Bài viết của Kỷ Trân Nghiên, phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 10-06-2022] Mới đây, Viện Nghiên cứu Khí quyển và Hải dương học (IPMA) của Bồ Đào Nha báo cáo rằng tháng 5 vừa qua là tháng nóng nhất của cả nước trong 92 năm, cùng với hạn hán nghiêm trọng. Tại Philippines, núi lửa Bulusan đã phun trào, dẫn đến động đất và các khu vực lân cận phải di tản. Các trận mưa đá đã tàn phá nhiều khu vực rộng lớn ở vùng Tây Nam nước Pháp.
Hạn hán nghiêm trọng ở Bồ Đào Nha
Trích dẫn thông tin từ IPMA, Euronews đưa tin vào ngày 9 tháng 6 rằng tháng trước là “tháng 5 nóng nhất kỷ lục trong cả nước kể từ năm 1931.”
Ngoài ra, lượng mưa trong tháng 5 “dưới mức bình thường”, chỉ bằng 13% lượng mưa trung bình của tháng 5 trong giai đoạn từ năm 1977 đến năm 2000, dẫn đến “hạn hán nghiêm trọng” trên 97% diện tích Bồ Đào Nha, và 1,4% đất nước đã trải qua “hạn hán khắc nghiệt cực độ”.
Theo dự báo, trong thời gian tới hạn hán sẽ thường xuyên hơn, kéo dài và nghiêm trọng hơn.
Núi lửa ở Philippines
Theo Viện Núi lửa và Địa chấn Philippines (PHIVOLCS), núi lửa Bulusan phun trào vào ngày 5 tháng 6 đã tạo ra luồng khói xám chứa nhiều hơi nước cao ít nhất 1 km trên đỉnh núi và tản đi. “PHIVOLCS đã nâng mức cảnh báo lên mức 1 (thang điểm 0-5) và nhắc nhở công chúng không đi vào Vùng Nguy hiểm Thường trực (PDZ) trong bán kính 4 km,” bản tin viết.
Ông Renato Solidum, người đứng đầu PHIVOLCS, cho biết: “Chúng tôi chưa thể nói rằng nó đã kết thúc. Sau vụ phun trào này vẫn có khả năng xảy ra vụ phun trào khác, đó là lý do tại sao chúng ta cần phải cẩn thận với núi lửa Bulusan.”
Các nhân viên khẩn cấp đã được điều động để làm sạch những con đường đầy tro bụi và dẫn hướng những người lái xe do tầm nhìn kém. Cư dân Antonio Habitan cho biết: “Con sông của chúng tôi trước đây nước trong vắt mà giờ nó có màu xám xịt.”
Chỉ tính riêng trong ngày 9 tháng 6, các nhà nghiên cứu núi lửa Philippines đã ghi nhận 45 trận động đất núi lửa, bao gồm hai trận động đất núi lửa tần số thấp, trong thời gian 18 giờ.
Mưa đá ở Pháp
Các trận mưa đá đã tàn phá các khu vực rộng lớn ở vùng Tây Nam nước Pháp vào ngày 4 tháng 6, một số vườn nho ở Gers và Landes bị ảnh hưởng nặng nề. “Đó là ngày tận thế, với những hạt mưa đá to như viên bi mà không có nước.” Ông Patrick Farbos, trưởng phòng tiếp thị Armagnac, cho hay cơn bão đã đi từ khu vực đô thị Bas Armagnac đến Condom. Ông đã báo cáo những thiệt hại đáng kể đối với nho, ngô và hoa hướng dương.
“Hiện tượng mưa đá này xảy ra dọc toàn bộ biên giới Lando-Gers và ước tính có từ 4 đến 5.000 héc ta vườn nho, và vài chục ngàn héc ta cây trồng ở Gers bị ảnh hưởng,” ông Bernard Malabirade, trưởng phòng nông nghiệp, cho biết thêm.
Nhà sản xuất rượu Nelly Lacave, chủ sở hữu 8,5 héc ta đất trồng nho, cho biết: “Đó là cảnh tượng của ngày tận thế. Trong vườn nho không còn gì cả, mái của trang trại của chúng tôi bị bão đánh cho tan tành, còn trong nhà, cửa sổ bị vỡ tung. Cha tôi gần 70 tuổi rồi mà chưa bao giờ nhìn thấy cảnh tượng như thế.”
Khoảng 5.000 hộ dân trên khắp nước Pháp đã bị mất điện vào cuối ngày 4 tháng 6. Một phụ nữ ở Rouen đã thiệt mạng khi bị mắc kẹt dưới gầm ô tô do lũ quét trong thành phố.
Cùng ngày, nhiệt độ kỷ lục đã được ghi nhận ở Cap Corse thuộc Địa Trung Hải với nhiệt độ tăng tới 37,4 °C. Đây là một trong những giá trị cao nhất được ghi nhận kể từ khi trạm khí tượng đi vào hoạt động vào năm 1917.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/6/10/444733.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/6/13/201794.html
Đăng ngày 14-06-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.