Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc

[MINH HUỆ 10-11-2021] Sau khi thụ án bốn năm trong Nhà tù Nữ Trùng Khánh, bà Chúc Diêu Huy, 69 tuổi, ở thành phố Hoa Anh, tỉnh Tứ Xuyên bị gãy sáu chiếc răng và suy giảm thị lực. Bà bị biến dạng với nhiều vết thương hở mưng mủ trên đầu. Gia đình nói rằng bà trông gầy “tong teo”, thường nói lảm nhảm và thường ngây người ra.

Bà đã bị tra tấn vì từ chối từ bỏ đức tin của mình đối với Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm đã bị bức hại tại Trung Quốc từ tháng 7 năm 1999.

Bà Chúc đã nhiều lần bị bắt và giam giữ trong suốt 22 năm của cuộc bức hại. Bà đã hai lần bị giam trong trung tâm tẩy, bốn lần trong Trại tạm giam, ba lần trong đồn công an với tổng thời gian gần một năm. Bà cũng từng thụ án tại trại lao động cưỡng bức hai lần với tổng cộng sáu năm trước khi bị kết án bốn năm tù sau vụ bắt giữ gần đây nhất vào năm 2017.

Vụ bắt giữ gần đây nhất

Sáng ngày 27 tháng 2 năm 2017, bà Chúc bị một cảnh sát mặc thường phục bắt giữ khi bà đang mua sắm trong một ngôi chợ ở quận Hợp Xuyên, Trùng Khánh. Các cảnh sát của Đồn Công an Nam Tân Nhai đã trói bà vào một chiếc ghế kim loại với tay và chân bị cùm trước khi lục soát căn hộ của bà.

Cảnh sát tịch thu hàng chục cuốn sách Pháp Luân Công, ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, năm chiếc máy tính và một chiếc máy nghe nhạc của bà. Ba học viên tình cờ ghé qua nhà bà Chúc lúc đó cũng bị bắt và đưa đến Trung tâm tẩy não Ngũ Tôn. Cảnh sát cũng đến nhà cháu trai của bà Chúc để sách nhiễu anh.

Sau đó khi bà Chúc bị đưa đến trại tạm giam quận Hợp Xuyên, một lính canh đã lấy mẫu máu của bà. Bà bị lấy mẫu máu thêm ba lần nữa trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2020 sau khi bị chuyển đến Nhà tù nữ thành phố Trùng Khánh vào ngày 5 tháng 9 năm 2018.

Trong nhà tù, lính canh bỏ một lớp đệm ấm trên giường của bà và chỉ đưa cho bà một tấm chăn mỏng dù biết rằng mùa đông đang đến. Họ cũng cấm bà mua quần áo mùa đông. Các lính canh thường xuyên đánh đập và ngược đãi bà. Đôi khi bà không ngủ được vì lính canh sẽ không cho phép bà được đi ngủ trước 4 giờ sáng và sau đó đánh thức bà một giờ sau đó. Các lính canh đã ném tất cả đồ lót và tất của bà đi và không cấp giấy khi bà phải đi vệ sinh.

Bà Chu bị tăng huyết áp và luôn cảm thấy chóng mặt vì bị hành hạ liên tục. Chân tay của bà trở nên sưng tấy nghiêm trọng. Một ngày nọ, chức trách nhà tù gọi cho chồng bà và nói với ông rằng bà đã được đưa đến bệnh viện để cấp cứu. Khi chồng bà từ Thượng Hải (cách đó khoảng 1.600 km) đến nhà tù, nhà chức trách đã không cho ông gặp bà. Ông gửi vài nghìn nhân dân tệ vào tài khoản trong tù của bà để bà có thể mua sắm nhu yếu phẩm hàng ngày rồi rời đi.

Sau khi bà được đưa trở lại nhà tù từ bệnh viện, các lính canh thường khạc nhổ vào mặt bà, hành hung và cấm bà ngủ. Họ bắt bà phải sống trong cảnh bẩn thỉu và không cho bà thay hay giặt đồ lót. Vào mùa hè năm 2019, bà không được phép giặt đồ lót của mình lấy một lần.

Bà bị chuyển từ Khu số 1 sang Khu số 2 vào tháng 9 năm 2019. Trưởng bộ phận cải huấn trại giam và phó trưởng Khu 2 đã cố gắng thuyết phục bà từ bỏ Pháp Luân Công. Nhưng bà đã từ chối tuân thủ.

Sự tức giận khiến các lính canh làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn đối với bà. Ban ngày bà phải lao động nặng nhọc và buổi tối bà phải ngồi ngoài hành lang trong cái lạnh đến tận khuya. Bà hầu như không được ngủ và không được phép tắm rửa. Khi bà đói, lính canh sẽ không cho phép bà ăn thức ăn mà bà đã mua. Các lính canh thay nhau mắng chửi bà trong khi ghi âm các cuộc trò chuyện. Con rể của bà từ Thượng Hải đến để gặp bà một lần tuy nhiên cũng bị từ chối.

Kể từ khi được thả vào ngày 26 tháng 2 năm 2021, bà đã bị đau đầu liên tục và đi lại khó khăn.

Trong 4 năm đó, nhà chức trách đã phạt bà 10.000 nhân dân tệ và đình chỉ lương hưu của bà. Tám tháng sau, lương hưu của bà vẫn bị đình chỉ.

Tóm tắt về cuộc bức hại trong quá khứ

Trước khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, bà Chúc, một viên chức chính phủ về hưu đã bị bệnh về xương khớp, các vấn đề về tim mạch, viêm khớp và chấn thương ở chân. Bà đã tập một số loại khí công nhưng không có mấy tác dụng cho đến khi bà biết đến Pháp Luân Công.

Hai ngày sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, các nhân viên từ Phòng An ninh Nội địa Hoa Anh và Đồn Công an thị trấn Song Hà ở tỉnh Tứ Xuyên đã đột nhập vào nhà và đưa bà đến đồn công an. Chồng của bà, một sĩ quan cảnh sát vào thời điểm đó, đã phải sử dụng các mối quan hệ của mình để đảm bảo cho bà được thả.

Ngày hôm sau, các viên chức thị trấn và công tố viên đến nhà và thay nhau thẩm vấn bà, cho đến khi bà kiệt sức. Bà đã phải nghỉ làm nhiều ngày để hồi phục sức khỏe.

Bà Chu đã đến Bắc Kinh để kêu gọi công lý cho Pháp Luân Công vào ngày 15 tháng 10 năm 1999. Các viên chức trên Quảng trường Thiên An Môn đã bắt giữ và giam bà tại trại tạm giam Bắc Kinh trong một tuần. Ba viên chức đã đi từ thành phố Hoa Anh đến Bắc Kinh để đưa bà trở về và đưa bà vào một trại tạm giam. Cảnh sát đã tống tiền bà 2.000 nhân dân tệ và buộc bà phải trả chi phí đi lại cho họ, tổng số tiền lên đến 7.000 nhân dân tệ. Bà được thả khoảng 4,5 tháng sau đó vào ngày 6 tháng 3 năm 2000.

Trong khi bà ở Bắc Kinh kêu gọi công lý, nhà chức trách đã đình chỉ công tác của chồng bà. Họ cũng yêu cầu ông làm việc với Phòng An ninh Nội địa để đưa bà trở về. Không rõ ông có tuân thủ việc đó hay không.

Vào đầu tháng 7 năm 2000 một nhân viên của Phòng An ninh Nội địa thành phố Hoa Anh và một viên chức từ thị trấn Song Hà đã đến nhà của bà Chúc để đưa bà đến một trung tâm tẩy não. Chồng bà đã bảo vệ bà và đấu tranh với họ. Kết quả là cơ quan Công an đã đe dọa kỷ luật ông. Bà đã bị tra tấn tại trại tạm giam thành phố Hoa Anh cho đến cuối tháng 7.

Phòng An ninh Nội địa thành phố Hoa Anh và thị trấn Song Hà lại phối hợp và bắt giữ bà Chúc vào ngày 16 tháng 8 năm 2000. Họ đã kết án bà ba năm tại Trại lao động cưỡng bức nữ Nam Mộc Tự ở tỉnh Tứ Xuyên và gia hạn thêm sáu tháng. Bà được thả vào ngày 24 tháng 2 năm 2004.

Bà Chúc bị báo cảnh sát khi đến thăm gia đình của một học viên bị giam giữ bất hợp pháp vào ngày 5 tháng 6 năm 2004. Các cảnh sát của Đồn Công an Đại Thị đã đánh đập bà và đưa bà vào trại tạm giam Quảng An. Bên trong trại tạm giam, một lính canh đã xúi giục một tù nhân đánh bà cho đến khi bà nôn ra máu. Bà đã không thể hồi phục sức khỏe trong một thời gian dài. Họ cũng đưa bà vào một trung tâm tẩy não.

Nhà chức trách chuyển bà đến Trại lao động cưỡng bức nữ Nam Mộc Tự vào ngày 2 tháng 9. Bà bị giam ở đó ba năm và được thả vào năm 2007.

Nhà chức trách đã đình chỉ lương của bà trong sáu năm rưỡi khi bà ở trong trại lao động cưỡng bức. Người đứng đầu Công an thành phố Hoa Anh đã nhiều lần gây áp lực buộc chồng bà phải ly hôn với bà.

Một lần cảnh sát trưởng và một ủy viên chính trị nói với chồng bà: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định rằng vợ chồng ông sẽ phải ly hôn.”

Chồng bà trả lời: “Tu luyện Pháp Luân Công là quyết định của bà ấy và bà ấy không có vấn đề gì về mặt hành vi, không vi phạm pháp luật. Ly hôn hay không là chuyện của tôi và các anh nên để tôi tự quyết định. Tôi sẽ khiếu nại với hội đồng Nhân dân rằng hai người đang cố gắng phá hoại gia đình tôi”. Đó là lần cuối cùng cơ quan công an đưa ra vấn đề ly hôn với ông.

Gia đình đã phải chuyển đến Thượng Hải nhưng vẫn không thể thoát khỏi cuộc bức hại. Vào ngày 29 tháng 6 năm 2015 các cảnh sát từ Đồn Công an Phổ Hưng ở Thượng Hải đã bắt bà Chúc với lý do bà đang quảng bá Pháp Luân Công. Họ đã lục soát nhà. Chồng và con gái của bà đã đến đồn công an để đưa bà trở về nhà vào đêm hôm đó.

Bà Chúc đã phát lịch Pháp Luân Công cho mọi người để chúc mừng năm mới vào ngày 19 tháng 12 năm 2015. Một sĩ quan mặc thường phục đã bắt giữ và giam bà tại Đồn Công an Bắc Dương Kính ở Thượng Hải trong 15 ngày.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/11/10/433470.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/11/27/196748.html

Đăng ngày 19-12-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share