Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 19-12-2021] Bà Chu Nguyệt Trân, 68 tuổi, bị bắt tại nhà riêng của con gái bà ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc vào ngày 18 tháng 11 năm 2021. Cảnh sát cho biết lý do của vụ bắt giữ này là vì họ đang xúc tiến giải quyết vụ bắt giữ bà trước đó hồi tháng 5 năm 2020.

Bà Chu quê gốc ở thành phố Thiên Thủy (cùng tỉnh), đã tới ở nhà con gái tại Lan Châu trong vài năm qua để giúp chăm sóc cháu trai của bà. Vào tối ngày 11 tháng 5 năm 2020, bà đã bị báo cáo vì đã phân phát mã QR liên kết đến các trang web không bị kiểm duyệt. Cảnh sát đã bắt giữ bà và tìm thấy hàng chục tờ giấy có in mã QR trong người bà, các mã QR này do các học viên Pháp Luân Công làm ra.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại và cung cấp thông tin tự do cho những người Trung Quốc đang sống dưới sự kiểm duyệt nghiêm ngặt của chính quyền cộng sản, các học viên Pháp Luân Công, bao gồm cả bà Chu, thường phân phát các công cụ miễn phí do các học viên ở nước ngoài làm riêng cho những người ở trong đất nước Trung Quốc để vượt tường lửa.

Khi gia đình bà Chu được yêu cầu đến đón bà lúc 4 giờ sáng, cảnh sát cho biết họ sẽ xin chỉ đạo của cấp trên về cách xử lý vụ việc của bà Chu. Họ yêu cầu bà luôn ở trong trại thái sẵn sàng để họ có thể triệu tập bà bất cứ lúc nào trong vài ngày tới. Để tránh bị bức hại, bà Chu quyết định rời xa nhà. Cảnh sát liên tục gọi điện cho gia đình hỏi xem bà đã về nhà hay chưa.

Khoảng tháng 9 năm 2021, ngay sau khi bà Chu về nhà, các ca nhiễm virus corona mới đã bùng phát trong khu vực của bà. Khu phố của bà đang bị phong tỏa và tất cả cư dân địa phương phải làm xét nghiệm virus corona bắt buộc chín lần.

Ngay sau khi tình hình dịch bệnh lắng xuống, cảnh sát đã bắt bà Chu tại nhà vào ngày 18 tháng 11. Việc bắt giữ bà đã được phê chuẩn và ngày 2 tháng 12. Cảnh sát dọa rằng bà có thể bị kết án vào cuối năm nay.

Bà Chu hiện bị giam giữ tại Trại tạm giam Số 1 Thành phố Lan Châu. Các lính canh không cho phép bà đeo răng giả, khiến bà gặp nhiều khó khăn trong khi ăn. Chồng bà bị mất thị lực một bên mắt và phải vật lộn để chăm sóc cho bản thân, gia đình bà rơi vào cảnh khốn cùng.

Bức hại trước đó

Bà Chu, một nhân viên nhà máy đã nghỉ hưu, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào đầu năm 1997. Trong vòng một tháng, bệnh vẩy nến và bệnh lao của bà đã được chữa khỏi.

Ngày 20 tháng 7 năm 1999, khi chính quyền cộng sản bắt đầu phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công, bà Chu đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Bà bị bắt ngay khi vừa xuống tàu hỏa và bị đưa đến Sân vận động Phong Đài ở Bắc Kinh. Mặc dù nhiệt độ lúc đó khoảng trên 40 độ, cảnh sát còn cho thổi thêm khí nóng vào trong sân vận động đông đúc, nơi bà và các học viên khác đang bị giam giữ.

Bà Chu nhanh chóng bị đưa trở lại Thiên Thủy và bị các cảnh sát Phương Song Tồn, Bùi Quế Lâm và Quách Kiến Vĩ lục soát nhà vào ngày 26 tháng 7. Sách, băng ghi âm và ghi hình Pháp Luân Công của bà đã bị tịch thu. Cảnh sát đã lăng mạ và đe dọa bà cùng gia đình sau cuộc đổ bộ.

Bị cảnh sát gây áp lực, đơn vị công tác của bà Chu đã giáng chức và phân công bà làm việc tại xưởng. Họ cũng ra lệnh cho người quản lý và chồng bà theo dõi cuộc sống hàng ngày của bà. Họ ghi lại thời gian khi bà đến nơi làm việc và ra về, cũng như thời gian bà về thăm cha mẹ mình hàng tuần. Các nhân viên chính quyền đe dọa sẽ đình chỉ tiền lương của các quản lý của bà nếu bà đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công một lần nữa.

Năm 2000, nơi làm việc của bà Chu đã sắp xếp cho bà nghỉ hưu. Bà lại đến Bắc Kinh vào cuối tháng 12 năm đó. Trên Quảng trường Thiên An Môn, một nhóm cảnh sát vây lấy bà, đẩy bà ngã xuống đất, đánh đập và sốc điện bà bằng dùi cui. Một chiếc răng cửa của bà đã bị gãy, máu chảy ra khắp mặt và toàn thân bà bầm tím. Bà bị đưa đến trại tạm giam Môn Đầu Câu, bà đã tuyệt thực và được thả sau chín ngày bị giam giữ.

Ngày 5 tháng 4 năm 2003, bà Chu lại bị bắt vì nói với người dân về Pháp Luân Công. Cảnh sát đã lục soát nhà và lấy đi tất cả các sách Pháp Luân Công, máy tính, máy in và các tài sản cá nhân khác của bà. Cảnh sát Bùi Quế Lâm đã tống tiền chồng bà 3.000 Nhân dân tệ mà không ghi biên lai.

Cảnh sát Bùi, Trương Bảo Dũng, Đổng Toàn Tử và Dương Vĩnh Chu đã còng tay bà vào một chiếc cột lớn. Bà đang đến kỳ kinh nguyệt, nhưng họ không cho phép bà sử dụng nhà vệ sinh. Trong năm ngày, họ còng tay bà từ 7 giờ sáng đến 12 giờ đêm vào cột và sau đó là vào các ông sưởi vào ban đêm với chân gần như không chạm đất. Bàn chân của bà bị sưng tấy và đau đớn trong một thời gian dài. Sau đó, bà bị đưa đến trại tạm giam Tần Châu và bị giam ở đó trong 3,5 tháng.

Ngày 5 tháng 4 năm 2008, bà Chu lại bị bắt bởi các cảnh sát Trương Văn, Dương Nguyên Thương và Dương Vĩnh Chu. Họ tịch thu sách Pháp Luân Công, đĩa vệ tinh, một máy in, hai máy mp3 và 2.500 Nhân dân tệ tiền mặt của bà. Cảnh sát Bùi còn tống tiền gia đình bà 2.000 Nhân dân tệ.

Sau đó, bà Chu đã bị kết án 5 năm vào ngày 23 tháng 2 năm 2009, và bị đưa đến Nhà tù Nữ Tỉnh Cam Túc. Nhà tù chọn các tử tù hoặc những người chịu án chung thân để tra tấn các học viên, lấy việc giảm án làm mồi nhử để dụ dỗ những tù nhân đó. Trong khi các tù nhân thường xuyên tranh đấu với nhau, thì họ lại luôn phối hợp tốt với nhau trong việc bức hại các học viên, bao gồm cả việc chửi bới và sử dụng cực hình đối với họ.

Tù nhân được giao nhiệm vụ giám sát bà Chu là Lý Yến, khoảng 30 tuổi. Cô ta cùng các tù nhân khác là Mạnh Hải Hồng và Diên Phượng thường xuyên đánh đập bà Chu. Mạnh đá vào phần thân dưới của bà Chu nhiều lần, khiến bà rất đau đớn. Khi gia đình đến thăm bà và mang theo các đồ dùng thiết yếu hàng ngày cho bà, các tù nhân đã cướp đi những món đồ có giá trị.

Ngoài việc đánh đập và chửi bới không ngừng, các tù nhân còn yêu cầu bà Chu phải giặt quần áo bằng tay, đặc biệt là vào mùa đông. Họ thường nói với bà: “Chúng tôi có chính quyền đỡ lưng, bà muốn kiện cáo chúng tôi thì cứ việc đi kiện cáo. Bà nên cảm thấy biết ơn khi chúng tôi đã không tra tấn bà đến chết.“

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/12/19/435031.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/12/26/197160.html

Đăng ngày 29-01-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share