Bài viết của Trí Chân
[MINH HUỆ 05-11-2007] Lục Lũng Kỳ, tự Giá Thư, thụy hiệu Thanh Hiến Công, là người Bình Hồ, Chiết Giang, là quan thanh liêm nổi tiếng triều Khang Hy. Ông thúc đẩy chính trị thiện lương, dùng đức giáo hóa bách tính, được bách tính ủng hộ và yêu mến.
Năm Khang Hy thứ 9, Lục Lũng Kỳ nhậm chức Tri huyện, huyện Linh Thọ, tỉnh Hà Bắc. Một ngày nọ, có một cụ bà tố cáo con trai bà ngỗ nghịch. Lục Lũng Kỳ thấy con trai bà vẫn là một đứa trẻ vị thành niên, bèn nói với bà lão rằng: “Có thể để con trai bà tạm thời ở chỗ tôi đây vài ngày, để tôi giáo dục cậu ấy”. Thế là lệnh cho cậu thiếu niên luôn theo bên ông. Lục Lũng Kỳ ngày ngày cung kính hầu thái phu nhân, mỗi lần hầu bà ăn cơm xong, ông mới ăn cơm và thức ăn thừa. Có thời gian thì ông kể cho bà nghe một số câu chuyện. Hễ thái phu nhân có chút khó chịu trong người, thì Lục Lũng Kỳ càng quan tâm chăm sóc chu đáo hơn. Như thế qua mấy ngày, cậu thiếu niên kia đột nhiên quỳ trước Lục Lũng Kỳ, khóc và nói: “Tiểu tử xưa nay không hiểu lễ, đắc tội mẫu thân, sau khi thấy tất cả những việc ngài làm, tiểu tử hối hận vô cùng”. Sau này, người thiếu niên đó trở thành một hiếu tử nổi tiếng xa gần.
Khi Lục Lũng Kỳ xử án, mỗi lần truyền gọi hai bên bị cáo và nguyên cáo đến pháp đình, ông đều nhẹ nhàng dạy bảo họ rằng: “Các người bình thường là những người có quan hệ rất thân thiết với nhau, ngày nay chẳng qua vì những chuyện nhỏ như hôn nhân, đất đai, nợ tiền… mâu thuẫn nhất thời không nhẫn nại được, dẫn đến kiện cáo, vừa mất thời gian lại vừa tổn hao tinh lực, số tiền phí tổn thường vượt qua số tiền tranh chấp. Khi quan phủ phán quyết, đương nhiên có thắng có thua, từ đó biến thành thù địch, oán hận nhau mấy đời, hối hận thì đã muộn rồi. Quốc pháp không áp lên thân người có lý, các người trở về suy nghĩ kỹ 3 ngày, nếu đều nghĩ thông rồi, thì có thể đến rút lại tố cáo”. Nghe những lời dạy bảo, hai bên kiện tụng thường cảm động rơi nước mắt, và làm cam kết ngay tại chỗ, hữu hảo với nhau như ban đầu.
Năm Khang Hy thứ 14, Lục Lũng Kỳ được bổ nhiệm làm Tri huyện huyện Gia Định, Giang Nam. Gia Định là một huyện lớn, cuộc sống người dân nghèo khó, nhưng tập tục dân gian lại truy cầu phô trương lãng phí. Lục Lũng Kỳ thi hành hương ước, phát đi nhiều thông cáo, liên tục giáo dục bách tính, nhất định phải trừ bỏ tập tục thích tranh đấu và coi thường sinh mệnh. Ông lấy mình làm gương, đề xướng đơn giản chất phác, quan lại và người dân tấp nập học theo, người phô trương lãng phí đều bị mọi người coi thường, phong khí người dân dần thuần phác, sản xuất nhanh chóng phát triển trở lại. Mỗi dịp quan lại địa phương sinh nhật, ông đều đem theo 10 cuộn mì ngon, một đôi nến nặng 1 cân, đến chúc thọ. Mọi người đều nói, quan phẩm và quan đức của Lục Lũng Kỳ là phúc phận của bách tính. Hoàng đế hạ chiếu cho các quan cửu khanh tiến cử người có học vấn xuất sắc, phẩm hạnh hữu dụng, Lục Lũng Kỳ được tiến cử làm quan kinh thành, thăng làm Án sát sứ. Khi ông rời nhiệm sở, thứ mang theo bên mình chỉ có mấy tráp mây đựng sách và cái chăn mà thôi. Người dân dắt theo người già và trẻ em, khóc lóc tiễn đưa ông, mãi không muốn rời đi. Sau có người khen Lục Lũng Kỳ thanh liêm: “Làm quan nghèo hơn lúc chưa làm quan, mãn nhiệm vinh quang hơn lúc tại nhiệm”.
Năm Khang Hy thứ 30, quân Thanh chinh phạt Cáp Nhĩ Đan, chính phủ kêu gọi xã hội quyên góp làm chi phí cho quân đội. Ngự sử Trần Tinh đề xuất cách làm, người dừng quyên góp phải được người bảo lãnh tiến cử mới được thăng quan, và chính sách người quyên góp nhiều được ưu tiên tuyển dụng. Lục Lũng Kỳ dâng sớ nói: “Cách làm trao quan tước cho người quyên tiền không phải là ý mà hoàng thượng muốn thi hành, nếu cho phép người quyên tiền có thể không cần người bảo lãnh tiến cử, thế thì không có sự khác biệt với những người làm quan thông qua con đường chính, lẽ nào thanh liêm là có thể thông qua quyên tiền là có được? Nếu ưu tiên tuyển dụng người quyên tiền, thì bằng với việc mở ra con đường cạnh tranh vì danh lợi, đều không thể được. Hơn nữa, người quyên tiền hiền ngu hỗn tạp, chỉ có dựa vào bảo lãnh tiến cử thì mới ngăn chặn được tệ nạn trong đó. Nếu loại trừ bảo lãnh tiến cử mà chỉ chấp nhận quyền tiền trao chức quan, thì chế độ quan lại chẳng phải là một tờ giấy trắng sao? Đây là không có trách nhiệm với bách tính”. Sau này, triều đình đồng ý với chủ trương của ông.
Từ xưa đến nay, những nhân sĩ có tri thức đều lấy dân làm gốc, lấy đức phục người, bởi vì thiện tâm và nghĩa lý mới có thể động đến tâm con người, mới có thể khiến con người được cảm hóa và tỉnh ngộ, mới có thể động đến bản chất của sinh mệnh và động đến nơi sâu thẳm của tâm linh con người.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2007/11/5/165917.html
Đăng ngày 09-08-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.