Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc

[MINH HUỆ 25-09-2021] Bà Hồ Ngọc Dung ở huyện Cử, tỉnh Tứ Xuyên đã bị biệt giam gần 1,5 năm kể từ khi bị bắt vào ngày 24 tháng 4 năm 2020, vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Người nhà bà Hồ liên tục hỏi về tình hình của bà Hồ tại Đồn Công an Bảo Thanh và Đội An ninh Nội địa huyện Cử, nhưng không có kết quả. Quá đau khổ, cha bà đã qua đời. Chị gái bà hiện đang phải chật vật khi phải sống một mình.

Trước lần bắt giữ gần đây nhất, bà Hồ đã liên tục bị giam giữ, với tổng cộng gần 15 năm, vì kiên định đức tin của mình.

Khi cuộc bức hại bắt đầu, hiệu trưởng của Trường Trung học Lạp Tát (Lhasa) ở Tây Tạng nơi bà Hồ công tác đã cố gắng ép bà từ bỏ Pháp Luân Công. Bà từ chối và bị cưỡng bức lao động sáu tháng vào tháng 10 năm 1999.

Ngay sau khi được trả tự do, bà đã đến Bắc Kinh vào tháng 9 năm 2000 cùng với cậu con trai 18 tháng tuổi của mình để kháng nghị cho quyền thực hành Pháp Luân Công. Bà bị bắt trên Quảng trường Thiên An Môn và bị giam tại Trại tạm giam Số 2 Bắc Kinh trong hai tháng. Các lính canh đã đánh và xuyên tăm tre vào phần dưới móng tay của bà. Người bà đầy vết bầm tím và quần áo bê bết máu.

Tòa án Lạp Tát đã kết án bà 5 năm tù vào tháng 1 năm 2001. Bà bị cưỡng bức lao động nặng nhọc không công, bị tra tấn và chửi rủa trong thời gian thụ án tại Nhà tù Bắc Giao ở Lạp Tát.

Một năm sau khi bà được trả tự do vào tháng 12 năm 2006, bà Hồ bị trường học sa thải và bị đưa về quê ở Tứ Xuyên.

Tháng 7 năm 2007, bà bị cảnh sát huyện Cử bắt giữ và bị giam trong Trại tạm giữ huyện Cử 15 ngày.

Vào ngày 1 tháng 10 năm 2007, hàng chục cảnh sát đã xông vào nhà bà và tìm cách bắt giữ bà. Sau khi bà trốn thoát, họ khám xét nhà của cha mẹ bà. Cha mẹ và anh trai bà bị đưa đến Đồn Công an Bảo Thành Hương và bị thẩm vấn. Hơn 100 dân làng đã được triệu tập để thay phiên nhau giám sát nhà của cha mẹ bà trong bảy ngày. Cảnh sát cũng nhiều lần khám xét nhà của cha mẹ bà, tịch thu điện thoại di động của họ và cấm họ tiếp xúc với tất cả mọi người.

Chỉ sau hai tuần trở về nhà, bà Hồ lại bị bắt. Cảnh sát Tứ Xuyên đã đưa bà trở về Tây Tạng. Hai tay và chân của bà bị còng trong suốt 48 tiếng di chuyển và bà không được cung cấp đồ ăn.

Bà Hồ trở về Tứ Xuyên vào ngày 10 tháng 1 năm 2008 để cùng đón Tết Nguyên đán với người thân. Vào ngày 10 tháng 2 năm 2008, ba ngày sau Tết Nguyên đán, cảnh sát đã bắt giữ bà và giam giữ bà trong Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Nam Mộc Tư ở Tứ Xuyên 2,5 năm.

Lính canh xúi giục tù nhân đánh đập bà, cấm ngủ bà, và từ chối để bà sử dụng nhà vệ sinh. Lính canh cũng biệt giam bà, trói chặt hai chân hai tay bà, treo bà lên bằng cổ tay. Bà đã bị bỏ đói suốt sáu ngày. Có lần, vào mùa đông, lính canh còn ép bà mặc quần đùi và bắt bà phải quỳ trong 24 giờ.

Chỉ vài tháng sau khi được thả, bà Hồ lại bị bắt vào ngày 26 tháng 11 năm 2010 trong khi đang ra ngoài tìm việc làm. Cảnh sát đã đánh bà và lôi bà vào một chiếc xe không có nhãn hiệu cảnh sát.

Bà bị tra tấn tại trại tạm giam huyện Cử và sau đó được đưa đến Bệnh viện Tâm thần Đạt Châu, ở đây, bà bị tiêm các loại thuốc không rõ nguồn gốc và bị bức thực.

Vào ngày 23 tháng 8 năm 2011, Tòa án huyện Cử đã kết án bà Hồ bảy năm tù, dựa trên những lời chứng ngụy tạo từ các quan chức thôn, họ cáo buộc bà phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Bà đã bị đưa tới Nhà tù Nữ Giản Dương vào ngày 8 tháng 12.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/9/23/431797.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/10/4/196022.html

Đăng ngày 25-10-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share