Bài viết của một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp tại Trịnh Châu

[MINH HUỆ 11-05-2010]

Kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 13 tháng 5, cũng là ngày sinh nhật của Sư tôn, là ngày vui Đại Pháp vũ trụ hồng truyền được 18 năm, năm ấy Sư phụ giảng Pháp truyền công rầm rộ trên toàn quốc, từng cảnh tượng sống động hiện ra trước mắt, tưởng chừng như mới diễn ra ngày hôm qua mà thôi. Khi Đại Pháp hồng truyền, người truyền người, tâm truyền tâm, chỉ trong bảy năm ngắn ngủi đã có hơn 100 triệu người tu luyện. Thời ấy, tại khắp các tỉnh thành phố ở Trung Quốc, từ các công viên lớn, quảng trường, địa điểm tổ chức sự kiện công cộng, vào mỗi buổi sáng sớm, đâu đâu cũng có thể nhìn thấy các nhóm người tu luyện đang luyện công, có nhóm khoảng 30 người, 50 người, cho đến 100, 200 người đều có cả. Ở nông thôn cũng vậy, cứ ba dặm một làng, năm dặm một trấn, tiếng nhạc luyện công của Pháp Luân Công vang lên du dương, như sợi dây âm thanh vô hình liên kết các nơi lại với nhau.

Hàng chục triệu người đạt được thân thể khỏe mạnh, đạo đức thăng hoa, nhân tâm sửa đổi, người người thi nhau làm người tốt, chiểu theo tiêu chuẩn Đại Pháp “Chân-Thiện-Nhẫn” mà hành xử, khiến cho bản thân và những người xung quanh, cũng như tổng thể xã hội được hồi quy.

Sư phụ giảng:

“Đại Pháp hồng truyền, người nghe thấy sẽ tìm, người đắc được sẽ thích, người tu tăng lên hàng ngày, nay không đếm xiết.” (Bái Sư, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Đây chính là bức họa Đại Pháp hồng truyền vào những năm ấy.

Tôi đắc Pháp tu luyện 16 năm, nếu không có Sư phụ bảo hộ thì không thể bước đi cho đến ngày hôm nay. Tôi may mắn được tham gia lớp học ở Trịnh Châu, đây là sự kỳ vọng, tìm kiếm và chờ đợi hàng nghìn vạn năm qua, để tôi có thể chứng kiến được sự tốt đẹp của Đại Pháp, là sự thật rành rành chứ không phải là hư vô.

I.

Vào ngày 11 tháng 6 năm 1994, Sư phụ đến Trịnh Châu tỉnh Hà Nam giảng Pháp truyền công, có người nói với tôi rằng Pháp Luân Công đến rồi. Khi tôi nghe ba chữ “Pháp Luân Công”, lập tức toàn thân chấn động mạnh mẽ. Tôi đi theo dòng người nghe giảng đến bên ngoài sân vận động, chỉ nhìn thấy học viên đang bán sách ở đó, tôi bước đến cầm quyển sách “Pháp Luân Công Trung Quốc” lên xem, vừa trông thấy bức ảnh trên trang bìa, tôi ngạc nhiên đến nỗi không thốt nên lời: “Chao ôi, tôi biết vị Sư phụ này!” Đồng thời trong não tôi lóe lên rất nhiều cảnh tượng và hình ảnh. Học viên ở bên cạnh nói rằng: “Sư phụ đang ở phía sau chị đó, chị nhìn thử xem.” Tôi quay đầu nhìn một cái, Sư phụ đang đứng cách tôi ba hoặc bốn mét, Ngài đang nói chuyện với ai đó. Tôi cảm thấy sao mà Sư phụ thân quen đến thế, nhưng tôi không thể nhớ đã từng gặp Ngài lúc nào. Cho đến khi nghe xong các bài giảng trên lớp tôi mới hiểu rằng, đây là thánh duyên vạn cổ mà tôi đã tìm kiếm và chờ đợi hàng nghìn vạn năm qua, chỉ để ngày hôm nay có thể đắc Pháp mà thôi.

Sư phụ giảng:

“Có người nói: Pháp Luân Công [thật] thần kỳ, hễ tu luyện, bệnh chẳng còn. Đúng, một người tu luyện chân chính hễ bước vào là cải biến, hễ bước vào là bệnh tật được loại bỏ.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Canada [1999])

Xác thực là như vậy. Bởi vì tất cả bệnh trên thân thể tôi mấy năm qua đều hoàn toàn hồi phục trong thời gian tham gia lớp học. Trước đây bất kể là tôi đang đi trên đường hay làm việc, sẽ đột nhiên xuất hiện trạng thái chóng mặt, và ngay trong nháy mắt không còn biết gì nữa, thậm chí tôi nghĩ tương lai có khi mình sẽ chết vì bệnh này cũng nên. Tuy nhiên chỉ sau một lớp học, cảm giác bệnh gì cũng không còn nữa, đi bộ nhẹ như gió, đạp xe như có người đẩy, thân thể vô cùng nhẹ nhàng. Đặc biệt là thị lực của tôi bị mờ, chỉ khoảng 0,5 thôi, nhưng đọc hai dòng sách liền cảm thấy đáy mắt bị đau rồi dẫn tới nhức đầu, khiến cho cả đêm không ngủ được. Khi có được quyển sách “Pháp Luân Công Trung Quốc“, tôi không thể đợi thêm giây phút nào nữa mà đọc một mạch suốt đêm. Cho đến tận mấy năm sau, khi có người nhắc đến chuyện này, tôi mới nhớ là mắt của mình khỏi lúc nào không biết? Hơn nữa dẫu tuổi tác ngày một tăng, thị lực cũng theo đó mà ngày càng tốt hơn. Đại Pháp quả thật là quá thần kỳ!

II.

Vào chiều ngày 12 tháng 6, khi nhiệt độ lên tới 39 độ, lúc đó có hơn 3.000 người nghe giảng trong sân vận động được xây dựng đơn giản theo kiến trúc của thập niên 1950, trên trần chỉ có một tầng ngói amiăng (ngói thạch miên), nên vừa nóng vừa ngột ngạt. Tôi muốn nghiêm túc lắng nghe, nhưng lại cảm thấy buồn ngủ đến nỗi không mở mắt lên được (sau này tôi mới biết là khi ấy Sư phụ đang điều chỉnh đại não cho tôi), vì vậy, tôi đi ra ngoài mua một chai nước suối lạnh để xua đi cơn buồn ngủ. Vừa bước ra ngoài, tôi liền nhìn thấy một cơn cuồng phong dữ dội từ xa, cuốn theo lá cây, giấy bẩn, đất cát và rác cuồn cuộn ập đến trong nháy mắt; nửa bầu trời Đông Bắc đen kịt, dẫu có dùng chữ “mây đen cuồn cuộn” cũng không thể diễn tả hết được cảnh tượng, bởi loại màu đen ấy thật sự khiến người ta kinh sợ, là loại màu đen chỉ có trong truyện cổ tích khi yêu quái xuất hiện mới có thể nhìn thấy như vậy. Tôi vội vã trở lại hội trường trong tâm trạng hoảng loạn không định lại được, ngay lúc này ý nghĩ buồn ngủ cũng chẳng còn. Cơn cuồng phong thổi vỡ cả kính cửa sổ và cửa ra vào của sân vận động, mưa xối xả kèm theo mưa đá rơi ào ào trên trần, lập tức khiến trần bị thủng và nước dột xuống, điện cũng tắt…

Mọi chuyện xảy ra đột ngột, tuy nhiên trong trường lớp học không có hoảng loạn. Sư phụ một mặt bảo các học viên đừng dao động, một mặt ngồi trên bàn trên bục giảng đả đại thủ ấn. Các học viên ngồi dưới đất cũng song bàn, các học viên xung quanh cũng rất an tĩnh. Mặc dù tôi không biết được hàm ý cụ thể của đại thủ ấn mà Sư phụ đả xuất ra là gì, nhưng trong lòng tôi cảm thấy an toàn, yên tĩnh, tường hòa, hoàn toàn được từ bi hồng đại của Sư phụ và Phật quang bao phủ, hoàn toàn không còn cảm giác thấy mây đen dày đặc ở bên ngoài, cũng như trận mưa như trút nước cùng những hạt mưa đá to nhỏ như quả trứng gà nữa. Mưa gió dần tạnh. Sau khi đả thủ ấn xong, Sư phụ nói: Mười phút nữa sẽ có điện lại. Thật sự đã có điện trở lại chỉ sau vài phút, mặt trời cũng nhô cao trên bầu trời. Sư phụ bắt đầu giảng bài, Sư phụ nói rằng đây là do đại ma đầu tập hợp đám tiểu quỷ mưu đồ phá hoại Sư phụ giảng Pháp, Sư phụ đã tiêu hủy tên đại ma đầu rồi, còn đám tiểu quỷ thì tháo chạy tứ phía. Sư phụ còn nói rằng, vì tất cả học viên, cũng vì người dân Hà Nam mà làm chuyện tốt này.

Sau buổi học, từ sân vận động bước ra nhìn một cái, đường phố hoàn toàn khác, nước mưa vẫn ngập đến bắp chân, cây vông to cỡ một người ôm bị gãy ngang thân hoặc có cây trốc gốc nằm ngang giữa đường; đâu đâu cũng thấy cành cây gãy, lá cây rụng, chỗ nước mưa chảy đầy bùn vàng, cát, rác và những tấm biển quảng cáo khổng lồ bị gió quật đổ… Người ta nói rằng ba trong số bốn mạch điện chính trong thành phố đã bị hỏng vào ngày hôm đó, mấy hôm sau mới khôi phục lại được, chỉ có một đường dây tại vị trí của sân vận động là không bị hư hỏng, học viên chúng tôi ở lớp học cũng không bị bất kỳ thương tổn nào. Trải nghiệm lần này khiến tôi chứng kiến được sự từ bi và uy nghiêm của Sư phụ.

III.

Ngày 18 tháng 6 là ngày cuối cùng của lớp học. Sư phụ sắp xếp chụp ảnh với học viên vào buổi sáng, khi ấy có khoảng hơn nghìn học viên tham gia chụp ảnh. Sau khi chụp ảnh xong, nhóm học viên mới chúng tôi lưu luyến không muốn rời đi, muốn ở lại thêm một chút nữa, mong sao có thể có được một khoảnh khắc đẹp nào đó. Không ngờ là Sư phụ nhìn thấy chúng tôi đứng cùng nhau nên bước lại hỏi: “Chư vị là học viên Trịnh Châu phải không?” Chúng tôi trả lời: “Dạ đúng ạ”. Sư phụ nói rằng chúng tôi đừng đi, hãy ở lại đây đợi một chút. Lúc đó tôi nghĩ sao mà Sư phụ chỉ nhìn thoáng qua là biết chúng tôi là học viên Trịnh Châu nhỉ? (Bây giờ ngẫm lại cách suy nghĩ ấy buồn cười quá). Một lúc sau Sư phụ chụp ảnh xong, Ngài bước lại bảo chúng tôi vào bên trong sân vận động (sau trận mưa đá thì đổi địa điểm khác).

Khi chúng tôi bước vào bên trong, thì thấy dẫu là ghế hay băng ghế thì đều không còn chỗ trống nào cả. Sư phụ nói: Chúng ta ngồi dưới đất nhé! Sư phụ ngồi trước, tôi cũng ngồi xuống đối diện với Sư phụ, khoảng cách khá gần Ngài (vì lúc ấy số lượng học viên Trịnh Châu rất ít). Sư phụ nhìn các học viên xung quanh và nói: “Chư vị là những hạt giống.” Sư phụ giảng rất nhiều, nhưng cuối cùng câu nói mà tôi khó quên nhất, ấy là “Chư vị là những hạt giống.” Hàng chục học viên chúng tôi có mặt ngày hôm ấy thật may mắn làm sao.

Thực tiễn đã chứng minh rằng, Pháp Luân Đại Pháp là cao đức Đại Pháp, là con đường chính Pháp đưa con người lên cao tầng, đề cao tiêu chuẩn đạo đức và tố chất thân thể cho hàng trăm triệu người dân, khiến xã hội ổn định, đã khởi tác dụng tích cực không sao kể xiết.

(Bài viết được chọn đăng nhân dịp kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2010/5/11/223039.html

Bản tiếng Anh: https://www.clearwisdom.net/html/articles/2010/5/17/117114.html

Đăng ngày 22-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share