Bài viết của một phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc

[MINH HUỆ 07-06-2021] Bà Đổng Ái Linh, một chuyên viên thống kê 71 tuổi đã nghỉ hưu ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, từng bị cảm cúm hàng tháng và bị nhiều loại bệnh tật, bao gồm bệnh thiếu máu nặng (chỉ 7 gam huyết sắc tố mỗi dlm trong khi mức bình thường là từ 12 đến 15,5).

Vào năm 1997, các bệnh tật của bà đã biến mất sau khi bà tình cờ nhìn thấy những quyển sách Pháp Luân Công ở văn phòng một người đồng nghiệp và bắt đầu tu luyện; bà bắt đầu sống theo nguyên lý của Pháp Luân Công là Chân-Thiện-Nhẫn để trở thành một người tốt hơn.

Trước khi tu luyện Pháp Luân Công, bà Đổng là một người rất cạnh tranh và đã giúp cơ quan của bà giành được nhiều bằng khen danh dự của Sở Kinh tế và Thương mại tỉnh Sơn Tây. Bà cũng được lựa chọn là một nhân viên gương mẫu và được thăng chức lên làm một chuyên viên thống kê bậc trung vào năm 1988. Sau khi hiểu rõ ý nghĩa thực sự của cuộc đời sau khi theo tập Pháp Luân Công, bà Đổng đã coi nhẹ danh lợi cá nhân; khi bà thấy tiền rơi trên mặt đất bà sẽ nhặt lên và tìm cách trả lại người đánh rơi, nếu là trước đây thì bà sẽ nhặt tiền bỏ túi mình.

Tuy nhiên, sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, bà Đổng đã bị bắt ít nhất là 3 lần, bị giam ở trại tạm giam và bị kết án tù vì kiên định với tín ngưỡng của mình. Bà cũng đã bị bức thực, đánh đập, và cấm ngủ trong hơn nửa tháng trong khi bị giam.

Bị bắt lần đầu tiên vì đi thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công

Vào sáng ngày 20 tháng 7 năm 1999, nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị cảnh sát từ sở cảnh sát thành phố Thái Nguyên bắt giữ. Bà Đổng đã đi đến Văn phòng thỉnh nguyện của tỉnh Sơn Tây để thỉnh nguyện. Chiều hôm đó, cảnh sát đã đến và một cảnh sát viên đã dùng một loa phóng thanh lớn để dọa ép các học viên rời đi. Khi các học viên không rời đi, hai viên cảnh sát trẻ đã túm hai cánh tay của bà Đổng và đẩy bà vào một chiếc xe lớn. Bà bị đưa đến một sân vận động trước khi được phóng thích sau đó.

Lại bị bắt và bị bức thực

Bà Đổng lại đi đến Quảng trường Thiên An Môn để thỉnh nguyện vào ngày 23 tháng 1 năm 2001, và bị một cảnh sát chặn lại. Cảnh sát đó ra lệnh cho bà Đổng phỉ báng Pháp Luân Công như một giáo phái. Bà bảo anh ta rằng: “Pháp Luân Công không phải là một giáo phái. Pháp môn này dạy mọi người sống theo Chân-Thiện-Nhẫn để trở thành một người tốt”.

Sau đó cảnh sát bảo bà lên một chiếc xe cảnh sát. Trong xe, cảnh sát đã khám người và túi của bà trước khi đưa bà đến đồn cảnh sát trên quảng trường Thiên An Môn.

Tại đồn cảnh sát, bà Đổng lại bị khám người và bị giam trong một phòng có nhiều học viên Pháp Luân Công khác. Bà có thể nghe thấy cảnh sát thẩm vấn mọi người, và có người bảo bà rằng một học viên đã bị cảnh sát treo lên và đánh.

Sau đó, bà và những học viên khác bị chuyển đến đồn cảnh sát Thiên Tân. Họ lại bị khám người và thẩm vấn. Vì bà Đổng từ chối cung cấp thông tin cá nhân của mình, một cảnh sát viên còn trẻ đã đưa bà ra sân sau và bắt bà ngồi xuống. Anh ta đã đá vào lưng bà khi bà từ chối. Sau đó anh ta đưa bà ra sân trước và bắt bà đứng giữa trời tuyết rơi cho đến sáng hôm sau.

Vào ngày đầu tiên của Tết Nguyên Đán, cảnh sát nhìn thấy bà Đổng đang mặc thêm quần áo nên anh ta đã giật lấy khăn của bà và cố gắng lột áo khoác của bà. Họ chỉ dừng lại sau khi bà bảo họ đừng có làm nhục bà.

Bà Đổng bị bắt phải đứng giữa trời tuyết rơi trong một vài giờ trước khi bị gọi vào phòng họp để chụp ảnh. Trong cả ngày, cảnh sát đã bỏ đói các học viên và không cho họ chút đồ ăn hay nước nào. Các học viên sau đó bị đưa đến trại tạm giam quận Sùng Văn.

Tại trại giam, họ lại bị khám người và bị yêu cầu giao nộp tiền mặt mà họ có trên người. Bà Đổng từ chối. Sau đó cảnh sát đã ra lệnh cho những người bị giam dùng vũ lực để lột quần áo của bà để khám. Một tấm biểu ngữ “Pháp Luân Đại Pháp Hảo” đã bị phát hiện và giao cho cảnh sát.

Khi bà Đổng bị trưởng đồn cảnh sát thẩm vấn qua đêm, bà thấy cảnh sát này đang lấy một chiếc dùi cui điện từ ngăn kéo ra. Bà hỏi là họ vẫn sốc điện mọi người à? Trong khi người này trả lời rằng nó được dùng cho các phạm nhân, một nữ học viên 19 tuổi sau đó đã nói với bà Đổng rằng cảnh sát đã dùng dùi cui đó để sốc điện vào đầu cô.

Vì bà Đổng từ chối tiết lộ danh tính của mình, cảnh sát đã lấy ra một vài tập tài liệu chứa thông tin về các học viên bị truy nã và cố gắng tìm bà. Họ cố đánh lừa bà để bà tiết lộ danh tính của mình bằng cách nói rằng họ đã tìm thấy hồ sơ của bà trong khi họ không tìm thấy. Một cảnh sát cũng chửi bà vì anh ta không thể đón năm mới với đứa con gái 5 tuổi của anh ta.

Khi cảnh sát vẫn không thể tìm thấy danh tính của bà, bà đã bị đưa đến phòng của giám đốc phòng cảnh sát; ở đó có một chiếc máy tính. Trong phòng lúc đó có người giám đốc này và hai phạm nhân. Người giám đốc hỏi tên và tuổi của bà nhưng bà chỉ tiết lộ tuổi. Khi họ không thể tìm thấy bà trong máy tính, một phạm nhân định đánh bà Đổng nhưng người giám đốc đã ngăn lại.

74c463ef4caf752101d789cb6246ceee.jpg

Dựng lại cảnh tra tấn: Bị sốc điện bằng dùi cui điện

Bà Đổng và hai học viên khác đã tuyệt thực khi cảnh sát tiếp tục bỏ đói họ. Vào ngày thứ 4 của Tết Nguyên Đán, cảnh sát đã bức thực họ. Họ bị đưa vào nhà vệ sinh và bị bắt nằm xuống. Cảnh sát ra lệnh cho 2 phạm nhân giữ hai cánh tay của bà Đổng và để một chiếc khăn bông ở trước ngực bà. Còn một phạm nhân khác nhét một chiếc ống qua mũi bà. Trong khi bức thực, đồ ăn không đi xuống mà trào ra ngoài mũi bà, bắt tung tóe khắp người bà và trên mặt sàn. Bà Đổng dùng chiếc khăn bông để lau người mình và mặt sàn. Việc bức thực đã không thể tiếp tục.

Trong vài ngày tiếp theo đó, những cảnh tương tự lại diễn ra. Bà Đổng không muốn làm bẩn quần áo của những phạm nhân, vì thế bà bảo họ tránh xa bà ra. Nghe thấy vậy, những người này đã để chiếc khăn bông lên miệng bà, khiến cho tất cả đồ ăn làm bẩn quần áo của bà.

Sau đó cảnh sát đã từ bỏ việc bức thực bà Đổng vì lần nào họ cũng thất bại.

Vào ngày thứ 7 của Tết Nguyên Đán, tất cả các phạm nhân bị bắt phải xem TV, và họ phát cảnh dàn dựng tự thiêu trên quảng trường Thiên An Môn. Sáng hôm sau, các phạm nhân bị bắt phải đọc báo về vụ tự thiêu đó.

Khi bà Đổng bị thẩm vấn vào buổi chiều, họ hỏi bà là liệu bà có tự thiêu không. Bà bảo các cảnh sát rằng vụ tự thiêu là một trò lừa bịp.

Bà Đổng và ba học viên khác ngoài 20 tuổi đã bị đưa đến Bệnh viện Bác Ái Bắc Kinh để khám sức khỏe sau khi bị giam trong khoảng 8 ngày. Vì bà Đổng đã tuyệt thực nên bà không thể đi tiểu tiện, và bác sĩ đã chẩn đoán bà là có vấn đề về sức khỏe.

Trại giam lại thẩm vấn bà sau một vài ngày và cố gắng bắt bà ký vào một giấy chứng nhận tạm giam tội phạm bỏ trống. Bà từ chối và bị một cảnh sát đánh.

Bà Đổng đã được phóng thích vào đêm hôm đó, ngày 5 tháng 2 năm 2001.

Bị tra tấn trong trại tạm giam

Vào ngày 1 tháng 11 năm 2006, một người phụ nữ ngoài 20 tuổi đã giả làm một học viên Pháp Luân Công và gõ cửa nhà bà Đổng. Khi bà Đổng ra mở cửa, hơn một chục cảnh sát ập vào và bắt đầu lục soát nhà bà mà không đưa cho bà xem thẻ cảnh sát.

Nhiều đồ dùng đã bị tịch thu ở nhà bà Đổng, bao gồm máy tính xách tay, các ổ đĩa cứng, camera, máy ghi âm, máy in, đĩa DVD, các cuốn sách Pháp Luân Công và những tư liệu liên quan, giấy in, một số lọ mực in màu, TV, sổ ngân hàng, tiền mặt và thẻ căn cước. Bà Đổng sau đó đã từ chối ký vào bản danh sách những đồ dùng bị tịch thu và thay vào đó yêu cầu cảnh sát trả lại những tài sản đó cho bà.

Cảnh sát nhiều lần cố gắng lôi bà Đổng đi và chỉ thành công khi khiêng bà ra khỏi nhà bà. Khi bà Đổng phản đối, một cảnh sát tên là Nhạc Ngọc Trung đã đấm vào miệng bà trước khi đẩy bà vào xe cảnh sát. Nhiều người đã chứng kiến việc bắt giữ này.

Con trai bà Đổng, không tập Pháp Luân Công, cũng bị bắt khi anh trở về nhà và yêu cầu cảnh sát cho xem thẻ cảnh sát của họ. Anh bị ghì xuống đất, bị còng tay và đánh đập trước khi bị khiêng vào xe cảnh sát.

Khi đến đồn cảnh sát Tam Kiều, bà Đổng từ chối xuống xe và bị khiêng ra khỏi xe. Bà lại bị Nhạc đấm vào miệng khi bà hô lên “Pháp Luân Đại Pháp hảo”.

Con trai bà Đổng cũng bị đưa đến đồn cảnh sát đó và bị đánh đập. Anh bị còng tay vào một chiếc ghế sắt một ngày một đêm. Sau khi bà Đổng được phóng thích, một học viên, cũng bị giam ở đồn cảnh sát đó vào lúc đó, nói với bà rằng có nghe thấy tiếng con trai bà la hét khi anh bị đánh đập.

79b4111c570a06efb9c0ddb42d963f6f.jpg

Dựng lại cảnh tra tấn: Bị cùm vào ghế sắt

Vào tháng 11 năm 2006, bà Đổng bị các cảnh sát từ Sở cảnh sát Thái Nguyên thẩm vấn và bị còng tay và cùm chân vào một chiếc ghế sắt trong một thời gian dài. Những cảnh sát này được chia thành 3 ca và thay phiên nhau nghỉ ngơi. Bà Đổng không được phép ngủ hay nghỉ; cảnh sát túm tóc bà và hét vào tai bà khi bà ngủ thiếp đi. Bà bị cấm ngủ tổng cộng trong hơn nửa tháng.

Việc thẩm vấn khiến bà Đổng cảm thấy váng đầu, và cơ thể bà trở nên phù nề. Bà bị huyết áp cao đến mức nguy hiểm.

Cảnh sát đã lấy được một “lời thú tội” của bà Đổng sau khi lừa bịp và tra tấn bà. Khi họ thay ca, người họ Nhạc bước vào phòng và tát bà Đổng vài lần. Một giám thị trại giam sau đó cho bà Đổng xem một bản ghi lại cuộc thẩm vấn mà cảnh sát đã bịa đặt ra. Bà Đổng đã xé tài liệu đó khi bà thấy rằng nội dung trong đó không chính xác. Người giám thị đó đã tát bà và còng bà chặt hơn vào chiếc ghế. Người đó cũng bảo cảnh sát không được tháo còng tay hay cho bà Đổng dùng nhà vệ sinh.

Trong buổi thẩm vấn, cảnh sát đã cố lừa bà Đổng bằng cách nói rằng họ sẽ phóng thích bà nếu bà hợp tác với họ.

Bà Đổng từ chối ghi nhớ những quy định của trại tù và cũng đồng ý lao động khổ sai. Khi bà từ chối mặc áo khoác đồng phục của trại tù, một cảnh sát muốn đánh bà nhưng đã dừng lại khi bà Đổng nhìn thẳng vào anh ta. Vì bà từ chối ghi nhớ những quy định của trại tù, nên viên cảnh sát đó đã xúi giục các tù nhân đánh, sỉ nhục và đe dọa bà Đổng.

Cảnh sát đó cũng còng tay bà Đổng trong nửa tháng, khiến cho bà không thể thay quần áo vào ban đêm. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho bà. Khi một số tù nhân tốt bụng cố gắng giúp bà Đổng, cảnh sát đã cấm họ làm như thế.

Bà Đổng đã tuyệt thực để phản kháng việc bức hại này. Tuy nhiên, các lính canh đã cấm các tù nhân trong xà-lim ăn nếu bà tiếp tục tuyệt thực. Không muốn những tù nhân đó bị liên lụy, bà đã bắt đầu ăn trở lại.

Trại giam có điều kiện sống rất tồi tệ – mỗi người chỉ được cấp ngô trộn vào buổi sáng và một cái bánh bao và canh rau có bùn và sâu vào buổi trưa và tối. Tất cả mọi người đều bị bắt phải ăn trong khi ngồi xổm ở bên cạnh giường. Mỗi phòng chỉ khoảng 20 m2 và có tới 16 đến 22 người ở trong đó. Trong phòng chỉ có một chiếc giường lớn dài 6m, rộng 2 mét, một phòng vệ sinh khoảng 2m2 và một ban-công khoảng 5m2. Có 14 đến 18 người ngủ trên giường to, và mỗi người chỉ có khoảng 13 cm để nằm nghiêng.

Môi trường khắc nghiệt đó đã khiến cho những chiếc răng của bà Đổng rơi ra trong một thời gian ngắn. Bà cũng bị ho, đi ngoài và bị phù. Bà trở nên gầy hốc hác.

Vào ban đêm, bà Đổng bắt đầu tập các bài công pháp của Pháp Luân Công trong khi các tù nhân khác xem TV. Bà khỏi ho vào đêm hôm đó và một tù nhân nói rằng Pháp Luân Công thật là tốt. Sau đó, bà Đổng luyện công hàng ngày, và thân thể bà dần dần hồi phục. Sau đó bà bị giao đi phân phát nước nóng cho các tù nhân và làm một số công việc nhẹ khác như làm bấc bật lửa hoặc làm phôi để đóng gói.

Vào ngày 29 tháng 4 năm 2007, bà Đổng bị truy tố. Trong phiên xét xử đầu tiên ở tòa án quận Hạnh Hoa Lĩnh vào ngày 5 tháng 6 năm 2007, bà bị kết án 5 năm tù. Bà đã kháng án, và Tòa trung thẩm Thái Nguyên đã giảm án xuống 3 năm vào ngày 26 tháng 5 năm 2008.

Vào ngày 16 tháng 6 năm 2008, một vài cảnh sát đã còng tay và cùm chân bà Đổng và 2 học viên khác rồi đưa họ đến Trại tù nữ Sơn Tây. Trên đường đến trại tù, họ dừng lại ở một bệnh viện nơi các học viên bị xét nghiệm máu và phải trải qua việc khám sức khỏe.

Tiếp tục bị tra tấn sau khi bị chuyển đến trại tù

Bà Đổng bị giam giữ ở Trại tù nữ Sơn Tây từ ngày 16 tháng 6 năm 2008 đến ngày 2 tháng 11 năm 2009.

Khi bà Đổng mới đến trại tù này, bà lại bị đưa đi khám sức khỏe và những đồ dùng của bà bị lục soát. Bà cũng bị khám người sau khi quần áo của bà bị cởi bỏ. Sau đó bà bị bắt phải mặc đồng phục của trại tù.

Trại tù muốn làm cho mỗi tù nhân một cái thẻ có ảnh của họ. Bà Đổng đã từ chối chụp ảnh. Bị xúi giục bởi một người giám thị của trại tù, 2 tù nhân đã giữ hai cánh tay bà và một tù nhân khác chụp ảnh bà. Khi họ muốn chụp lại ảnh bà một lần nữa, bà Đổng bảo họ hãy chụp lưng của bà. Cuối cùng họ đã không thể chụp ảnh bà.

Khi bà Đổng bị bỏ tù, những giám thị viên đã bắt bà ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ và xem những video phỉ báng Pháp Luân Công. Do phải ngồi trên chiếc ghế nhỏ trong một thời gian dài, mông của bà bị rộp lên. Trong khoảng thời gian bà bị “chuyển hóa” (bị bắt từ bỏ Pháp Luân Công), bà không được phép gặp mặt gia đình, nói chuyện với những người khác, mua đồ dùng hàng ngày, hay tập các bài công pháp của Pháp Luân Công.

Bà Đổng từ chối bị chuyển hóa và bị dọa biệt giam. Khi bà dùng một chiếc khăn bông để che mặt mình, một tù nhân đã tố cáo bà với các lính gác, nói rằng bà đang tập các bài công pháp của Pháp Luân Công. Cảnh sát sau đó đã lấy chiếc khăn đi. Một lần khác, bà Đổng đang ngồi trên giường bắt chéo hai chân, một tù nhân lại tố cáo bà. Bà không được phép ngồi với hai chân bắt chéo.

Các tù nhân, hầu hết là còn trẻ tuổi, bị bắt phải làm việc không công như may quần áo cho quân đội và cảnh sát hàng ngày từ 6h sáng đến 12h đêm. Tuy nhiên, bà Đổng đã từ chối tham gia vào các việc này. Bà chỉ giúp xách nước, làm sạch nhà vệ sinh, và cắt những sợi chỉ thừa trên quần áo.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/6/7/426645.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/7/4/193939.html

Đăng ngày 20-07-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share