Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc
[MINH HUỆ 08-03-2022] Bà Chu Nguyệt Trân (68 tuổi, cư trú ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc) đã bị giam giữ kể từ ngày 18 tháng 11 năm 2021 vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Cảnh sát tuyên bố rằng họ bắt giam bà Chu để tiếp tục vụ bắt giữ trước đó của bà (ngày 11 tháng 5 năm 2020), khi đó bà đã phát phân phát mã QR để liên kết đến các trang web không bị [chính quyền Trung Quốc] kiểm duyệt có nội dung về cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Sau khi được tại ngoại vào năm 2020, bà Chu buộc phải sống xa nhà để tránh bị bức hại. Đến tháng 9 năm 2021, cảnh sát đã cố gắng bắt giữ bà khi phát hiện bà trở về nhà, nhưng đã nhượng bộ do sự bùng phát dịch COVID-19 ở địa phương. Ngay sau khi các ca lây nhiễm lắng xuống, cảnh sát đã bắt bà vào ngày 18 tháng 11. Cảnh sát từng nói với gia đình rằng bà có thể sẽ bị kết án vào cuối năm nay.
Bà Chu hiện vẫn đang bị giam ở trong trại tạm giam Số 1 thành phố Lan Châu. Không rõ hiện tại bà đã bị kết án tù hay đang chờ xét xử.
Bức hại trước đó
Trước lần bức hại gần đây nhất, bà Chu đã nhiều lần bị bắt và giam giữ vì lên tiếng ủng hộ Pháp Luân Công. Bà bị kết án 5 năm sau khi bị bắt vào tháng 4 năm 2008 và liên tục bị đánh đập tàn bạo và nhục mạ trong Nhà tù Nữ tỉnh Cam Túc. Người thân của bà dù không tu luyện Pháp Luân Công, nhưng cũng luôn phải sống trong sợ hãi và đau khổ tột cùng về tinh thần [do bị chính quyền bức hại]. Bà Chu không có mặt để giúp và chăm sóc khi con gái bà sinh nở. Người cha già 83 tuổi của bà đã phải nằm liệt giường trong khi bà đang thụ án tù và sớm qua đời.
Bị nhắm mục tiêu để kêu gọi quyền tu luyện Pháp Luân Công
Ngày 20 tháng 7 năm 1999, khi chính quyền cộng sản bắt đầu phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công, bà Chu đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Bà bị bắt ngay khi vừa xuống tàu hỏa và bị đưa đến Sân vận động Phong Đài ở Bắc Kinh. Mặc dù nhiệt độ lúc đó khoảng trên 40 độ, nhưng cảnh sát còn thổi thêm khí nóng vào trong sân vận động đông đúc nhằm “nướng” bà Chu và các học viên khác đang bị giam giữ ở trong sân, còn cảnh sát thì bật quạt để làm mát bản thân họ.
Tại thời điểm bà Chu đến, nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị đưa đến sân vận động, bao gồm cả những phụ nữ trẻ đang bồng em bé trên tay. Cảnh sát vừa đi tuần tra đi xung quanh nơi này với súng và dùi cui, vừa chửi mắng các học viên.
Sân vận động nhanh chóng chật kín bởi cảnh sát vẫn tiếp tục đưa các học viên bị bắt đến đó. Cảnh sát đã thu thập danh tính và địa chỉ của các học viên, đồng thời thông báo cho các quan chức từ nhiều tỉnh khác nhau tới để đưa họ đi.
Tại văn phòng tỉnh Cam Túc ở Bắc Kinh, bà Chu đã điền mẫu đơn thỉnh nguyện và các quan chức hứa rằng họ sẽ chuyển nó đến văn phòng kháng cáo. Nhưng ngay khi lên tàu trở về Cam Túc, bà đã bị cảnh sát theo dõi trên suốt hành trình trở về nhà.
Ngay sau khi bà trở về nhà, Phương Song Tồn, Bùi Quế Lâm, Quách Kiến Vĩ của Phòng 610 địa phương (một cơ quan ngoài pháp luật được thành lập đặc biệt để đàn áp Pháp Luân Công) đã đột nhập và tịch thu các sách Pháp Luân Công cũng như băng ghi hình bài giảng và luyện công của bà. Khi biết rằng con gái của bà Chu vừa kết thúc kỳ thi tuyển sinh đại học và vẫn đang chờ kết quả, họ đe dọa việc bà Chu tu luyện Pháp Luân Công sẽ ảnh hưởng đến việc trúng tuyển đại học của con gái bà. Sự khích bác ly gián này của cảnh sát đã khiến con gái của bà Chu khóc lóc và nói rằng cô ghét mẹ mình.
Cảnh sát cũng cố gắng tìm sơ hở của bà Chu bằng cách hỏi chồng bà xem bà có làm gì ở nhà ngoài luyện các bài công pháp Pháp Luân Công hay không. Chồng bà trả lời rằng một mình bà phải cáng đáng tất cả việc nhà. Sau khi bà Chu bị bắt, chồng bà đổ bệnh do suy sụp tinh thần.
Sau đó, cảnh sát bắt cha của bà Chu đến đồn công an và tìm cách khiến ông thuyết phục con gái mình từ bỏ Pháp Luân Công. Khi bà Chu không nhượng bộ, cha bà đã tát bà và dọa sẽ từ bà.
Bát chấp việc cảnh sát đe dọa hay sỉ nhục, bà Chu vẫn kiên định đức tin của mình và cố gắng giảng chân tướng Pháp Luân Công cho họ. Bà đã được thả vào buổi tối hôm đó.
Các nhà chức trách sau đó liên tục đến sách nhiễu bà. Nhiều phóng viên từ các đài truyền hình và đài phát thanh địa phương cũng đến phỏng vấn bà. Không nhận ra đó là một cái bẫy để vu khống Pháp Luân Công, bà đã nhận lời phỏng vấn và nói về việc bà đã được thụ ích ra sao từ việc tu luyện. Nhưng sau đó họ đã không sử dụng lời nói của bà, mà chỉ lấy những cảnh quay (hình ảnh) bà để phát sóng một bản tin bôi nhọ Pháp Luân Công.
Dưới áp lực của cảnh sát và Phòng 610, bà Chu đã bị đơn vị công tác giáng chức và bị chuyển đến làm việc tại xưởng. Các lãnh đạo cơ quan và chồng bà được lệnh theo dõi bà suốt ngày đêm, kể cả khi bà rời đi và trở về nhà, cũng như theo dõi tần suất bà về thăm bố mẹ, để đảm bảo rằng bà sẽ không đến Bắc Kinh nữa, nếu không, sẽ đến lượt họ bị khấu trừ tiền lương.
Nơi làm việc của bà Chu đã sắp xếp để bà nghỉ hưu vào năm 2000. Bà lại đến Bắc Kinh vào ngày 29 tháng 12 năm đó. Trên Quảng trường Thiên An Môn, một nhóm cảnh sát đã bao vây bà, đẩy bà xuống đất, đánh đập và dùng dùi cui điện giật điện bà. Một chiếc răng cửa của bà bị rụng và máu chảy khắp mặt và cơ thể bà đầy rẫy vết bầm tím. Bà bị đưa tới trại tạm giam Môn Đầu Câu, và chín ngày sau bà được thả sau khi tuyệt thực.
Bị bắt giữ lần nữa vì nói với mọi người về Pháp Luân Công
Cảnh sát đã theo dõi bà Chu và bắt bà vào ngày 5 tháng 4 năm 2003 vì bà nói với mọi người về Pháp Luân Công. Cảnh sát lục soát nhà bà và lấy đi tất cả các sách Pháp Luân Công, một máy vi tính, máy in và các đồ dùng văn phòng khác của bà như kim bấm và máy cắt giấy. Cảnh sát Bùi Quế Lâm đã tống tiền chồng bà 3.000 nhân dân tệ mà không đưa biên lai.
Cảnh sát còng tay bà Chu vào một cột trụ lớn trong đồn công an. Lúc đó bà đang trong kỳ kinh nguyệt, nhưng họ không cho phép bà sử dụng nhà vệ sinh.
Họ còng tay bà từ 7 giờ sáng đến 12 giờ đêm trong suốt 5 ngày liên tiếp vào cột và vào các đường ống sưởi vào ban đêm, với hai bàn chân của bà hầu như không chạm đất. Chân bà sưng tấy và đau nhức trong thời gian dài.
Sau đó bà bị đưa tới trại tạm giam quận Tần Châu và ở đó 3,5 tháng. Bà đã được thả vào ngày 24 tháng 7 năm 2003.
Kết án 5 năm tù
Vào một ngày của tháng 4 năm 2008, bà Chu bị bắt thêm một lần nữa khi đang đi dạo cùng chị gái ở bên ngoài căn hộ của bà. Đến tối, 6 cảnh sát lục soát nhà bà và tịch thu chảo vệ tinh (thiết bị dùng để thu sóng các chương trình TV không bị chính quyền Trung Quốc kiểm duyệt) và một chiếc máy in. Chồng bà bị cảnh sát tống tiền 1.000 nhân dân tệ. Cảnh sát đã thẩm vấn bà trong 9 ngày, trước khi giam bà trong trại tạm giam địa phương.
Ngày 10 tháng 9 năm 2008, Viện Kiểm sát quận Tần Châu đã truy tố bà Chu và Tòa án quận Tần Châu đã kết án bà 5 năm tù vào ngày 25 tháng 12. Bà đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp thành phố Thiên Thủy, và cơ quan này đã ra phán quyết giữ nguyên bản án ban đầu của bà vào ngày 19 tháng 2 năm 2009. Bốn ngày sau, bà bị đưa tới Nhà tù Nữ tỉnh Cam Túc.
Bị tra tấn ở trong tù
Nhằm ép buộc các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin, Nhà tù Nữ tỉnh Cam Túc đã thành lập một khu đặc biệt với tên gọi “Phản tà giáo” vào năm 2006. Trong đó, họ chọn những tử tù hoặc những tù nhân chung thân để tra tấn các học viên, lấy việc giảm án làm động cơ thúc đẩy. Mặc dù các tù nhân thường xuyên ẩu đả với nhau, họ luôn phối hợp tốt với nhau trong việc bức hại các học viên, bao gồm cả việc chửi rủa nhục mạ và dùng cực hình đối với họ.
Mỗi học viên bị đưa đến khu này trước hết đều bị đánh đập tàn bạo đến mức họ không thể đi lại được. Sau đó, các tù nhân không cho họ ngủ trong vài ngày liên tiếp, bằng cách buộc họ đứng hoặc ngồi mà không được cử động.
Một tù nhân được chỉ định theo dõi bà Chu là Lý Yến (khoảng 30 tuổi). Cô ta cùng các tù nhân khác, trong đó có Mạnh Hải Hồng và Duyên Phượng, thường xuyên đánh đập bà Chu. Mạnh thường xuyên đá vào phần dưới của bà Chu, khiến bà Chu vô cùng đau đớn. Khi gia đình của bà Chu đến thăm bà và mang theo các nhu yếu phẩm cho bà, các tù nhân đã lấy đi những thứ có giá trị.
Ngoài việc thường xuyên bị đánh đập và chửi rủa, các tù nhân còn yêu cầu bà Chu giặt quần áo bằng tay, đặc biệt là vào mùa đông. Họ thường nói với bà: “Chúng tôi có chính phủ chống lưng. Bà muốn kiện chúng tôi thì cứ việc. Bà nên biết ơn vì chúng tôi chưa tra tấn chết bà.“
Một ngày điển hình của bà Chu trong nhà tù bao gồm việc xem các video vu khống Pháp Luân Công vào buổi sáng và sau đó viết “báo cáo tư tưởng” bắt buộc vào buổi chiều.
Có lần, khi Lý Yến đang đưa bà Chu trở lại phòng giam, cô ta đã đánh và đá bà trên toàn bộ quãng đường. Ngay khi bước vào phòng giam, các tù nhân đã vây quanh bà Chu, họ đánh đập và bức thực bà bằng những loại thuốc không rõ nguồn gốc. Việc này lặp lại trong vài ngày.
Tù nhân thay phiên nhau ngủ vào ban đêm, nhưng bà Chu buộc phải đứng xuyên đêm và không được phép nhắm mắt, nếu không bà sẽ bị đánh.
Lý cũng ra lệnh cho bà đọc thuộc lòng nội quy nhà tù trước mỗi bữa ăn, nếu bà đọc sai dù chỉ 1 lỗi, Lý sẽ tát vào mặt bà, để lại những vết tay đỏ hằn rõ trên mặt.
Khuôn mặt của bà Chu thường xuyên bị bầm tím vì bị đánh đập, nhưng lính canh luôn làm ngơ trước những vết thương của bà.
Bài liên quan:
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/3/8/439816.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/3/27/199689.html
Đăng ngày 25-05-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.