Bài viết của Minh Tâm

[MINH HUỆ 12-07-2022] Câu chuyện Nhạc Phi thời Nam Tống “tinh trung báo quốc” hàng trăm, hàng nghìn năm nay vẫn được những người Trung Hoa đời đời truyền tụng, kính ngưỡng. Chuyện Nhạc Phi chống quân Kim, đánh giặc nhiều lần lập kỳ công, bảo vệ Trung Nguyên thì mọi người đã nghe đến mức thuộc làu, từ hý kịch đến kể chuyện, từ tiểu thuyết đến điện ảnh, các thời đại khác nhau đều có các hình thức biểu hiện khác nhau.

“Lấy thơ ca nói nên chí hướng”, là truyền thống có nguồn gốc lâu đời ở Trung Quốc. Trong các tập thơ “Nhạc Võ Mục tập”, “Toàn Tống từ”, đã thu thập một phần thơ văn mà Nhạc Phi để lại. Thông qua những thơ văn như thơ, từ, tấu chiết, ký sự này, có thể thấy tấm lòng siêu nhiên bày tỏ tâm tình chí hướng, tâm lo cho bách tính của nhà thơ.

[Năm Kiến Viêm thứ 4] (năm 1130)

“Quá Trương Khê tặng Trương Hoàng”

“Vô tâm mải tửu yết thanh xuân, đối kính không ta bạch phát tân.
Hoa hạ thiếu niên ưng tiếu ngã, thùy thùy luy mã phỏng cao nhân.”

Tạm dịch:

Quá Trương Khê tặng Trương Hoàn

“Vô tâm mua rượu chuyện thanh xuân
Soi gương than thở tóc hoa râm
Dưới hoa thiếu niên cười ta dở
Ngựa gầy yếu ớt tìm cao nhân.”

Bài thơ này viết năm Kiến Viêm thứ 4 (năm 1130), khi đó Nhạc Phi 27 tuổi. Thi nhân không có lòng nào uống rượu nói cười, đứng trước gương cảm thán tóc mới bạc. Thế nhân đều đang hưởng thụ thanh xuân, nhưng bản thân thi nhân lại đang cung kính cưỡi ngựa gầy đi tìm ẩn sĩ, cao nhân. Cao nhân là người siêu nhiên xuất thế, có cái nhìn thấu suốt đối với vũ trụ thiên địa, có Đạo tu luyện phản bổn quy chân. Thi nhân dùng hình thức thơ ca, bày tỏ chí hướng truy tìm đạo Đạo, siêu thoát phàm tục.

Theo “Tống sử – Nhạc Phi truyện” ghi chép, vào năm Kiến Viêm thứ nhất, sau khi Khang Vương Triệu Cấu lên ngôi, Nhạc Phi dâng thư dài mấy nghìn chữ, khuyên triều đình xuất quân thu phục lại vùng đất bị mất, và trực ngôn nói “những kẻ như Hoàng Tiềm Thiện, Uông Bá Ngạn” không biết tiến thủ, chỉ biết một mạch chạy về phương nam, nên cần thay đổi hiện trạng, thu phục Trung Nguyên. Sau khi dâng thư, do Nhạc Phi chỉ là một viên quan nhỏ, nói chuyện chính sự vượt chức trách, nên bị đuổi khỏi quân đội.

Lục Du đã từng viết: “Vị ti vị cảm vong ưu quốc” (chức vị thấp cũng không dám quên quốc gia). Câu này đúng là miêu tả nội tâm Nhạc Phi lúc này, không vì chức vụ bản thân thấp mà quên đi trách nhiệm của mình. Mã Dung thời Đông Hán viết trong “Trung kinh” rằng: “Đại tai, trung chi vi Đạo dã! Thi chi ư nhĩ, tắc khả dĩ bảo gia bang; Thi chi ư viễn, tắc khả dĩ cực thiên địa”, ý nghĩa là: Đạo trung vĩ đại thay, dùng nơi gần thì có thể bảo toàn quốc gia; dùng nơi to lớn xa xôi, thì khí hạo nhiên đó tràn đầy khắp thiên địa, có thể phù chính chính khí của trời đất.

Nếu dùng cách nhìn của người hiện đại, một viên sĩ quan bình thường, sao lại dám gửi thư lên hoàng đế, sao lại chỉ ra những vấn đề của các đại thần triều đình, việc này chẳng phải là tự tìm phiền phức cho mình đó sao?

Lòng trung của Nhạc Phi tuyệt đối không phải ngu trung, mà là lòng tinh trung phát ra từ thiên tính. Khổng Tử đã nói: “Trung giả, đức chi chính dã” (Trung là sự thuần chính của đức). Nhạc Phi thường lo buồn vì quốc gia lâm cảnh nguy nan. Hoàng thượng tuổi còn trẻ, những điển phạm của Hoàng thất chưa được dạy dỗ, các biện pháp trị quốc của các bậc Thánh vương chưa đọc. Nhạc Phi khi trò chuyện riêng với người khác về việc này, thường lo lắng đến phát khóc. Khi đem quân đi bắc chinh, Nhạc Phi lòng đầy quốc sự, không hề cân nhắc đến được mất cá nhân, dâng tấu chuyện cơ mật quốc gia.

Người trong thiên hạ nghe được chuyện này, đều cảm nhận được lòng trung của ông, ai nấy đều cảm nhận được sự vĩ đại của Nhạc Phi.

(Còn tiếp)

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/7/12/446100.html

Đăng ngày 22-09-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share