Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 11-06-2022]

Tên: Ninh Thiết Kiều (宁铁桥)
Giới tính: Nam
Tuổi: 53
Thành phố: Thiệu Đông
Tỉnh: Hồ Nam
Nghề nghiệp: Tài xế xe ôm
Ngày mất: 7 tháng 6 năm 2022
Ngày xảy ra vụ bắt giữ cuối cùng: 13 tháng 3 năm 2004
Nơi giam giữ cuối cùng: Nhà tù Thường Đức

Ngày 7 tháng 6 năm 2022, một cư dân ở huyện Thiệu Đông, tỉnh Hồ Nam đã qua đời ở tuổi 53 sau hai thập niên bị bức hại vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công.

Ông Ninh Thiết Kiều sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Ông mồ côi mẹ từ khi còn nhỏ. Ở tuổi thiếu niên, ông đã phải rời xa quê nhà và bắt đầu làm việc để nuôi sống bản thân. Năm 1997, khi 28 tuổi, ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Lúc đó ông đang làm tài xế xe ôm ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh. Nhiều căn bệnh của ông, trong đó có bệnh dạ dày, đã sớm biến mất.

Ngày 1 tháng 10 năm 2000, một năm sau khi chính quyền cộng sản phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, ông Ninh đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công và đã bị bắt ở trên Quảng trường Thiên An Môn. Ông bị đưa trở về quê nhà và bị giam ở Trại tạm giữ Thiệu Đông 15 ngày, trong thời gian này, ông đã bị các tù nhân đánh đập đến suýt chết.

Ông Ninh đã quay trở lại Thẩm Dương sau khi được thả. Cảnh sát đã lần ra ông và bắt giữ ông một lần nữa. Sau khi bị giam thời gian ngắn tại Trại tạm giam Thành phố Thiệu Đông, ông đã bị kết án 1 năm lao động cưỡng bức và bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Tân Khai Phô (tỉnh Hồ Nam) vào ngày 7 tháng 2 năm 2002. Người cha ngoài 70 tuổi của ông không thể tới thăm ông vì tuổi tác đã cao. Ông cụ đã gửi 100 Nhân dân tệ để ông Ninh mua nhu yếu phẩm hàng ngày nhưng đã bị các tù nhân giám sát ông chiếm đoạt. Ông Ninh đã mắc một số căn bệnh khi ở trong trại lao động và thường xuyên mất ngủ vào ban đêm. Ông được thả vào ngày 31 tháng 1 năm 2003.

Ngày 13 tháng 3 năm 2004, ông Ninh lại bị bắt khi đang phân phát tài liệu Pháp Luân Công cùng với hai học viên khác là bà Dương Ngọc Mãn và ông Hồ Sửu Cải ở thôn Vương An Bình (huyện Thần Khê, tỉnh Hồ Nam). Cả ông Ninh và ông Hồ bị cảnh sát đánh đập ngay tại trụ sở thôn Vương An Bình. Sau đó cảnh sát đã báo cáo họ với Đội An ninh Nội địa Huyện Thiệu Đông trực thuộc công an huyện. Sau đó, cảnh sát cùng người của Phòng 610 đã đến và đưa ba học viên này đến trại tạm giữ huyện.

Trong khi các học viên này bị giam giữ, hai cảnh sát Dư Khánh Trường và Tạ Khai Cơ đã thay phiên nhau thẩm vấn họ. Cảnh sát treo ông Ninh lên khung cửa bằng cổ tay với các ngón chân không chạm đất trong nhiều giờ, và còn đánh đập ông. Dư cũng kẹp môi dưới của bà Dương lại, móc chiếc kẹp vào còng tay và sau đó treo bà lên khung cửa trong 1 tiếng đồng hồ. Ông Hồ có những quầng thâm quanh mắt và mắc chứng tiểu không kiểm soát do bị tra tấn.

Bà Dương và ông Hồ đã bị kết án lao động cưỡng bức, ông Ninh bị đưa đến trại tạm giam Huyện Thiệu Đông vào ngày 18 tháng 3. Ông Ninh bị đưa ra xét xử vào ngày 8 tháng 9 năm 2004. Ông đã tự biện hộ cho mình, nói rằng bản thân từng có nhiều thói quen xấu như cờ bạc, hút thuốc và uống rượu, nhưng ông đã cai bỏ tất cả sau khi học Pháp Luân Công. Kể từ đó, ông luôn chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn của pháp môn để trở thành người tốt hơn. Ông khẳng định rằng ông không hề vi phạm pháp luật hay làm hại bất kỳ ai khi phân phát các tài liệu chân tướng Pháp Luân Công.

Sau đó ông Ninh bị kết án 4 năm tù. Sau 1 năm ở trong trại tạm giam Huyện Thần Khê, ông bị đưa đến một cơ sở giam giữ tạm thời vào mùa xuân năm 2005. Lính canh đã cố cạo đầu ông, đánh đập ông khi ông từ chối hợp tác. Sau đó, họ lại đánh ông khi phát hiện các bài giảng của Pháp Luân Công ở trong hành lý của ông.

Hai tháng sau, ông bị đưa đến Nhà tù Sâm Châu. Ở đó, mỗi học viên Pháp Luân Công bị giam sát bởi hai tù nhân do lính canh lựa chọn ra. Họ bị giam ở tầng 5 với cửa sổ luôn luôn đóng. Vì ông Ninh từ chối mặc đồng phục tù nhân, lính canh đã ra lệnh cho tù nhân đánh đập ông và cưỡng chế ông mặc đồng phục.

Ông Ninh vẫn kiên định đức tin vào Pháp Luân Công sau nhiều phiên tẩy não. Lính canh bắt đầu cưỡng chế ông lao động khổ sai để trừng phạt ông. Họ tiếp tục để các tù nhân giám sát ông, chụp ảnh ông và dùng ảnh này trong một áp phích tuyên truyền để vu khống rằng ông đã từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.

Cảnh sát liên tục sách nhiễu ông Ninh sau khi ông được thả vào tháng 3 năm 2008. Sau đó ông đã buộc phải rời khỏi nhà để tránh sự truy bắt và sách nhiễu liên tục của cảnh sát.

Trước Thế vận hội Bắc Kinh vào tháng 8 năm 2008, cảnh sát đã ép người cha già gần 80 tuổi của ông phải đi tìm kiếm ông khắp nơi. Ông Ninh đã không dám về nhà ngay cả khi cha ông qua đời.

Đầu tháng 11 và ngày 23 tháng 11 năm 2018, cảnh sát đã lục soát nơi ở của ông Ninh ở Thiệu Đông. Hai học viên khác đang có mặt ở nhà ông lúc đó là bà Lý Phi Yến và ông Bành Văn Tân cũng bị bắt giữ. Ông Ninh đã được đưa đến bệnh viện địa phương vào ngày 21 tháng 11 sau khi xuất hiện một số vấn đề về sức khỏe.

Việc bị bức hại trong thời gian dài đã tàn phá nghiêm trọng sức khoẻ của ông Ninh. Ông bị xuất huyết não vào cuối tháng 3 năm 2022 khi đang làm việc và đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Ông không thể nói chuyện hay đi lại sau khi xuất viện vào ngày 14 tháng 4. Dù ông đã mất khả năng vận động nhưng chính quyền vẫn đến sách nhiễu ông. Tình trạng của ông trở nên xấu đi và ông đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 7 tháng 6.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/6/11/444757.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/6/13/201795.html

Đăng ngày 12-07-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share