[MINH HUỆ 30-07-2020] Pháp Luân Đại Pháp, môn tu luyện dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp từ ngày 20 tháng 7 năm 1999. Bất chấp môi trường khắc nghiệt, các học viên Pháp Luân Công cả trong và ngoài Trung Quốc vẫn nỗ lực nâng cao nhận thức về cuộc bức hại và xóa bỏ tuyên truyền phỉ báng của ĐCSTQ đối với môn tu luyện ôn hòa này.
Trong khi cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp (còn được gọi là Pháp Luân Công) đã khiến nhiều người thức tỉnh về sự xâm phạm tự do tín ngưỡng và vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ, thì đại dịch virus corona hiện tại đã làm cho nhiều người trên thế giới nhìn thấu bản chất dối trá và coi thường nhân mạng của ĐCSTQ. Các quan chức đắc cử và người dân thường đều đã nhận ra rằng nếu không kiểm soát tác hại của ĐCSTQ, thì cuối cùng nó có thể làm sụp đổ cả thế giới.
Lễ mít-tinh trong thời gian diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc, hôm 24 tháng 7 năm 2019
Các chính phủ và người dân từ Hoa Kỳ và Canada tới Châu Âu, từ Úc tới Hồng Kông và Đài Loan, đã bắt đầu suy ngẫm về mối quan hệ của họ với ĐCSTQ, và nhận thấy rằng hệ tư tưởng cốt lõi của ĐCSTQ là lừa mị, dối trá, và bạo lực, đi ngược lại với giá trị truyền thống nhân ái và bao dung. Nhiều quan chức đắc cử đã lên tiếng phản đối ĐCSTQ và thể hiện sự ủng hộ đối với các học viên Pháp Luân Công trong việc mưu cầu được sống theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.
Chính phủ Hoa Kỳ kêu gọi chấm dứt sự tàn bạo
Ông Micheal Pompeo, Ngoại trưởng Hoa Kỳ
Ngày 20 tháng 7 năm 2020, ông Michael Pompeo, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, đã đưa ra tuyên bố nhằm kêu gọi ĐCSTQ chấm dứt bức hại Pháp Luân Công. Ông viết: “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Trung Quốc chấm dứt ngay hành vi đồi bại và ngược đãi đối với các học viên Pháp Luân Công, trả tự do cho những người đang bị cầm tù vì đức tin của họ, như ông Mã Chấn Vũ, và cung cấp thông tin về nơi ở của các học viên đang bị mất tích. 21 năm bức hại các học viên Pháp Luân Công là quá dài, và cuộc bức hại này phải chấm dứt.”
Ông Mã là một học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Giang Tô. Vợ ông, bà Trương Ngọc Hoa, và bốn học viên khác đã được mời tới gặp ông Robert Destro, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Dân chủ, Nhân quyền, và Lao động (DRL) vào hôm 20 tháng 7. Ông Sam Brownback, Đại sứ lưu động Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, cũng được mời tham gia trực tuyến cuộc họp này.
Ông Levi Browde, Giám đốc Điều hành Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp đồng thời là một trong năm học viên, đã cảm ơn các quan chức Hoa Kỳ vì sự giúp đỡ của họ đối với các học viên ở quốc gia này và những người ở Trung Quốc. Ông cho biết cuộc bức hại và tuyên truyền thù hận trên diện rộng nhằm chống lại Pháp Luân Công đã được ĐCSTQ đúc kết kinh nghiệm từ việc phát động hàng loạt chiến dịch chính trị trong mấy thập kỷ qua. Nhiều tội ác của ĐCSTQ đối với các học viên, như tẩy não và tra tấn, đặc biệt là nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng, cũng được sử dụng đối với các dân tộc thiểu số hay tù nhân lương tâm khác.
Ông Browde cũng nêu vắn tắt cho các quan chức Hoa Kỳ về những nỗ lực của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc trong việc phơi bày cuộc bức hại của ĐCSTQ trong 21 năm qua. Khi tất cả các kênh hợp pháp để kêu gọi cho quyền tu luyện Pháp Luân Công đều bị chặn, các học viên ở Trung Quốc đã sử dụng các cách sáng tạo để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, trong đó có vận hành các điểm in và phân phối tài liệu chân tướng quy mô gia đình. Những tài liệu này nêu bật sự tương phản giữa nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công và sự bạo lực, dối trá, và đấu tranh giai cấp của ĐCSTQ, đồng thời kêu gọi mọi người thoái xuất khỏi ĐCSTQ. Ông Browde cho hay những nỗ lực này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc mà còn có thể có ích đối với các quốc gia khác, khi họ tìm cách xa rời ĐCSTQ.
Hai ông Destro và Brownback đều đặt ra nhiều câu hỏi, trong đó có nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng, và các loại tội ác khác đối với các học viên. Họ khen ngợi các học viên vì sự can đảm và nỗ lực ôn hòa của họ, và hoan nghênh việc tiếp tục trao đổi thông tin về vấn đề quan trọng này.
Ngoại trưởng Anh: Quan ngại sâu sắc về cuộc đàn áp
Khi phát biểu tại Quốc hội Anh vào hôm 20 tháng 7, Nghị sỹ Jim Shannon lại đề cập đến nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng, và các hình thức ngược đãi khác đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Ông cho biết nhiều cuộc điều tra độc lập đã xác nhận sự tàn bạo này và thúc giục chính phủ Anh hành động, như lệnh cấm du lịch và đóng băng tài sản đối với thủ phạm nhân quyền đến từ Trung Quốc.
Ngoại trưởng Dominic Raab bày tỏ quan ngại sâu sắc trong cuộc họp về bức hại tín ngưỡng đối với Pháp Luân Công và các nhóm khác ở Trung Quốc.
Tuyên bố chung của 606 nhà lập pháp ở 30 quốc gia
Mới đây, vào hôm 18 tháng 7, 606 nhà lập pháp từ 30 quốc gia đã ký bản tuyên bố chung nhằm lên án cuộc bức hại “có hệ thống và tàn bạo” kéo dài 21 năm đối với môn tu luyện ôn hòa Pháp Luân Công. Tuyên bố chung do hai Nghị sỹ cấp cao của Canada là ông Peter Kent và ông Judy Sgro, cùng Nghị sỹ Thụy Điển, bà Ann-Sofie Alm, khởi xướng.
Những người đồng ký khác là các quan chức đương nhiệm và cựu giới chức tới từ Vương quốc Anh, Đức, Pháp, Ý, Đan Mạch, Ireland, Hà Lan, Thụy Sỹ, Bỉ, Romania, Áo, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia, Israel, Úc, New Zealand, Latvia, Na Uy, Argentina, Nhật Bản, Đài Loan, Venezuela, Chile, Estonia, Hungary, Hoa Kỳ, và Indonesia.
Bà Ann-Sofie Alm, Nghị sỹ Thụy Điển, viết: “Tôi muốn nâng cao nhận thức về việc nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ trong các trại ‘cải tạo lao động’, nhà tù, và các cơ sở giam giữ khác với tư cách là tù nhân lương tâm. Đã có báo cáo về sự tra tấn và thậm chí là cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Đó là lý do tại sao tuyên bố chung này được khởi xướng. Trên thực tế, cuộc bức hại người thiểu số ở Trung Quốc là một trong những tội ác chống lại nhân quyền tồi tệ nhất mà thế giới từng thấy. Nó đã được một số nhà quan sát quốc tế và các cơ quan tư pháp mô tả là cuộc diệt chủng ”.
Ông Peter Kent, Nghị sỹ Canada, tham dự lễ mít tinh của các học viên Pháp Luân Công vào ngày 9 tháng 5 năm 2018
Nghị sỹ Peter Kent cũng có cùng quan điểm. Ông phát biểu: “Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng mạnh mẽ hơn và công khai hơn trong việc lên án việc chính quyền Trung Quốc liên tục phủ nhận các quyền cơ bản do chính nhà nước hậu thuẫn. Chúng ta phải tiếp tục nỗ lực và hy vọng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ tôn trọng pháp quyền, quyền tự do ngôn luận, hội họp, và tín ngưỡng; một ngày mà nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công có thể được hô vang trên Quảng trường Thiên An Môn.”
Tuyên bố cho biết những hành động tàn bạo của ĐCSTQ đối với các học viên đã được các tổ chức nhân quyền, các cơ quan chính phủ và Liên Hiệp Quốc ghi chép đầy đủ. Chẳng hạn như Nghị viện Châu Âu đã thông qua nghị quyết 2013/2981 (RSP) vào năm 2013, trong đó “bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước các báo cáo liên tục và đáng tin cậy về nạn thu hoạch nội tạng có hệ thống, do nhà nước hậu thuẫn từ các tù nhân lương tâm mà không có sự đồng ý của họ ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trong đó có một số lượng lớn là các học viên Pháp Luân Công.”
Năm 2016, Quốc hội Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua một nghị quyết tương tự là H.Res. 343. Năm 2019, một Tòa án Độc lập ở Anh, do Ngài Geoffrey Nice QC chủ tọa, đã kết luận rằng: “Nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã được thực hiện trong nhiều năm trên khắp Trung Quốc với quy mô đáng kể và các học viên Pháp Luân Công là một, và có lẽ là nguồn cung cấp tạng chính.”
Tuyên bố kết luận: “Do đó, chúng tôi, những người ký tên dưới đây, kêu gọi chính quyền Trung Quốc tôn trọng các chuẩn mực quốc tế và Công ước Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Quyền Dân sự và Chính trị mà trong đó Trung Quốc là thành viên, lập tức chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc, và trả tự do vô điều kiện cho tất cả các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ và các tù nhân lương tâm khác.”
Sự hỗ trợ từ khắp nơi trên thế giới
Mới đây, tại Hoa Kỳ, 34 Nghị sỹ Quốc hội đã gửi thư cho các học viên để lên án ĐCSTQ vì sự tàn bạo đối với các học viên Pháp Luân Công, và kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại.
Ông Patrick Leahy, Thượng Nghị sỹ bang Vermont, viết: “Hôm nay ghi dấu 21 năm kể từ khi chính quyền Trung Quốc phát động chiến dịch tàn bạo nhằm tiêu diệt Pháp Luân Công, một tín ngưỡng truyền thống của Trung Quốc dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.”
Ông còn viết: “Chính quyền Trung Quốc cần lập tức chấm dứt việc giam giữ tùy tiện và hành vi tàn bạo đối với các học viên Pháp Luân Công cũng như các tín ngưỡng và dân tộc thiểu số khác … Cảnh ngộ của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc làm cho chúng ta phải chú ý và lên án.”
Nghị sỹ Ken Calvert bang California cho biết các học viên Pháp Luân Công đã bị ngược đãi, tra tấn, cầm tù phi pháp, và bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Ông nói: “Cuộc bức hại tàn bạo này là không thể chấp nhận được và phải chấm dứt”.
Hạ Nghị sỹ Anthony Gonzalez bang Ohio viết: “Tôi tự hào là một thành viên của Lực lượng Đặc nhiệm về Trung Quốc tại Hạ viện Hoa Kỳ, và luôn tập trung yêu cầu truy cứu trách nhiệm ĐCSTQ về những vi phạm thô bạo và nhân quyền cũng như những hành vi tàn bạo đối với công dân của chính họ. Tôi ủng hộ sự kiên cường và bền bỉ của [các học viên] Pháp Luân Công trong nỗ lực tự do thông tin phản đối ĐCSTQ. ”
Sau khi ĐCSTQ thực thi Luật An ninh Quốc gia ở Hồng Kông, các ủy viên hội đồng đã ca ngợi các học viên Pháp Luân Công vì họ đã kiên trì bảo vệ đức tin của họ bất chấp cuộc bức hại khắc nghiệt.
Ông Hồ Chí Vỹ, Chủ tịch Đảng Dân chủ và là Thành viên của Hội đồng Lập pháp
Ủy viên Hội đồng Hồ Chí Vỹ cho biết nhiều người Hồng Kông đã nghi ngờ về cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công vì họ đã bị lừa dối bởi những lời dối trá của ĐCSTQ. Với sự xâm phạm không ngừng và thường xuyên của ĐCSTQ đối với các quyền tự do quý báu của Hồng Kông, người dân đã bắt đầu phản đối dự luật dẫn độ hồi năm ngoái.
Ông nói mọi người đã bắt đầu thức tỉnh và nhận ra rằng Hồng Kông đang chìm đắm trong chiến dịch tuyên truyền và tẩy não của ĐCSTQ. Hiện nay, nhiều người hiểu rằng cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ đã bộc lộ bản chất tà ác của nó.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/7/30/409804.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/8/1/186131.html
Đăng ngày 17-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.