Bài viết của Lý Lị, học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc
[MINH HUỆ 26-04-2021] Cô Lý Lị người gốc tỉnh Hắc Long Giang. Cô phải trải qua một cuộc sống đầy khó khăn, năm 1992 mẹ cô qua đời vì một căn bệnh không rõ nguyên nhân và năm 1994 thì đến lượt em trai bị u não. Năm 1981, cô kết hôn nhưng không may lại trở thành nạn nhân của nạn bạo hành gia đình trong suốt cuộc hôn nhân của mình. Chồng cô ngoại tình, và cuối cùng đã ly hôn với cô vào năm 1996, không lâu sau anh lại tái hôn với vợ của người em quá cố của cô.
Bất chấp những khó khăn và đau buồn, cô Lý vẫn chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, và thậm chí chồng cũ của cô đã bảo vệ cô sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1999. Một phóng viên truyền hình, một người bạn của anh ấy, định phỏng vấn anh và muốn anh đổ lỗi cho Pháp Luân Đại Pháp đã làm đổ vỡ cuộc hôn nhân của anh với cô Lý. Nhưng anh đã kiên quyết từ chối lời mời phỏng vấn của bạn mình. Trong thời gian cô Lý bị bắt giam phi pháp vì đức tin của mình, anh đã giúp cô cất giữ các cuốn sách Pháp Luân Đại Pháp ở một nơi an toàn. Sau khi cô được trả tự do nhưng buộc phải sống xa nhà để tránh bị bắt giữ lần nữa, anh đã thay cô chăm sóc cho con trai của họ chu đáo.
Sau đó, cô Lý qua đời vì bị bức hại. Dưới đây là loạt 10 bài được biên tập dựa trên lời kể của cô.
Mặc dù trải qua đau khổ và bất hạnh, nhưng tôi vẫn vui vẻ và đối xử tốt với những người đã ngược đãi tôi.
(Tiếp theo Phần 7)
Sư phụ tiết lộ thông tin tu luyện
Mười ngày sau, Sư phụ từ Diên Cát trở về. Khi tôi đến nhà lão Xu, tôi nghe thấy Sư phụ đang nói chuyện với một vài người trong nhà. Tôi và một số học viên cùng luyện công trong căn phòng lớn hơn ở bên ngoài. Chúng tôi biết Sư phụ cần được nghỉ ngơi một chút nên một số học viên đã rời đi. Sau khi xong việc, Sư phụ từ phòng trong bước ra và chúng tôi cùng tiễn Sư phụ xuống cầu thang. Sau khi Sư phụ rời đi, tôi định bước lên lầu nhưng nhận thấy vẻ mặt của lão Từ và con trai có gì đó khó hiểu.
Chúng tôi rất hiểu nhau và có thể nói về mọi chuyện. Điều này khiến tôi tự hỏi hôm nay đã có chuyện gì xảy ra vậy? Hơn nữa, Sư phụ vừa mới trở về, chắc hẳn họ đã nghe được chuyện gì đó mà không muốn tôi biết. Tôi quyết định tìm hiểu. Sau khi lên lầu, tôi nói với con trai lão Từ: “Tiểu Từ, có chuyện gì con không muốn nói cho ta biết phải không? Chắc hẳn có liên quan đến ta; nếu không, ta sẽ không hỏi con“
Thấy tôi cương quyết muốn biết, cậu ấy hỏi: “Nếu con nói cho dì biết chuyện, dì có xử lý được không?”. Tôi ngay lập tức trả lời có. Cậu ấy nói rằng cậu ấy sẽ nói cho tôi biết, nhưng tôi không thể nói với người khác. Một lần nữa tôi đảm bảo với cậu ấy rằng tôi sẽ giữ kín chuyện này và cậu ấy phải nói với tôi hôm nay.
“Chúng con đang nói về dì với Sư phụ,” cậu ấy nói. “Sư phụ nói rằng dì đã tu luyện đến quả vị La Hán. Tất cả chúng con đều ngạc nhiên và hỏi, “Tại sao chúng con không thể nói được?”
Khi nghe điều này, tôi ngừng dò hỏi thêm và cũng không nghĩ nhiều về nó. Tôi không biết thế nào là một vị La Hán. Nếu nó là một cái gì đó tốt, thì đó là tốt. Tôi tin tưởng những gì Sư phụ nói.
Vài ngày sau, tôi gặp lại Sư phụ, và Ngài hỏi tôi, “Con có vui không?” Tôi không biết phải nói gì nên chỉ im lặng. Tôi nghĩ rằng Sư phụ phải biết tôi đã nghe về nó; nếu không, Sư phụ sẽ không hỏi. Có vẻ như cấp độ La Hán mà Sư phụ đề cập là cấp độ trên con người, nhưng tôi không cảm thấy đặc biệt, cũng không biết mình đã tu luyện ở đó như thế nào.
Sư phụ đã nói trong Bài giảng thứ nhất của Chuyển Pháp Luân: “Tu tại tự kỷ, công tại sư phụ”.
Trên thực tế, tôi không biết bất cứ điều gì và Sư phụ đã làm tất cả mọi thứ. Một lần nọ, một số học viên ngồi xếp bằng trên sàn và Sư phụ ngồi trước mặt chúng tôi. Sư phụ nhìn tôi và nói, “Hãy nhìn xem đằng sau tôi”. Tôi nghĩ có lẽ Sư phụ đã yêu cầu tôi nhìn mọi thứ qua thiên mục của tôi mà người khác không thể nhìn thấy. Có lẽ Sư phụ khai mở công năng của tôi theo cách này.
Nhưng tôi hơi sợ và nghĩ, “Không, tôi không thể nhìn. Nếu thiên mục của tôi khai mở, sau này tôi không thể xử lý nó đúng cách thì sao? ” Theo như tôi biết, một số người ở Trường Xuân đã gặp vấn đề vì truy cầu khai mở thiên mục. Trong các bài giảng, Sư phụ đã nói đến tầm quan trọng của việc không nên truy cầu, vì vậy tôi không muốn nhìn.
Chỉ trong nháy mắt, Sư phụ đã biết tôi đang nghĩ gì. Một số học viên phàn nàn ngộ tính của tôi kém quá. Một lần khi một số học viên chúng tôi luyện công tại nhà lão Từ, Sư phụ đã đến. Sư phụ ngồi trên mép một chiếc giường đơn, và chúng tôi ngồi trên sàn xung quanh Ngài. Tôi ngồi gần Sư phụ, và lão Từ ở cạnh tôi. Buổi đầu không ai dám nói gì.
Sau đó, lão Từ phá vỡ sự im lặng và nói, “Lý Lị, chị có thể chia sẻ những gì chị đã thấy trước đây không?” Tôi biết ông ấy đang nói về điều gì và nói, “Mọi chuyện đã trôi qua rồi.”
Sư phụ nói, “Con có thể nói về những gì con đã thấy”.
Vì Sư phụ yêu cầu tôi nói nên tôi đã đồng ý. Vì vậy, tôi đã mô tả lại những gì tôi đã thấy khi tôi mới bắt đầu tu luyện. Đó là, tôi đã thấy Sư phụ là một người thông thái cũng như một người nước ngoài.
Sư phụ nói, “Những gì con nhìn thấy là chính xác”.
Tôi không dám hỏi quốc tịch của người nước ngoài. Sau đó, Sư phụ nhẹ nhàng nói: “Ta đã từng là một người ăn xin ngoài đường”.
Trong lúc ngồi thiền, một học viên họ Vương thấy rằng Sư phụ từng là hoàng đế. Sư phụ nói rằng đúng vậy. Lão Từ cũng từng nói với tôi rằng một trong những tiền kiếp của Sư phụ là Hoàng đế Đường Thái Tông.
Sư phụ viết thơ
Trạng thái tu luyện của tôi nhiều người biết đến và nó ảnh hưởng đến các học viên rất nhiều. Vào thời điểm đó, nhiều học viên thích hỏi tôi khi họ có thắc mắc và trải qua khổ nạn. Tôi biết mình nên xử lý như thế nào và tôi phải tránh xa vấn đề này.
Cuốn sách Pháp Luân Công Trung Quốc của Sư phụ đã được xuất bản. Các học viên chúng tôi đã cùng nhau học cuốn sách theo nhóm và cá nhân. Chúng tôi cũng học thuộc lòng cuốn sách. Các học viên đều hăng hái học Pháp.
Vào ngày 15 tháng 9, tôi đến thẳng nhà lão Từ sau giờ lên lớp. Khi đến đó, tôi thấy Sư phụ đang viết gì đó, và chỉ có gia đình lão Từ ở đó. Tôi không muốn làm phiền Sư phụ, vì vậy tôi lặng lẽ ngồi một bên. Sư phụ nhìn lên và thấy tôi. Tôi lại gần chiếc bàn và thấy Sư phụ đang viết một bài thơ – “Nhân quả”. Sau khi viết nó bằng bút xanh, Sư phụ nhìn và nói, “Chữ hơi nhỏ”. Sư phụ lại cầm giấy bút lên. Lần này, Sư phụ sử dụng bút đen và viết nó bằng những ký tự lớn hơn. Nhìn thấy bài viết với những ký tự nhỏ bên cạnh trên bàn làm việc, tôi hỏi Sư phụ: “Thưa Sư phụ, con có thể có cái này không?” Và Sư phụ đã đồng ý.
Sư phụ đã viết hai bài thơ, “Nhân quả” và “Mê trung tu”, theo thứ tự đó. Cả hai đều được xuất bản trong tập thơ Hồng Ngâm.
Nhìn vào hai bài thơ, tôi tự hỏi tại sao Sư phụ lại sử dụng ký tự 横 (hoành, thay vì 恒 hằng) trong Pháp. Khi tôi đang suy nghĩ về điều đó, vợ của lão Từ đã hỏi Sư phụ, “Thưa Sư phụ, tại sao lại sử dụng ký tự này (横)?” Tôi trả lời, “Nó phải là ký tự này (横).” Tôi ngay lập tức ngộ ra ý nghĩa của ký tự đó. Điều này đã nói với chúng tôi rằng cần phải có ý chí kiên định trong tu luyện. Bề ngoài, nó có nghĩa là cương quyết và quyết tâm. Sư phụ nói, “Con có thể tiếp tục và tìm kiếm sự giác ngộ trong đó”. Sau khi trở về từ Diên Cát và viết hai bài thơ này, Sư phụ đã đổi tên “Pháp Luân Công” thành “Pháp Luân Đại Pháp”.
Rắc rối từ chồng
Lục đã đến Trường Xuân để thăm tôi. Anh ở lại đây vài ngày và gây rất nhiều rắc rối cho tôi. Anh đã mời tôi đi ăn cùng bạn bè của anh. Tại bàn ăn, Lục cầm ly rượu lên và nói với tôi: “Hôm nay anh phải uống ly này với em”.
Tôi trả lời: “Em không uống rượu”.
Mặt Lục chợt sa sầm lại, anh ta giận dữ nói: “Em phải uống, nếu không thì hôm nay sẽ chẳng có ai được ăn gì cả”.
Tôi trả lời: “Anh biết là em không uống rượu vì em là người tu luyện”.
Nhận ra rằng tôi đã làm anh ta mất mặt nên anh ta lớn tiếng ra lệnh cho tôi: “Hôm nay em phải uống”.
Tôi nói: “Em sẽ không uống”.
Bạn bè của Lục cũng yêu cầu anh ta dừng lại nhưng anh ta không nghe. Cuối cùng vì tôi không uống nên anh ta quậy phá không ai ăn được gì. Tôi nghĩ: “Khi đối diện với những vấn đề như thế này, tôi sẽ không nhụt chí ngay cả khi chúng tôi phải chia tay. Tôi sẽ chỉ tuân theo Pháp chứ không tuân theo yêu cầu của người thường”.
Thử thách này của Lục đối với tôi xảy ra trong những ngày tôi đang suy nghĩ về hai bài thơ của Sư phụ. Tôi cảm thấy Sư phụ đang giảng Pháp cho tôi và trả lời những câu hỏi tôi đã đặt ra trong bài viết về trải nghiệm tu luyện của mình: Tại sao tôi lại phải chịu đựng nhiều đau khổ như vậy?
Sư phụ giảng:
“Phi thị tu hành lộ thượng khổ
Sinh sinh thế thế nghiệp lực trở”. (Nhân Quả, Hồng Ngâm)
Diễn nghĩa:
“Không phải con đường tu hành nghĩa là phải khổ
[Mà là] nghiệp lực từ đời này đời khác ngăn trở … ”. (Nhân Quả, Hồng Ngâm)
Tôi hiểu ra rằng sự đau khổ của tôi là do nghiệp lực mà tôi đã tích lũy từ đời này qua đời khác. Đó là những việc xấu mà tôi đã làm và nó không liên quan gì đến người khác. Làm thế nào tôi có thể tu luyện nếu tôi không trả những món nợ này?
Thật đúng như Sư phụ giảng:
“Hoành tâm tiêu nghiệp tu tâm tính”. (Nhân Quả, Hồng Ngâm)
Diễn nghĩa:
“Quyết tâm, làm tiêu nghiệp và tu tâm tính”. (Nhân Quả, Hồng Ngâm)
Chỉ khi đó tôi mới thực sự cải thiện được bản thân.
Giải đáp của Sư phụ cho các phụ đạo viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trường Xuân
Đã đến lúc Sư phụ giải đáp các thắc mắc cho các phụ đạo viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trường Xuân. Chúng tôi bắt đầu sắp xếp các câu hỏi do các học viên gửi lên. Chúng tôi đã loại bỏ tất cả các câu hỏi liên quan đến “bệnh tật” và các câu hỏi bị trùng lặp. Vào thời điểm đó, có rất nhiều câu hỏi liên quan đến một bài viết trên tạp chí Cửa sổ Văn học và Nghệ thuật. Tôi đã yêu cầu con trai của lão Từ loại bỏ hầu hết các câu hỏi này nhưng cậu ấy đã không đồng ý nên chúng tôi đã gộp chúng lại.
Tôi cũng đặt một câu hỏi: “Trong vũ trụ có những thứ hoàn toàn giống nhau hay không?”. Câu hỏi này cũng đã được đề cập trong Giảng Pháp cho các phụ đạo viên Pháp Luân Đại Pháp Trường Xuân (“https://vi.falundafa.org/book/yj_html/yj_1.html”). Nhìn lại, tôi thấy câu hỏi này giống như để tìm hiểu kiến thức và có nguồn gốc từ một câu hỏi triết học. Nhưng dù sao thì Sư phụ cũng đã trả lời câu hỏi đó của tôi.
Đó là ngày 18 tháng 9 và cũng là một ngày đẹp trời. Trong một hội thảo tại khán phòng nhỏ của trường Đại học Cát Lâm (tầng bảy của Tòa nhà Vật lý và Hóa học), Sư phụ đã giảng Pháp cho các phụ đạo viên ở Trường Xuân. Có khoảng 200 phụ đạo viên đã tham dự buổi họp mặt. Bằng cách nào đó mà một số học viên mới cũng biết được thông tin này và đến dự. Việc này có thể đã ảnh hưởng ở một mức độ nào đó đến bài giảng của Sư phụ. Tôi biết bài giảng của Sư phụ chỉ dành riêng cho những người được tham dự vì nhiều câu hỏi mà các học viên đặt ra và một số nội dung mà Sư phụ giải thích có liên quan đến tôi. Sư phụ dường như đang trả lời những câu hỏi mà tôi đang thắc mắc.
Chẳng hạn như:
“Giới tính Phật nam và Phật nữ là do giới tính thân xác thịt của người tu luyện, hay là do giới tính của chủ nguyên thần?” (Giảng Pháp cho các phụ đạo viên Pháp Luân Đại Pháp Trường Xuân, 1994)
“Đắc chính Pháp, thành chính quả, là xem như viên mãn, vậy thì chúng ta tu luyện tới trình độ nào thì mới viên mãn?” (Giảng Pháp cho các phụ đạo viên Pháp Luân Đại Pháp Trường Xuân, 1994)
“Pháp Luân Đại Pháp là tiệm ngộ, hỏi chúng con khi nào tiến nhập trạng thái tiệm ngộ?” (Giảng Pháp cho các phụ đạo viên Pháp Luân Đại Pháp Trường Xuân, 1994)
Sau khi nghe buổi giảng Pháp của Sư phụ và giải đáp thắc mắc, tôi đã biết được khi nào thì thiên mục của một người được khai mở và người đó có thể nhìn và sử dụng cũng không sao nếu không có chấp trước. Tôi đã từng gặp vấn đề này và đã không biết xử lý cho tốt.
Thời kỳ đầu biên tập lại các bài giảng của Sư phụ và tu luyện vững chắc
Bài giảng lần này của Sư phụ có ý nghĩa định hướng vô cùng quan trọng để các phụ đạo viên có thể làm tốt công việc của người hướng dẫn sau này. Sau bài giảng, một số học viên bao gồm lão Từ, Lý và tôi đã biên tập lại bài giảng của Sư phụ từ băng thu âm – từng chữ một mà không thay đổi. Sau đó chúng tôi gửi lại Sư phụ bản soạn thảo để Ngài sửa đổi và chuẩn bị cho việc xuất bản. Sư phụ đã ở lại Trường Xuân một thời gian để xắp xếp lại các bản ghi âm bài giảng ở nhiều nơi khác nhau và dự định xuất bản cuốn Chuyển Pháp Luân.
Tất cả chúng tôi đều biết Sư phụ rất bận và chúng tôi không thể giúp được những việc mà Sư phụ định làm. Kể từ lúc đó, không ai trong chúng tôi đến làm phiền Sư phụ. Chúng tôi biết Sư phụ đang ở gần và một phần vì chúng tôi đã nghe được các bài giảng Pháp, điều duy nhất đối với chúng tôi lúc này là tu luyện một cách vững chắc.
Thích nghi sau khi chuyển đến Bắc Kinh
Sau khi Lục chuyển đến làm việc ở Bắc Kinh, tôi cũng tìm kiếm một công việc ở Bắc Kinh. Cuối cùng, tôi quyết định cùng anh vào dạy học tại trường Cao đẳng Công tố Quốc gia. Nhà trường cần một người hướng dẫn về logic và triết học chính thức nên đã quyết định thuê tôi. Viện kiểm sát tối cao, hiệu trưởng của trường đã chấp thuận điều này và cho phép cả hai vợ chồng tôi cùng giảng dạy trong trường như một trường hợp ngoại lệ. Công việc của tôi chính thức được chuyển đến Bắc Kinh vào cuối năm 1994.
Các lãnh đạo của trường đã lắng nghe tôi thuyết giảng và sau đó đã đồng ý cho tôi chính thức đứng lớp. Văn phòng mà tôi được chỉ định vào làm được gọi là Bộ môn Nghiên cứu và Giảng dạy Toàn diện. Nhưng bộ môn này chỉ có hai giảng viên kể cả tôi. Giám đốc văn phòng xuất thân từ trường Đảng Trung ương và ông cũng dạy môn triết học. Vào thời điểm đó, ông ta đang ở một mình trong văn phòng được trang bị đầy đủ tiện nghi: có một chiếc điện thoại, một chiếc giường và thậm chí có cả vòi tắm hoa sen.
Ông ấy dường như không chào đón tôi. Sau khi tôi đến làm, ông ấy đã đặt một cái bàn ở ngoài hành lang để ngăn tôi vào văn phòng. Tôi nhận ra rằng mọi thứ ở nơi mới này có thể không đơn giản như trong môi trường tu luyện với các học viên. Lục đã mất kiên nhẫn nên chuyển bàn làm việc của tôi vào văn phòng. Vị giám đốc không thể làm gì khác hơn là phải chấp nhận thực tế.
Tôi đã phải mất một thời gian để thích nghi với môi trường này khi mới đến Bắc Kinh. Có quá nhiều thay đổi trong một thời gian ngắn. Tôi chưa quen với đồng nghiệp cũng như không biết bất kỳ học viên nào ở đây. Thêm vào đó, Lục đã đề nghị ly hôn ngay sau khi tôi chuyển đến đây. Tôi bị choáng váng và luôn nghĩ về Trường Xuân.
Tôi tự nghĩ: Sư phụ, tại sao Ngài lại an bài cho con đến Bắc Kinh? Trường Xuân có phải là tốt hơn nhiều cho con sao. Một số chấp trước của tôi đã biến mất nhưng một số loại chấp khác lại nảy sinh. Tôi luôn nghĩ Bắc Kinh là một nơi xa lạ đối với tôi và tôi thích Đại học Cát Lâm ở Trường Xuân hơn. Hơn nữa, tôi còn quen biết rất nhiều người ở đó. Cuối cùng, tôi thậm chí còn mơ thấy tuyết ở Trường Xuân trắng hơn ở những nơi khác, đúng là một chấp trước mạnh mẽ!
Tôi hơi bất lực và không biết làm cách nào để khắc phục tình trạng này. Những lúc ở nhà, tôi thường khóc một mình và khóc rất nhiều.
Lục đã hỏi tôi: “Em có muốn tiếp tục tu luyện không?. Nếu không thì hãy sống một cuộc sống như người bình thường. Nếu có thì hãy tu luyện cho thật tốt, khóc nhiều thì có ích gì?!”. Khi nghe những lời này tôi như bừng tỉnh, có lẽ Sư phụ đã mượn lời của Lục để điểm hóa cho tôi.
Trạng thái tu luyện của tôi không tốt và tôi cần phải điều chỉnh nó ngay. Sau đó tôi đã liên hệ với một học viên lớn tuổi và đến gặp anh ấy. Thấy tôi quá căng thẳng, vợ chồng học viên này đã rủ tôi đi dạo trong công viên để thư giãn. Tôi không muốn từ bỏ tu luyện mà tôi đang cần có ai đó nói chuyện cùng để được an ủi và dẫn lối cho tôi. Tôi luôn biết ơn vì sự giúp đỡ chân thành mà các học viên khác dành cho tôi.
(Còn tiếp)
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/4/26/421627.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/11/2/196417.html
Đăng ngày 13-02-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.