Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 12-07-2021] Từ khi anh Mạc Kỳ Binh ở huyện Đào Giang, tỉnh Hồ Bắc bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 2008, anh đã hai lần bị kết án lao động cưỡng bức và hai lần kết án tù vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công. Tổng thời gian anh bị cầm tù lên tới bảy năm sáu tháng.
Trước vụ bắt giữ lần gần đây nhất vào năm 2017, anh Mạc đang làm việc ở thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang. Anh bị kết án 3,5 năm tại Nhà tù Số 2 Tỉnh Chiết Giang nằm ở thành phố Hàng Châu. Sau khi anh được trả tự do vào ngày 13 tháng 6 năm 2021, lính canh nhà tù Tôn Hồng Trình và Phó Hoan đã giao anh cho cảnh sát thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, nơi mà anh đăng ký hộ khẩu.
Một nhóm đặc vụ từ Trường Sa tới Hàng Châu để đưa anh về đã cố gắng kéo anh lên tàu cao tốc để đi về Trường Sa nhưng không thành công.
Anh Mạc kiên quyết đòi lại giấy tờ tùy thân, điện thoại di động và thẻ ngân hàng từ tòa án đã kết án anh là Tòa án Hàng Châu, nhưng cảnh sát Trường Sa phớt lờ điều đó và đẩy anh vào chiếc xe ô tô mà họ thuê và đưa anh về Trường Sa. Về đến Trường Sa, họ ném anh vào một trung tâm tẩy não mà trên tấm cửa của nó ghi dòng chữ “Trung tâm chăm sóc”.
Vào ngày 2 tháng 7 năm 2021, anh Mạc được trả tự do sau 18 ngày giam giữ tại trung tâm tẩy não. Anh yêu cầu làm lại giấy tờ tùy thân ở Trường Sa, nhưng bị từ chối. Thay vào đó, cảnh sát đưa anh về quê ở huyện Đào Giang. Hiện anh đang sống cùng cha ở quê nhà, cha anh không có lương hưu ngoại trừ khoản trợ cấp tàn tật 1.300 Nhân dân tệ hàng năm. Bởi không có thu nhập, anh cùng cha hiện đang chật vật để kiếm sống.
Bị bắt giữ sau bốn ngày kết thúc án lao động cưỡng bức lần đầu
Anh Mạc là một chuyên gia CNTT đã biết đến cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 2008 thông qua phần mềm vượt tường lửa kiểm duyệt internet ở Trung Quốc. Trong khi cảm thấy kinh hoàng trước cuộc bức hại tàn bạo của chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu từ năm 1999, anh còn ấn tượng hơn với nguyên lý phổ quát Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công. Do đó, bản thân anh đã trở thành một học viên Pháp Luân Công.
Ngày 7 tháng 3 năm 2011, anh Mạc bị bắt giữ vì hối thúc quan chức Phòng 610 ở huyện Đào Giang, tỉnh Hồ Nam ngừng việc bức hại Pháp Luân Công. Sau đó, anh bị kết án một năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Tân Khai Phố.
Chỉ bốn ngày sau khi được trả tự do, anh lại bị bắt giữ lần nữa khi tới thăm một học viên khác trong khi cảnh sát đang lục soát nhà của học viên đó. Sau 15 ngày tạm giam, ông đã bị kết án lần nữa 15 tháng tại Trại Lao động Cưỡng bức Tân Khai Phố. Do tình trang sức khỏe của anh yếu, nên lính canh đã từ chối tiếp nhận anh và sau đó anh được trả tự do.
Hai lần lãnh án tù trong bốn năm
Ngày 29 tháng 4 năm 2013, anh Mạc bị bắt giữ lần nữa trong khi đang nói chuyện với mọi người tại Ga Xe lửa Thành phố Trường Sa. Anh bị giam giữ tại Trại tạm giam Số 2 Thành phố Ích Dương. Vào cuối năm 2013, anh bị kết án ba năm tại Nhà tù Võng Lĩnh.
Sau khi được trả tự do vào năm 2016, anh đã chuyển tới Ninh Ba, nơi mà trước đây anh từng mở một công ty CNTT để tìm việc. Một năm sau, anh bị bắt giữ vào ngày 14 tháng 12 năm 2017 và bị kết án 3,5 năm tù vì truyền rộng thông báo do Hội đồng Nhà nước ban hành về việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất bản sách Pháp Luân Công.
Ngược đãi tại trại tạm giam
Anh Mạc bị giam giữ tại trại tạm giam Hải Thự sau vụ bắt giữ gần đây nhất vào ngày 14 tháng 12 năm 2017. Bởi anh từ chối mặc quần áo tù, nên lính canh Bắc Kiến Quốc đã còng tay và cùm anh lại. Bắc còn ra lệnh cho các tù nhân thay phiên nhau đánh đập anh. Bất chấp thời tiết giá lạnh và không có sưởi ấm trong phòng, lính canh vẫn làm ướt sũng quần áo của anh vào ban đêm và giữ còng tay lẫn cùm trên người anh trong khi đang ngủ.
Sau đó, anh Mạc bị Viện Kiểm sát Quận Trấn Hải truy tố. Khi anh bị Tòa án Quận Trấn Hải đưa ra xét xử vào ngày 2 tháng 5 năm 2018, thẩm phán không cho phép anh nói về việc ở Trung Quốc không có điều luật buộc tội Pháp Luân Công. Mặc dù, bà ta đã biểu thị với anh Mạc tại phiên họp sơ thẩm rằng bà ta biết rất rõ rằng Pháp Luân Công đang bị bức hại. Thẩm phán kết án anh 3,5 năm tù vào ngày 21 tháng 3 năm 2019.
Bị sốc điện vào lưới bằng dùi cui điện trong nhà tù
Ngày 16 tháng 4 năm 2019, anh Mạc bị đưa tới Nhà tù Số 2 Tỉnh Chiết Giang. Lính canh Lưu Dương đã đưa anh tới nhóm quản chế nghiêm ngặt vào đêm đầu tiên sau khi nhìn thấy anh luyện các bài công pháp Pháp Luân Công.
Ngày 18 tháng 4, lính canh bắt đầu ra lệnh cho anh tập luyện thể chất tăng cường và hát những ca khúc ca ngợi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Khi anh từ chối tuân thủ, lính canh đã xịt hơi cay vào mắt anh và sử dụng dùi cui điện để đánh đập anh. Họ còn kéo lê anh vòng quanh dưới đất khi anh từ chối chạy vòng tròn.
Lính canh La Gia Văn có biệt danh là “Hổ” đã trói anh Mạc bằng áo trói và bật dùi cui điện đánh lửa để dọa anh. Tia lửa phát ra từ dùi cui điện dài như một chiếc bút chì. Khi thấy anh Mạc không bị dọa, La đã sốc điện vào cổ, phần kín và chân của anh.
Bởi anh Mạc hét lên vì đau đớn, La đã nhét dùi cui điện vào miệng anh và sốc điện vào lưỡi anh cho đến khi dùi cui hết pin. Sau đó, La vơ lấy một dùi cui điện khác và tiếp tục sốc điện anh Mạc. Toàn thân thể anh bị bỏng nghiêm trọng.
Sau một tháng, anh Mạc được đưa trở lại phòng bình thường. Lính canh Dương Tung cấm anh đọc báo, mua những nhu yếu phẩm hàng ngày hay nói chuyện với người khác như là cách để buộc anh từ bỏ Pháp Luân Công. Dương còn yêu cầu anh Mạc viết báo cáo tư tưởng mỗi tuần và báo cáo tổng hợp mỗi tháng. Mỗi tối trước khi đi ngủ, anh bị cưỡng ép khám người trong khi đang khỏa thân.
Tù nhân được chỉ định theo dõi anh thường thích nói về phản ứng đau đớn của học viên Pháp Luân Công khi bị sốc điện bằng dùi cui điện. Họ nói nhưng vị trí mà bị lính canh sốc điện nhiều nhất là miệng và tinh hoàn.
Anh Mạc yêu cầu viết đơn khiếu nại sự tra tấn. Các tù nhân nói rằng lính canh sẽ không cho phép anh làm như vậy nếu anh không ký tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.
Tôn Hồng Trình, lính canh phụ trách phòng giáo dục nhà tù từng nói với anh Mạc: “Chúng tôi có đủ mọi phương thức. Nếu anh không chuyển hóa, chúng tôi sẽ tiếp tục tra tấn cho đến khi anh chuyển hóa.”
Bị tra tấn vì lên tiếng về cuộc bức hại
Ngày 10 tháng 12 năm 2019, anh Mạc viết một lá thư về việc các lính canh đã tra tấn anh như thế nào và yêu cầu lính canh Thẩm Vi Chu chuyển nó tới Trần Chấn Hoa, chính ủy nhà tù và Lương Xuân Lôi, giám đốc nhà tù.
Ngày hôm sau, anh còn viết một bản kiến nghị để kháng cáo án tù của mình và đưa nó cho lính canh Phó Hoan và phó giám đốc nhà tù Dương Kiếm. Trong bản kiến nghị, anh viết chi tiết Pháp Luân Công là gì, những tuyên truyền tà ác của chính quyền Cộng sản Trung Quốc và thông báo của Cục Xuất bản Trung Quốc về việc dỡ bỏ lệnh cấm sách Pháp Luân Công.
Sau khi lính canh nhận được thư và bản kiến nghị, thay vì giải quyết nó, họ đã trả thù anh Mạc bằng việc bức hại nghiệm trọng hơn. Phó giám đốc nhà tù Dương ra lệnh cho bảy tù nhân giám sát anh Mạc cả ngày lẫn đêm. Khi anh Mạc đang ngủ, các tù nhân đến ngồi cạnh giường ngủ của anh và kéo chăn của anh mọi lục mọi nơi. Anh Mạc cũng không được phép cho tay vào trong chăn.
Vào ban ngày, anh bị cưỡng chế lột quần áo và đứng khỏa thân trước mặt các tù nhân hàng giờ. Lính canh còn bỏ đói anh và ra lệnh cho anh hát những ca khúc ca ngợi chế độ. Họ còn tịch thu bản cứng bản án và bản kiến nghị của anh.
Ngày 2 tháng 2 năm 2020, lính canh Lưu Dương xúi giục tù nhân kéo anh Mạc vào nhà vệ sinh và yêu cầu anh hát những ca khúc của chính quyền. Khi anh Mạc từ chối tuân thủ, Lưu đã cưỡng chế lột quần áo của anh và sử dụng dùi cui điện để sốc điện vào vùng kín cũng như các vùng khác trên cơ thể của anh. Một lính canh khác là Thẩm Vi Chu xịt hơi cay vào mắt anh.
Ngày 15 tháng 3 năm 2020, khi chính ủy Trần Chấn Hoa đang kiểm tra nhà tù, anh Mạc hỏi liệu ông ta có nhận được thư do anh viết hay không. Anh cũng nói lớn tiếng về việc lính canh đã tra tấn anh như thế nào.
Mặc dù Trần đã hứa sẽ xem xét đơn khiếu nại của anh Mạc sau khi anh công khai phản đối, nhưng lính canh tuyên bố rằng họ không tìm thấy bất ký bằng chứng nào của việc tra tấn và đã kết thúc điều tra.
Lính canh Phó Hoan yêu cầu anh Mạc lột quần áo anh lần nữa vào ngày 16 tháng 3 năm 2020. Sau khi anh từ chối tuân thủ, Phó đã sử dụng dùi cui điện để sốc điện anh.
Cuối tháng 3 năm 2020, anh Mạc bị chuyển từ phòng 403 tới phòng 701 sau khi lính canh nộp vài báo cáo tới ban quản lý nhà tù rằng anh Mạc rất cứng đầu [không từ bỏ Pháp Luân Công]. Lính canh đã ra lệnh cho sáu tù nhân thay phiên nhau giám sát anh Mạc suốt cả ngày. Họ còn yêu cầu anh đứng và ngồi trong thời gian dài mà không được cử động. Khi anh từ chối hợp tác, lính canh Lý Trần Tuấn đã xịt hơi cay vào anh.
Ngày 9 tháng 5 năm 2020, anh Mạc bị lột trần quần áo và bị sốc điện vào mông khi anh từ chối hợp tác với lính canh.
Nhà tù còn chuyển những học viên từ chối từ bỏ Pháp Luân Công khác tới phòng 701 và 702 gồm ông Nhạc Thái Vân và ông Hoàng Khánh Đăng. Sau đó, ông Nhạc và ông Hoàng bị tra tấn đến chết vào ngày 24 tháng 2 và ngày 16 tháng 3 năm 2021.
Ngày 18 tháng 1, anh Mạc bị đưa trở lại phòng 403 và được trả tự do vào ngày 13 tháng 6 năm 2021. Mặc dù anh đã được tự do, nhưng anh bị đưa về Trường Sa và giam giữ 18 ngày trong một trung tâm tẩy não.
Thông tin của các cá nhân tham gia bức hại anh Mạc:
Trần Chấn Hoa (陈振华), chính ủy của Nhà tù Số 2 Tỉnh Chiết Giang: +86-571-89390110, +86-571-86236060
Thư Suất (舒帅), cảnh sát của Đồn Công an Cửu Thái Viên: +86-13908456120
Nghiêm Chí Kiên (严志坚), cảnh sát của Đồn Công an Hoa Quả Sơn: +86-13875351847
(Thông tin liên lạc của các cá nhân tham gia bức hại khác có chi tiết trong bản gốc tiếng Trung)
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/7/12/428063.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/8/10/194546.html
Đăng ngày 19-08-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.