Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại Đức

[MINH HUỆ 27-07-2021]

Kính chào Sư phụ tôn kính!

Xin chào các bạn đồng tu!

Sư phụ đã giảng:

“Nhất là giờ đây trong xã hội này, như mọi người đều thấy, những thứ tiêu cực quá nhiều rồi, dẫn động chấp trước [của] con người, động chạm đến tâm hồn của người ta, khiến con người thế gian không ngừng [bị] kéo xuống; điều ấy rất đáng sợ. Đệ tử Đại Pháp là người tu luyện, chứ không phải Thần tu luyện; là người trong tu luyện, do đó sẽ bị can nhiễu hoặc nhiều hoặc ít. Nếu không giữ mình được vững, vậy thì giống như người thường, biểu hiện trong can nhiễu không có khác biệt gì so với người thường. Có học viên chẳng có gặp phải ma nạn gì, dần dần không tinh tấn nữa, trên thực tế chính là sinh ra chấp trước khi đối [mặt] với các chủng loại dụ hoặc của xã hội người thường, bị những hấp dẫn trong xã hội kéo xuống.” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York năm 2009)

Trước đây tôi từng nghĩ rằng mình không có bất cứ dục vọng hay chấp trước nào. Nếu các học viên chia sẻ rằng họ có chấp trước hoặc các chủng nhân tâm, tôi thường nghĩ: “Tại sao rõ ràng biết đó là chấp trước mà không thể buông bỏ? Những chuyện này có gì đáng để chấp trước? Sao họ lại có những tâm như vậy?” Do vậy vào thời kỳ đầu, tôi vẫn luôn nghĩ rằng, mặc dù tu luyện không dễ dàng, nhưng cũng không khó. Tôi không có chấp trước mà người khác có. Hơn nữa, tôi có thể nhanh chóng buông bỏ những chấp trước và quan niệm người thường một khi tôi nhận ra chúng.

Nhưng từ khi bắt đầu đảm nhận công việc hiện tại của mình, tôi thấy mọi việc giống như Sư phụ đã giảng. Những ma nạn học viên gặp phải, có những cái sẽ biểu hiện một cách rõ ràng, nhưng những ma nạn đó không phải lúc nào cũng tồn tại. Làm một người tu luyện, các loại cám dỗ hằng ngày mà chúng ta có thể gặp trong những lúc lơ đãng mới là nguy hiểm nhất. Chính niệm không thanh tỉnh, cùng với sự phóng túng, giải đãi, dù vô ý hay hữu ý, đều sẽ dễ dàng khiến chúng ta đi chệch khỏi con đường tu luyện.

Vì làm việc ở Munich nhưng sống ở một thành phố khác, nên tôi phải đi làm bằng tàu hỏa. Mỗi ngày đều ở bên ngoài suốt 12 tiếng đồng hồ. Khi về nhà, tôi đọc email và làm các hạng mục. Buổi tối, thời gian trôi thật nhanh, tôi chưa kịp làm gì đã tối muộn rồi. Lúc đầu, tôi vẫn có thể kiên trì thức dậy sớm luyện công mỗi buổi sáng và học Pháp trên tàu. Sau giờ làm việc, tôi làm hạng mục truyền thông. Vào những buổi cuối tuần khi các học viên tổ chức các hoạt động giảng chân tướng về cuộc bức hại, tôi thường xin nghỉ một ngày để có thể tham gia. Lúc đầu, tôi không nhận ra có vấn đề gì, nhưng sau một thời gian, tôi bắt đầu thấy có một số vấn đề về sức khoẻ. Thời gian sau đó, tôi chỉ luyện công một tiếng đồng hồ mỗi buổi sáng thay vì hai tiếng. Trên tàu, tôi không thể tập trung khi học Pháp và trở nên buồn ngủ. Sau giờ làm việc, tôi không tinh tấn và cảm thấy không đủ năng lượng để làm các việc trong hạng mục truyền thông. Vào các ngày thứ bảy, tôi cũng gặp nhiều khó khăn khi tham gia các hoạt động.

Tôi đã nghĩ rằng mình không thể làm gì hơn trong tình huống này, vì vậy tôi chỉ biết thuận theo an bài này. Ban đầu, tôi không để ý có điều gì đặc biệt, tuy nhiên, sau một thời gian một số triệu chứng xuất hiện trên thân thể tôi. Đầu tiên, tóc của tôi chuyển sang màu xám chỉ sau một đêm. Sau đó, cơ thể tôi bị phù lên. Chân của tôi trở nên to gấp đôi. Đôi khi tôi không thể ngồi trong tư thế song bàn. Khi đứng trong hơn 10 phút, cổ chân của tôi thấy rất đau. Khi chạy lên xuống cầu thang, tôi thấy rất khó thở. Ngoài ra, tôi thường xuyên cảm thấy đau ở đầu gối. Đây là một số thay đổi về thể chất mà tôi đã nhận thấy, nhưng tư tưởng của tôi còn có nhiều thay đổi hơn nữa.

Lúc mới đến nơi làm việc, tôi không nói chuyện nhiều, tôi không có hứng thú với các chủ đề mà đồng nghiệp thảo luận, vì họ không phải là học viên. Tôi chỉ lắng nghe khi họ nói chuyện. Bất kể khách hàng cư xử tệ như thế nào, hay trong công việc gặp khó khăn gì, tôi chỉ mỉm cười. Một từ mà tôi thường nói có lẽ là “Xin lỗi.” Các đồng nghiệp thường bảo vệ tôi khi tôi gặp những khách hàng quá khó ưa, vì họ không thể tiếp tục chứng kiến cách tôi bị đối xử. Họ hỏi tôi nhiều lần tại sao tôi không tức giận hay phàn nàn. Trên thực tế, họ đã không còn dùng những lời nói tục trước mặt tôi nữa. Họ cho rằng tôi là người quá mềm yếu và dễ bắt nạt, nên thỉnh thoảng họ cố gắng dạy tôi cách đối phó với những khách hàng vô lý và bảo vệ quyền lợi của bản thân. Tôi biết họ có ý tốt, vì vậy tôi đã cảm ơn họ. Nhưng tôi đã không nhận ra rằng trong quá trình đó, tâm thái của tôi đã dần dần cải biến.

Một ngày nọ, một vài khách hàng người Trung Quốc đang tranh cãi về chính sách giảm giá của cửa hàng. Tôi đã không kiểm soát được tâm tính của mình nên đã nổi nóng và hành xử thiếu lịch sự. Trước đó khi tôi tỏ thái độ thân thiện thì họ lại cư xử quá đáng, còn khi tôi thay đổi thái độ, thật bất ngờ họ lại không tức giận nữa mà chỉ lịch sự mua hàng và rời đi. Sau khi các đồng nghiệp lần đầu tiên nhìn thấy tôi tức giận, họ đã khen ngợi tôi vì đã bảo vệ quyền lợi của mình. Thực tế, tôi biết rằng mình đã sai, nhưng mọi người đều rất vui. Trên thực tế, đó là lúc suy nghĩ của tôi bắt đầu không chính rồi. Tôi đã không nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề này vào thời điểm đó, và bỏ qua niệm bất chính này.

Kể từ đó, tôi đã bất tri bất giác rơi vào một vòng xoáy. Dần dần tôi không khống chế được sự nóng giận của mình, dễ dàng trở nên nóng nảy. Tôi thường chỉ trích mọi người vì những chuyện vặt vãnh. Tôi cũng bắt đầu thích nói chuyện với mọi người về chủ đề của người thường, và cứ vậy, các đồng nghiệp của tôi bắt đầu sử dụng những lời nói tục và kể những câu chuyện cười tục tĩu trước mặt tôi.

Trên thực tế, khi hồi tưởng lại tôi có thể thấy rằng những gì tôi làm không hề đạt tiêu chuẩn của người tu luyện. Lý do khiến tôi phóng túng bản thân và rớt xuống là vì tôi cảm thấy mình đúng và muốn bảo vệ quyền lợi của bản thân. Tôi nghĩ rằng mình không làm gì sai, và đã tính toán quyền lợi và sự được mất của bản thân. Nhưng tôi đã quên rằng tôi là một người tu luyện. Một người tu luyện nên hành động dựa trên Pháp, không phải dựa trên lý của con người. Các quyền lợi và lý của người thường là dành cho người thường và người thường có thể theo những cái lý này mà hành xử. Nhưng, một người tu luyện nên làm như thế nào? Những gì người ta tranh đấu để đạt được về cơ bản là lợi ích cá nhân, thứ mà một người tu luyện không nên truy cầu. Nhưng, khi tôi bị mắc kẹt, tôi đã không nhận ra điều đó. Ngược lại, tôi đã lạc hướng và vẫn vui mừng vì những gì mình đã giành được.

Trong cuộc sống hằng ngày, đặc biệt là trong công việc, tôi luôn tiếp xúc với những cám dỗ lớn nhỏ. Lớn – như tiền, và nhỏ – như đồ ăn ngon. Nếu không cẩn thận, các chấp trước sẽ phát triển. Tôi đã muốn ăn mặc đẹp hơn, và tôi bắt đầu chú ý hơn đến ngoại hình của mình.

Như đã đề cập trước đó, cơ thể tôi đã phù lên và béo ra. Tôi đã tăng 30 kg trong vòng vài tháng. Ngoài ra, khi làm việc hoặc đi trên đường, dù hữu ý hay vô ý, tôi đều chú ý đến những ai có dáng người đẹp. Vì vậy, tôi cũng chú ý hơn đến vóc dáng kỳ cục của mình. Những cảm giác như ghen tị và tự ti luôn đan xen lẫn nhau trong tâm trí tôi. Lúc đó, luôn có một giọng nói vang lên: “Đây không phải là con người thật của mình, đây không phải là hình dáng ban đầu của mình. Cơ thể con người của mình chỉ là một cái vỏ.“ Nhưng, tôi đã bị lấp đầy bởi những quan niệm người thường, và không thể dùng chính niệm để nhận thức vấn đề này. Tôi đã đánh mất trạng thái của một người tu luyện, không hướng nội, và sử dụng các cách thức của con người để giảm cân. Tôi đã theo dõi chế độ ăn của mình, tập thể dục và thử tất cả các phương pháp giảm béo, nhưng hiệu quả rất ít hoặc không có. Tôi còn xuất hiện hiệu ứng yoyo và thậm chí còn tăng cân hơn trước.

Một ngày nọ, tôi đang nửa tỉnh nửa mê, cảm thấy ý thức của mình dường như đang thăng lên, nhưng cơ thể vẫn ở bên dưới, hơn nữa còn ngày càng nặng nề hơn. Cứ như thể tôi bị rơi xuống bùn và không thể gượng dậy được. Sau khi tỉnh dậy, tôi đột nhiên nhận ra rằng thời gian vừa rồi tôi đã hoàn toàn bị hãm nhập trong quan niệm người thường, và nguyên thần của tôi bị gắn liền với thể xác ngày càng nặng nề này.

Sau khi nhận ra điều này, tôi bắt đầu chính lại bản thân. Tôi đã bắt đầu quay lại thời gian biểu giống trước đây, luyện công vào sáng sớm, buổi tối tôi làm các hạng mục, học Pháp trên tàu và luyện công với các học viên khác trong công viên vào cuối tuần. Đồng thời tôi bắt đầu tham gia vào một hạng mục khác. Dường như tất cả thời gian của tôi đều đã dùng hết.

Sau khoảng nửa năm, thân thể tôi bắt đầu có những biến hóa. Thỉnh thoảng tôi cảm thấy có chút phiền não. Càng kỳ lạ hơn nữa, những chấp trước tôi vốn chưa bao giờ có, nay lại lần lượt xuất hiện. Tôi ghen tị khi đồng nghiệp được khen ngợi. Khi nhìn thấy những người có bề ngoài đẹp hoặc những điều tốt đẹp tôi liền động tâm. Lòng tham của tôi nảy sinh khi khách hàng thưởng tiền cho tôi. Tôi thèm đồ ăn ngon và đã ăn rất nhiều trong thời gian đó. Tôi lo lắng sợ bị ốm và sợ chết. Tôi bị lạc vào những thứ của người thường, tôi hay nổi nóng và phàn nàn, v.v.

Vấn đề nằm ở đâu? Tại sao mọi thứ lại trở nên tồi tệ hơn, mặc dù tôi đã quay trở lại với thời gian biểu trước đây? Chẳng lẽ vẫn còn chấp trước căn bản cứng đầu nào mà tôi chưa tìm ra? Tôi liền xem xét lại tâm thái của mình, xuất phát điểm của việc muốn chính lại bản thân là gì? Tôi đã phát hiện ra trong đó có rất nhiều nhân tâm, thậm chí còn có tâm tham lam và tâm sợ hãi. Tôi đã lo lắng vì cơ thể của tôi đang xấu đi. Tôi tự hỏi liệu tôi có biến thành một người thường về mặt sức khỏe hay không. Vì sợ bệnh tật và lão hóa, tôi muốn thông qua tu luyện để đạt được sức khỏe tốt nhất và lấy lại thân hình mà mình đã có được trước đây. Về cơ bản, tôi đã chấp trước vào vẻ bề ngoài và thân thể người thường này.

Sư phụ đã giảng rõ trong cuốn Chuyển Pháp Luân và các bài giảng trước đây về vấn đề truy cầu. Sư phụ giảng:

“Là vì tâm chấp trước của họ quá mạnh mẽ, ôm giữ tâm hữu cầu mà học Đạo thì không được đâu, tâm địa của họ bất chính, thì sư phụ cũng không cách nào bảo hộ họ được. Do đó, người luyện công nhất định phải giữ gìn vững chắc tâm tính, tâm chính vô sở cầu, nếu không sẽ có thể xuất hiện vấn đề.” (Pháp Luân Công, Chương 1)

Sư phụ cũng giảng:

“Có người nói ‘tôi cảm thấy mình rất là thuần tịnh’, nhưng thực ra không phải, mang theo rất nhiều tạp niệm, mang theo rất nhiều những thứ mà hậu thiên dưỡng thành. Thậm chí chư vị cảm thấy một niệm kia rất đơn giản thôi, nhưng có thể cơ điểm hay [nguyên] nhân khởi lên của nó, hay những thứ bám theo đều là bất thuần.” (Giảng Pháp ở Pháp hội tại Vùng đô thị New York năm 2013)

Khi tôi học lại bài “Giảng Pháp ở Pháp hội tại Vùng đô thị New York năm 2013”, tôi bắt đầu thấy những vấn đề mà mình đã bỏ qua trước đó. Hơn nữa, tôi cũng nhận thấy rằng mình đã đi lệch ngày càng xa so với xuất phát điểm tu luyện của mình. Đặc biệt, khi tôi thực sự tiếp xúc với xã hội người thường, tôi đã rơi vào một hố bùn với đầy những cám dỗ. Mặc dù tôi đã tu luyện, nhưng mọi suy nghĩ của tôi đã không còn thuần tịnh nữa. Khi hướng nội, tôi tìm thấy một chấp trước cơ bản khác, đó là sự lười biếng, mà tôi chưa bao giờ nhận ra trước đây.

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình lười biếng. Nhưng, khi tôi nhận ra nó, tôi nhận ra rằng mình đã có chấp trước này trong phần lớn thời gian cuộc đời mình. Khi tôi học cấp hai, tôi đã lười biếng rồi. Với lý do việc học hành quá khó, tôi đã dành thời gian ngủ nhiều hơn, thích ăn nhiều và không thích vận động. Do vấn đề về tim nên tôi luôn vắng mặt trong lớp thể dục. Tôi trở nên ngày càng lười biếng hơn. Trước khi tôi bắt đầu tu luyện Đại Pháp ở trường đại học, tôi luôn là người béo nhất trong lớp. Sau khi tôi bắt đầu tu luyện Đại Pháp, tôi đã luyện công trong hai tiếng vào buổi sáng mỗi ngày và học Pháp với các đồng tu vào buổi tối, bất kể giá lạnh hay nắng nóng, tôi cũng không hề gián đoạn. Dần dần tôi đã giảm cân, tôi thậm chí còn không nhận thấy điều đó, nhưng mẹ tôi đã rất ngạc nhiên khi bà đến thăm tôi tại trường đại học.

Sau khi sang Đức, tôi tiếp tục tu luyện. Nhưng, sau một thời gian, và sau khi tôi tham gia vào một số hạng mục mới, tôi trở nên bận rộn. Từ lúc nào không hay, tôi đã lặp lại thói quen cũ. Khi tôi không có gì để làm, tôi liền ngủ nhiều hơn. Cuối cùng sau khi thức dậy, tôi học Pháp và luyện công. Lúc đó tôi không nghĩ rằng mình đã làm gì sai. Các học viên thỉnh thoảng nói với tôi rằng tôi đã tăng cân và khuyên tôi nên giảm cân. Tôi thấy điều đó thật xấu hổ và trả lời: “Đúng vậy! Đúng vậy.“ Tôi chỉ cười và không đặt tâm lắm đến điều đó, tôi cũng không thấy có vấn đề gì.

Trong những năm đầu đi làm, tôi vẫn tiếp tục học Pháp và luyện công. Nhưng, đầu óc tôi luôn ngổn ngang nhiều suy nghĩ. Tôi bắt đầu lo lắng, vì vậy chất lượng cuộc sống của tôi kém hơn trước. Bên cạnh đó, tôi lại tăng cân. Tôi vẫn béo, mặc dù có lúc tôi giảm cân, trong khi những lúc khác tôi lại tăng cân.

Sư phụ giảng:

“tính lười của con người, các loại quan niệm của con người, những hiện tượng tạp loạn ở xã hội trước mặt, đối với người ta đều tạo thành các loại can nhiễu dẫn dụ, nên có câu rằng “tu luyện như thuở đầu, ắt sẽ thành viên mãn.” (Giảng Pháp ở Pháp hội tại Vùng đô thị New York năm 2013)

Sau khi đọc đoạn kinh văn trên lần đầu tiên, tôi nhận thấy rõ ràng từ “lười.” Cũng là lần đầu tiên, tôi nhận ra rằng sự lười biếng và những thói quen liên quan đã ăn sâu vào tôi trong một thời gian dài. Sự lười biếng có thể là một phẩm chất vô hình, nhưng nó thể hiện trong tôi dưới dạng mà tôi có thể nhìn thấy ngay lập tức. Nhưng tôi đã quen với nó, coi nó như một thứ hiển nhiên và chấp nhận nó.

Sau khi nhận ra chấp trước ngoan cố này, vốn đã ẩn giấu trong tôi hơn 10 năm, tôi lập tức cảm thấy cơ thể mình nhẹ nhàng hơn. Đây là cảm giác mà tôi luôn có trong giai đoạn đầu tu luyện. Chỉ là sau một thời gian, tôi không còn cảm giác này nữa. Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc và an hòa khi cảm giác đó quay trở lại.

Trải nghiệm này đối với tôi mà nói chỉ là một ma nạn sinh tử, nhận ra chấp trước của bản thân, đối mặt với vấn đề của bản thân, cũng chỉ là bước đầu tiên, làm thế nào để tu bỏ chấp trước này, không để nó mê hoặc, đó mới là khảo nghiệm thực sự mà tôi phải đối diện. Bài học này khiến tôi nhìn nhận lại việc tu luyện và thái độ của tôi đối với tu luyện. Vấn đề không phải là việc tu luyện khó hay dễ, mà đó là sự nghiêm túc và không phải trò đùa con trẻ. Nhất tư nhất niệm đều đang quyết định con đường tu luyện là chính hay không chính, có bước tiếp được hay không, có ảnh hưởng tới việc có thể tu lên trên hay rớt xuống dưới.

Sư phụ giảng:

“Người tu luyện qua thời gian tu luyện lâu mà vẫn bảo trì một mạch chính niệm rất mạnh, bảo trì tâm cảnh thời mới đầu đắc Pháp, tâm thái thuần tịnh như thuở đầu ấy, thì quả thực rất xuất sắc, ngay cả Thần nhìn thấy cũng nói chư vị xuất sắc.” (Giảng Pháp ở Pháp hội tại Vùng đô thị New York năm 2013)

Tôi vẫn là một người mới bắt đầu trên con đường tu luyện. Tôi nên coi mình là người mới, học Pháp bằng tâm thái khiêm nhường và tu luyện bản thân. Khi học Pháp, tôi cần liên tục chính lại mọi suy nghĩ của mình và buông bỏ các chấp trước bằng cách hướng nội. Có thể có nhiều trở ngại hơn trong tương lai, hoặc chấp trước này khác có thể xuất hiện, nhưng tôi sẽ luôn nhắc nhở bản thân phải bảo trì cảnh giới như những ngày đầu tu luyện.

Con xin cảm tạ ơn cứu độ của Sư phụ từ bi vĩ đại.

Xin cảm ơn các đồng tu.

(Bài chia sẻ được trình bày tại Pháp hội Đức 2021)

[Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.]


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/7/27/428761.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/7/28/194312.html

Đăng ngày 19-09-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share