Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Mexico

[MINH HUỆ 04-08-2021] Con xin kính chào Sư phụ tôn kính! Xin chào các bạn đồng tu!

Tôi là một học viên 27 tuổi đến từ Mexico, và tôi đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được 9 năm. Tôi muốn chia sẻ với các bạn về quá trình tôi đã trải qua để tìm kiếm pháp môn tu luyện tuyệt vời này, cũng như cuộc đời tôi đã cải biến ra sao kể từ khi bước vào tu luyện. Đồng thời tôi cũng muốn chia sẻ về những trải nghiệm tu luyện đầu tiên của bản thân, có lẽ sẽ giúp ích cho những học viên mới bắt đầu tu luyện.

Tìm kiếm con đường quy chân

Tôi sinh ra trong một gia đình còn lưu giữ nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp. Từ nhỏ, tôi đã được nuôi dưỡng tín tâm và sự kính ngưỡng đối với Thượng Đế. Nhưng khi tôi lớn hơn và nhận thức được thế giới xung quanh mình, tôi nhận ra nó đã vô cùng bại hoại, và tôi cảm thấy rất thất vọng. Thậm chí tôi còn dao động tín ngưỡng đối với Thượng Đế và các vị Thần – tôi bắt đầu tự coi mình là một người vô thần và ủng hộ chế độ cộng sản. Việc truy cầu danh lợi đã chiếm cứ miền đất tịnh thổ trong tâm hồn tôi.

Sau đó, tôi nhận ra rằng trạng thái truy cầu danh lợi này không làm cho tôi hạnh phúc. Ngoài việc khiến bản thân trở nên rất mệt mỏi thì nó không có gì tốt đẹp hơn. Tôi vẫn là người như vậy, nhưng nội tâm thì trống rỗng. Tôi ý thức được mình tất yếu phải cải biến trạng thái này.

Cuối cùng đến một ngày, tôi đã cầu xin Thượng đế tha thứ và chân thành thỉnh cầu Ngài giúp tôi tìm ra con đường quy chân của sinh mệnh. Vì vậy, cùng với nguyện vọng trở thành một người tốt và buông bỏ tâm tranh đoạt danh lợi, tôi đã bắt đầu làm việc để cải thiện bản thân. Nhưng giữa một thế gian suy bại dối trá này, tôi có thể tìm thấy con đường quy chân ở đâu đây? Việc này dường như rất khó khăn.

Vào một ngày tháng 6 năm 2012, tôi “tình cờ” nghe được một chút những giáo lý cơ bản của Phật Thích Ca Mâu Ni, giảng về nhân loại đang ở trong cõi mê và chấp trước vào những thứ phù phiếm của thế gian. Qua đó tôi biết được rằng cách duy nhất để thoát khỏi bể khổ luân hồi là tìm ra và lĩnh ngộ chân lý của vũ trụ thông qua tham thiền đả toạ. Tôi không biết tại sao mà những điều này lại cộng hưởng trong tâm tôi và gây cho tôi ấn tượng sâu sắc đến vậy. Vì thế tôi bắt đầu có hứng thú với đả tọa.

Trong khoảng thời gian đó, tôi bắt đầu theo học âm nhạc tại một trường nghệ thuật và âm nhạc có tiếng trong vùng. Vào một ngày tháng 9, khi đang đi dọc hành lang chính của trường, tôi đã bị chấn động khi nhìn thấy một số bức tranh được trưng bày trên các bức tường của trường học. Tòa nhà này vốn là một trường nghệ thuật, nên việc nhìn thấy các loại triển lãm khác nhau là điều rất bình thường, nhưng ngày hôm đó tôi nhận ra những bức tranh được treo này hoàn toàn không phải là một triển lãm bình thường.

Tôi đặc biệt ấn tượng trước một bức tranh mô tả cảnh các học viên Pháp Luân Đại Pháp bị cưỡng bức mổ lấy nội tạng. Điều này khiến tôi bị sốc đến mức tôi đã tiếp cận ngay với một trong số những người đang giải thích về nội dung triển lãm để giải khai khúc mắc trong tâm. Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói đến Pháp Luân Đại Pháp và cuộc bức hại tàn khốc mà các học viên ở Trung Quốc phải trải qua.

Tôi được tặng một cuốn sách nhỏ chứa thông tin Pháp Luân Đại Pháp. Trên trang bìa, tôi nhận thấy dòng chữ: “Chân, Thiện, Nhẫn” và tôi nghĩ: “Chân” – đây chính là thứ mà tôi đang tìm kiếm!

Lúc đó tôi vẫn còn học trung học và chúng tôi đang tham gia một khoá học gọi là phương pháp nghiên cứu. Khi làm bài tổng kết cuối khoá, tôi được yêu cầu nghiên cứu và phơi bày một vấn đề xã hội còn tồn tại hiện nay. Tôi quyết định lựa chọn cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc làm đề tài nghiên cứu của mình.

Tôi bắt đầu tìm hiểu xem Pháp Luân Đại Pháp là gì, Sư phụ pháp môn là ai và tại sao các học viên lại bị bức hại. Tôi nhớ mình từng đọc được thông tin do ĐCSTQ công bố để biện hộ cho lý do bức hại Pháp Luân Đại Pháp. Những gì họ nói hoàn toàn nực cười và vô lý.

Vì là một phần trong đề tài nghiên cứu của tôi và cũng bởi vì tò mò nên tôi đã đến điểm luyện công duy nhất trong thành phố để học các bài công pháp. Tôi nhớ người phụ đạo viên đã giải thích các động tác một cách rõ ràng cho tất cả chúng tôi. Ngay khi bắt đầu luyện, tôi cảm thấy một dòng năng lượng tường hoà và tĩnh lặng thông thấu toàn thân. Mặc dù tôi nhắm mắt, nhưng mọi thứ dường như phảng phất một màu sắc trắng-vàng lấp lánh. Tôi rất thích trải nghiệm luyện công đầu tiên này của mình.

Tôi nhớ rằng khi tôi rời điểm luyện công, cơ thể tôi tràn đầy năng lượng. Đồng thời đầu não tôi cũng hết sức thanh tỉnh và tâm thái bình hoà. Kể từ tuần đó, tôi đã nhận thấy sự thay đổi của bản thân và năng lượng thuần chính tiếp tục tăng lên.

Tôi đã trình bày kết quả đề tài nghiên cứu của mình trước cả lớp. Kết luận đưa ra rất có sức thuyết phục: Pháp Luân Đại Pháp là một công pháp vô cùng tốt và cuộc bức hại ở Trung Quốc là hoàn toàn sai lầm. Chúng ta có thể giúp đỡ bằng cách ký tên thỉnh nguyện thông qua bản kiến nghị trực tuyến của DAFOH – Hiệp hội các bác sỹ chống mổ cướp tạng.

Các bạn cùng lớp và giáo viên của tôi rất kinh ngạc trước những thông tin này, và tôi là một trong những người đạt điểm số cao nhất.

Đó là lần đầu tiên tôi giảng chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Có lẽ đây là điều duy nhất và tốt đẹp nhất mà tôi có thể làm cho môn tu luyện mỹ hảo này. Mặc dù vào thời điểm đó tôi còn hiểu biết rất ít về Đại Pháp, nhưng những lợi ích mà Đại Pháp ban cho tôi lại là quá nhiều.

Thông qua các khảo nghiệm tâm tính, minh bạch được thế nào là tu luyện

Cuối tuần đó, tôi nói với phụ đạo viên tại điểm luyện công địa phương về bài nghiên cứu và vạch trần cuộc bức hại của tôi. Cô ấy rất vui và đã đưa cho tôi một cuốn sách Pháp Luân Đại Pháp để đọc. Lúc nhận được cuốn sách, nội tâm tôi phát ra niềm vui sướng và sự cảm ân chân thành khó có thể diễn đạt được thành lời.

Khi tôi đọc Luận Ngữ, tôi đã bị chấn động và tự nhủ: “Đây đích thực là điều mình đang tìm kiếm”.

Tôi bắt đầu đọc cuốn sách nhiều hơn và đã hiểu cơ bản rằng cần phải yêu cầu bản thân chiểu theo Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn trong cuộc sống hàng ngày.

Tuy nhiên trên thực tế, mặc dù tôi đã cố gắng nhưng vẫn thật khó để khống chế bản thân khi cảm thấy mình bị đối xử bất công. Có một lần, tôi đi học trễ vài phút và giáo viên không cho tôi vào lớp, mặc dù trước đó thầy chưa bao giờ nói rằng chúng tôi sẽ không được phép vào lớp nếu chúng tôi đến muộn một chút. Tôi cảm thấy không vui, nhưng tôi vẫn có thể hiểu được. Tuy nhiên trong buổi học tiếp theo, một bạn học đến muộn hơn tôi rất nhiều nhưng lại được phép vào lớp nghe giảng. Điều này làm tôi thực sự bất bình. Đôi khi thầy giáo còn pha trò giễu cợt về nhạc cụ của tôi. Tôi nhận thấy dường như thầy giáo thực sự không thích tôi.

Tôi nghĩ đến lời giảng của Sư phụ:

“Đã là người luyện công, đối với người phát sinh mâu thuẫn với chư vị, đối với người làm nhục nhã chư vị, thì chư vị không những phải nhẫn, phải có phong thái cao, mà còn phải cảm ơn họ. Nếu không có họ phát sinh mâu thuẫn với chư vị, thì chư vị làm sao có thể đề cao tâm tính, làm sao sẽ ở trong khi chịu thống khổ mà khiến vật chất màu đen chuyển hoá thành vật chất màu trắng?” (Chương III, Pháp Luân Công)

Tôi có quan điểm rõ ràng rằng không bao giờ tranh cãi với giáo viên và tôi đã nỗ lực duy trì thái độ tôn trọng giáo viên vào mọi lúc. Sau hơn 3 năm tham gia lớp học của thầy, cuối cùng tôi đã học được rất nhiều điều.

Vào năm 2012, trong số 50 sinh viên bắt đầu học âm nhạc, chỉ có 7 người trong chúng tôi hoàn thành việc học vào năm 2015. Qua thời gian, tôi phát hiện ra thái độ nghiêm khắc của thầy giáo đối với tôi đã giúp tôi không rơi vào trạng thái tự mãn trong học tập. Mặc dù cuối cùng tôi không phải là một trong những học sinh được thầy yêu mến nhất, nhưng thái độ của thầy đối với tôi đã cải biến rất nhiều. Thậm chí thầy còn giúp đỡ tôi vào những thời khắc then chốt, khi mà tôi gặp phải những khó khăn ảnh hưởng đến việc học. Khi hồi tưởng lại sự việc này, trong tâm tôi liền sản sinh sự cảm ân và tôn kính thầy rất nhiều.

Nếu tôi không tu nhẫn, kết quả của sự tình có lẽ đã hoàn toàn ngược lại.

Nhìn lại năm 2012, không chỉ mình tôi là người có nhận thức và liễu giải thâm sâu hơn về Đại Pháp. Lúc đó còn có một nhạc sĩ trẻ nữa trong trường chúng tôi cũng đang tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, sau đây tôi sẽ gọi anh ấy là “John”. Chúng tôi đã chia sẻ thể ngộ tu luyện với nhau và trở thành bạn bè.

Vài tuần sau khi tôi bắt đầu luyện công, thì một ngày nọ đột nhiên tôi cảm thấy toàn thân phát lạnh giống như bị sốt, nhưng khi đo nhiệt độ thì không sao cả. Đôi khi tôi đột nhiên mất thăng bằng và không khống chế được đôi chân của mình và toàn thân tôi cảm thấy rất nặng nề.

Tôi đã đọc cuốn Pháp Luân Công, trong đó Sư phụ giảng rằng khi Ngài tịnh hoá thân thể cho chúng ta thì có thể sẽ xuất hiện phản ứng, nhưng tôi vẫn cảm thấy có chút sợ hãi.

Tôi đã gặp John trong buổi học tiếp theo, và anh ấy cũng nói với tôi rằng anh cảm thấy rất tệ, với các triệu chứng gần như tương tự với tôi. Lúc đó tôi mới minh bạch rằng đây chính là phản ánh của quá trình tịnh hoá thân thể.

Dù thế tôi vẫn cảm thấy rất khó để bình tĩnh lại. Cuối tuần đó, tôi đến điểm luyện công địa phương và thảo luận về tình huống của mình. Các học viên khác đã động viên tôi, nhưng trong tâm tôi vẫn cảm thấy hơi khổ não.

Đêm đó tôi đọc đoạn Pháp sau trong cuốn Pháp Luân Công:

“Tôi đã giảng Đại Pháp cho chư vị rồi, năm bài công pháp đều dạy cho chư vị rồi, điều chỉnh tốt thân thể cho chư vị rồi, cài lên thân cho chư vị “Pháp Luân” và “khí cơ”, còn có Pháp thân của tôi bảo hộ chư vị. Những gì cần cấp cho chư vị thì đều cấp cho chư vị rồi. Trong thời gian của lớp học thì trông vào tôi, từ nay về sau là trông vào [bản thân] chư vị. ‘Sư phụ lĩnh tiến môn, tu hành tại cá nhân’. Chừng nào chư vị còn học thấu Đại Pháp, tinh tâm thể ngộ, mọi lúc đều giữ tâm tính vững vàng, cần cù thực tu, có thể chịu đựng khổ trong khổ, có thể nhẫn cả những việc khó nhẫn, [thì] tôi nghĩ rằng chư vị nhất định sẽ tu luyện thành công.

Công tu hữu lộ tâm vi kính

Đại Pháp vô biên khổ tác chu. (Chương III, Pháp Luân Công)

Những lời này của Sư phụ khiến tôi cảm động rơi lệ và tôi ngộ ra rằng đây là một khổ nạn mà tôi phải trải qua trong tu luyện.

Lần tiếp theo tôi cảm thấy thân thể khó chịu là khi tôi đang đi bộ đến trường vào một buổi chiều. Tôi nhớ rằng tôi bắt đầu cảm thấy nặng nề và toàn thân phát lạnh. Vào lúc đó, tôi nhớ lại Pháp lý của Sư phụ và tự nhủ: “Các triệu chứng này không là gì cả và không thể dao động tâm ta”. Niệm đầu đó của tôi phi thường lớn mạnh. Tôi có tín tâm vào Đại Pháp và Sư phụ, và tôi không sợ hãi. Tôi biết rằng tại thời khắc đó tôi đã vượt qua được khảo nghiệm, và khổ nạn cũng kết thúc.

Đó mới chỉ là bước khởi đầu trên con đường tu luyện với nhiều thử thách, thăng trầm nhưng đồng thời cũng có nhiều niềm vui và phước lành. Tại cuộc sống sinh hoạt cá nhân và gia đình tôi, nhiều sự tình cũng được giải quyết dễ dàng và hài hoà hơn.

Nhìn lại cả quá trình, tôi cảm thấy vô cùng cảm ân vì có cơ duyên bước vào tu luyện Đại Pháp. Như tôi đã đề cập, mặc dù chặng đường này bước đi không hề dễ dàng, tôi đã vấp ngã nhiều lần, nhưng cuối cùng, tôi có thể nói rằng điều đó thật xứng đáng – từng giây, từng phút đều là tôi đang tu luyện bản thân. Con xin cảm tạ Sư phụ tôn kính! Cảm ơn các bạn đồng tu!

(Bài chia sẻ được trình bày tại Pháp hội quốc tế trực tuyến năm 2021 dành cho các học viên trẻ tuổi)

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/4/429111.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/8/5/194450.html

Đăng ngày 16-09-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share