Bài viết của một phóng viên Minh Huệ tại New Zealand
[MINH HUỆ 28-04-2022] Nhân dịp kỷ niệm 23 năm Cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25 tháng 4 ở Trung Quốc, sáng thứ Hai, ngày 25 tháng 4 năm 2022, các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã tổ chức trình diễn luyện công ở phía trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại Auckland, New Zealand. Nhiều lái xe đi ngang qua đã bấm còi để khích lệ các học viên. Người qua đường cũng thể hiện sự ủng hộ đối với nỗ lực ôn hòa nhằm kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại của họ.
Các học viên luyện công ở phía trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại Auckland vào ngày 25 tháng 4 năm 2022.
Hàng ngàn học viên đã bị sát hại trong cuộc bức hại này. Trong số 10.000 học viên đã tham gia cuộc thỉnh nguyện 23 năm trước, một số người đã quyết định rời Trung Quốc. Cứ đến ngày 25 tháng 4 hàng năm, họ lại hồi tưởng lại ngày định mệnh này.
Nguyên giáo sư Đại học Thanh Hoa: Bản chất ôn hòa của cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4 đã được toàn thế giới công nhận
Bà Vương Cửu Xuân đang là giáo sư tại Đại học Thanh Hoa khi tham gia cuộc thỉnh nguyện 23 năm trước, bà nói: “Vào 4 giờ sáng ngày hôm đó, trời hơi lạnh. Tôi bước ra khỏi cổng của Đại học Thanh Hoa và cùng ba học viên khác bắt một chiếc taxi đi tới Văn phòng Kháng cáo Quốc gia. Khi taxi tới phố Đông và Tây Trường An, hai bên đường đứng đầy các học viên Pháp Luân Công. Họ luyện công và xếp hàng rất chỉnh tề. Thậm chí không ai nói chuyện với ai khiến bầu không khí rất yên lặng. Một số học viên mang theo túi và thu lượm rác trong khi những học viên khác dọn nhà vệ sinh. Các học viên chủ động phối hợp nên khu vực này rất sạch sẽ và có trật tự. Đến khi mọi người ra về thì ngay cả đầu mẩu thuốc lá mà cảnh sát vứt xuống đường cũng được dọn sạch. Khi chúng tôi rời đi, trên mặt đất thậm chí không có lấy một mảnh giấy. Cuộc thỉnh nguyện của hơn 10.000 người rất trang nghiêm và bình hòa. Khi chúng tôi lên xe buýt về nhà, người lái xe buýt đã mỉm cười, giơ ngón tay cái lên tán thưởng chúng tôi và nói: ‘Các bạn thật tuyệt. Trung Quốc có hy vọng rồi!’”
“Cuộc thỉnh nguyện ôn hòa này đã gây chấn động cả ở Trung Quốc và nước ngoài. Tính chính nghĩa và ôn hòa của sự kiện đã khiến mọi người trên thế giới phải chú ý”. Bà Vương Cửu Xuân thở dài và nói: “Vậy mà, cuộc thỉnh nguyện ôn hòa như thế lại bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vu cho là “vây hãm” Trung Nam Hải. Chúng tôi đã làm theo chỉ dẫn của cảnh sát và đứng ở nơi mà họ bảo chúng tôi đứng, nhưng các học viên Pháp Luân Đại Pháp không thể biết được rằng đó là cái bẫy mà họ đã chuẩn bị sẵn. Họ đã gài bẫy để khiến cuộc thỉnh nguyện này trông giống như một cuộc bao vây Trung Nam Hải.
Giang Trạch Dân, tổng bí thư của ĐCSTQ khi đó, đã chụp mũ Pháp Luân Đại Pháp. Ông ta đã huy động toàn bộ bộ máy chính quyền quan liêu và một phần tư ngân sách quốc gia để phát động cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp. Cuộc bức hại này lại thành ra là cuộc bức hại tàn khốc nhất từ thời cổ đại. Ông ta thậm chí còn ra lệnh thu hoạch nội tạng của các học viên trong khi họ vẫn còn sống để bán cho những bệnh nhân ghép tạng. Cuộc bức hại diệt chủng này đã gây ra thảm họa cho người dân Trung Quốc và nó cũng trực tiếp dẫn đến sự trượt dốc về đạo đức và hệ thống pháp luật của đất nước”.
Các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã thể hiện tâm thái Đại Thiện Đại Nhẫn
Bà Thân Quyên đã tham gia cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4
Bà Thân Quyên khi đó đang làm việc ở Bắc Kinh. Cho tới năm 1999, bà đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được 5 năm và được thụ ích về cả thể chất lẫn tinh thần. Bà muốn giảng thanh chân tướng cho Văn phòng Kháng cáo. Sau khi thảo luận với nhóm học Pháp của mình, họ đã quyết định ngày hôm sau sẽ tới Trung Nam Hải để thỉnh nguyện. Bà cho biết: “Trước 7 giờ sáng, sáu người chúng tôi đã tới phố Phủ Hữu, cổng phía Tây của Trung Nam Hải, vốn là Văn phòng của Hội đồng Quốc gia. Sau đó, ngày càng có nhiều người tới để thỉnh nguyện, những người đang ngồi đứng dậy và toàn bộ lối đi đều có các học viên đứng chờ nộp đơn. Một số người đang đọc Chuyển Pháp Luân trong khi những người khác chỉ đứng yên. Ở đó có rất nhiều người nhưng lại rất im lặng và trật tự.
Những sự việc diễn ra vào chiều hôm đó vẫn còn hiện rõ trong tâm trí bà Thân. Bà kể: “Để duy trì hàng ngũ chỉnh tề, những học viên trẻ đứng ở hàng đầu, những học viên ở bên ngoài Bắc Kinh và những học viên lớn tuổi lần lượt ngồi ở hàng sau. Ngày hôm đó, xe ghi hình liên tục chạy tới chạy lui để quay phim. Vào khoảng 3 giờ chiều, một số tờ rơi màu đỏ được truyền qua lại. Nội dung của những tờ rơi đó nói rằng các học viên đang tụ họp ở Trung Nam Hải, hãy nhanh chóng rời đi, nếu không sẽ phải gánh chịu hậu quả. Lúc đó, không một ai dao động, mọi người vẫn tiếp tục đứng hoặc ngồi lặng lẽ. Một lúc sau, một xe chống bạo động tới, nhóm cảnh sát vũ trang mặc đồ chống bạo động nhảy ra khỏi xe và xếp thành một hàng, mỗi người cách nhau 2m đối diện với các học viên. Không khí ngay lập tức trở lên căng thẳng. Một lúc sau, toán cảnh sát này dường như đã nhận được lệnh và đột ngột rời đi. Sau đó, mọi thứ bình yên trở lại. Tôi cảm thấy sự điềm tĩnh và bình hòa của các học viên đã đồng hóa với năng lượng của vũ trụ.
“Tối hôm đó, để duy trì trật tự và đề phòng kẻ xấu gây rối, các học viên trẻ đã nắm tay nhau tạo thành một bức tường người. Ngay sau đó, con gái của một học viên Bắc Kinh tìm thấy cha mẹ của mình và bắt đầu khóc. Cô ấy nói: ‘Xin hãy nhanh chóng rời đi. Con nghe nói tối nay họ sẽ dọn sạch hiện trường’. ‘Dọn sạch hiện trường’, tất cả những học viên Bắc Kinh đã sống qua phong trào sinh viên năm 1989 đều hiểu điều ấy có nghĩa là gì. Tuy nhiên, học viên này đã an ủi con gái mình và nói: ‘Sẽ không có gì xảy ra đâu. Con về nhà trước đi. Khi có giải pháp cho vấn đề này, mọi người sẽ về nhà ngay’”.
Bà Thân tiếp tục: “Khoảng 9 giờ tối hôm đó, có tin tốt từ tuyến đầu rằng vấn đề đã được giải quyết và mọi người cần phải ra về ngay lập tức. Sau đó, mọi người lấy đồ của mình và rời đi. 23 năm đã trôi qua nhưng những gì đã diễn ra vào ngày hôm ấy vẫn hiện rõ trong tâm trí tôi. Trong toàn bộ sự kiện, các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã rất lý trí và bình hòa bởi họ hành xử theo Chân-Thiện-Nhẫn. Không có lấy một mảnh rác bị bỏ lại. Các học viên thậm chí còn nhặt cả đầu mẩu thuốc lá mà cảnh sát vứt xuống đường. Điều này đã thể hiện một cách đầy đủ rằng các học viên Pháp Luân Đại Pháp luôn nghĩ cho người khác và thể hiện phong thái đại thiện đại nhẫn. Tuy nhiên, hành vi ôn hòa của những người tốt này lại bị ĐCSTQ vu cho là ‘vây hãm’ Trung Nam Hải.”
Người dân địa phương đã khen ngợi chúng tôi
Bà Tào Dung Phân đã chia sẻ về những trải nghiệm của bản thân: “Ngay từ ngày 24 tháng 4, điểm luyện công của tôi đã nghe tin này khi chúng tôi luyện công buổi sáng. Ngày hôm sau, chúng tôi đã đi thỉnh nguyện để yêu cầu thả những học viên Pháp Luân Đại Pháp bị cảnh sát Thiên Tân bắt giữ, cho phép xuất bản sách Pháp Luân Đại Pháp và cho phép các học viên có một môi trường tu luyện hợp pháp. Khi chúng tôi tới Văn phòng Kháng cáo Quốc gia, nhiều người đã có mặt ở đó. Các học viên đứng chật cứng các con hẻm dọc theo phố Phủ Hữu. Mọi người chỉ yên lặng chờ đợi. Khung cảnh lúc đó rất tĩnh lặng, hòa ái và bình yên. Không có náo động hay hô khẩu hiệu ầm ĩ nào cả”.
Bà nói: “Tôi đi bộ về phía phố Trường An. Dọc theo đường đi, các học viên hoặc ngồi thiền, luyện công hay học Pháp. Khung cảnh này kéo dài tới cuối phố Trường An nhưng không hề gây ách tắc giao thông. Khi tôi đi bộ ngược về phía cổng Tây của Trung Nam Hải thì thấy Thủ tướng Chu Dung Cơ đang tiếp đại diện của các học viên cùng lãnh đạo văn phòng kháng cáo. Chúng tôi chờ kết quả của cuộc họp này. Trong khi chờ đợi, nhiều cư dân ở phố Phủ Hữu đã chứng kiến những hành động văn minh và ôn hòa của chúng tôi. Họ cảm động sâu sắc và còn khen ngợi chúng tôi”.
“Vào khoảng 9 giờ tối, có tin rằng vấn đề đã được giải quyết và các học viên bị bắt ở Thiên Tân đã được thả. Ngay khi nghe tin, chúng tôi liền lập tức về nhà. Trước khi các học viên rời đi, họ đã nhặt hết đầu mẩu thuốc lá của các cảnh sát viên bỏ lại. Mặt đường thậm chí còn sạch hơn cả khi chúng tôi đến.
Tuy nhiên, cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của chúng tôi đã trở thành cái cớ để Giang Trạch Dân bức hại Pháp Luân Đai Pháp, [ông ta] thậm chí nói rằng tổ chức kỷ luật của Pháp Luân Đại Pháp còn tốt hơn cả quân đội. Ông ta không biết rằng những người chân chính tu luyện tâm tính của mình và cố gắng làm người tốt, sẽ tự nhiên làm tốt mọi việc”.
Cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25 tháng 4 là một sự kiện vĩ đại
Bà Bùi Ngọc Khiết nói sẽ không bao giờ quên ngày bà tham gia cuộc thỉnh nguyện ôn hòa, ngày 25 tháng 4 năm 1999.
Bà Bùi Ngọc Khiết là một trong số những học viên đã tham gia cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25 tháng Tư, 23 năm trước. Bà nói: “Sau khi tới Bắc Kinh, chúng tôi, những học viên đến từ bên ngoài Bắc Kinh, đã tới phố Phủ Hữu theo sự chỉ dẫn của cảnh sát. Các học viên đứng thành hàng dài trên tuyến phố này, khung cảnh thật hoành tráng và uy nghiêm. Không có bất kỳ hành động quá khích nào bởi mọi người chỉ muốn bày tỏ ý kiến của mình theo cách bình hòa nhất. Pháp Luân Đại Pháp là một phần cuộc sống của chúng tôi, nhưng Đại Pháp tốt như vậy mà chúng tôi lại không được phép tu luyện. Chúng tôi cảm thấy mình phải giảng chân tướng cho chính phủ rằng Pháp Luân Đại Pháp mang lại lợi ích cho cả Trung Quốc và thế giới”.
Mặc dù hơn hai thập kỷ đã qua nhưng bà Bùi vẫn cảm thấy xúc động mỗi khi nhớ lại sự kiện hôm đó: “Cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25 tháng 4 là một sự kiện vĩ đại. Hàng ngàn người thỉnh nguyện ôn hòa và không xảy ra bạo lực. Điều này đã tạo ra một tiền lệ cho những cuộc kháng nghị ôn hòa sau này ở Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi không ngờ ĐCSTQ lại quá tà ác đến thế và đàn áp một nhóm người tốt và bình hòa như vậy”.
Cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã để lại một tượng đài đạo đức trường tồn trong lịch sử nhân loại. Hàng ngàn học viên Pháp Luân Đại Pháp đã đặt cuộc sống của họ sang một bên để chứng thực và chứng kiến sự kiện 23 năm về trước.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/4/28/441840.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/4/30/200123.html
Đăng ngày 07-05-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.