Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Úc

[MINH HUỆ 06-10-2020] Các học viên Pháp Luân Đại Pháp biết sức mạnh của việc có chính niệm mạnh mẽ–một sức mạnh chỉ có thể đến từ Pháp.

Từ những lời dạy của Sư phụ, tôi ngộ được rằng tôi nên coi bản thân mình là một học viên chân chính và thực sự tu luyện. Tôi đã tu luyện Đại Pháp hơn 20 năm và đã đọc Chuyển Pháp Luân rất nhiều lần. Nhưng chỉ đến bây giờ, sau khi đã loại bỏ được giả ngã, tôi mới thực sự nhận ra tầm quan trọng của việc tu chân trong tu luyện của bản thân.

Một người không thể thực sự có chính niệm nếu trước tiên không chân. Khi một người nói lời chân, làm điều chân, năng lượng từ chính niệm của người đó sẽ tự nhiên xuất lai, khiến người khác tôn trọng và chấp nhận. Năng lượng này cũng có thể tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta bài trừ bất kỳ can nhiễu không mong muốn nào trong quá trình tu luyện của mình.

Loại bỏ sự bất chân

Khi một vấn đề quan trọng gần đây đối với mọi học viên Đại Pháp ở Úc phát sinh, mọi người đã cùng nhau thảo luận về những gì có thể làm. Giảng chân tướng về Đại Pháp, viết thư cho các quan chức Chính phủ, và phát chính niệm liên tục là một số việc mà chúng tôi đã nhanh chóng thực hiện. Tuy nhiên, tình hình có vẻ không được cải thiện sau một thời gian. Một số học viên, trong đó có tôi, bắt đầu cảm thấy chán nản và thất vọng.

Trong thời gian đó, tôi đã có một giấc mơ mà tôi nhớ rõ. Tại một nơi tổ chức Pháp hội, tôi ngồi bên ngoài một mình quan sát các học viên bên trong qua cánh cửa kính. Tôi cảm thấy bị tẩy chay. Đột nhiên, Sư phụ đang đứng sau lưng tôi. Tôi nói với Sư phụ rằng tôi cảm thấy tổn thương như thế nào khi bị đối xử bất công. Sư phụ đã từ bi chỉ dạy cho tôi từ phương diện Pháp lý. Tuy nhiên, khi tôi tỉnh giấc, tôi không thể nhớ một lời nào về những gì Sư phụ đã nói với tôi.

Cùng ngày, tôi được thông báo rằng công tác chuẩn bị cho Pháp hội toàn quốc của chúng tôi sắp bắt đầu, và được hỏi liệu tôi có tham gia vào nhóm phụ trách các bài chia sẻ trong Pháp hội hay không. Tôi đột nhiên nhớ rằng giấc mơ cũng liên quan đến Pháp hội, và tôi vui vẻ nhận lời. Tôi nghĩ rằng điều đó giải thích ý nghĩa giấc mơ của mình, và tôi không nghĩ ngợi gì thêm. Mãi tới khi xảy ra một loạt các sự kiện sau đó, tôi mới thực sự nhận ra lòng từ bi bao la của Sư phụ.

Bất chân

Không lâu sau đó, tôi có cuộc điện thoại với một đồng tu mà tôi thường xuyên liên lạc. Chúng tôi luôn giúp đỡ nhau và thường chia sẻ kinh nghiệm tu luyện cùng nhau. Tôi nói với cô ấy về kinh nghiệm của tôi trong năm qua trong việc vượt qua khảo nghiệm tâm tính mà tôi cho là tương đối lớn-đó là những tình huống mà tôi bị đổ oan, và khi tôi thấy khó chịu bởi tâm chấp trước của một số học viên. Thay vì những lời an ủi và ủng hộ, cô ấy nói với tôi “Đôi khi có vẻ những lời vu vạ đó là nhắm vào chị, nhưng lý do thực sự có thể là chị cũng đã đối xử như vậy với các học viên khác trước đây” Cô ấy đưa ra một vài ví dụ mà cô ấy đã gặp phải gần đây và cách chúng cũng có thể xảy ra với tôi. Tôi không thể đồng ý với cô ấy.

Tôi nói theo thói quen: “Tôi thực sự là một người khá đơn giản.” Cô ấy thẳng thắn đáp: “Chị luôn nói chị là người đơn giản nhưng tôi không cảm thấy như vậy chút nào. Ở chị có một vấn đề mà sau rất nhiều năm quen biết chị, tôi vẫn cảm thấy khó chịu. Cá nhân tôi rất coi trọng chữ Chân, và về điều này, chị và tôi có một sự khác biệt cơ bản mà tôi khó chấp nhận được.”

Nước mắt lăn dài trên mặt tôi, và tôi run run nói: “Tôi không biết nó là điều gì. Nếu tôi biết, tôi chắc chắn sẽ buông bỏ nó.”

Cô ấy nói: “Đó là cách chị xử lý một số việc. Chị đôi khi bỏ qua những nguyên tắc của chính mình. Tôi thấy điều đó rất khó chấp nhận. Chị đã không đối xử với tôi theo cách đó nhưng chị đã hành xử như vậy với những người khác. Tôi nghĩ rằng một ngày nào đó chị cũng sẽ đối xử với tôi như thế. Chị coi trọng nhiều đến việc tu “Thiện” và “Nhẫn”, nhưng không chú trọng đủ đến việc tu “Chân”. Tôi đáp lại: “Nếu đúng như vậy, tôi sẽ bắt đầu chú ý hơn đến việc tu Chân.”

Kể từ việc chia sẻ chân thành đó, tôi đã trân quý hơn những cuộc trao đổi thẳng thắn mang ý định tốt đẹp giữa các học viên. Sau đó tôi biết rằng trong khoảng thời gian này, cô ấy đang nỗ lực tu “Thiện” và “Nhẫn” để tiếp cận hiệu quả hơn với các quan chức chính phủ qua thư. Bây giờ chúng tôi hỗ trợ nhau nhiều hơn, và thu được những lợi ích.

Đằng sau sự bất chân của tôi

Sư phụ đã giảng:

“Khi chư vị tìm thấy nguyên nhân thực sự của bản thân, khi chư vị mà dám nhìn thẳng nó–thừa nhận nó, chư vị sẽ phát hiện lập tức sự việc đó liền thay đổi, mâu thuẫn cũng không có nữa” (Giảng Pháp tại Pháp hội Bắc Mỹ lần đầu 1998)

Cùng lúc đó, một đồng tu và tôi đang thảo luận về một quyết định trong hạng mục mà chúng tôi biết rằng một học viên thứ ba sẽ không đồng ý. Cô ấy nói: “Chúng ta sẽ cho cô ấy biết sau khi chúng ta có thời gian thảo luận với những người khác và đi đến quyết định.” Tôi đáp: “Được. Nhưng chúng ta đừng nói với cô ấy.” “Không”–cô ấy đáp–“chúng ta phải nói với cô ấy.” Tôi miễn cưỡng làm theo cô ấy: “Ừ, chị đã đúng. Chúng ta phải cho cô ấy biết.” Lúc tôi nói điều đó, tôi nhận ra rằng tôi đã không trung thực. Tôi có thể thấy lý do của việc muốn không trung thực: Tôi muốn bớt rắc rối, không muốn bàn bạc tới lui, và có cách nhìn tiêu cực về học viên này, người rất có khả năng sẽ bất đồng quan điểm với chúng tôi.

Trong khi làm việc ở trường mẫu giáo, tôi tình cờ thấy một bé gái 5 tuổi đang tự ăn bên ngoài lớp học trong khi các bé khác đã ăn xong và vào trong. Để cháu bé cảm thấy khá hơn, tôi nói với cháu: “Cháu là cô bé đáng yêu nhất!” Không biết từ đâu xuất hiện một bé gái khác bên cạnh. Tôi không muốn bé gái này cảm thấy bị thương tổn, vì vậy tôi đã thốt lên: “Cháu cũng là bé gái đáng yêu nhất!” Ngay lập tức tôi biết rằng mình lại không chân.

Tôi thích bé gái đầu tiên, bởi vì cháu luôn giúp tôi thu dọn đồ chơi và làm bất cứ việc gì tôi bảo cháu. Cháu là cô bé tôi yêu quý. Đối với bé gái thứ hai, tôi không quen lắm với cô bé. Tôi đã không trung thực chỉ vì muốn làm cô bé vui lòng.

Những ngày sau đó, tôi đã nhiều lần nhận ra mình không trung thực khi nấu ăn cho người chồng ăn nửa chay của tôi. Ví dụ, khi tôi muốn làm cho vị của bánh ngon hơn, tôi cắt hạt lựu một ít thịt nguội, chiên với dầu, và trộn với rau. Bằng cách đó, bạn không thể thực sự nếm ra món thịt nguội và chồng tôi thích nó. Tôi đã không nhận ra rằng loại hành động đó tạo nên sự bất chân nếu tôi không phát hiện ra.

Chồng tôi sẽ không biết nếu tôi không nói với anh ấy. Tôi đã thú nhận với anh tất cả những việc bất chân vụn vặt mà tôi đã làm trước đây và xin lỗi anh. Anh hài lòng với tôi và hóm hỉnh nói: “Không khó để nói thật đúng không?”

Là một người phương Tây, chồng tôi bám lấy những nguyên tắc của anh. Khi quan điểm chúng tôi khác nhau, anh thường chỉ ra một cách lịch sự hoặc hài hước, nhưng không khăng khăng ý kiến của mình. Vì tôi luôn theo ý của mình, tôi đã bỏ qua tầm quan trọng của việc chính lại phần bất chân trong tôi.

Sáng nay, trong khi học Pháp cùng học viên khác, tôi đã nhận ra một điều gì đó.

Sư phụ đã giảng:

“Nhưng tư tưởng của Phật giả, Bồ Tát giả [ấy] cực kỳ xấu, [nó truy] cầu tiền. Nó sinh ra ở không gian khác, nó có tư tưởng, nó hiểu biết được một chút [Pháp] lý, nó không dám làm những điều xấu nghiêm trọng, nhưng nó dám làm những điều xấu nhỏ nhặt.” (Chuyển Pháp Luân–Bài giảng thứ năm)

Tôi bị sốc và một chút sợ hãi. Vì tôi đã bắt gặp bản thân đang làm nhiều “việc xấu nhỏ nhặt,” tôi cũng sẽ trở thành một “Phật giả hay Bồ tát giả?” Tôi đang viết thư giảng chân tướng, nhưng liệu những thông điệp trong những lá thư này có sức mạnh để cứu người hay không?

Loại bỏ phần bất chân trong tôi

Tôi đã gọi cho người học viên đầu tiên đã cảnh báo vấn đề của tôi và nói: “Tôi đã tìm ra phần bất chân của mình. Lời phê bình có ý nghĩa tốt đẹp của chị đã làm nên điều kỳ diệu.”

Sau đó, tôi lục lại ký ức của mình để tìm bất cứ điều gì không chân và chính lại từng việc một cả trong tư tưởng lẫn hành động của mình. Đó là trải nghiệm tuyệt vời nhất, và tôi chưa bao giờ cảm thấy nhẹ nhõm như thế. Khi phần bất chân trong tôi được loại bỏ, phần thuần chân của tôi đã tái sinh.

Vì chúng ta hạ xuống qua các tầng vũ trụ khác nhau tới tầng thứ con người, chúng ta đã dần dần xa rời Đại Pháp. Sự sai lệch này đè nặng lên chúng ta giống như những ức chế thông thường. Tuy nhiên gánh nặng đó giờ được trút bỏ một phần ra khỏi tôi. Mấy ngày nay khi tôi ở nhà, tôi cảm thấy sự vui vẻ và vô tư. Mặc dù ở tuổi 50, tôi bỗng chốc biến thành một cô bé ngây thơ với đôi mắt xoe tròn.

Giờ đây tôi có thể hòa hợp hơn nhiều với những đồng nghiệp phương Tây ở trường mẫu giáo. Giống như họ, giờ đây tôi có thể là chính mình, hành xử thoải mái từ trong tâm. Đó là một trạng thái tinh thần mà tôi đã ao ước từ lâu. Nó minh chứng cho những gì Sư phụ đã nói:

“Điều chúng ta mất thực sự là những điều không tốt”(Chuyển Pháp Luân–Bài giảng thứ tư)

Bây giờ tôi có thể nói chuyện cởi mở với các đồng tu, gia đình và đồng nghiệp. Các đồng tu cũng có thể cảm nhận sự thay đổi thực sự trong tôi.

Trong hai tuần tập trung vào việc xác định và loại bỏ phần bất chân của bản thân, tôi càng biết ơn những điểm hóa của Sư phụ cũng như sự giúp đỡ tận tình của một đồng tu khác. Cô ấy học Pháp cùng tôi mỗi sáng và kiên nhẫn chia sẻ với tôi những thể ngộ của cô ấy về Pháp. Trong quá trình này, tôi cũng đã phát hiện ra và sẵn sàng tu khứ những chấp trước khác của mình như tâm đố kỵ, tâm hiển thị, và xu hướng đi đến cực đoan.

Nếu hôm nay tôi không chiểu theo “Chân”, những gì tôi nghĩ tôi đã đạt được trong tu luyện về Thiện và Nhẫn trên thực tế là vô nghĩa. Sư phụ đã giảng:

“Chủng đặc tính Chân Thiện Nhẫn là tiêu chuẩn để nhận định tốt và xấu trong vũ trụ. Thế nào là tốt, thế nào là xấu? Chính là dùng Nó {Chân Thiện Nhẫn} mà xác định.”(Chuyển Pháp Luân–Bài giảng thứ nhất)

Theo tiêu chuẩn của Pháp, một người không chân chắc chắn không thể được coi là người tốt, huống chi là một người tu luyện chân chính.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2020/10/6/413424.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/10/26/187981.html

Đăng ngày 11-12-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share