Bài viết của một đệ tử Đại Pháp ở vùng Đông Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 1-1-2007] Cách đây 10 năm, một đệ tử lâu năm từng trực tiếp được nghe các bài giảng của Sư phụ đã kể cho tôi một câu chuyện. Lần đó, Sư phụ đã đến thành phố của chúng tôi để mở khóa giảng truyền Pháp. Trong bữa ăn trưa, mọi người cùng ngồi lại với nhau trong khi đơn vị công đoàn tiếp đón chúng tôi mời mọi người gọi thức ăn. Lúc đó, một vị đệ tử đi cùng Sư phụ đã gọi rất nhiều các món ăn chay. Việc này đã khiến một cán bộ công đoàn lao động thắc mắc: “Sao có quá nhiều món ăn chay vậy? Sư phụ của các vị không ăn thịt à?” Sư phụ mỉm cười và nói (lời đại ý, không phải nguyên gốc) rằng: “Chỉ có cậu ấy là không ăn thịt” (chỉ vị đệ tử đã gọi thức ăn). Lúc đó, mọi người đã cười lớn. Sau đó, Sư phụ cũng để những người khác gọi một số món thịt.

Nhiều năm đã qua nhưng câu chuyện vẫn còn để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm tôi. Lúc đầu, tôi nghĩ câu chuyện cho thấy cách hành xử lịch sử và hài hước của Sư phụ với mọi người. Tuy nhiên, hôm qua tôi đã nhận ra được một nội hàm khác: Sư phụ không chỉ dạy chúng ta suy nghĩ cho người khác trước và tu thành vô tư vô ngã, mà Sư phụ còn lấy hành động của mình để làm gương trong mọi tình huống. Nhận thức này đã để lại cho tôi nhiều hối tiếc.

Qua sự việc này, tôi nhớ đến một số việc khác:

Gần đây, các đệ tử khác cùng tôi chia sẻ kinh nghiệm về một vị đệ tử khác. Vị đệ tử này có một chút cực đoan. Sau khi quá hoan hỷ về các bài giảng của Đại Pháp, anh không cho các con đi học và cũng không làm việc nữa. Khi anh đến nhà của đệ tử khác, anh sẽ tiêu hủy các sách có [in] hình rồng hoặc biểu tượng văn hóa của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà không xin phép. Việc này khiến những người gặp anh ấy nảy sinh nhiều suy nghĩ tiêu cực. Anh ấy thậm chí còn cắt bỏ hoa và cây cối, nói rằng chúng dễ đắc linh khí, và vì vậy sẽ can nhiễu đến những người khác.

Khi lần đầu biết chuyện này, tôi có một chút bất bình. Sao anh ấy có thể hành xử kỳ quặc như vậy? Pháp của Sư phụ đã dạy rất rõ, anh ấy không không đọc sao? Chúng tôi càng nói về chuyện này nhiều, thì cái tâm tôi càng sôi lên. Tôi nghĩ sau này mình phải tránh xa người này. Bất cứ khi nào nghĩ về vị đệ tử này, tôi sẽ có cảm giác khó chịu. Một ngày, tôi bình tĩnh suy nghĩ về vấn đề này. Mặc dù mọi người xem thường anh ấy, thì phải chăng chính là mọi người có vấn đề? Phải chăng chính mọi người có những nhân tâm mà họ nên tu bỏ? Vừa nghĩ về điều đó, những nhân tâm của tôi đã bị phơi bày: Anh ấy không có nhận thức chính diện vì thế tôi có tâm oán hận, chỉ trích và bất bình. Gốc rễ vấn đề của tôi là gì đây? Đó là biểu hiện tự ngã vô cùng lớn của tôi.

Tôi nghĩ mình đã là một học viên lâu năm rồi; tuy nhiên, tại sao trong lúc chia sẻ kinh nghiệm tôi lại vô thức nhấn mạnh nhận thức của bản thân mình? Thậm chí khi người khác nói, tôi cố gắng cướp lời. Bất cứ khi nào có nhận thức mới về điều gì đó, tôi lại muốn nói ngay với người khác. Trong tiềm thức, tôi muốn khiến người khác tán đồng nhận thức của mình. Tôi tin rằng cách của mình là cách đúng đắn nhất. Tôi nghĩ rằng những gì mình nói và làm là chính nhất và tốt nhất. Tôi cảm thấy khó chịu khi người khác đưa ra những quan điểm khác với ý kiến của mình. Điều này có gì khác với những sinh mệnh của cựu vũ trụ đâu? Khi tự phê bình bản thân như vậy, tôi nhận thấy mình có nhiều biểu hiện của con người. Ví dụ: khi ở cạnh một người bạn, tôi bảo anh ấy rằng anh ấy phải kinh doanh theo cách mà tôi nghĩ anh ấy nên làm. Đến mức độ tôi thậm chí đã muốn thay đổi biển hiệu cửa hàng thành tên mà tôi cho là thích hợp hơn. Tôi đã che giấu chấp trước vị tư này sâu đến nỗi nó không biểu hiện ra, nhưng đã nổi lên hết lần này đến lần khác.

Đối với người tu luyện, cách duy nhất để vượt qua con người và bước hướng tới thần là hướng nội vô điều kiện. Hướng ngoại thì luôn là người thường. Trước đây, tôi nghĩ mình tinh tấn làm ba việc. Tôi chắc chắn mình đang theo sát tiến trình Chính Pháp. Khi Chính Pháp kết thúc, tôi chắc chắn sẽ trở về nhà cùng Sư phụ. Chính Pháp chưa kết thúc, và chính Sư phụ đang đợi những người không tinh tấn. Tôi dám chắc mình tinh tấn. Tuy nhiên, qua câu chuyện của học viên này, tôi thấy rằng tâm mình chưa tu đến kiền tịnh. Vấn đề căn bản chưa được giải quyết. Tôi cần khoan dung hơn với các đồng tu. Tôi cần chấp nhận những thiếu sót của các đồng tu khác, cần hiểu trạng thái tu luyện của các đồng tu. Khi các đồng tu biểu lộ ra thiếu sót, tôi cần hiểu rằng đó là những chấp trước của các đồng tu mà cần được tu bỏ, đồng thời từ bi chỉ ra cho họ. Tôi cần có trách nhiệm với Đại Pháp, với tân vũ trụ và mọi thứ mà Sư phụ khai sáng cho chúng ta. Tuy nhiên, tôi đã không hoàn toàn thực hiện được điều đó.

Sư phụ giảng có hai lý do tại sao không tăng công. Tôi cảm thấy mình không học thấu Pháp cao tầng, tâm tính của tôi chưa đạt đến tiêu chuẩn, nhân tâm liên tục khiến tôi hướng ngoại. Tôi thực sự xấu hổ. Sư phụ giảng rằng trên thiên thượng thậm chí các vị thần cũng cần bàn luận với nhau. Theo nhận thức của tôi, trạng thái thấu hiểu lẫn nhau, khoan dung và vị tha như phối hợp giữa các vị thần là tiêu chuẩn mà các đệ tử Đại Pháp cần đạt được. Trước đây, tôi luôn có những suy nghĩ mong muốn Chính Pháp nhanh kết thúc. Sau đó, tôi suy nghĩ từ một góc độ khác. Nếu Chính Pháp kết thúc mà tôi vẫn còn quá nhiều chấp trước người thường, Sư phụ sẽ đặt tôi ở đâu đây? Tu luyện không đợi ai hết. Đó cũng là một vấn đề nghiêm trọng. Tôi tự nhủ: Sư phụ, con sẽ tu luyện tinh tấn. Con sẽ đạt tiêu chuẩn.

Khi nhận thức của tôi chuyển biến, tôi nhìn trở lại vị đệ tử này. Tôi thấy anh có nhiều điểm mạnh. Đức tin kiên định của anh vào Pháp mạnh hơn của tôi. Anh đã chép và ghi nhớ Pháp. Anh đã giảng chân tướng, phân phát tờ rơi và các tài liệu giảng chân tướng khác. Cảnh giới phóng hạ sinh tử nhất tâm cứu độ chúng sinh của anh ấy đã thực sự khiến tôi xúc động. Lúc đầu, cựu thế lực đã an bài tất cả các đệ tử Đại Pháp, những sinh mệnh rất khác nhau và từ những thế giới khác nhau, tất cả cùng vào một môi trường để tu luyện. cựu thế lực muốn đẩy chúng ta ra xa nhau và gây chia rẽ giữa chúng ta, khiến chúng ta nhấn mạnh vào tự ngã và trở thành một chỉnh thể bất ổn. Theo hướng này, chúng ta không thể đạt tiêu chuẩn và không thể tu luyện. Pháp của Sư phụ có thể giúp chúng ta buông bỏ tâm xem mình là trung tâm và thấu hiểu lẫn nhau. Pháp giúp chúng ta đột phá mọi thứ và đạt được tiêu chuẩn của sinh mệnh trong tân vũ trụ. Đây là cảnh giới và yêu cầu mà chúng ta phải đạt được.


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2007/1/1/145918.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2007/2/4/82306.html

Đăng ngày 30-3-2007, hiệu chỉnh ngày 22-6-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share