Bài viết của một đệ tử tại Châu Âu

Xin chào các đồng tu!

[MINH HUỆ 18-09-2022] Thật vinh dự khi được có mặt ở đây cùng tất cả các đồng tu ngày hôm nay. Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp từ khi 24 tuổi, hiện tôi đã 33 tuổi. Một năm sau khi tôi bắt đầu tu luyện, bạn trai của tôi đã qua đời vì bệnh ung thư, và tôi đã mất ba năm để cân bằng lại. Sau đó, tôi chỉ tập trung vào công việc, vì dường như đó là điều duy nhất cho tôi cảm giác có mục đích.

Năm ngoái, tôi bắt đầu tự hỏi bản thân “Mình có đang chân chính tu luyện chăng? Thế nào là người tu luyện chân chính?” Tôi muốn chia sẻ với các đồng tu về một thay đổi về hoàn cảnh đã giúp tôi nhận ra và buông bỏ nhiều chấp trước, đồng thời đưa tôi trở lại con đường tu luyện nghiêm túc.

1. Buông bỏ chấp trước vào sự nghiệp

Trước khi tôi quyết định tham gia vào hạng mục truyền thông, đầu năm 2021, một hạng mục khác mà tôi làm có sự thay đổi lớn. Quy trình làm việc của tôi đã thay đổi hoàn toàn — tôi từ chỗ bị choáng ngợp và phải kiêm nhiệm nhiều việc đến chỗ chẳng có bao nhiêu việc để làm. Tôi không thể hiểu tại sao khi tôi có khả năng làm nhiều việc mà giờ chỉ làm một việc đơn điệu. Điều đó khiến tôi cảm thấy mình đang lãng phí thời gian, cảm thấy chán nản. Rồi tôi bỗng thấy tội lỗi, và bắt đầu tự hỏi mình đang đi về đâu, tại sao mình lại làm hạng mục này.

Sư phụ giảng:

“Họ tưởng rằng mình cao minh hơn những người khác, mình thật xuất sắc. Họ tưởng rằng cái công cấp cho họ, là để họ làm khí công sư, [để họ] phát tài; kỳ thực [công ấy] là để họ tu luyện.” (Bài giảng thứ ba, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nhận ra mình hiểu sai rồi — rằng nếu tôi không đạt được gì đó trong hạng mục, thì tôi đã không hoàn thành vai trò đệ tử Đại Pháp của mình. Sau đó, tôi hiểu mọi thứ được giao cấp cho tôi — vị trí của tôi trong hạng mục, tư liệu và tài chính — đều là để tôi tu luyện, chứ không phải để tôi đạt được điều gì đó và gây dựng tên tuổi cho bản thân. Tôi bắt đầu cảm thấy mình đang truy cầu gì đó, nhưng không rõ là gì.

Tôi quyết định rời khỏi hạng mục đó và tham gia truyền thông. Trong quá trình phỏng vấn, tôi được thông báo là bộ phận pháp lý không có vị trí nào và tôi đã được mời tham gia hai vị trí khác. Ban đầu, tôi tự nhủ: “Mình có một số khả năng, nhưng lại được đề nghị làm một việc mà mình không thạo, nhưng học cũng dễ thôi.” Tôi lấy làm khó hiểu và chấp nhận tại sao tôi không được giao cho công việc mang tính thử thách, mà lại phải làm công việc khác với kinh nghiệm đã tích lũy. Khi học Pháp, tôi mới hiểu ra rằng, con đường của người tu luyện không được an bài theo năng lực, mà là dựa vào quan hệ nghiệp lực.

Khi buông bỏ mong muốn làm việc mà tôi có năng lực, tôi nhận ra mình có chấp trước vào danh — muốn theo đuổi sự nghiệp và địa vị. Hồi còn nhỏ, tôi đã được dạy phải theo đuổi ước mơ và trở thành một người có vị thế. Vì thế mà cả đời tôi cứ theo đuổi địa vị, bởi vì nó đã hình thành quan niệm trong tôi, nên thật khó mà phát hiện. Mặc dù sau khi bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi đã từ bỏ mong muốn theo đuổi nghề luật sư và chọn làm việc trong các hạng mục, nhưng chấp trước theo đuổi địa vị vẫn còn đó.

Sư phụ giảng:

“Không thể dùng nhân tâm không thanh tịnh của chư vị mà làm các việc Đại Pháp. Tu luyện của đệ tử Đại Pháp là nghiêm túc. Vô luận chư vị có cảm thấy mình minh bạch đến như thế nào, thực ra đều là tâm hữu cầu [có] từ ban đầu đã mê trụ tâm trí của chư vị. Tuy đã đi [theo] tới hôm nay, nhưng vẫn luôn là đối tượng mà chư Thần chê cười. Đã đến gần Đại Pháp rồi mà không tiến vào được, thật đáng thương vậy.” (“Thanh lý”, Tinh Tấn Yếu Chỉ III)

Sao tôi không nhận ra rằng, suốt thời gian qua, những gì tôi làm thực ra là xuất phát từ tâm truy cầu chứ? Tôi luôn nghĩ mình tu luyện Đại Pháp không phải vì để đạt được công năng hay chữa bệnh, v.v., nên điều Sư phụ giảng về “Tâm hữu sở cầu” trong Chuyển Pháp Luân không liên quan đến tôi. Vì thế, tôi không suy xét bản thân trong quá trình tu luyện chỉ vì sự lầm tưởng này. Tôi đã bị quan niệm người thường đánh lừa — rằng những gì tôi đang làm thật tốt đẹp và đều là để cứu độ chúng sinh.

Tôi đã tu luyện điều gì trong suốt thời gian qua? Điều quan trọng nhất trong tâm trí tôi là mong muốn đạt được cái này, cái kia. Tôi lầm tưởng rằng tôi muốn như vậy là vì hạng mục Đại Pháp, trong khi thực ra, tôi đang nhìn mọi thứ bằng quan niệm người thường. Tham gia vào một hạng mục cứu người không phải là để leo lên nấc thang sự nghiệp trong khi lầm tưởng rằng những gì đang làm là vì một mục đích cao cả. Khi nhận ra điều này, tôi rất đau buồn vì sự vị kỷ của mình khi muốn đắc được cái này, cái kia từ Đại Pháp.

2. Trừ bỏ tâm tự phụ và tranh đấu

Từ khi bước vào hạng mục truyền thông, tôi bắt đầu gặp những điều bất ngờ. Tôi chưa bao giờ nhận ra mình khác với những người bạn châu Á, nhưng từ khi tham gia hạng mục truyền thông, tôi có mấy lần bị bảo là, “Bạn không phải là người châu Á”. Ban đầu, tôi không để ý. Sau khi mắc một số lỗi trong một nhiệm vụ mà tôi được giao và bị loại ra, tôi lại bị nói là không phải người châu Á nên không hiểu được văn hóa. Đó là lần đầu tiên tôi bị tổn thương khi nghe điều này, và tôi bắt đầu cảm thấy bẽ mặt. Tôi hỏi, “Văn hóa gì chứ? Chúng ta đều tu luyện cùng một Pháp này. Còn có cách hướng nội kiểu Á với Âu nữa sao? Chẳng phải đều đang tu theo những nguyên tắc này sao?”

Lần đầu tôi tham dự cuộc họp nhóm, mọi người nói chuyện với nhau bằng tiếng Trung. Sau đó, tôi được thông báo rằng tôi không cần thiết phải có mặt trong các cuộc họp. Tôi hiểu rằng, vì tôi là người duy nhất không phải là người châu Á, nên cũng khó cho mọi người nếu phải nói tiếng Anh chỉ để tôi hiểu họ đang thảo luận những gì. Tôi tự nhủ mình sẽ không cho những ý niệm tiêu cực len lỏi vào mà cách ly tôi khỏi các thành viên trong nhóm.

Chính người từng nói câu kia với tôi đột nhiên thay đổi cách nói chuyện với tôi và bắt đầu nói về tôi với những người khác. Tôi nhận thấy mọi người thay đổi cách ứng xử với tôi hết lần này đến lần khác, kể cả bạn tôi. Điều đó khiến tôi bị tổn thương, bởi trước hết, tôi không ngờ cô ấy lại đối xử với tôi như thế. Tôi không hiểu mình đã làm gì sai khiến họ hành xử như vậy. Thứ hai, cuối cùng, tôi đã mất đi người duy nhất mà tôi thân thiết, tin tưởng vì những gì người này đã làm.

Tôi chỉ muốn hiểu rõ sự việc hay biết được tôi sai ở đâu. Tôi thấy thật bất công vì giờ họ đang nghĩ sai về tôi. Nhưng sau đó, tôi nhận ra mình chỉ cần đáp trả giống như thế và bắt đầu sinh tâm tranh đấu. Ngay cả khi người đó có thái độ ác ý với tôi, ý nghĩ đầu tiên của tôi là đáp trả bằng cách cư xử tương tự. Tôi đã nổi tâm tranh đấu.

Sự việc đó thật không dễ mà dung thứ. Nó diễn ra hàng tuần ròng, đến nỗi khiến tôi cảm thấy mình không thuộc về nơi đó. Tôi thực sự đã tính đến việc mua vé máy bay quay về nước mình. Ý niệm đúng đắn duy nhất của tôi là, “Đừng từ bỏ mọi thứ chỉ vì cái cảm xúc trỗi dậy này.” Sự việc này khiến tôi nhận ra một chấp trước khác ẩn giấu rất sâu — tâm tự phụ. Tôi nhận ra rằng mỗi người đều có một con đường riêng; đừng để tâm việc người khác nghĩ gì về mình. Cho dù họ có nói xấu tôi đến thế nào đi nữa thì cũng không hề gì. Điều quan trọng là tôi luôn chiều theo lời dạy của Sư phụ trong cuộc sống hàng ngày. Miễn là tôi không làm bất gì phá hoại Pháp, thì ai nghĩ gì, nói gì về tôi cũng không thành vấn đề, tôi phải đi cho chính con đường của mình. Chỉ cần tập trung làm tốt việc của mình và đừng quan tâm đến những gì người khác nghĩ về mình.

Tôi nhớ đến câu chuyện Hàn Tín chịu nhục chui háng trong Bài giảng thứ chín của Chuyển Pháp Luân. Sao tôi không làm được như thế mỗi khi gặp khảo nghiệm tương tự! Tôi không thể chịu đựng khi bị bẽ mặt.

Sư phụ giảng:

“‘Con người tranh hơn nhau khẩu khí’, ấy là câu nói của người thường. Nếu sống là vì chút khẩu khí, mọi người thử nghĩ xem sống như thế có mệt mỏi không? Có khổ sở không? Có đáng vậy không? Hàn Tín dù sao thì cũng chỉ là người thường, chúng ta là người tu luyện, chúng ta còn phải hơn cả ông ta nữa. Mục tiêu của chúng ta là đạt đến tầng siêu xuất khỏi người thường, hướng đến tầng cao hơn mà tiến đến. ” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Sau khi tâm tự phụ không chi phối được tôi nữa, tình hình đã ổn trở lại. Tôi cũng nhận thấy hành vi của một số người đối với tôi bình thường trở lại.

3. Lĩnh ngộ được thế nào là thiện chân chính

Trong ba nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, tôi luôn chứng thực Chân rất mạnh mẽ. Khi còn là người thường, tôi đã luôn trung thực, thường nói thẳng mà không cần phải ngoại giao mấy.

Hồi mới tu luyện, một lần, tôi đã ngủ gật trong lúc phát chính niệm. Tôi thấy mình ở trong một thế giới đen tối — ngay cả cỏ cũng đen. Tôi mặc đồ trắng. Tôi đột nhiên bị một luồng năng lượng ập tới, quăng xuống đất. Tôi tỉnh dậy, đau đớn và sợ hãi. Khi tôi kể lại với các học viên khác, chúng tôi nhận ra rằng, trong giấc mơ ấy, tôi mặc chiếc áo choàng dài của Đạo giáo phái Võ Đang, tay áo rộng giống như trang phục của người tu đạo trên núi. Một học viên đã thốt lên, “Thảo nào chị hay nói thẳng vào mặt người ta!”, nghĩa là, tôi không lịch sự khi nói thẳng quá.

Vì muốn chứng thực cách nghĩ của tôi về Chân, tôi không thể chấp nhận ai mà tôi cảm thấy đang nói dối hoặc giảo hoạt. Tôi hoặc chỉ thẳng ra hành vi của họ hoặc là tránh họ.

Khi bị tổn thương có người nói xấu sau lưng, tôi tự hỏi, “Thực ra, thế nào mới là thiện?” Tôi chỉ muốn nói thẳng cho người ta những điều xấu mà tôi đã thấy ở họ, cả trên phương diện cá nhân và công việc. Tôi nhận ra tôi chưa quan tâm đến cảm xúc của họ. Dường như tôi không làm gì sai khi nói thẳng toẹt ra như thế, bởi vì đối với tôi đó chỉ là nói thật thôi mà. Nhưng một người tốt sẽ không hành xử như thế, làm vậy chỉ khiến mọi người trở nên phòng thủ và tạo ra rào cản giữa chúng ta.

Sư phụ giảng:

“Là vì trước đây xã hội nhân loại không có Chính Lý, vậy nên con người là không dùng Thiện để giải quyết vấn đề; con người xưa nay đều dùng thủ đoạn chinh phạt để giải quyết vấn đề của con người; do đó điều ấy trở thành cái Lý của con người. Người mong muốn thành Thần, bước xuất khỏi trạng thái con người, thế thì phải vứt bỏ loại tâm ấy, phải dùng Từ Bi để giải quyết vấn đề.” (“Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế Washington DC năm 2009”, Giảng Pháp tại các nơi IX)

“Thực ra Từ Bi là năng lượng rất to lớn, là năng lượng của Chính Thần. Càng Từ Bi thì năng lượng càng lớn, các thứ bất hảo đều bị giải thể rớt cả.” (“Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế Washington DC năm 2009”, Giảng Pháp tại các nơi IX)

Tôi hiểu rằng, là người tu luyện, chúng ta đều tốt bụng và thân thiện, nhưng khi gặp khảo nghiệm, bản chất thật của chúng ta mới lộ ra, biểu hiện của chúng ta trong khảo nghiệm đó mới quyết định chúng ta có thực sự tốt hay không. Là học viên Pháp Luân Đại Pháp, chúng ta tu luyện Chân-Thiện-Nhẫn. Làm sao tôi có thể là người tốt khi quan niệm về Chân của mình khiến mình không thể từ bi đúng vào lúc tôi phải thể hiện sự từ bi nhất?

Tầm quan trọng của phát chính niệm

Thường thì, khi trải qua nghiệp bệnh, tôi chỉ cảm thấy được thanh lọc. Tôi không để ý nhiều và chịu đựng một cách thụ động. Một đêm, khi quay về ký túc, tôi thấy rất mệt, toàn thân tôi nóng bừng lên, ho, và mình mẩy đau khắp. Bạn cùng phòng của tôi bắt đầu phát chính niệm cho tôi và đề nghị các bạn cùng ký túc chúng tôi phát chính niệm hỗ trợ. Tôi hỏi cô ấy tại sao cô ấy lại phải phát chính niệm vì tôi chỉ đang trong quá trình tịnh hóa và tiêu nghiệp thôi mà. Cô trả lời rằng chúng ta không biết đó có phải là can nhiễu hay không. Tôi không nghĩ có thể xảy ra chuyện gì vì đối với tôi, những hiện tượng này có vẻ bình thường.

Ngày hôm sau, tôi đã thấy khá hơn, tôi có thể cảm nhận được sự hỗ trợ của mọi người trong ký túc. Hai ngày sau, lưng tôi đau dữ dội hơn, khiến tôi luyện động tác thứ ba của bài Pháp Luân Trang Pháp rất khó khăn. Tôi mặc kệ cơn đau cả ngày, coi đó chỉ là quá trình tiêu nghiệp. Rồi tôi đi ngủ, nhưng thấy lưng đau khôn thấu. Tôi tự nhủ nếu cứ mặc kệ nó thì mình sẽ ngủ được và không thấy đau nữa. Đột nhiên, mặc dù người vẫn nóng ran, nhưng tôi bắt đầu cảm thấy rất lạnh, lạnh đến nỗi run rẩy không sao kiểm soát được. Tôi không biết là vì đau hay vì lạnh. Tôi ra khỏi giường và ngồi trước máy sưởi, nhưng vẫn run rẩy không kiểm soát.

Bạn cùng phòng của tôi vẫn chưa ngủ. Cô ấy nghe tiếng tôi nên ngồi dậy. Tôi bảo cô ấy cứ về giường và đừng lo lắng về tôi. Tôi sẽ ổn sau đợt tiêu nghiệp này, nhưng cô ấy nói, “Không, tôi sẽ phát chính niệm cho chị!” Thấy cô ấy kiên quyết như vậy, tôi bèn cùng cô ấy phát chính niệm. Không hiểu sao, tôi chỉ nói tôi không chấp nhận bất cứ điều gì không phải do Sư phụ an bài. Đến lúc chúng tôi phát chính niệm ở khung 5 phút thứ hai, tôi không còn run rẩy nữa, và cơn đau gần như biến mất. Tôi đã sốc. Phát chính niệm xong, tôi đã bình ổn trở lại, cơn đau lưng đã biến mất. Bạn cùng phòng nói với tôi, “Tôi cảm thấy rằng sau khung thứ hai, Sư phụ đã giúp chị vì chính niệm của chị đã mạnh hơn.” Tôi kể với cô ấy cơn đau đã biến mất như thế nào. Tôi bị sốc, và thể ngộ của tôi về chính niệm đã thay đổi.

Qua trải nghiệm này, tôi nhận ra tôi đã chịu đựng một cách thụ động và chấp nhận một số khó khăn. Con đường mà tôi đang chứng thực không đúng, chỉ vì lâu nay tôi coi phủ định an bài của cựu thế lực là không coi khó khăn là can nhiễu.

Mấy tuần sau, một người bạn trên mạng xã hội đã chia sẻ trải nghiệm của cô ấy sau khi mắc biến thể COVID Omicron, các triệu chứng của cô ấy giống hệt như của tôi. Tôi tự hỏi, “Tôi có bị nhiễm vi-rút không?” Nhưng sau đó, tôi nhớ lại cơn đau lưng đã biến mất như thế nào khi phát chính niệm. Tôi thấy phản ứng đầu tiên của mình là nghĩ theo quan niệm của con người. Là người tu luyện, nếu có thiếu sót trong tu luyện, chúng ta có thể chiêu mời can nhiễu, nghiệp bệnh là một hình thức. Chúng ta không nên nghĩ hay coi nó như bị nhiễm vi-rút hay bệnh gì đó, mà hãy phát chính niệm thanh trừ can nhiễu đó, nhất là khi gặp tình huống nghiêm trọng.

Lần này đã cho tôi trải nghiệm chính niệm có uy lực thế nào, đồng thời tăng cường tín tâm và khả năng tập trung của tôi khi phát chính niệm. Tôi cũng rất biết ơn khi có một người bạn cùng phòng bao dung và từ bi như vậy.

Đồng hóa với Đại Pháp

Khi về nước, các khảo nghiệm trong tu luyện đã khác đi nhiều, từ một môi trường rất năng động và đông đúc thành ở nhà một mình cả ngày trước máy tính. Nhiều năm trước, tôi có nói, “Tôi chỉ ước có một nơi của riêng mình, để có thể làm việc của mình mà không bị ai làm phiền.” Hồi đó, tôi nghĩ được như thế là tốt nhất. Nhưng khi đạt được rồi, tôi lại nhận ra mình không làm được tốt công việc hay ba việc, chỉ vì cảm giác cô đơn quá lớn đã xâm chiếm tôi. Ở chỗ làm, mặc dù rất nhiều nhà sản xuất và phân phối phim muốn làm việc với chúng tôi, nhưng cuối cùng chúng tôi đành bỏ lỡ hầu hết những cơ hội đó vì không đủ kinh phí. Tôi đã đặt rất nhiều tâm huyết để làm tốt nhiệm vụ của mình và khiến khách hàng hài lòng với chúng tôi, nhưng cuối cùng cũng không đi đến đâu. Công việc từ chỗ là sự thỏa mãn duy nhất của tôi trong cuộc sống trở thành nỗi thất vọng tràn trề. Điều duy nhất khiến tôi đi tiếp là vì tôi biết chúng tôi đã tiếp cận và giảng chân tướng cho rất nhiều người thông qua công việc này.

Tôi cảm thấy bế tắc, không còn hy vọng, như thể cuộc sống không còn ý nghĩa gì nữa. Tôi khám phá ra các chương trình truyền hình thực tế của Hàn Quốc, thấy rất hài hước, sự tương tác giữa các vị khách mời đã mang lại cho tôi cảm giác sống động, nên tôi đã xem chúng. Mỗi khi thấy buồn, tôi lại xem, giống như uống thuốc giảm đau để vượt qua cơn bạo bệnh vậy. Tôi bắt đầu nhận ra mình cần phải bắt đầu tu luyện lại từ đầu.

Một hôm, khi đang học thuộc Luận ngữ, tôi nhận ra, “Tôi không phải là người đồng hóa với Đại Pháp, mà chỉ là một người phù hợp với Đại Pháp.” Ngày nào tôi cũng học Pháp nhưng không quá một giờ; luyện công thì ngày luyện ngày không, mặc dù hành xử theo các nguyên lý của Pháp trong cuộc sống hàng ngày. Tôi thấy mình đã rơi vào trạng thái tự mãn, nhưng tôi nghĩ đây là tu luyện. Những việc tôi đang làm, không có gì xuất phát từ tâm, mà chỉ vì tôi có một danh sách những việc mà tôi biết tôi cần phải làm.

Ngày 20 tháng 7, chúng tôi đã có rất nhiều hoạt động để giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp cho công chúng, gồm cả một Pháp hội toàn quốc. Trong ba ngày, tôi đã thoát khỏi thói quen hàng ngày. Tôi đã dành thời gian với các học viên trên khắp đất nước và lắng nghe những chia sẻ của họ. Sự trang trọng của các sự kiện đã khơi dậy trong tôi mong muốn tu luyện tốt trở lại. Tôi cảm thấy có sự thay đổi trong tâm: Tôi lại bắt đầu coi trọng việc tu luyện tinh tấn và đề cao tầng thứ tu luyện.

Tâm vừa xuất ra nguyện này, tôi thấy trong tâm lại nổi lên một loạt việc người thường mà tôi định làm, việc nào cũng cản trở tôi tu luyện tinh tấn. Nếu không nhận ra điều đó, thì tư tưởng của tôi lại như một người thường và không thể nghiêm túc tu luyện.

Phải mất bảy năm, tôi mới hiểu ra rằng, thông qua việc tu luyện, tôi cần đạt đến sự thanh tịnh từng có; phải mất chín năm, tôi mới hiểu thế nào là thực tu. Hy vọng nhận thức này sẽ thường hằng bên tôi. Hy vọng tôi sẽ không đánh mất niệm này một lần nữa và bị cuốn vào tâm làm việc!

Trên đây là thể ngộ tại tầng thứ hạn hẹp của tôi. Nếu có chỗ nào không đúng, mong nhận được góp ý.

Cảm tạ Sư phụ từ bi đã cho con hết cơ hội này đến cơ hội khác để giác ngộ và đề cao bản thân, cảm tạ Ngài đã luôn ở bên con!

Cảm ơn các đồng tu!

(Bài được trình bày tại Pháp hội Châu Âu 2022)

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/9/18/449777.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/9/22/203971.html

Đăng ngày 05-10-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share