Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc

[MINH HUỆ 30-01-2022] Từ ngày 10 đến 18 tháng 1 năm 2022, Tòa án Thành phố Hội Lý (tỉnh Tứ Xuyên) đã mở các phiên tòa xét xử vụ kiện của bốn cư dân địa phương chống lại cục an sinh xã hội địa phương trong việc đình chỉ lương hưu của họ vì tu luyện Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là pháp môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Bốn cư dân bị đình chỉ tiền lương là: Bà Trịnh Quỳnh bị khấu trừ 204.800 Nhân dân tệ; bà Mã Lăng Tiên 188.600 Nhân dân tệ; ông Hứa Thế Khai, 140.900 nhân dân tệ; và bà La Kế Bình, 135.100 Nhân dân tệ. Trong số họ, bà Mã bị đình chỉ lương hưu lâu nhất, bà bắt đầu bị treo lương hưu kể từ năm 2008.

Các bên tham dự phiên tòa

Phiên xét xử vụ kiện hành chính của bà La diễn ra vào ngày 10 tháng 1 năm 2022, có sự tham gia của Trương Bang Huy (Phó giám đốc Cục An sinh Xã hội Thành phố Hội Lý) và luật sư Nguyễn Ngọc Hồng đại diện cơ quan này. Trương Kiến Dung và một phụ nữ khác đại diện cho Bệnh viện Nhân dân Thành phố Hội Lý (nơi bà La nghỉ hưu). Chủ tọa phiên tòa là Cam Hiểu Lam, hai thẩm phán viên là Bành Kế Hạ và Hoàng Chính Giang. Đây là phiên xét xử thứ hai của Tòa án Thành phố Hội Lý về vụ kiện hành chính của bà La, phiên tòa trước đó đã được mở vào ngày 29 tháng 11 năm 2021.

Phiên tòa xét xử vụ kiện của bà Trịnh diễn ra vào ngày 17 tháng 1 năm 2022, có sự tham gia của Trương và Nguyễn, và một người đàn ông đại diện cho Trường THCS Số 1 Thành phố Hội Lý (nơi trước kia bà Trịnh làm việc). Chủ tọa phiên tòa là Trương Vũ, các thẩm phán viên là Bành và Hoàng, thư ký tòa án là Phạm Hiểu Phi.

Phiên tòa xét xử vụ kiện của bà Mã và ông Hứa cùng được mở vào ngày 18 tháng 1, vì cả hai người đều làm việc cho Trường THCS Sa Bá. Trương và Nguyễn tiếp tục tham dự với tư cách là đại diện của Cục An sinh Xã hội, ngoài ra còn có Diệp An Quân (hiệu trưởng trường học) và Lý Triều Nguyên (cán bộ trường học). Các thẩm phán phụ trách vụ kiện cũng giống như trong vụ án của bà Trịnh.

Tiêu điểm của phần biện luận

Các luật sư đại diện cho bốn học viên tập trung biện luận xoay quanh ba văn bản mà Cục An sinh Xã hội dùng làm căn cứ để đình chỉ lương hưu của các học viên.

Ba tài liệu đó bao gồm:

1) “Thông báo về các vấn đề liên quan đến việc xử lý tiền lương và đãi ngộ của nhân viên công tác trong các đơn vị sự nghiệp và người lao động trong các cơ quan bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế và xử phạt hành chính“ do Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc ban hành năm 2012; và

2) “Các biện pháp thực thi về cải cách chế độ bảo hiểm dưỡng lão của nhân viên công tác trong các cơ quan và đơn vị sự nghiệp của tỉnh Tứ Xuyên”, do Cục Nguồn nhân lực và An sinh Xã hội Tứ Xuyên ban hành năm 2015; và

3) “Công văn trả lời về vấn đề sinh kế của nhân viên đã nghỉ hưu của các đơn vị sự nghiệp sau khi mãn hạn tù”, do Cục Nguồn nhân lực và An sinh xã hội Tứ Xuyên ban hành năm 2003.

Các luật sư cho rằng không một văn bản nào trong số ba văn bản nêu trên có ràng buộc về mặt pháp lý trong tố tụng hành chính và không thể được sử dụng để tham khảo pháp lý trong việc giữ lại lương hưu của các thân chủ của họ.

Luật Lao động Trung Quốc quy định rằng người lao động có quyền được nhận lương hưu hàng tháng và suốt đời miễn là họ còn sống. Không có luật nào cho phép bất kỳ pháp nhân nào tự ý tước đoạt hoặc hạn chế đãi ngộ bảo hiểm xã hội của người lao động.

Các luật sư cho rằng Cục An sinh Xã hội đã vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên cáo.

Họ chỉ ra rằng, căn cứ vào Điều 44 và Điều 45 của Hiến pháp Trung Quốc, Điều 73 của Luật Lao động Trung Quốc và Điều 16 của Luật Bảo hiểm Xã hội, thì điều kiện và tiêu chuẩn để người lao động được hưởng đãi ngộ bảo hiểm xã hội chỉ có thể là do pháp luật và hiến pháp quy quy định. Các quy định hành chính hoặc văn kiện có tính quy phạm khác không có quyền hạn chế hoặc tước đoạt đãi ngộ bảo hiểm xã hội của người lao động. Nguyên cáo nên được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội của họ và “phải được chi trả đầy đủ hàng tháng”, không có bất kỳ ngoại trừ nào.

Trong phiên tòa xét xử vụ kiện của bà La vào ngày 10 tháng 1, Cục An sinh Xã hội cáo buộc bà đã từng thụ án lao động cưỡng bức, nên bà không đủ điều kiện để được nhận lương hưu. Luật sư của bà La đã bác bỏ luận điểm đó và cho rằng Luật Lao động Trung Quốc không hề có quy định rằng một người sẽ bị đình chỉ lương hưu chỉ vì họ bị kết án lao động cưỡng bức hoặc án tù. Ông cũng nói rằng bệnh viện đã bắt đầu khấu trừ lương hưu của bà La vào năm 2003, 5 năm trước khi bà mãn hạn tù.

Trong phiên xét xử vụ kiện của ông Hứa vào ngày 18 tháng 1, khi luật sư của ông đặt câu hỏi với cán bộ Lý Triều Nguyên của trường học rằng tại sao họ lại đình chỉ lương hưu của ông Hứa và dựa trên cơ sở pháp lý nào, Lý trả lời: “Không, chúng tôi không có bất kỳ cơ sở [pháp lý] nào. Đó là mệnh lệnh từ cấp trên của tôi.”

Luật sư của bà Mã cũng chất vấn Cục An sinh Xã hội tại sao lương hưu của bà bị đình chỉ. Phó giám đốc Trương của cục nói rằng họ chỉ đang chi trả lương hưu dựa trên danh sách do trường học cung cấp và trong đó không có tên bà Mã. Khi luật sư hỏi hiệu trưởng nhà trường câu hỏi tương tự, ông ta trả lời: “Bởi vì chúng tôi đã dừng chi trả lương hưu của bà ấy, nên không cần thống kê tên vào danh sách đó nữa.”

Không rõ hiện tại các thẩm phán đã đưa ra phán quyết về các vụ kiện của các học viên hay chưa.

Thông tin bổ sung về bà La

Tháng 12 năm 1992, bà La (khoảng 76 tuổi) đã nghỉ hưu tại Bệnh viện Nhân dân Thành phố Hội Lý và bắt đầu nhận lương hưu từ bệnh viện vào năm sau đó. Đến tháng 10 năm 2016, sau khi Trung Quốc cải cách lương hưu, bệnh viện đã chuyển các tài khoản hưu trí cho Cục An sinh Xã hội quản lý và thực hiện chi trả lương.

Theo thông tin do Minghui.org thu thập, bí thư Vương Văn Trân của bệnh viện, đã cố gắng ép bà La từ bỏ Pháp Luân Công vào tháng 8 năm 2003. Sau khi bà từ chối, Vương đã nói với bà: “Nếu bà nhất quyết muốn tu luyện Pháp Luân Công, chúng tôi sẽ giữ lương hưu của bà trong ba năm.”

Bà La trả lời: “Tiền lương hưu là tài sản riêng của tôi có được từ những năm làm việc vất vả. Không ai có quyền giữ lại số tiền đó”.

Mặc dù không hề có cơ sở pháp lý, bệnh viện vẫn khấu trừ lương hưu của bà La trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm 2003 đến tháng 12 năm 2004. Với nỗ lực kiên trì tìm kiếm công lý của bà La, bệnh viện đã khôi phục việc chi trả lương hưu cho bà vào tháng 1 năm 2005, nhưng hàng tháng, thay vì chi trả tiền lương 900 Nhân dân tệ, họ chỉ chi trả cho bà tiền sinh hoạt phí 300 Nhân dân tệ.

Từ tháng 9 năm 2003 đến tháng 12 năm 2010, bệnh viện đã khấu trừ tổng cộng 81.509 Nhân dân tệ tiền lương hưu của bà La. Kể từ tháng 10 năm 2018, Cục An sinh Xã hội cũng đã đình chỉ lương hưu của bà La, ước tính số tiền lương bị giữ lại tổng cộng lên tới 135.100 Nhân dân tệ vào tháng 1 năm 2022.

Ngày 28 tháng 11 năm 2021, Tề Cương, trưởng phòng bảo vệ của bệnh viện, đã gọi điện cho con trai của bà La và yêu cầu anh nhắn bà đến bệnh viện để bàn bạc về các vấn đề liên quan đến lương hưu của bà. Bà đã đến đó vào ngày 29 tháng 1 (tức ba tuần sau phiên tòa), tuy nhiên, phó giám đốc bệnh viện là Đặng Tân đã yêu cầu bà trả lại hơn 100.000 Nhân dân tệ lương hưu mà bà đã nhận từ năm 2016 đến 2018 (bà bị bắt vào năm 2016 và đang tìm kiếm công lý cho án tù 1 năm oan sai). Đặng đã nói rằng mình đang làm theo lệnh của Cục An sinh Xã hội. Bà La nói rằng việc họ giữ lại lương hưu của bà là bất hợp pháp và bà vẫn đang trong quá trình kháng cáo vụ án.

Bài liên quan:

Luật sư trong các vụ kháng án buộc thẩm phán toà án cấp thấp chịu trách nhiệm vì vi phạm luật pháp

Cảnh sát tỉnh Tứ Xuyên ngụy tạo bằng chứng đối với năm nữ học viên lớn tuổi

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/1/30/437870.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/3/9/199459.html

Đăng ngày 26-04-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share