Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 13-01-2022] Trong hai thập kỷ qua, bà Chu Hải Yến, 56 tuổi, ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đã nhiều lần bị bắt vì kiên định đức tin của mình vào Pháp Luân Công. Bà đã từng bị giam giữ trong các trung tâm tẩy não ba lần, trong các trại lao động cưỡng bức hai lần và bị kết án tám năm tù vào năm 2007. Vào ngày 8 tháng 10 năm 2017, bà lại bị bắt và bị kết án tám năm tù giam.

Chính quyền nhắm mục tiêu đến bà chỉ đơn giản là vì bà từ chối từ bỏ đức tin của mình đối với Pháp Luân Công. Bà hiện đang bị giam ở trong Nhà tù Nữ Liêu Ninh và vẫn còn phải thụ án bốn năm nữa.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

2022-1-12-dalian-zhou-haiyan_01.jpg

Bà Chu Hải Yến

Cả gia đình thụ ích khi tu luyện Pháp Luân Công

Trước khi tu luyện Pháp Luân Công, bà Chu là người sống nội tâm. Mỗi ngày bà đều cảm thấy chán nản và công việc của bà không được suôn sẻ. Bà được chẩn đoán mắc u xơ tử cung và đã phải làm phẫu thuật. Sau khi tu luyện Pháp Luân Công, sức khỏe của bà được cải thiện và tính cách cởi mở hơn, và vui vẻ hơn. Bà đã không còn lời qua tiếng lại với mẹ và trở nên hiếu thảo hơn với bà hơn.

Cha của bà Chu, ông Chu Phục Sinh, là một bác sỹ làm việc trong lực lượng không quân trong 40 năm. Mặc dù là một bác sỹ cấp cao, nhưng bản thân ông cũng gặp nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm viêm gan, bệnh tim và huyết áp cao. Vợ ông, bà Lưu Ngọc Cần, cũng có sức khỏe kém và thường xuyên cảm thấy bực dọc, đặc biệt là khi họ phải chăm sóc ba đứa con và bố mẹ nằm liệt giường. Hai vợ chồng họ thường xuyên to tiếng và cuộc hôn nhân của họ đang ở bên bờ vực đổ vỡ.

Mọi chuyện càng tồi tệ hơn khi con trai của họ là anh Chu Bân mắc chứng trầm cảm và rối loạn tâm thần.

Vào tháng 5 năm 1995, hai vợ chồng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, sức khỏe và tâm tính của họ đã được cải thiện. Khi tình cảm của họ trở nên tốt hơn, ba người con của họ, bao gồm cả bà Chu, cũng bước vào tu luyện. Con trai của họ đã hồi phục các vấn đề về tâm thần, luôn có thái độ tích cực và trở nên cởi mở hơn.

Tóm tắt sự bức hại mà bà Chu đã trải qua

1) Bà Chu Hải Yến bị giam trong một trung tâm tẩy não nằm trong trung tâm cai nghiện ma túy từ ngày 8 tháng 8 đến ngày 8 tháng 9 năm 2000.

2) Vào ngày 1 tháng 10 năm 2000, bà Chu đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công và bị bắt giữ. Bà lại bị bắt và bị giam giữ tại trung tâm cai nghiện ma túy cho đến giữa tháng 11. Sau đó, bà lại bị bắt và đưa đến Trại lao động cưỡng bức Đại Liên.

Vào ngày 19 tháng 4 năm 2001, bà lại bị bắt và sau đó bị tống vào Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia và bị giam giữ ở đó cho đến ngày 1 tháng 10 năm 2003. Trong thời gian bị giam giữ, nhà của bà bị lục soát và toàn bộ sách Pháp Luân Đại Pháp của bà đều bị tịch thu.

3) Vào ngày 31 tháng 10 năm 2006, Bí thư Đảng ủy khu dân cư Minh Tinh gọi điện cho bà Chu và yêu cầu bà đến văn phòng của họ để trả lời một số câu hỏi. Bà bị bắt khi đến văn phòng và bị đưa đi tẩy não tại Khách sạn Hoàn Bảo.

4) Vào ngày 7 tháng 2 năm 2007, cảnh sát của Đồn Công an Hoàng Hải Lộ và Phòng 610 đã lục soát nhà của bà Chu và bắt bà đến Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia. Bà đã bị giam ở đây hai năm.

5) Vào ngày 8 tháng 10 năm 2017, bà Chu và 19 học viên Pháp Luân Công khác đã bị bắt. Bà bị kết án tám năm. Bà đã kháng cáo nhưng tòa án trung cấp đã giữ nguyên bản án ban đầu của bà. Bà bị đưa đến Nhà tù Nữ Tỉnh Liêu Ninh vào tháng 12 năm đó, và tại đây, bà tiếp tục bị bức hại.

Tra tấn trong Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia

Bà Chu đã phải chịu nhiều hình thức tra tấn tàn bạo trong hai lần thụ án của mình tại Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia. Bà bị còng tay vào ống sưởi và bị treo người lên suốt một đêm khi bà từ chối “chuyển hóa” (từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công). Bàn tay của bà đã chuyển thành màu đen khi bà được thả xuống. Bà tiếp tục gặp khó khăn khi cử động tay sau khi được thả.

Một lần khác, hai tay bà Chu bị trói ra sau lưng và hai chân bị trói lại ở tư thế song bàn. Cuộc tra tấn kéo dài cả ngày khiến bà đau đớn tột cùng.

Tra tấn tại Nhà tù Nữ Liêu Ninh

Tại Nhà tù Nữ Liêu Ninh, bà Chu và một số học viên khác đã bị tịch thu đồ đạc cá nhân ngay khi vừa đến nhà tù. Họ không được cung cấp giấy vệ sinh trong nửa năm, mà thay vào đó, họ buộc phải làm sạch sau khi đi vệ sinh bằng một lượng nước ít ỏi. Lính canh cũng từ chối cung cấp băng vệ sinh cho bà vì bà từ chối viết cam kết từ bỏ đức tin của mình.

Trong suốt nửa năm, hàng ngày bà Chu đều phải ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ khiến mông bà bị mưng mủ.

2011-4-4-kuxing-06.jpg

Tái hiện phương thức tra tấn: Ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ

Vào cuối năm 2019, mẹ của bà Chu đã đến nhà tù để thăm bà, nhưng yêu cầu thăm thân của bà cụ đã bị từ chối.

Vào năm 2020, nhà tù không cung cấp nước cho các học viên từ chối chuyển hóa. Các học viên này cũng không được phép tắm rửa, không được cung cấp giấy vệ sinh và không được phép mua các nhu yếu phẩm hàng ngày từ cửa hàng của nhà tù.

Vào tháng 4 năm 2020, khi mẹ của bà Chu đến thăm bà lần nữa, bà đã đệ đơn khiếu nại lên giám đốc nhà tù. Tiểu đội trưởng của khu vực bà Chu đang giam đã viết vào một tờ giấy và nói rằng là do bà Chu viết, với nội dung: “Con không muốn gặp mẹ.”

Một lần khác, mẹ của bà Chu và em gái của bà được phép vào thăm bà. Nhưng trên đường đến phòng thăm thân, lính canh hỏi rằng cả hai người họ có tu luyện Pháp Luân Công hay không. Khi họ trả lời “có”, họ đã thu hồi lại quyết định cho phép thăm nom.

Gia đình bị bức hại, người cha qua đời

Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, gia đình bà Chu muốn chia sẻ với mọi người về sự tốt đẹp của môn tu luyện, nhưng họ đã đối mặt với sự bức hại tàn bạo khi họ đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện.

Em gái của bà Chu, người từng làm việc tại Cục Chứng nhận Quốc gia và là đã nhiều lần nhận được biểu dương và khen thường thưởng nhờ thành tích công tác tốt. Nhưng sau khi cuộc bức hại xảy ra, bà đã bị đuổi việc. Lãnh đạo đơn vị công tác của bà ấy nói nếu họ không để bà nghỉ việc, tất cả tiền thưởng của các nhân viên khác sẽ bị thu hồi và bản thân những người quản lý có thể bị mất việc làm. Họ cũng nói thêm rằng điều duy nhất có thể giúp bà ấy không bị sa thải là viết một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bà đã từ chối.

Ông Chu, cha của họ, đã bị một cảnh sát trẻ tuổi đánh đập tàn bạo đến bị thương nặng ở đầu khi ông nói với mọi người về Pháp Luân Công. Ông bị cưỡng chế nộp phạt 1.000 nhân dân tệ trước khi cảnh sát gọi điện cho vợ ông đến đón ông vào khoảng 10 giờ tối. Ngày hôm sau, cảnh sát đến nhà của họ để sách nhiễu và đe dọa ông.

Đã gần 40 năm phục vụ trong quân đội, ông chưa từng bị ai ngược đãi thể xác, thế mà giờ đây lại bị một cảnh sát trẻ chỉ đáng tuổi cháu của ông đánh cho thê thảm. Ông thấy khó hiểu và thất vọng. Sau đó ông bị trầm cảm và việc không được tự do tu luyện Pháp Luân Công đã ảnh hưởng đến sức khỏe ông, và ông đã qua đời vào năm 2012.

Vào ngày 8 tháng 10 năm 2017, hơn mười cảnh sát của Đội An ninh Nội địa Đại Liên và Đồn Công an Hoàng Hải Lộ đã đột nhập vào nhà của bà Chu và bắt giữ bà. Họ không cho bà thay quần áo và lôi bà đi ngay lập tức. Giày của bà đã bị mất trong khi bị lôi đi. Một cảnh sát đã đánh vào đầu bà Chu, và đầu bà vẫn còn đau khi bà gặp luật sư 15 ngày sau đó.

Vào cùng ngày 8 tháng 10, mẹ của bà Lưu cũng bị bắt khi bà đang đi bộ trên phố. Ba cảnh sát không xuất trình bất kỳ giấy tờ tùy thân nào đã liền tóm lấy bà và lôi vào một chiếc xe ô tô. Sau đó người phụ nữ 72 tuổi này đã bị đưa đến đồn công an và bị nhốt trong một căn phòng cho đến tối hôm sau và không được ăn uống gì.

Vào đêm thứ ba, cảnh sát trưởng nói với bà rằng họ sẽ thả bà sau khi lấy dấu vân tay của bà. Bà cho phép họ lấy dấu vân tay của mình, tuy nhiên sau đó bà đã bị đưa đến Trại tạm giam Diêu Gia và bị giam ở đó cho đến ngày 16 tháng 10.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/1/13/436779.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/1/20/198224.html

Đăng ngày 17-03-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share