Bài viết của Trí Chân

[MINH HUỆ 11-11-2007] Trong lịch sử Trung Quốc, chỉ có nhưng quan thanh liêm tu thân lập đức, thực hiện chính trị thiện lương, bảo vệ người dân là luôn được coi là những tấm gương làm quan làm người, mới được đông đảo bách tính ca ngợi và truyền tụng. Phương Khắc Cần chính là một trong những vị quan như thế.

Phương Khắc Cần tên chữ là Khứ Căng, người Ninh Hải, Chiết Giang, là quan thanh liêm nổi tiếng triều Minh. Ông là người liêm khiết chính trực, làm chính trị lấy việc dùng đức giáo hóa làm gốc, yêu dân chỉ sợ không kịp, tự giác chỉ sợ không nghiêm, dám đứng lên bảo vệ dân, được người dân ủng hộ và yêu kính.

Phương Khắc Cần từ nhỏ ngay chính chắc chắn, đọc sách khắc khổ, thiên tư hơn người, được ca ngợi là Thần đồng, 18, 19 tuổi đã trở thành bậc danh Nho ở địa phương. Ông kính ngưỡng tinh thần bảo vệ nước, yêu thương dân của Nhạc Phi, vô cùng tán thưởng câu nói của Nhạc Phi: “Quan văn không yêu thích tiền tài, võ tướng không sợ chết, thì thiên hạ thái bình rồi”. Ông có chí hướng lớn lao và cao xa, khi tham gia thi hương, ông dùng sách luận phơi bày thói xấu của xã hội đương thời và dân sinh, khiến người ta thán phục, nhưng quan giám khảo kiêng kỵ những lời đó, không dám chấm đỗ.

Sau này, địa phương tiến cử người hiền, Phương Khắc Cần được tiến cử làm Tri châu Tế Ninh. Ông nhận thức sâu sắc rằng, dân là gốc rễ của quốc gia, sau khi làm quan, chỗ nào ông cũng lấy lợi ích của người dân trên hết. Đầu tiên, ông viết một bức thư treo ở con đường lớn thông các nơi, nói rõ ý của hoàng đế yêu thương bảo vệ bách tính, bảo với người dân rằng, nếu có sự việc nào không vừa ý, thì hãy đến quan phủ tự mình nói ra, mở rộng đường ngôn luận, và nghiêm cấm nha dịch tra hỏi người dân. Ông cung kính xin những người cao tuổi chỉ giáo, hỏi họ xem chính sự đạt hay không đạt. Ông chú trọng giáo hóa, thiết lập trường học ở mấy trăm nơi, tuyển người hiền lương làm thầy giáo, học trò lên đến mấy nghìn người, phong khí người dân dần trở nên thuần hậu.

Khi đó Tế Ninh gặp nạn đói, vào mùa đông, bách tính lại phải chuyển y phục cho binh sĩ trấn thủ ở phương bắc. Triều đình có lệnh, chỉ được phép vận chuyển đường bộ, cấm dùng thuyền, người vi phạm sẽ luận tội chết. Tháng Chạp đông hàn, vận chuyển đường bộ rất khó khăn, dân chúng khẩn cầu theo sông đào vận chuyển thuận tiện, để tránh ngựa xe mệt nhọc. Phương Khắc Cần không sợ tội chết, quyết định dùng thuyền vận chuyển, ông nói: “Tôi biết để cho dân thuận tiện, trái lệnh cũng không thoái thác”. Sau này, người dân các quận khác vận chuyển đường bộ không tránh khỏi gió tuyết rét buốt, người và gia súc bị chết cóng vô số, chỉ có vận chuyển bằng thuyền là an toàn không xảy ra sự cố gì, và cũng không bị truy cứu. Bách tính đều nói, Phương Khắc Cần là người dám kháng chỉ vì dân.

Tường thành Tế Ninh hỏng sập, theo thông lệ cũ, sẽ do binh lính trấn thủ xây dựng tu bổ, nhưng viên tướng trấn thủ Tế Ninh cậy thế sai khiến dân chúng lao dịch sửa thành. Khi đó đang vào tháng 5, tháng 6, trời khô hạn không có mưa, việc nhà nông đang bận rộn, hơn vạn người dân xây thành không được thu hoạch hoa màu, tiếng khóc suốt mấy dặm. Phương Khắc Cần vì việc này mà vô cùng lo lắng suy nghĩ, trong lòng thầm nghĩ: “Bách tính đang bận thu hoạch hoa màu, sao có thể lại dùng lao dịch để tăng thêm gánh nặng cho họ được”. Ông lại tự hỏi: “Người dân khốn khổ không cứu giúp, thì ta dùng làm gì?”. Thế là ông đem việc này bẩm báo lên Trung thư tỉnh của triều đình, quan lại thuộc hạ sợ không dám ký tên, Phương Khắc Cần một mình ký lên báo cáo, ngày hôm đó, hoàng đế hạ lệnh dừng việc lao dịch sửa chữa thành. Ngày hạ chiếu, giống như đại hạn gặp mưa rào, dân chúng vui mừng hò reo rồi ra về. Năm đó ngũ cốc bội thu, bách tính làm bài hát ca tụng đức của Phương Khắc Cần: “Ai bãi bỏ việc lao dịch cho chúng tôi, là sức của sứ quân. Ai làm cho lúa của chúng tôi được thu hoạch, là ơn mưa móc của sứ quân. Sứ quân đừng đi, ngài là cha mẹ của chúng tôi”. Từ đó, Tế Ninh liên tiếp ba năm được mùa, nhà nhà dư lương thực, hộ khẩu tăng gấp 9 lần, dân khá giả, sản vật phong phú, quang cảnh phồn vinh.

Phương Khắc Cần đối xử với mọi người, lấy chân thành làm gốc, bạn bè, thuộc hạ gặp khó khăn, ông khảng khái mở hầu bao giúp đỡ. Huyện thừa Lai Vu muốn đón mẹ già đến dinh thự huyện, nhưng khổ vì không có tiền. Phương Khắc Cần tặng ông ta tiền lương một tháng của mình. Có đồng liêu thiếu ăn thiếu mặc, Phương Khắc Cần năm nào cũng trợ giúp vải vóc và đồ ăn uống, hỏi thăm vỗ về chu đáo. Ông nhậm chức 3 năm, tiền lương dư ông đều dùng cho bạn bè và bách tính, hoặc để lại kho quan phủ, bản thân không dự trữ tí nào. Những quan chức can gián hoặc chính trực bị giáng chức trên đường đi qua Tế Ninh, Phương Khắc Cần đều chiêu đãi họ chu đáo, và nhất định tặng đồ ăn uống. Người không đi đường được thì ông thuê xe thuyền đưa họ đi, và an ủi khích lệ họ. Một lần, Vĩnh Gia Hầu Chu Lượng Tổ từng dẫn đoàn thuyền đi đến Bắc Bình, nước sông khô cạn, chuẩn bị sử dụng trên 5000 người lao dịch khơi thông dòng sông. Phương Khắc Cần không đồng ý, ngửa mặt lên trời khóc và cầu khấn. Bỗng nhiên, trời giáng cơn mưa lớn, nước sâu đến vài thước, đội thuyền thế là đi qua được, bách tính đều cảm kích nói, đó là Phương Khắc Cần chân thành yêu thương dân, nên đã cảm động Thiên Thần.

Đối với bản thân, Phương Khắc Cần yêu cầu hết sức nghiêm khắc, ông không bao giờ truy cầu danh dự, ông nói: “Truy cầu danh dự nhất định phải tạo dựng uy danh cá nhân, tạo dựng uy danh cá nhân nhất định sẽ tổn hại đến bách tính, tôi không nhẫn tâm như thế”. Trưởng quan Cổn Châu thông qua một người hầu của Phương Khắc Cần tặng ông hai quả dưa hấu, Phương Khắc Cần hạ lệnh đánh đòn người hầu, và trả lại dưa. Một người đồng hương của ông làm huyện lệnh ở quận bên, gửi tặng một con chim nhạn làm quà, Phương Khắc Cần lập tức cự tuyệt, và tuyệt giao với người đó. Ông kết giao với người khác, không bao giờ nhận một vật gì, dù là những thứ nhỏ bé cọng cỏ cành cây, cũng dùng gạo đổi lấy. Ông ăn mặc rất đơn giản chất phác, chỉ ăn lương thực và rau, không bao giờ mặc đồ lụa, một chiếc áo vải mặc 10 năm không thay. Nhà ở đơn giản xấu xí, tường có những chỗ nghiêng đổ, ông mua chiếu cói che gió. Trong nhà không có vật gì khác, chỉ có sách bày trong nhà. Ông thường nói, làm người làm việc nhất định chớ dối lòng, vì vậy những việc làm ban ngày, thì ban đêm ông nhất định báo cáo với Thượng Thiên, làm được nhất cử nhất động đều không hổ thẹn. Mỗi lần Tỉnh hiến khảo sách thành tích, ông đều đứng đầu lục phủ, nhiều lần ông được hoàng đế ban thưởng.

Nhạc Phi từng nói: “Chỉ cần tận tâm vì nước vì dân, thì không có việc gì là không làm nổi”, trong lịch sử, những quan thanh liêm tu thân lập đức, thực hiện chính trị thiện lương, đứng ra bảo vệ dân, luôn được coi là tấm gương làm quan làm người, được đông đảo người dân ca tụng và kính yêu. Ngày nay, có những người làm ngược với trào lưu lịch sử, hãm hại người tốt, coi ác là tài năng, gây họa cho nước họa cho dân, ngày càng nhiều người đứng lên kêu gọi đạo đức và lương tri, kêu gọi thiện niệm trong lòng người, bảo vệ chân lý và chính nghĩa. Tà ác ắt sụp đổ, chính nghĩa ắt thắng lợi, bởi vì Thiên lý, đạo nghĩa đang đo lường hết thảy.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2007/11/11/166342.html

Đăng ngày 20-07-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share