Bài viết của Diệc Tân tại Trung Quốc đại lục
[MINH HUỆ 08-09-2022] Nếu như vụ Thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989 (còn gọi là sự kiện Lục Tứ) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khiến giới trí thức Trung Quốc mất đi tín ngưỡng, giũ bỏ trách nhiệm xã hội, cam tâm lam lũ kiếm tiền, thì cuộc bức hại nhắm vào Chân-Thiện-Nhẫn càng khiến họ tha hóa nhanh hơn, chỉ còn là hữu danh vô thực.
Lấy giáo dục đại học làm ví dụ. Trường đại học là nơi đào tạo ra những trí thức có trình độ học vấn cao, trong đó có giảng viên, nhà nghiên cứu, sinh viên và các nhà quản trị. Tuy nhiên, vì được coi là trụ cột cho tiến bộ xã hội, các trường đại học Trung Quốc cũng trở thành tâm điểm của sự kiểm soát ý thức hệ của ĐCSTQ.
Quyền tự do tư tưởng và tự do biểu đạt bị bóp nghẹt
Trong những năm qua, ĐCSTQ đã yêu cầu các trường đại học, cao đẳng phải đưa Lý luận Mao, Lý luận Marx thành môn học bắt buộc, thành lập chi bộ đảng, kiểm soát ngôn luận, hành vi và áp chế tín ngưỡng của giảng viên, sinh viên. Từ khi bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công – một môn tu luyện theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn, nhiều trường đại học, cao đẳng thậm chí còn phải thành lập Phòng 610 để bức hại các giảng viên, sinh viên tu luyện pháp môn này.
Loại bức hại này cũng buộc những người trí thức phải từ bỏ sự phán xét đúng sai, hạ thấp các giá trị đạo đức, vì thế mà mất dần đi khả năng tư duy độc lập và thui chột năng lực.
Thực ra, hoàn cảnh ấy cũng ức chế phần tử trí thức, khiến họ không thể đứng từ góc độ có lợi cho người khác mà suy xét vấn đề, còn đối với những hiện tượng không đúng đắn lại không dám chất vấn, đối với những lĩnh vực chưa sáng tỏ thì không dám kiên trì nghiên cứu tìm tòi, không thể xây dựng môi trường thư thái, tốt đẹp và thực hiện trách nhiệm cống hiến cho xã hội. Thay vào đó, họ không ngừng truy cầu lợi ích vật chất, quyền lực, thành tích, xu nịnh lãnh đạo trong khi thờ ơ, lãnh đạm trước các vấn đề xã hội.
Tuy rằng Trung Quốc có một quần thể giảng viên, sinh viên đại học khổng lồ, mỗi năm công bố hàng mấy chục nghìn luận văn, nhưng bên dưới lớp vỏ vinh quang ấy là sự tha hóa ngày càng nhanh.
Vấn đề thực tế là trí thức đang bị tha hóa nhanh chóng, nói chung. Cụ thể hơn, sự thiển cận trong việc theo đuổi số lượng bài được xuất bản đã làm lệch lạc sinh thái nghiên cứu và giáo dục, dẫn đến tình trạng giới trí thức tranh giành quyền lợi vật chất với nhau. Nhìn chung, họ đã trở thành một nhóm đầy rẫy sự cạnh tranh không lành mạnh và đấu đá nội bộ để xin được kinh phí nghiên cứu và cơ hội xuất bản công trình nghiên cứu. Khi dẹp bỏ lòng tự trọng và giới hạn đạo đức tối thiểu, họ đã đánh mất sự tôn trọng của công chúng cũng như động lực thúc đẩy tiến bộ xã hội. Cuối cùng, họ đã trở thành một quân bài chính trị của ĐCSTQ.
Vậy vì sao khi nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn bị đàn áp, các giá trị đạo đức ở trường đại học cũng bị xói mòn? Dưới đây xin phân tích ba hiện tượng sau: gian lận trở thành bình thường, đấu đá nội bộ ngày càng gia tăng và thiển cận trở nên phổ biến.
Đối nghịch với Chân: Gian lận trở nên bình thường
Tháng 2 năm 2003, ông Trần Tiến của Đại học Giao thông Thượng Hải tuyên bố đã phát triển một vi mạch xử lý tín hiệu kỹ thuật số (DSP) tiên tiến mà ông đặt tên là Hán Tâm. Điều này đã mang lại cho ông các danh hiệu nổi tiếng và tài trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ. Mãi đến năm 2006, nhiều phiên bản chip khác nhau của ông Trần mới bị phát hiện là hàng giả hoặc sản phẩm mua từ các công ty khác. Ông Trần đã bị cách chức hiệu trưởng của Đại học Giao thông Thượng Hải và bị hủy khoản tài trợ.
Vụ việc Hán Tâm chỉ là một trong vô số vụ gian lận trong lĩnh vực giáo dục ở Trung Quốc. Nhiều quan chức và giáo sư đại học cũng đã kiếm tiền thông qua các giao dịch giả, hóa đơn khống và tiền lại quả. Một số quan chức thậm chí còn lạm dụng quyền lực để chiếm đoạt tiền bồi thường thuộc về các nhà nghiên cứu bình thường.
Xu hướng gian lận này xuất hiện khi các trường đại học bắt đầu lấy số dự án được nhà nước tài trợ và ngân sách nghiên cứu xin được làm chỉ số hoạt động chính (KPI) để xét nâng bậc, chế độ đãi ngộ và phân bổ nguồn lực. Một quy tắc bất thành văn là khoản tài trợ nào chưa được giải ngân đều có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng xin tài trợ trong tương lai. Do đó, các giáo sư thường bị hối thúc tiêu hết kinh phí nghiên cứu để xin được nhiều tiền hơn cho những năm tiếp theo. Trong khi đó, họ cũng bị các trường đại học thúc bách xin nhiều hơn mức kinh phí cần thiết cho các dự án nghiên cứu của họ. Theo đó, các trường đại học cũng kiếm chác được nhiều hơn (các trường thường cắt giảm quỹ nghiên cứu của giáo sư).
Các giáo sư cũng phải lãnh trách nhiệm mua thiết bị, tuyển trợ lý nghiên cứu và lo thủ tục xin hoàn trả cho các chi phí của mình. Nhiều trường đại học áp dụng chính sách hoàn trả quá phức tạp để được an toàn trong các cuộc kiểm toán của chính phủ, lý do mà họ đưa ra là cần có chính sách cụ thể để giảm thiểu tình trạng sử dụng tiền sai mục đích. Tuy nhiên, những chính sách này lại tạo thêm áp lực cho các giáo sư vốn đã căng thẳng vì những khó khăn trong việc xin tài trợ, phân bổ kinh phí và xin hoàn trả chi phí. Ngay cả những giảng viên trung thực cũng cần phải tìm cách tiêu hết kinh phí trong khi vẫn phải đáp ứng mọi chính sách hoàn trả phức tạp. Nhiều người cuối cùng đành phải làm giả hóa đơn.
Khi tình trạng này tiếp diễn, các giáo sư và quan chức không thể duy trì được chuẩn mực đạo đức nữa. Để có nhiều tài trợ hơn cũng như cơ hội thăng tiến, nhiều người cũng bắt đầu có hành vi gian lận trong nghiên cứu khoa học, chứ không còn chỉ dừng ở hành vi gian lận tài chính nêu trên. Ngoài vụ Hán Tâm của Đại học Giao thông ở Thượng Hải, các trường đại học và cơ sở nghiên cứu khác cũng xảy ra những sự cố tương tự.
Công cụ và ứng dụng đa phương tiện, một tạp chí thuộc nhà xuất bản Springer của Đức, đã hủy bỏ 39 bài báo của các tác giả là nhà nghiên cứu Trung Quốc chỉ trong ba năm từ 2018 đến 2020 do đạo văn và các hành vi sai trái khác trong lĩnh vực học thuật như “[sao chép] từ một bản thảo chưa được xuất bản, thao túng quyền tác giả, cố ý phá hoại quy trình đánh giá ngang bằng, trùng lặp quá nhiều, đáng chú ý nhất là tình trạng trích dẫn và sao chép hình mà không có sự cho phép thỏa đáng.” Nhiều dự án trong đó là các dự án nghiên cứu được chính phủ tài trợ của Đại học Chiết Giang, Đại học Hàng không Bắc Kinh, Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán, Đại học Đo lường Trung Quốc, Học viện Công nghệ Thường Châu, và các dự án khác. Điều thú vị là các nhà quản lý trường đại học hiếm khi tham gia vào việc điều tra và vạch trần những hành vi sai trái này vì họ cũng được hưởng lợi từ những thành tích phóng đại.
Các vụ gian lận không chỉ dừng ở lĩnh vực tài chính và nghiên cứu khoa học. Để che đậy những thất bại trong giáo dục và nghiên cứu, các trường cao đẳng đã tăng số lượng ấn phẩm, để thể hiện thành tích học tập. Họ cũng đưa ra những lợi ích lớn để thu hút các nhà nghiên cứu nước ngoài có số công trình được xuất bản cao, đồng thời không coi trọng các nhà nghiên cứu non trẻ hơn ở Trung Quốc vì chưa có nhiều bài xuất bản. Các trường hợp gian lận khác như thao túng dữ liệu để nâng tỷ lệ việc làm và tăng thứ hạng đại học một cách giả tạo, đồng thời chặn các tin tiêu cực về tình trạng bắt nạt hoặc tự tử trong khuôn viên trường.
Đối lập với Thiện: Đấu tranh nội bộ ngày càng gay gắt
Ngoài gian lận, còn tồn tại những xung đột giữa các bên liên quan chính trong trường; đấu đá nội bộ giữa các giáo sư, mâu thuẫn giữa giảng viên với sinh viên, sinh viên với sinh viên ngày càng gay gắt.
Ví dụ, các giáo sư thường tranh đấu với nhau hoặc kết bè kết phái để giành lợi ích nhiều hơn cho bản thân. Việc tài trợ, giải thưởng và danh hiệu do các quan chức và/hoặc các học giả cấp cao kiểm soát. Đối mặt với những xung đột căng thẳng như vậy, các giảng viên cấp dưới thường phải tham gia phe này phái kia để được bảo vệ. Ngoài việc vất vả nghiên cứu, họ còn phải dành thời gian và sức lực cho việc duy trì các mối quan hệ.
Những sinh viên tốt nghiệp không có nguồn lực hay quyền lực thường phải đứng cuối bảng xếp hạng thành tích nghiên cứu, trở thành nhân công rẻ mạt. Cho dù có đóng góp thế nào, công việc của họ hầu như không được ghi nhận. Anh Li Peng, một sinh viên tốt nghiệp 25 tuổi từ Đại học Khoa học và Công nghệ Đông Trung Quốc, đã chết trong một vụ nổ vào ngày 23 tháng 5 năm 2016, khi đang làm việc tại nhà máy của cố vấn của mình. Thấy môi trường tồi tàn không có các biện pháp an toàn cơ bản, gia đình anh Li đã thắc mắc tại sao cố vấn không có mặt ở đó, tại sao không cung cấp biện pháp bảo hộ nào. Nhưng không ai giải đáp câu hỏi này.
Một số giáo sư bóc lột sức lao động rẻ mạt của sinh viên để đổi lấy tấm bằng tốt nghiệp. Hơn nữa, họ yêu cầu sinh viên phải hoàn trả chi phí, mua nguyên vật liệu và giúp việc gia đình. Áp lực quá lớn và sự ngược đãi đã gây ra các vấn đề về tinh thần và các vụ tự tử ở sinh viên, nhưng các trường cao đẳng thường che đậy những vấn đề này hoặc bao che cho các giáo sư. Để cạnh tranh giải thưởng hoặc tránh bị bắt nạt, sinh viên đã phải hối lộ các giáo sư hoặc cán bộ, hoặc nói xấu các sinh viên khác.
Khi xung đột ngày càng căng thẳng, sinh viên học cách trả thù các giáo sư bằng cách nêu ra các lý do chính trị và học thuật. Với tình trạng này, các khuôn viên trường đại học đã trở thành sân chơi của văn hóa Đảng của ĐCSTQ. Những cuộc đấu đá nội bộ diễn ra gay cấn và gây tác dụng ngược. Có nhiều trường hợp một giảng viên hoặc sinh viên đi nước ngoài thì dễ lập thành tích. Nhưng khi quay trở lại Trung Quốc thì để giữ vững thành công đó lại khó hơn nhiều.
Đối lập với Nhẫn: Cách nhìn thiển cận trở nên thịnh hành
Ngoài gian lận và mâu thuẫn, cách nhìn thiển cận cũng là một vấn đề nghiêm trọng trong các trường đại học. Mọi người muốn đạt được thành công nhanh chóng và lợi ích trước mắt. Nhiều người không ăn ngon ngủ yên vì lo mất cái lợi trước mắt. Thay vì cải thiện bản thân, họ thường cố gắng tìm đường tắt và cạnh tranh với người khác. Không còn mấy người có tâm thái bình thản.
Là cán bộ nhà nước, hiệu trưởng các trường cao đẳng quốc lập chỉ tập trung vào những thành tựu mang tính bề mặt nhằm phục vụ sự nghiệp chính trị của họ thay vì có hành động để giải quyết các vấn đề thực tế. Họ không muốn thay đổi trong nội bộ, mà thường tập trung vào hợp tác với nước ngoài để đạt hiệu quả tuyên truyền. Liên quan đến những vấn đề này, các trường cao đẳng đôi khi hứa hẹn lợi ích quá mức để thu hút nhân tài từ nước ngoài. Tất cả những điều này đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Khi các trường cao đẳng tìm kiếm nhân tài bằng mọi giá, đôi khi họ đã hứa mà không thực hiện được. Do đó, các giảng viên mới tuyển dụng thường có xung đột với nhà quản trị khi không nhận được những gì được hứa hẹn. Để ngăn cán bộ giảng dạy rời đi, một số trường đã dọa cắt tài trợ, tước bỏ toàn bộ giải thưởng, v.v.
Tranh giành nhà ở, dự án, và các danh hiệu đặc biệt đã trở thành chuyện thường tình của nhiều cán bộ giảng dạy. Họ tìm mọi cách và mọi mối quan hệ để có được danh hiệu nào đó. Mặc dù các đơn xin tài trợ thường chi tiết và được soạn tỉ mỉ, các dự án của họ thường bị kết thúc sớm bằng những báo cáo sơ sài. Một số giáo sư còn dùng doanh nghiệp giả mạo để xin trợ cấp của chính phủ.
Nhiều thành viên của Viện Khoa học Trung Quốc cũng là giảng viên của các trường, thường giữ quyền quyết định cao trong việc xét tài trợ cho các ứng viên. Họ vừa giữ cương vị là người thẩm định các ứng dụng, vừa tự nộp đơn xin tài trợ. Đây là một hiện tượng kỳ lạ, bởi vì họ được phép tự cấp kinh phí mà không cần quy trình xét duyệt độc lập.
Đáng buồn là, những tình huống đi ngược lại Chân-Thiện-Nhẫn không mong muốn như vậy không chỉ giới hạn ở các trường đại học, mà còn phổ biến ở các khu vực khác trong xã hội. Là người trí thức, chúng ta cần ôm giữ hoài bão, nhận thức được trách nhiệm của mình và làm theo lương tâm.
Thực ra, những hiện tượng như thế này hầu hết đều bắt nguồn từ văn hóa Đảng của ĐCSTQ. Kể từ khi nắm quyền vào năm 1949, ĐCSTQ đã giết hại hơn 80 triệu người Trung Quốc vô tội, bao gồm cả trí thức, thông qua nhiều chiến dịch chính trị. Bằng cách từ chối ĐCSTQ và trân trọng các giá trị truyền thống, như Chân-Thiện-Nhẫn, chúng ta mới có thể tìm ra con đường cho tương lai.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/9/18/449777.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/9/22/203971.html
Đăng ngày 05-10-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.