Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc

[MINH HUỆ 22-05-2021] Ngày 10 tháng 5 năm 2021, 13 người dân ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô đã bị bắt vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Hầu hết các vụ bắt giữ diễn ra từ 6 giờ sáng đến 10 giờ sáng. Tất cả cảnh sát đều mặc thường phục, không ai mặc đồng phục. Nhiều người trong số họ tiết lộ rằng họ chỉ làm theo lệnh do cấp trên đưa xuống. Một số cho biết họ đã theo dõi các học viên đến bảy tháng và đã chụp và quay phim họ rất nhiều. Một số nói rằng miễn là các học viên ký vào một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công thì họ sẽ được thả.

Một cảnh sát nói với gia đình một học viên rằng những người bị bắt sẽ bị đưa đến Đồn Công an Phục Trang Thành ở gần thành phố Thường Thục, cách Tô Châu khoảng 40 dặm. Nhưng khi gia đình đến đó thì họ chối rằng không biết các học viên. Hiện các gia đình vẫn đang tìm kiếm nơi giam giữ những học viên.

Sau đây là một số chi tiết về các vụ bắt giữ.

Bà Đổng Uyển Ngọc

Lúc 6 giờ sáng ngày 10 tháng 5 năm 2021, mười hai người, gồm ba nhân viên cộng đồng, đã xông vào nhà bà Đổng Uyển Ngọc. Hai người nhanh chóng vẩy vẩy thẻ cảnh sát trước mặt chồng bà Đổng. Trước khi ông kịp nhìn thấy tên họ thì họ đã cất thẻ đi và không cho ông xem nữa. Bà Đổng đã yêu cầu cảnh sát viết xuống thông tin thẻ cảnh sát của họ nhưng họ đã từ chối.

Cảnh sát lục soát nhà bà trong 45 phút và tịch thu hai máy tính, hai máy radio, một bức tranh thêu chữ thập hình tiên nữ, hơn 10 quyển sách Pháp Luân Công và một số vật dụng liên quan đến Pháp Luân Công.

Sau khi bà bị đưa đến đồn công an vào khoảng 7 giờ sáng, một cảnh sát nói với chồng bà rằng các vụ bắt giữ là do người cấp thành phố chỉ đạo và thời gian các vụ bắt giữ đã được lên kế hoạch cẩn thận trước đó. Anh ta cho biết các vụ bắt giữ liên quan đến kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 1 tháng 7. Các học viên bị bắt có thể bị giam ít nhất hai tháng.

Chồng bà Đổng đã đến đồn công an vào ngày hôm sau để yêu cầu thả bà, nhưng được biết rằng bà đã bị chuyển đến Sở Công an Thành phố Thường Thục. Ông lập tức đến Thường Thục nhưng cảnh sát chối rằng họ không biết gì về vụ bắt giữ bà Đổng. Lính canh nói với ông rằng chính quyền không bao giờ giam người ở sở công an và đề nghị ông đến trại tạm giam Thành phố Thường Thục tìm. Ông đã đến đó nhưng cũng không có kết quả.

Ngày 14 tháng 5, ngày thứ ba sau vụ bắt giữ, chồng bà nhận một tin nhắn từ cảnh sát Đường Tòng Chính, yêu cầu ông chuyển một số quần áo đến Đồn Công an Lâu Phong ở Tô Châu. Anh ta từ chối tiết lộ thêm thông tin về nơi giam giữ bà Đổng.

Ông Kê Dũng và vợ là bà Phan Ninh

Lúc 7 giờ sáng, hàng chục người đã xông vào nhà ông Kê Dũng và bà Phan Ninh. Họ xông lên lầu hai và lôi hai vợ chồng xuống nhà đưa vào một xe cảnh sát.

Cảnh sát đã lục soát nhà trong hai giờ. Họ tịch thu ba máy tính xách tay, một máy tính để bàn, sáu điện thoại di động, hai radio, bốn cuốn sách Pháp Luân Công và một tấm ảnh của Nhà sáng lập. Cảnh sát cũng không cung cấp lệnh bắt giữ hay lệnh khám xét. Một cảnh sát nhanh chóng vẩy vẩy thẻ cảnh sát trước mặt bố mẹ của bà Phan, người đang sống cùng nhà, và cất đi trước khi họ kịp nhìn thấy gì.

Bà Thôi Bình

Bà Thôi Bình bị bắt tại nhà khoảng 9 giờ sáng. Cảnh sát nói với bà: “Bà muốn đi cùng với chúng tôi hay muốn chúng tôi lôi bà xuống đất?”

Chồng bà hỏi cảnh sát tại sao lại làm vậy. Họ trả lời rằng họ đã theo dõi bà hơn sáu tháng và biết mọi thứ từ việc bà thường xuyên gặp học viên nào và nơi bà phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Trước khi rời đi, họ đã lấy đi máy tính của bà.

Vài ngày sau, gia đình bà nhận đươc thông tin trừ trại tạm giam cho biết bà đang bị giam ở Thường Thục nhưng không cho biết nơi ở xác định.

Bà Mai Hồng Quyên

Theo lời hàng xóm của bà Mai Hồng Quyên, bà đã bị bắt sau 9 giờ sáng lúc đang trên đường đi làm. Khoảng 10 giờ 30, khoảng chục cảnh sát đã đến trong ba xe công an. Bà Mai bị đưa về nhà với hai tay bị còng ra sau lưng. Cảnh sát đã tịch thu máy tính xách tay, một máy in, một máy ép giấy một bộ sách Pháp Luân Công, một điện thoại động và hai radio.

Khi gia đình đến đồn công an yêu cầu thả bà thì cảnh sát hứa sẽ cập nhập tin tức cho họ trong vòng 24 giờ. Nhưng họ đã không nhận được tin gì từ cảnh sát. Đồng thời, người của Phòng 610, một tổ chức ngoài vòng pháp luật được thành lập chuyên để bức hại Pháp Luân Công, cũng sách nhiễu mẹ chồng bà Mai và lăng mạ bà để ngăn bà tìm kiếm công lý cho bà Mai.

Các vụ bắt giữ khác

Bà Lý Thủ Khiết, hơn 50 tuổi, bị tịch thu máy tính, máy in, hàng chục cuốn sách Pháp Luân Công và đĩa DVD trong lúc cảnh sát bắt giữ bà.

Khi chồng bà Ngô Tiểu Minh đến đồn công an để tìm cách giải cứu bà thì cảnh sát đã cố gây áp lực lên ông và con trai để họ thuyết phục bà ký vào một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bà Ngô đã từ chối tuân theo. Cảnh sát đã trả lại chiếc xe đạp điện cho chồng bà nhưng không trả các sách Pháp Luân Công và máy tính xách xay.

Các học viên khác cũng bị bắt vào ngày 10 tháng 5 bao gồm Duyên Huệ Phân, Triệu Hải Ba, Chu Oánh, Thường Tranh, Hàn Quế Hương và Văn (không biết họ).

Hai học viên nữa là Chu Thu Linh và Cơ Thuý Bình cũng bị mất tích cùng ngày. Hiện đang điều tra xem có phải họ cũng bị bắt hay không.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/5/22/426040.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/5/29/193397.html

Đăng ngày 08-06-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share