[MINH HUỆ 13-07-2022] Ngày 4 tháng 7 vừa qua, Viện Nghiên cứu các Vấn đề Kinh tế và Tài khóa Châu Âu (IEF), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Paris, đã xuất bản một bài báo vạch trần nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc. Dưới tiêu đề “Thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc hay hoạt động kinh doanh tội phạm của một chế độ độc tài”, bài báo cảnh báo rằng đã đến lúc các nước phương Tây phải thức tỉnh trước sự thật tàn bạo này.

3c16a51e23f819d6a787f2852f8eb1ae.jpg

Bài báo của Viện Nghiên cứu các Vấn đề Kinh tế và Tài khóa Châu Âu (IEF), ngày 4 tháng 7, phơi bày nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc

Bài báo viết rằng nhiều người thường ca ngợi Trung Quốc vì đã vươn lên trong bảng xếp hạng quyền lực thế giới hay những tiến bộ về công nghệ và kinh tế, nhưng ít người chú ý đến mối nguy hiểm của học thuyết cộng sản, cũng như những thảm họa mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã gây ra cho người dân Trung Quốc trong hơn 60 năm cai trị đẫm máu của nó.

Theo bài báo, các nhà điều tra đã thu thập được rất nhiều bằng chứng và ghi lại trong cuốn “Thu hoạch đẫm máu: Thu hoạch nội tạng của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc” (Bloody Harvest: Organ Harvesting of Falun Gong Practitioners in China) xuất bản năm 2009 của David Matas và David Kilgour, cũng như cuốn “Đại thảm sát: Giết người hàng loạt, Thu hoạch nội tạng, và Giải pháp bí mật của Trung Quốc đối với vấn đề bất đồng chính kiến” (The Slaughter: Mass Killings, Organ Harvest, and China’s Secret Solution to Its Dissident Problem) của tác giả Ethan Gutmann xuất bản năm 2014.

Ba nhà điều tra độc lập Matas, Kilgour và Gutmann đã công bố báo cáo cập nhật gồm 680 trang của họ vào tháng 6 năm 2016. Trong đó viết: “Nguồn gốc của phần lớn lượng nội tạng khổng lồ dùng cho cấy ghép là từ việc giết hại những người vô tội: người Duy Ngô Nhĩ, Phật tử Tây Tạng, Cơ đốc nhân, và chủ yếu là những người thực hành môn tu luyện Pháp Luân Công”, “Thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc là một tội ác mà Đảng Cộng sản, các tổ chức nhà nước, hệ thống y tế, bệnh viện và cơ sở cấy ghép đều là đồng phạm.”

Ngành cấy ghép tạng của Trung Quốc phát triển với tốc độ đáng báo động

Theo truyền thống của Trung Quốc, cơ thể người phải được giữ nguyên vẹn sau khi chết, đó là một trong những lý do chính khiến Trung Quốc mãi đến năm 2013 mới có hệ thống đăng ký hiến tạng chính thức, sáu năm sau khi vụ bê bối về cưỡng bức thu hoạch nội tạng lần đầu được phanh phui vào năm 2006. Bài báo của IEF cũng giải thích rằng sau khi hệ thống này được đưa vào hoạt động, có rất ít nội tạng được tự nguyện hiến tặng.

Thế nhưng, ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc đã tăng vọt kể từ năm 2000. “Năm đó, số ca cấy ghép gan đã tăng gấp 10 lần so với năm 1999, và đến năm 2005, số ca cấy ghép gan lại tăng gấp ba lần so với năm 2000. Dữ liệu chính thức cho thấy có 10.000 ca cấy ghép được thực hiện mỗi năm”, bài báo của IEF trích dẫn dữ liệu từ báo cáo năm 2016 của Matas, Kilgour và Gutmann, “Tuy nhiên, dựa trên năng lực yêu cầu của chính phủ đối với các cơ sở cấy ghép nội tạng, 169 bệnh viện đáp ứng đủ điều kiện có thể đã thực hiện từ 60.000 đến 100.000 ca cấy ghép mỗi năm kể từ những năm 2000. Trên thực tế, có đến 1.000 bệnh viện đã nộp đơn xin phép chính phủ để thực hiện cấy ghép nội tạng. Điều này cho thấy số ca cấy ghép có thể còn cao hơn nhiều so với những gì đã công bố.”

Một bằng chứng khác nằm ở thời gian chờ nội tạng. Ở các quốc gia khác, đôi khi cần phải đợi vài năm mới được hiến tạng, nhưng “Trung Quốc tự hào về thời gian chờ ngắn kỷ lục, thậm chí chỉ vài tuần, cho các ca ghép gan hoặc thận,” bài báo của IEF tiếp tục,“Hơn nữa, khả năng tương thích của cơ quan tạng cũng là vấn đề quan trọng mà người chờ cấy ghép chỉ biết hy vọng, không thể chắn chắn ngoại trừ… ở một bệnh viện Trung Quốc.”

Tội ác có hệ thống của nhà nước

Bài báo của IEF ghi nhận rằng nhiều bệnh viện ở Trung Quốc đã thực hiện cấy ghép nội tạng. Một bác sỹ tại Bệnh viện Trường Chinh ở Phố Đông, Thượng Hải cho biết, “Chúng tôi có nhiều ca làm việc liên tục 24 giờ mỗi ngày. Chúng tôi có bốn đội có thể thực hiện [cấy ghép].” Về nguồn tạng hiến, ông ấy trả lời: “Chúng tôi [sử dụng] một nguồn thống nhất của quốc gia. Điều này, nói thế nào nhỉ… chỉ có bác sỹ mới biết.” Ngoài ra, khi xảy ra việc cơ thể không tiếp nhận, các đội có thể thực hiện một số nỗ lực khác trên cùng bệnh nhân cho đến khi đảm bảo thành công.

Điều này càng gây khó hiểu hơn vì số lượng nội tạng hiến rất hạn chế. Năm 2015, Trung Quốc chính thức tuyên bố chấm dứt sử dụng nội tạng của tử tù, sau khi vấp phải sự chỉ trích nặng nề của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế.

“Vậy nội tạng lấy từ đâu? Câu trả lời cho câu hỏi này khiến mọi người ớn lạnh”, bài báo của IEF viết,“ Sự gia tăng nhanh chóng trong các ca cấy ghép kể từ năm 1999 đến từ sự đàn áp trên diện rộng và tàn bạo của chính quyền đối với những người theo Pháp Luân Công, môn thiền định truyền thống dựa trên rèn luyện sức khỏe và cải thiện bản thân.”

Điều này bắt đầu vào năm 1999 khi lãnh đạo ĐCSTQ thời bấy giờ là Giang Trạch Dân quyết định phát động bức hại Pháp Luân Công với chính sách “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, và hủy hoại thân thể” của các học viên. Từ đó đến nay, theo chỉ thị của Phòng 610, một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập ngày 10 tháng 6 năm 1999 với nhiệm vụ thực hiện chính sách bức hại, khoảng 70 triệu học viên đã bị bắt, bị giam giữ và tra tấn.

Ngày 5 tháng 5 năm 2022, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết về nạn thu hoạch nội tạng từ những người bị giam giữ thuộc nhiều nhóm thiểu số ở Trung Quốc. “Chính quyền Trung Quốc thẳng thắn từ chối mọi quyền tiếp cận các trung tâm giam giữ và cơ sở y tế để điều tra. Cộng đồng quốc tế vẫn giữ im lặng”, bài báo của IEF kết luận,“ Không còn nghi ngờ gì nữa, đã đến lúc những người phương Tây tôn thờ sự hùng mạnh của Trung Quốc mở rộng tầm mắt và suy xét trước thực tế của ý thức hệ cộng sản giết chóc này.”

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/7/13/446179.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/7/14/202237.html

Đăng ngày 15-07-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share