sự cố này, cuối cùng chúng tôi cũng bắt tay vào quá trình in. Ngay sau đó, chúng tôi nhận được tin Hội chợ Sách Leipzig bị hủy bỏ.

Lúc đó, tôi vừa thất vọng, vừa thở phào nhẹ nhõm. Áp lực nặng mề liên tiếp mấy tháng đột nhiên tiêu tan đi. Tôi cảm thấy mục đích duy nhất của việc đăng ký tham gia hội sách là để đẩy nhanh việc in Báo cáo Minh Huệ.

Nhiệm vụ tiếp theo là lập trang web cho Trung tâm Xuất bản Minh Huệ mới thành lập theo mô hình Trung tâm Xuất bản Minh Huệ tại Hoa Kỳ, chúng tôi cố gắng hết sức để đáp ứng các yêu cầu họ đưa ra. Điều này mang lại cho chúng tôi thêm một vấn đề bởi vì luật áp dụng ở Đức là hoàn toàn khác. Chỉ riêng về yêu cầu thông báo bản quyền, bảo vệ dữ liệu và các điều khoản chung đã là một thách thức lớn đối với nhóm chúng tôi. Chúng tôi phải vất vả làm việc rất chi tiết tỉ mỉ cùng với nghiên cứu rất nhiều mới có thể đáp ứng được. Ngoài ra, chúng tôi còn phải soạn văn bản bổ sung, tích hợp phần bình luận và nhờ độc giả đánh giá Báo cáo Minh Huệ. Tất cả những việc này đều diễn ra rất chậm.

Cuối cùng, khi cuốn sách được in và vận chuyển đi, nhóm của chúng tôi lại gặp một vấn đề khác, đó là phải lưu trữ 1.000 cuốn sách. Do vấn đề chi phí, chúng tôi đã bỏ ý tưởng thuê địa điểm ban đầu. Chồng tôi và tôi bèn dọn một chỗ trong căn hộ hai phòng rưỡi vốn đã chật chội của chúng tôi để lấy chỗ để sách. Tôi nhờ các đồng tu giúp đỡ bốc dỡ và xếp sách lên ba cái kệ. Cuối cùng, mọi thứ diễn ra rất suôn sẻ. Một công ty vận chuyển đã giao sách sớm 15 phút so với thời gian dự kiến. Nửa giờ sau, sách đã được đặt trong căn hộ của chúng tôi. Không ngờ mọi chuyện lại diễn ra nhanh chóng đến vậy. Nếu không có Sư phụ giúp, điều này không thể xảy ra. Chúng tôi có thể cảm nhận rõ ràng sự hiện diện của Sư phụ tại đó.

Công việc thực sự bắt đầu khi bàn giao sách. Sách của các đồng tu đặt trước cần phải chuẩn bị giao đi vào cuối tuần, và cần viết hoá đơn. Tôi và chồng chịu trách nhiệm về việc này. Tuy nhiên, thời gian của chúng tôi rất eo hẹp. Do những ngày đó chồng tôi bận hạng mục khác, nên việc đóng gói hơn 200 cuốn sách đặt trước phần lớn giao cho tôi. Làm sao tôi có thể hoàn thành được? Tôi phát chính niệm, cầu xin Sư phụ gia trì. Một ngày sau, mọi việc đã hoàn tất, có những kiện hàng nặng tới 25 kg. Vì chúng tôi không có xe, nên lại phải nhờ người khác giúp đỡ. May mắn thay, một hàng xóm đã cho chúng tôi mượn xe hơi của bà, vậy là chúng tôi có thể khắc phục được trở ngại này.

Các việc khác như viết hoá đơn, kiểm kê, gửi thư nhắc nhở những khoản chưa thanh toán hoặc gửi sách tới các khu vực ngoài EU… cũng lần lượt mang tới cho chúng tôi những thách thức mới. Đôi lúc, tôi cảm thấy tuyệt vọng. Mỗi lần, nhiệm vụ mới đều chồng chất trước mặt như ngọn núi. Tôi nhận ra mình có thói quen đợi tới phút cuối mới bắt tay vào làm việc, đặc biệt là việc kế toán. Sau đó, tôi nhớ tới Pháp của Sư phụ.

Sư phụ giảng:

“Chúng ta nói rằng khi gặp mâu thuẫn trước mặt, lùi một bước biển rộng trời cao, đảm bảo sẽ là một cảnh tượng khác.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Với sự chỉ đạo của Đại Pháp và giúp đỡ của Sư phụ, những năm qua ở Minh Huệ, tôi đã học được từng bước một tiến về phía trước, từ đó dần hiểu rõ những lĩnh vực hoàn toàn mới.

Tôi hiểu rằng làm Báo cáo Minh Huệ không chỉ vì bán sách, mà quan trọng nhất là vì tu luyện. Tôi biết rằng Trung tâm Xuất bản Minh Huệ mới thành lập sẽ đóng một vai trò rất lớn trong thế giới người thường. Với uy lực của Đại Pháp và chính niệm, chúng tôi có thể hoàn thành mọi việc cần làm.

Sư phụ giảng:

“Sự việc tương lai còn rất nhiều, một mạch cho đến ngày chư vị viên mãn. Những gì khó nhất chư vị đã vượt qua rồi, còn lại sẽ không khó như thế này nữa, chỉ là hãy làm nó tốt hơn một chút. Càng trong vô vọng, có lẽ hy vọng ngay ở trước mắt. Càng trong cảm giác buồn chán, có lẽ chính là đang kiến lập uy đức của chư vị. Hy vọng mọi người thật sự có thể phối hợp tốt, chính niệm đủ, gặp phải việc thì hướng nội tìm, chính là giống như nhiệt tình lúc mới bước vào tu luyện.” (Thế nào là đệ tử Đại Pháp)

Con xin cảm tạ Sư tôn!

Cảm ơn các đồng tu!

(Bài viết trình bày tại Pháp hội Minh Huệ Đa ngữ năm 2022)

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/9/29/89-450124.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/10/3/204126.html

Đăng ngày 15-10-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share