Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 19-07-2021] (Tiếp theo Phần 1)

Trại lao động cưỡng bức Thẩm Tân

Vào ngày 10 tháng 5 năm 2001 bà Chu và tám học viên bị chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức Thẩm Tân ở Thẩm Dương và một lần nữa bị ngược đãi.

Thức ăn mà họ được cung cấp hầu như không thể ăn được, thường là súp bắp cải lấm bẩn và bánh bột ngô mốc nửa sống nửa chín. Họ bị ép đi bộ liên tục, tập bài tập vận động mạnh, nhổ cỏ và điểm danh. Họ cũng bị ép phải xem các video phỉ báng Pháp Luân Công. Sau khi trở thành đối tượng bị tẩy não, bà Chu bắt đầu phản đối bằng cách từ chối làm việc hoặc tập các bài tập vận động mạnh.

Một ngày nọ, khi một đoạn video phỉ báng Pháp Luân Công đang được chiếu, bà Chu với vẻ yếu ớt sau thời gian dài bị ngược đãi đã loạng choạng đến chỗ TV và rút phích cắm. Lính canh đã bao vây và đánh đập bà. Sau đó, một học viên khác đứng lên và nói: “Tôi cũng không muốn xem.” Kết quả cả hai người phụ nữ đều bị biệt giam và bị treo lên. Các đội trưởng Quách Dũng và Tống Hiểu Thạch đã đánh họ nhiều lần.

Mặc dù đang trong tình trạng yếu ớt và bị treo lên, bà Chu vẫn nói với những người lính canh bằng một giọng yếu ớt rằng đừng bức hại những người tốt. Đổi lại, các lính canh đã cười nhạo và chế giễu bà và nói rằng: “Bà trông thực sự thoải mái.” Bà đã bị biệt giam trong ba ngày.

Một lần khi chồng và con trai đến thăm bà, một người lính canh đã lừa chồng bà để lại 500 nhân dân tệ để bà mua thức ăn bổ dưỡng vì bà đang trong tình trạng tồi tệ nhưng thực tế bà không bao giờ được nhận bất kỳ khoản tiền nào.

Bệnh viện nhà tù

Hai ngày sau khi biệt giam, bà Chu bị đưa đến Nhà tù Đại Bắc và bị giam trong tầng hầm bệnh viện. Ở đó, bà gặp các học viên bà Doãn Lệ Bình và bà Trâu Quế Vinh.

Các lính canh bắt đầu từ chối việc gia đình thăm bà Chu vì bà từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Gia đình cũng không được phép gửi tiền mặt cho bà, vì vậy bà không thể mua những thứ cần thiết như giấy vệ sinh và xà phòng.

Các lính canh tra tấn bà Chu và các học viên khác bằng cách còng tay và cùm chân và trói họ vào giường trong tư thế đại bàng sải cánh. Khi họ bắt đầu tuyệt thực để phản đối sự tra tấn, lính canh đã đánh đập và bức thực họ bằng nước muối và bột ngô sống. Ống dẫn thức ăn đã làm hỏng thực quản của bà Chu và bà bị nôn ra máu. Từng mảng tóc của bà bị kéo ra. Một y tá đã rất đau lòng khi thấy bà bị tra tấn như vậy. Ngày hôm sau, cô ấy mang sữa bột từ nhà cho bà Chu và nói rằng cô không thể ngủ được vào đêm hôm trước và đã khóc rất lâu.

Vào ngày thứ 11 tuyệt thực, nhiệt độ của bà Chu là 40 độ C và tim bà đập 150-160 lần mỗi phút. Điện tâm đồ của bà không đều và bà không thể đi lại được. Bà được chẩn đoán mắc bệnh suy tim và thận. Một tù nhân đã đưa bà ra khỏi tầng hầm.

Gia đình đã tuyệt vọng trong việc đưa bà về nhà và trả 3.000 nhân dân tệ để trả tự do cho bà. Để trốn tránh trách nhiệm của mình, các quan chức nhà tù đã trả tự do cho bà vào ngày 10 tháng 8 năm 2001.

Bị sa thải

Gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của bà đã khóc khi thấy bà chỉ còn da bọc xương. Khi bà khỏe hơn, bà đã yêu cầu giám đốc bệnh viện Lý Học Trung khôi phục công việc cho bà. Nhưng Lý yêu cầu bà trước tiên phải viết một lá thư từ bỏ Pháp Luân Công.

Bà cũng đã gặp Lý Mãnh, trưởng phòng Nhân sự của bệnh viện, vài lần về việc quay trở lại làm việc. Cuối cùng họ nói với bà rằng bà không còn là nhân sự làm việc cho bệnh viện nữa. Khi bà hỏi điều đó đã xảy ra khi nào, Lý Mãnh nói: “Không cần thủ tục, đó là một chỉ thị sa thải.” Ông ta thậm chí còn gọi cho đồn công an và bảo họ bắt bà Chu.

Bắt giữ và thẩm vấn bằng cách tra tấn

Vào ngày 31 tháng 10 năm 2001 bà Chu đã bị báo cáo với nhà chức trách khi bà đang phân phát thông tin về Pháp Luân Công. Bà lại bị bắt và đưa đến Đồn Công an Ủng Chánh ở thành phố Đại Liên. Khi một cảnh sát trẻ hỏi tên và bà không trả lời, anh ta đã đánh bà. Bà bị trói vào ghế cọp qua đêm với tay bị còng.

Hai sĩ quan mặc thường phục lại thẩm vấn bà vào sáng sớm hôm sau và đánh đập bà dã man. Vào khoảng 8 giờ sáng bà bị chuyển đến Công an quận Kim Châu và bị đánh một lần nữa trong cuộc thẩm vấn của họ. Nhưng bà vẫn từ chối cho biết tên hoặc ký bất kỳ tài liệu nào.

Bà Chu sau đó đã bị đưa đến trại tạm giam quận Kim Châu. Khi bà tuyệt thực trong 11 ngày, bà đã bị đánh đập và bức thực. Vào ngày 11 tháng 11 năm 2001 bà được thả khi đó bà đã rất yếu.

Gia đình tan vỡ

Sau khi bà Chu được thả, cảnh sát liên tục sách nhiễu bà và gia đình và theo dõi bà. Chồng của chị họ bà đã bị triệu tập đến đồn công an và thẩm vấn sau khi bà Chu ở nhà của họ vài ngày. Các viên chức của Trại Lao động Cưỡng bức Thẩm Tân cũng thỉnh thoảng gọi điện để sách nhiễu và kiểm tra bà đồng thời yêu cầu bà trở lại và hoàn thành nốt thời gian thụ án. Thậm chí, chị gái và em trai của bà thường xuyên nhận được những cuộc gọi sách nhiễu.

Khi lính canh Đặng Dương từ Trại lao động cưỡng bức Thẩm Tân gọi điện và hỏi đường đến nhà của bà, bà đã bỏ đi để tránh bị đưa trở lại trại, bà thậm chí không dám gọi điện về nhà.

Không thể tìm thấy bà, cảnh sát liên tục gọi đến nhà bà và đến nơi làm việc của chồng bà để sách nhiễu ông. Chồng bà đã bị áp lực bởi đồn công an, trại lao động cưỡng bức và người chủ của vợ chồng ông. Ông sống trong sợ hãi và lo lắng rằng vợ mình sẽ bị bắt lại. Khi bà Chu lẻn về nhà vào một đêm, chồng bà nói với bà rằng ông không thể sống như vậy được nữa và muốn ly hôn. Gia đình hạnh phúc của họ nay đã tan vỡ.

Không có nhà và không có thu nhập, bà Chu phải làm những công việc lặt vặt để kiếm sống. Bà cũng phải trông chờ vào sự giúp đỡ từ bạn bè và người thân. Bà phải trốn cảnh sát và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một công việc ổn định. Một lần bà bắt đầu làm việc tại một phòng khám, nhưng ông chủ buộc phải cho bà nghỉ vào ngày hôm sau sau khi ông biết về sự việc của bà.

trại tạm giam thành phố Thiết Lĩnh

Vào ngày 8 tháng 10 năm 2002, bà Chu được mời đến ở một vài ngày tại nhà của một người bạn của bà tại thành phố Thiết Lĩnh. Vào đêm muộn hôm đó, 4 cảnh sát đã phá cửa xông vào, họ đánh bà Chu và bắt giữ cả bà lẫn bạn của bà.

Bà Chu bị đưa đến trại tạm giam Thành phố Thiết Lĩnh vào ngày hôm sau. Các lính canh đã quát mắng bà bằng loa mỗi ngày. Họ trói bà trên sàn nhà trong tư thế đại bang sải cánh trong vòng một tháng và tra tấn bà suốt ngày đêm. Nhiệt độ bên ngoài là -5 độ C, vì vậy lính canh đã mở cửa sổ và bà chỉ được mặc một lớp quần áo mỏng. Các tù nhân được lệnh dẫm lên người bà.

Các lính canh đã xích chân và cổ bà lại với nhau và gắn dây xích xuống sàn nhà. Bà đã rất đau đớn khi ở tình huống đó. Bà đã không lấy lại được cảm giác ở chân phải của mình cho đến tận sáu tháng sau khi bà được thả.

Bác sĩ của trại giam, Tiền Đại Bằng, đã bức thực bà Chu một cách dã man trong khi bà bị giữ dưới sàn nhà. Anh ta tát thẳng vào mặt bà khi vừa đút ống thông dạ dày đồng thời chửi bới và quát tháo. Mặt bà sưng lên và đầy vết bầm tím. Anh ta bức thực bà một lượng lớn nước từ nhà vệ sinh hoặc dung dịch nước muối đậm đặc trong thời gian rất ngắn để làm cho bụng bà căng lên và khiến bà đau đớn. Anh ta đã không rút ống thông dạ dày trong một tháng cho đến khi dạ dày của bà chảy máu và ống dính đầy mủ và máu.

Trong thời gian này, bà Chu bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia ba lần nhưng không lần nào được nhận vì không đủ điều kiện sức khỏe.

Vào ngày 9 tháng 12 năm 2002 bà Chu được thả chỉ sau khi tính mạng của bà một lần nữa gặp nguy hiểm và bà được chẩn đoán mắc bệnh suy tim và thận. Nhà chức trách đã tống tiền gia đình bà 4.000 nhân dân tệ trước khi thả bà.

Suýt mất mạng khi bị giam giữ lần thứ năm

Vào ngày 11 tháng 1 năm 2003 sau khi bà Chu ở nhà em trai một tháng, bà lại bị bắt tại nhà của một học viên khi các nhân viên Công an quận Trung Sơn xuất hiện để bắt đồng tu của bà. Bà bị giam trong tầng hầm của sở cảnh sát trong hai ngày trước khi bị đưa đến trại tạm giam thành phố Đại Liên.

Sau khi bị thiếu thức ăn và nước uống trong 20 ngày trong trại tạm giam, cơ thể bà trở nên cứng đờ và lạnh lẽo, bà hầu như không thể cử động mắt. Cảnh sát đã tống tiền gia đình bà 1.000 nhân dân tệ khác và thả bà vào đêm trước Tết Nguyên đán ngày 30 tháng 1 năm 2003.

Nỗi đau khổ của gia đình và cái chết của mẹ bà

Anh rể của bà Chu đã đón bà tại trại tạm giam và đưa bà đến nhà em trai của bà. Mẹ bà, chị gái, anh rể, em trai và em dâu đều có mặt ở đó, tâm trạng vô cùng buồn bã.

Bên cạnh áp lực tinh thần liên tục và sự đau khổ vì nhiều lần bị giam giữ, họ cũng phải chịu đựng tổn thất về mặt tài chính. Gia đình chị gái và anh trai của bà không khá giả, và mẹ bà không có lương hưu, vì vậy họ phải tìm mọi cách kiếm tiền để có thể trả tự do cho bà Chu. Họ đã bị tống tiền hơn 13.000 nhân dân tệ.

Sau đó, bà Chu đã sống với mẹ mình ở một nơi cho thuê và không giao tiếp với các thành viên khác trong gia đình vì sự an toàn của họ. Họ đã phải chuyển nhà 4 lần trong nhiều năm để tránh bị theo dõi. Hoàn cảnh khó khăn và áp lực tinh thần trong thời gian dài đã hủy hoại sức khỏe của mẹ bà, bà đã qua đời vào tháng 2 năm 2006.

(Hết)

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/7/19/428359.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/26/195908.html

Đăng ngày 22-10-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share