Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 08-05-2021] Bà Triệu Hồng Quân, 65 tuổi ở thành phố Triêu Dương, tỉnh Liêu Ninh là một trong số hơn 200.000 học viên Pháp Luân Công đệ đơn kiện cựu độc tài Trung Quốc Giang Trạch Dân, kẻ đã ra lệnh bức hại Pháp Luân Công.

Khi Giang đang còn đương chức, ông ta đã ra lệnh cuộc tấn công chưa từng có nhắm vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân cổ xưa ở Trung Quốc vào tháng 7 năm 1999. Trong cuộc bức hại vẫn tiếp diễn đến ngày nay, có vô số học viên bị bắt giữ, cầm tù, tra tấn hay thậm chí còn bị mổ cướp những cơ quan nội tạng quan trọng để phục vụ cho việc cấy ghép tạng trong khi họ vẫn còn sống. Hàng nghìn học viên được xác nhận đã chết trong cuộc bức hại, mặc dù số học viên qua đời thực tế có thể cao hơn nhiều do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt của chính quyền.

Vào ngày 9 tháng 11 năm 2015, sau khi phát hiện ra đơn kiện của bà Triệu, cảnh sát đã bắt giữ bà và sau đó nhà chức trách đã kết án bà bốn năm tù.

Bà bị tước đoạt lương hưu trong khi đang chịu bức hại trong tù. Bà gặp khó khăn về tài chính kể từ khi được trả tự do vào tháng 11 năm 2019.

Cuộc sống đã thay đổi sau khi tu luyện Pháp Luân Công

Trước khi tu luyện Pháp Luân Công, bà Triệu bị rất nhiều bệnh tật hành hạ, gồm có đau lưng, đau chân, dị ứng, chóng mặt, đau đầu, tê cứng vai, phì đốt sống cổ, phì ngực và u xơ tử cung. Khối u xơ tử cung phát triển tới cỡ bằng quả bóng tennis và chảy máu lâu ngày. Do thiếu máu nên bà bị mất ngủ nghiêm trọng và đôi khi cả đêm không thể ngủ được. Bác sỹ nói với bà rằng bà phải được phẫu thuật để cắt bỏ khối u. Sự đau đớn về thể xác đã khiến bà mất tự tin vào cuộc sống.

Một ngày nọ vào năm 1996, anh họ của bà đề nghị bà thử luyện một môn khí công. Do đó, bà đã tới một công viên nhỏ vào buổi sáng và tham gia vào một nhóm học khí công. Bà đã học theo các động tác của họ và ngày hôm đó bà có giấc ngủ khá ngon. Sau đó, bà mới biết đó là môn tu luyện Pháp Luân Công. Điều khiến bà kinh ngạc là tất cả các bệnh của bà đều biến mất sau khi bà tu luyện chưa đầy một tháng. Khuôn mặt của bà trở nên hồng hào và tràn đầy năng lượng.

Bà trở thành một người hoàn toàn khác, bà hạnh phúc và đầy tự tin. Kể từ đó, bà đã bước đi trên con đường tu luyện, thực hành theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn trong cuộc sống và luôn luôn nghĩ cho người khác trước. Ở nhà, bà tôn trọng bố mẹ chồng, đối xử tốt với người thân và tạo dựng mỗi quan hệ hòa ái với mọi người.

Bị bắt giữ và nhanh chóng bị kết án 4 năm tù

Cuộc bức hại bắt đầu sau khi bà Triệu tu luyện Pháp Luân Công được ba năm. Mặc dù bà không bị bắt giữ, nhưng hàng ngày bà sống trong sự sợ hãi.

Vào năm 2015, cùng với làn sóng kiện Giang Trạch Dân, bà Triệu đã tham gia vào nỗ lực đưa Giang ra trước công lý.

Vào ngày 9 tháng 11 năm 2015, chính quyền Triêu Dương đã huy động hàng nghìn cảnh sát để tiến hành vụ bắt giữ hàng loạt nhằm vào các học viên Pháp Luân Công đã nộp đơn kiện Giang.

Hơn 10 cảnh sát bao vây nhà bà Triệu và bắt giữ bà. Vào cuối ngày hôm đó, hơn 20 cảnh sát đã kéo tới nhà bà để lục soát. Cảnh sát đe dọa chồng bà phải hợp tác với họ, bằng không họ sẽ bắt giữ cả ông. Cảnh sát tịch thu máy in màu, máy tính, ổ cứng di động, thẻ nhớ, giấy in và các văn phòng phẩm khác mà con trai bà sử dụng cho công việc kinh doanh trông giữ trẻ của mình. Họ cũng không cung cấp danh sách tài sản bị tịch thu.

Sau đó, bà Triệu bị đưa tới Trại tạm giam Thành phố Triêu Dương. Bởi bà từ chối tuân thủ việc khám sức khỏe, nên các cảnh sát đã chửi rủa, xô đẩy và đá bà.

Theo lệnh của Kiển Bưu, Bí thư thành ủy Triêu Dương lúc bây giờ yêu cầu phải truy tố các học viên Pháp Luân Công kiện Giang một cách “nghiêm khắc, nghiêm túc và khẩn trương”. Tòa án quận Song Tháp đã kết án bà Triệu bốn năm tù cùng 2.000 nhân dân tệ tiền phạt sau đó 6,5 tháng.

Bức hại ở trong tù

Ngày 24 tháng 5 năm 2016, bà Triệu bị chuyển đến Nhà tù Nữ Tỉnh Liêu Ninh trong khi vẫn bị còng tay và cùm chân. Trong khi khám sức khỏe đầu vào, họ đã phát hiện rằng bà bị bệnh phụ khoa và bệnh tim. Bà còn bị buộc phải trả 400 nhân dân tệ cho đơn thuốc điều trị, nhưng bà không nhận được thuốc.

Bà bị cưỡng bức lao động trong thời gian thụ án. Sau giờ làm, có hai tù nhân giám sát bà tại phòng và cưỡng ép bà ngồi trên ghế đẩu nhỏ bằng nhựa cho đến 9 giờ 50 phút mỗi đêm (trước giờ đi ngủ 10 phút). Lính canh còn ra lệnh cho các tù nhân khác trong phòng đe dọa bà để bà “nghe lời” hơn.

Tù nhân thường xuyên cấm bà sử dụng nhà vệ sinh. Sau một thời gian dài bị cấm sử dụng nhà vệ sinh, bà từng bị ngất xỉu và ngã rất mạnh khiến đầu, cánh tay, vai trái và thắt lưng của bà có những vết bầm tím lớn.

Bà và các học viên khác không được cung cấp đủ thực phẩm để ăn và cũng không được phép mua thực phẩm trong cửa hàng nhà tù. Đôi khi họ rất đói khiến họ phải chui vào thùng chứa thực phẩm để tìm những lá rau hay canh còn sót lại.

Bà Triệu cũng không được phép tắm rửa hay giặt quần áo. Quần áo của bà bị ẩm mốc và bốc mùi. Lính canh cũng không cho phép bà mua những nhu yếu phẩm hàng ngày như khăn tắm, chậu rửa, dầu gội đầu, kem đánh răng, xà phòng hay giấy vệ sinh. Ban đầu bà không được cung cấp chăn ga và bà phải ngủ trên tấm phản giường. Sau đó bà mới mượn được một bộ chăn ga cũ.

Tất cả sự tra tấn và ngược đãi chỉ nhằm mục đích buộc các học viên từ bỏ Pháp Luân Công. Khi học viên kiên định đức tin của mình, tất cả các tù nhân trong nhóm của họ sẽ bị liên lụy. Sau khi đi làm về phòng, tất cả họ đều bị buộc phải ngồi trên tấm phản cùng với các học viên và không được phép làm những công việc thường nhật như tắm giặt, xem TV hay đi mua sắm ở chợ. Những hoạt động này là phần thiết yếu nhất trong cuộc sống của các tù nhân, nên họ đem lòng căm thù các học viên.

Những tù nhân trong nhóm của bà Triệu đã rất phẫn nộ. Một số người nguyền rủa bà; một số khác tức giận đến nỗi đe dọa đánh đập bà; còn một số thậm chí quỳ xuống trước mặt bà xin bà từ bỏ Pháp Luân Công.

Ngày 8 tháng 11 năm 2019, bà Triệu được trả tự do, khi đó bà mới biết rằng Phòng An sinh Xã hội Thành phố Triêu Dương đã tước đoạt lương hưu của bà trong bốn năm bà bị cầm tù. Gia đình bà không khá giả và họ đã phải sống trong cảnh túng thiếu do lương hưu của bà bị đình chỉ.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/5/8/424381.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/5/31/193439.html

Đăng ngày 09-06-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share