Bài viết của Lý Tĩnh Phi, phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 26-04-2022] Ngày 23 tháng 4 năm 2022, các học viên Pháp Luân Công đã tổ chức một buổi mít-tinh ôn hòa trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington D.C. để kỷ niệm sự kiện “thỉnh nguyện ôn hòa Ngày 25 tháng 4” diễn ra ở Bắc Kinh, Trung Quốc 23 năm trước. Các Nghị sỹ đã ra các tuyên bố khen ngợi sự can đảm của các học viên trong việc chống lại sự tàn bạo ở Trung Quốc.
Buổi mít-tinh của các học viên Pháp Luân Công trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington D.C. ngày 23 tháng 4 năm 2022
Luyện công tập thể
Ông Hạ Bân, chuyên gia về Trung Quốc, đã điểm lại sự kiện thỉnh nguyện ôn hòa tại Bắc Kinh 23 năm trước. Sau khi vài chục học viên bị bắt giữ ở thành phố Thiên Tân ngày 23 tháng 4 năm 1999, các học viên nhận được thông tin rằng lệnh bắt giữ đến từ Bắc Kinh. Do đó, hai ngày sau, khoảng 10.000 học viên đã đến Văn phòng Kháng cáo Trung ương ở Bắc Kinh thỉnh nguyện ôn hòa để tìm lại công lý cho các học viên Thiên Tân bị giam giữ.
Ông Hạ nói thêm: “Các học viên chỉ là những công dân bình thường và họ chỉ muốn có các quyền cơ bản khi thực hành đức tin của mình vào Chân-Thiện-Nhẫn.” Thế nhưng, ba tháng sau sự kiện thỉnh nguyện ôn hòa Ngày 25 tháng 4, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động một chiến dịch trên phạm vi toàn quốc chống lại Pháp Luân Công và cuộc bức hại vẫn không suy giảm cho đến ngày nay.
Tuyên bố của các Nghị sỹ
Ông Scott Perry, Dân biểu bang Pennsylvania viết: “Dũng khí của các học viên Pháp Luân Công năm đó tiếp tục truyền động lực và tiếp thêm can đảm cho hàng triệu người khắp thế giới tin tưởng và khao khát chấm dứt sự đàn áp của ĐCSTQ”.
Dân biểu Scott Perry
Ông tiếp tục: “Kể từ khi bắt đầu nắm chính quyền cách đây 100 năm, ĐCSTQ đã ra sức quảng bá chủ nghĩa Mác và đã góp phần gây ra cái chết của hàng chục triệu người vô tội.”
“Phản ứng tàn bạo của ĐCSTQ đối với sự kiện thỉnh nguyện ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công ngày 25 tháng 4 năm 1999 cho thấy rõ sự thật cay đắng rằng các quyền tự do dân chủ bị chính quyền cộng sản Trung Quốc khi đó xem là một mối đe dọa, và đến nay vẫn bị coi là mối đe dọa khi chính quyền này vẫn đang làm mọi thứ có thể để đàn áp các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc mỗi ngày”, ông Chris Smith, Dân biểu bang New Jersey, bình luận.
Ông phát biểu thêm: “Ngay cả việc ngồi thiền hoàn toàn vô tội như thế cũng bị coi là một hành vi mạo phạm đối với chính quyền toàn trị Trung quốc đương thời.”
Dân biểu Chris Smith
Ông Smith tiếp tục: “Cho tới hôm nay, các học viên Pháp Luân Công vẫn tiếp tục bị bắt giữ, cầm tù và phải chịu những cực hình tra tấn đến chết một cách dã man nhất – bao gồm cả việc mổ lấy nội tạng sống của họ để bán trên thị trường y tế – chỉ vì họ tin vào các quyền cơ bản của con người và những quyền tự do cơ bản như tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận và tự do hội họp.”
“Chúng tôi khâm phục sự can đảm và kiên định của họ khi phải chịu sự áp bức đến vậy”.
Cuộc bức hại vẫn tiếp diễn
Giáo sư Sen Nieh, người phát ngôn của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Washington D.C.
Giáo sư Sen Nieh, người phát ngôn của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Washington D.C. cho biết cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của các học viên Pháp Luân Đại Pháp tháng 4 năm 1999 vô cùng đặc biệt. “Không hề có khẩu hiệu hay biểu ngữ, các học viên Pháp Luân Công chỉ đơn giản là thỉnh nguyện cho quyền tự do thực hành đức tin vào Chân-Thiện-Nhẫn của họ. Nhưng đối với một chính quyền toàn trị như ĐCSTQ, điều này lại là không thể.”
Trên thực tế, Giang Trạch Dân, lãnh đạo ĐCSTQ thời bấy giờ, đã thành lập một tổ chức giống như Đức Quốc xã vào ngày 10 tháng 6 năm 1999 với tên gọi Phòng 610 để thực thi chính sách bức hại của mình.
Là một giáo sư về kỹ thuật cơ khí tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ, Giáo sư Nieh đã cố vấn cho hàng chục sinh viên làm thạc sỹ và tiến sỹ đến từ Trung Quốc. Trước khi cuộc đàn áp bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, ông đã nhiều lần được mời tham dự các hoạt động tại Đại sứ quán Trung Quốc và chia sẻ với mọi người về văn hóa truyền thống của Trung Quốc.
Nhưng tất cả những điều này đã thay đổi khi ĐCSTQ bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công. Để giúp vạch trần sự tàn bạo ở Trung Quốc và làm sáng tỏ chân tướng về Pháp Luân Công, giáo sư Nieh đã nhiều lần tham gia kháng nghị bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc.
Dần dần theo thời gian, nhiều người đã hiểu Pháp Luân Công là gì và họ thoái xuất khỏi ĐCSTQ để cắt đứt sự liên hệ với ĐCSTQ. Pháp Luân Công hiện đang được thực hành ở hơn 100 quốc gia và nhiều nước đã lên án cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công ở Trung Quốc, đặc biệt là nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên còn sống.
Sống theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn
Cựu chủ doanh nghiệp Vương Xuân Ngạn
Bà Vương Xuân Ngạn từng là chủ một doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực vận chuyển quốc tế. Tuy nhiên, vì tu luyện Pháp Luân Công, bà và hai chị gái đã bị cưỡng bức lao động và nhiều lần bị kết án tù. Thời hạn giam giữ tổng cộng của ba chị em gái bà Vương ở Trại Lao động Mã Tam gia và Nhà tù Nữ Liêu Ninh lên tới 16,5 năm.
Ông Trương Tuệ Đông, cựu giám đốc kinh doanh
Ông Trương Tuệ Đông là một nhà điều hành doanh nghiệp có uy tín ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Tuy nhiên, vì tu luyện Pháp Luân Công, ông đã nhiều lần bị giam giữ và bị tra tấn đến tàn tật. Cũng vì cuộc bức hại mà gia đình ông bị chia ly và ông đã phải trốn chạy sang Hoa Kỳ.
Khi ông bắt đầu bước vào tu luyện Pháp Luân Công lần đầu tiên vào tháng 5 năm 1998, ông Trương mới vừa tốt nghiệp đại học. Ông kể: “Tôi tu luyện để trở thành người tốt qua việc hành xử theo Chân-Thiện-Nhẫn. Từ một nhà quản lý cấp thấp tôi đã trở thành một giám đốc điều hành doanh nghiệp, và đã học được cách nghĩ cho người khác.”
Ông cho biết thêm, đó là lý do tại sao cuộc bức hại đã biến mỗi người dân Trung Quốc đều trở thành nạn nhân. Với việc lạm dụng hệ thống luật pháp và tư pháp để đàn áp Pháp Luân Công và đẩy những công dân bình thường rời xa nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, ĐCSTQ đã phá hoại toàn bộ xã hội.
Ông Hạ Bân cho biết khi mọi người đang tận hưởng cuộc sống yên ổn của mình, họ có thể cho rằng việc đàn áp của ĐCSTQ không liên quan gì đến họ. Nhưng đại dịch đến nay đã cho thấy nếu không kiểm soát những thông tin sai lệch và dối trá của ĐCSTQ, thì nó sẽ gây hại cho người dân trong và ngoài Trung Quốc. Do đó, khi các học viên phát tài liệu thông tin, họ không chỉ đang kháng nghị cho các quyền của chính họ mà chính là đang giúp cho cả cộng đồng.
Giáo sư Nieh cho biết càng ngày càng có nhiều người biết được lịch sử của ĐCSTQ, ví như việc giết hại 80 triệu người dân vô tội. Cho đến nay, hơn 394 triệu người Trung Quốc đã tuyên bố từ bỏ tư cách thành viên và thoái xuất khỏi các tổ chức của ĐCSTQ, gồm cả Đoàn Thanh niên và Đội Thiếu niên.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/4/26/441744.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/4/27/200077.html
Đăng ngày 05-05-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.