Bài viết của đệ tử Đại Pháp Đại lục
[MINH HUỆ 27-07-2020] Mỗi lần đọc hay nghe những bài chia sẻ của đồng tu về hồi ức trân quý thời Sư phụ truyền Pháp truyền công trên Minh Huệ Net, tôi đều cảm động đến rơi nước mắt. Những hồi ức trân quý này khích lệ mỗi đệ tử chúng ta càng thêm tinh tấn, đồng thời cũng lưu lại đoạn lịch sử đáng trân quý cho con người tương lai.
Hôm nay tôi cũng tự mình viết ra những ký ức tuyệt đẹp về mấy lần tham dự lớp giảng Pháp của Sư tôn vào năm đó để chứng thực Đại Pháp, cũng như ghi chép lại câu chuyện Sư phụ đã không màng đến gian khổ để gieo trồng những hạt giống Đại Pháp ở khắp Trung Hoa đại lục, bao gồm cả những vùng xa xôi hẻo lánh ở địa phương chúng tôi. Ngài đã mang phúc âm truyền cho chúng sinh ở khắp mọi nẻo đường tại Trung Quốc. Cầm bút trên tay, hồi tưởng lại toàn bộ quá trình này, tôi cảm thấy niềm hạnh phúc và cảm ân vô hạn dâng trào trong tim, nước mắt tôi không ngừng tuôn rơi …
Tôi sinh ra ở một thôn nhỏ tại vùng núi xa xôi hẻo lánh và nghèo khổ ở vùng cao nguyên hoàng thổ Đại Tây Bắc. Vào năm lên 10 tuổi, nhà tôi chuyển đến vùng đất có địa thế tương đối hơn, nó là một vùng đồng bằng khá thuận tiện cho việc đi lại. Cha tôi học văn hóa đến bậc trung học, ông ấy hiểu tầm quan trọng của việc học tập tri thức nên dù cho hoàn cảnh gia đình có khó khăn đến đâu thì ông vẫn phải cho anh chị em chúng tôi đi học. Nhờ vậy chúng tôi đã có cơ hội đến trường đến lớp. Thời đó, quần áo tôi mặc đều là những thứ đồ chắp vá mặc từ mùa đông sang mùa hè, mỗi ngày cơm không đủ ăn. Đó là những năm tháng hết sức bần cùng cơ cực, chúng tôi bị tà đảng nhồi nhét rằng càng khổ càng vinh quang, cần phải “thân lấm lem bùn đất, tay đầy vết chai sạn”. Có lúc trình diễn tiết mục ở trường học, tôi chỉ có thể mượn quần áo của nhà hàng xóm để mặc.
Tôi đã kết hôn vào năm 1985, khi đó vừa mới trải qua “cải cách giải phóng”, tôi chuyển đến một thị trấn nhỏ, rồi mở một cửa tiệm nhỏ kinh doanh cá thể. Do cuộc sống phải bôn ba vất vả nên sức khỏe của tôi cũng dần dần kiệt quệ. Ông ngoại tôi là một bác sĩ trung y, ông đề nghị tôi nên thử luyện khí công. Ông còn nói là nó có thể giúp thân thể khỏe mạnh, kể từ đó tôi cảm thấy khá hứng thú về khí công. Năm 1992, tôi đến địa phương khác để tham dự một lớp học khí công nọ. Học phí dành cho một khóa mất khoảng vài trăm nhân dân tệ, đây là một khoản tiền khá lớn vào thời đó; tính thêm chi phí đi lại và ăn ở tổng cộng lên đến gần một nghìn nhân dân tệ. Sư phụ giảng:
“Kết quả phí công chu du các nơi, mệt thân tốn tiền, không đắc được gì cả.” (Chuyển Pháp Luân)
Cuối cùng đến ngay cả mặt mũi vị khí công sư ở lớp học kia tôi cũng chẳng biết. Về phương diện trừ bệnh khỏe thân cũng không thấy có chút hiệu quả gì.
Vào một ngày tháng 6 năm 1994, trong lúc chuẩn bị tham dự lớp khí công thuộc loại “cảnh giới tinh thâm”, tôi đã gọi điện thoại cho một người bạn thân sống ở Bắc Kinh khi đang ngồi chờ chuyển xe. Tôi nói cho anh ấy biết lý do mình ghé qua Bắc Kinh. Anh ấy liền nhanh chóng giới thiệu Pháp Luân Công cho tôi. Anh ấy bảo Sư phụ Pháp Luân Công vừa mới giảng xong lớp học thứ 12 ở Bắc Kinh. Anh ấy còn nói công pháp này rất tốt và tôi đã bỏ lỡ lớp học ở Bắc Kinh. Buổi tối hôm đó, anh ấy đã mang băng ghi âm giảng Pháp của Sư phụ ở Bắc Kinh đến chỗ khách sạn tìm tôi. Vừa hay tôi cũng mang theo máy ghi âm bên mình, trong buổi tối hôm đó tôi đã nghe xong mấy bài giảng, tôi cảm thấy vị Sư phụ này giảng quá tốt nên lập tức quyết định sẽ ở lại Bắc Kinh.
Sau đó tôi tìm đến điểm luyện công ở hồ Phương Trạch, công viên Địa Đàng ở Bắc Kinh. Người phụ đạo viên tiếp đãi chúng tôi rất nhiệt tình (lúc đó chúng tôi còn dẫn theo một người nữa). Phụ đạo viên dạy miễn phí cho chúng tôi năm bài công pháp. Tôi thỉnh về cuốn sách “Pháp Luân Công Trung Quốc”, và cũng biết tin về lớp học sắp tới diễn ra ở Trịnh Châu. Tôi thấy mình quả thật là quá may mắn! Tâm tình tôi vô cùng mừng rỡ và mong ngóng đến ngày Sư tôn mở lớp giảng Pháp.
Buổi tối ngày 9 tháng 6 năm 1994, tôi đặt vé xe lửa đi từ Bắc Kinh đến Trịnh Châu ở Hà Nam. Khi tôi đến Trịnh Châu thì đã là sáng ngày 10 tháng 6. Các học viên ở địa phương ra tiếp đón chúng tôi. Tôi đi đến nơi báo danh đóng 40 nhân dân tệ tiền phí đăng kí lớp học. Các học viên ở đó đã giúp chúng tôi tìm được chỗ trọ với giá thuê khá rẻ.
Buổi sáng ngày 11 tháng 6, tôi cùng một vài học viên từ các địa phương khác đi đến một khán phòng đơn sơ bên trong sân vận động. Chúng tôi nhìn thấy mái vòm trong sân được lợp từ ngói thạch miên và những tấm sắt v.v., nền đất và cầu thang được trát xi măng, ở giữa phòng còn có một giếng trời khá rộng, trong phòng có đặt một chiếc bàn dài. Bởi vì chúng tôi là học viên mới lần đầu đến nghe Pháp, thêm nữa là hội trường này quá thô sơ, cầu thang toàn trát bằng xi măng, cũng không có ghế ngồi và số hàng ghế cho nên chúng tôi đã tự chọn chỗ ngồi cho mình. Toàn bộ học viên chúng tôi leo lên ngồi ở bậc cầu thang phía sau giếng trời vì muốn nhìn rõ lúc Sư tôn bước vào lớp. Sau khi nghe xong Sư tôn báo cáo việc truyền công, có nhiều học viên cũ nói với chúng tôi là không thể leo lên cầu thang ngồi cao hơn so với Sư phụ để nghe giảng bài, lúc đó chúng tôi mới hiểu ra làm như vậy là bất kính đối với Sư phụ. Bây giờ nghĩ lại quả thật là đáng xấu hổ, tôi tự hỏi vì sao lúc đó mình chẳng nghĩ ra phải ngồi thật cung kính ở phía dưới để nghe giảng Pháp! Vào ngày hôm sau, chúng tôi đến hội trường thật sớm, ngồi ở bên dưới nền xi măng để nghe Sư phụ giảng Pháp. Trong hội trường khi đó có khoảng hơn một nghìn học viên tham dự lớp học.
Ngày 12 tháng 6, đúng lúc Sư phụ đang giảng bài, đột nhiên cuồng phong nổi dậy, mưa lớn kèm theo những viên đá to trút xuống mái vòm của sân vận động, tạo ra âm thanh va đập rất lớn, cửa sổ không có gắn kính nên nước mưa bị gió thổi tung tóe vào bên trong sảnh, rồi bỗng dưng cả hội trường cúp điện tối thui. Tôi còn nhớ là bên cạnh chiếc bàn Sư tôn ngồi giảng Pháp bị dột nước mưa nên Sư tôn đã dời vị trí ngồi lên trên mặt bàn rồi đả một bộ đại thủ ấn. Ngài còn giảng về câu chuyện Thích Ca Mâu Ni truyền pháp năm xưa để giúp các học viên lấy lại bình tĩnh. Ngay sau đó trời đã ngừng mưa, và một tia nắng chói chang chiếu rọi vào khung cửa sổ, cả hội trường tiếng vỗ tay vang lên như sấm.
Sau đó lớp học đã được chuyển sang một nhà thi đấu có cơ sở vật chất tốt hơn. Mỗi ngày trước khi giảng bài, Sư tôn đều đi dạo quanh trong sân, lúc đầu còn có học viên vây quanh Sư tôn để chụp hình, nhưng về sau thì không có ai làm như vậy nữa.
Thời đó tôi mới nghe Pháp nên cũng không ngộ ra đây chính là tu luyện chân chính, tôi chỉ nghĩ là Sư phụ sẽ giúp mình chữa khỏi chứng đau lưng. Một hôm lớp học vẫn chưa bắt đầu, mọi người đều đang chờ ở trong sân, lúc đó tôi đã chạm mặt với Sư tôn. Sư tôn đứng khoanh tay trước ngực, vừa trìu mến vừa nghiêm khắc nhìn tôi, Ngài không nói lời nào cả và tôi cũng không biết mình sẽ nói gì, đầu não tôi thấy trống rỗng, rồi Sư tôn chỉ tay về phía lưng của tôi. Về sau dần dần tôi mới hiểu ra Sư tôn đang thật sự truyền công giảng Pháp dạy con người tu luyện. Sư phụ giảng:
“Sự việc như thế này, cơ hội không nhiều, và tôi cũng không truyền [giảng] lâu theo cách này. Tôi thấy rằng những người trực tiếp nghe tôi truyền công giảng Pháp, tôi nói thật rằng…… sau này chư vị sẽ hiểu ra; chư vị sẽ thấy rằng khoảng thời gian này thật đáng mừng phi thường. Tất nhiên chúng tôi nói về duyên phận; mọi người ngồi tại đây đều là duyên phận.” (Chuyển Pháp Luân)
Khóa học tám ngày kết thúc, các đệ tử chúng tôi đến từ mấy tỉnh Tây Bắc đã cùng chụp hình kỷ niệm với Sư phụ trước tấm bảng màu vàng ghi chữ “Lớp học Pháp Luân Công Trung Quốc ở Trịnh Châu”. Lúc lớp học kết thúc, mỗi học viên mới đều được nhận chứng chỉ tốt nghiệp lớp học Pháp Luân Công, hơn nữa Sư phụ đã yêu cầu mỗi học viên chúng tôi viết ra tâm đắc thể hội. Sư phụ nói rằng Ngài xem tất cả những bài tâm đắc thể hội của từng học viên.
Lớp học Trịnh Châu kết thúc, tôi quyết định đi theo Sư phụ đến Tế Nam để tham dự khóa học Pháp Luân Công lần thứ 2 ở đây. Đi cùng với chúng tôi có một nữ học viên Bắc Kinh vừa đến thành phố Tứ Xuyên nghe Sư phụ giảng Pháp, cô ấy cũng đi theo Sư phụ trong mấy lớp giảng Pháp, cô ấy là một sinh viên tài năng trẻ tuổi đang làm việc cho một ngân hàng đa quốc gia. Vào buổi sáng ngày chúng tôi đến Tế Nam, chúng tôi đi đến nhà thi đấu Hoàng Đình để nộp lệ phí đăng kí. Chúng tôi được tính là học viên cũ nên mỗi người chỉ cần trả phí báo danh là 25 nhân dân tệ. Sau đó chúng tôi đi tìm chỗ trọ ở vài nơi nhưng mãi vẫn chưa tìm được, tuy nhiên lúc quay về chỗ gần nhà thi đấu Hoàng Đình thì tìm được một nhà trọ vẫn còn đủ phòng và giường cho mấy người chúng tôi. Bây giờ nghĩ lại mới thấy Sư tôn vẫn luôn chăm lo cho mỗi đệ tử.
Vào trung tuần tháng 6, nhiệt độ ở Tế Nam vượt quá mức 38 độ C. Vào buổi trưa một ngày nọ trong lớp giảng Pháp, Sư tôn đã nhận lời chụp ảnh kỷ niệm cùng các học viên ở cầu thang bên ngoài. Lúc đó tôi cũng muốn chụp ảnh với Sư phụ nhưng đồng tu nói là Sư phụ quá vất vả, vả lại chúng tôi đã từng chụp ảnh với Sư phụ ở lớp Trịnh Châu rồi nên cũng không cần làm phiền Sư phụ thêm nữa. Dưới cái nóng như thiêu đốt, Sư tôn đã chụp hình với các học viên sau khi mọi người đứng xếp hàng ngay ngắn.
Ngày thứ 3 ở lớp học Tế Nam, tôi bắt đầu có biểu hiện giống như bị cảm mạo, toàn thân đau nhức, nhưng ngày hôm sau đã hoàn toàn khỏi hẳn. Khi đó, tôi mới phát hiện cảm giác về bệnh đã sớm biến mất không còn dấu vết. Tôi cảm nhận được sự mỹ diệu với thân thể nhẹ nhàng vô bệnh. Kể từ ngày đó cho đến hôm nay, tôi không phải uống một viên thuốc nào, hơn nữa trông tôi cũng trẻ hơn khoảng chục tuổi so với những người đồng trang lứa.
Vào tháng 10 năm 1994, tôi đang công tác ở một công trình trong thành phố. Có một hôm, tôi nghe được tin vui từ anh bạn thân là Sư tôn đang mở lớp ở Quảng Châu. Nhân viên phục vụ trong buồng điện thoại nghe được cuộc nói chuyện giữa tôi và anh bạn, anh ta bèn nói: “Các bạn thật là hạnh phúc quá đi!” Ba ngày trước khi Sư phụ mở lớp vào tháng 12, tôi đã bắt đầu cuộc hành trình của mình, tôi dẫn theo vợ và một người họ hàng đến Tây An mua một thùng mì ăn liền ở ngoài chợ, sau đó chúng tôi cùng lên xe lửa đi thẳng đến Quảng Châu.
Tại đây có một chuyện nhỏ thần kỳ xảy ra. Buổi tối ngay trước hôm chúng tôi xuất phát, đứa con gái 5 tuổi của tôi đột nhiên bị sốt cao. Lúc đó, tôi nghĩ mình chắc chắn phải đến nghe Sư tôn giảng Pháp ở Quảng Châu. Tôi thấy không yên tâm khi để con bé ở nhà cho mẹ mình chăm sóc nên đã quyết định dắt con bé đi cùng. Lúc vừa đến Tây An thì con bé chạy nhảy tung tăng, không còn thấy bệnh đâu nữa. Sư tôn đã dùng phương thức này để giúp con bé đi nghe Ngài giảng Pháp, trở thành tiểu đệ tử của Ngài.
Học viên đến tham dự lớp giảng Pháp ở Quảng Châu rất đông, có hơn năm nghìn người, có khi gần hai trăm người không mua được vé vào cổng. Thời đó chúng tôi cũng không đặt được vé. Anh bạn thân của tôi ở Bắc Kinh đã mua trước hai tấm vé cho vợ và người họ hàng của tôi, bởi vì hai người họ là học viên mới lần đầu tham dự lớp giảng Pháp của Sư phụ. Hai người họ dắt theo con gái nhỏ vào trong hội trường. Tôi và những học viên khác chưa có vé được phụ đạo viên sắp xếp ngồi ở khán phòng nhỏ bên cạnh nhà thi đấu. Chúng tôi lắng nghe Sư phụ giảng Pháp ngày đầu tiên thông qua hình thức truyền phát vô tuyến. Ngày hôm sau, đồng tu kiếm được một vé đưa cho tôi để tôi vào trong hội trường chăm sóc con nhỏ, nhờ vậy mà vợ tôi và người họ hàng có thể chuyên tâm lắng nghe Sư phụ giảng Pháp. Sau này tôi nghe người phụ đạo viên ở Bắc Kinh kể chuyện tìm vé, tôi mới biết vé của chúng tôi là do phụ đạo viên đến từ Bắc Kinh nhường lại. Chúng tôi thành thật cảm ơn đồng tu Bắc Kinh.
Mỗi ngày Sư tôn bước lên bục giảng, hội trường hơn cả nghìn người bỗng trở nên tĩnh lặng, tuy không có người giữ trật tự nhưng mọi người đều chuyên chú tâm chí lắng nghe Sư tôn giảng giải Pháp lý tại cao tầng. Giọng nói của Sư tôn âm vang, Ngài giảng Pháp trong suốt hơn hai giờ đồng hồ mà không hề uống một ngụm nước nào. Sư tôn đã dùng một ngày ở giữa khóa giảng để giúp mọi người thanh lý thân thể. Ngài bảo mọi người đưa tay ra, rồi dậm chân xuống, trong chớp mắt tôi nhìn thấy tay Sư tôn đang bắt thứ gì đó rồi ném nó đi. Vợ tôi nhìn thấy nền nhà phía trước mặt Sư tôn có đốm lửa bắn tung tóe. Đương nhiên, những học viên đã khai mở thiên mục còn có thể nhìn thấy nhiều hiện tượng hơn nữa.
Thời đó chúng tôi ở trọ tại nhà khách trong khu quân đội ở Quảng Châu. Mỗi ngày đều có xe đến rước chúng tôi đến lớp học. Ở nhà khách này còn có rất nhiều học viên là giáo sư đại học và chuyên viên kỹ thuật cao cấp đến tham dự lớp giảng Pháp của Sư tôn, cũng có rất nhiều đệ tử cao tuổi với sắc mặt hồng hào sáng sủa, có nhiều người tuy đã ngoài 50 tuổi nhưng trông họ vẫn còn rất trẻ, ngữ khí hòa ái thân thiện, không có bất cứ người nào xem mình cao hơn người khác, mọi người cùng nhau tổ chức giao lưu chia sẻ tâm đắc thể hội.
Bệnh lao của vợ tôi cũng khỏi hẳn kể từ lần đó. Trước đây, cô ấy không thể ăn được đồ lạnh nhưng từ lần tham dự lớp học đó trở đi, dù là thức ăn lạnh hay nóng thì cô ấy đều ăn bình thường. Sau khi trở về nhà, cô ấy đã mang thuốc trị lao trả lại cho phòng y tế huyện. Kể từ đó, sắc mặt của vợ tôi cũng trở nên hồng hào, tràn đầy sức sống.
Từ sau lớp học lần đó, nhà tôi đã trở thành một điểm luyện công. Chúng tôi thường bật băng tiếng giảng Pháp của Sư phụ cho các học viên mới nghe định kỳ. Có học viên đến từ Hội nghiên cứu Bắc Kinh xin địa chỉ nhà tôi, kể từ đó cũng có khá nhiều học viên liên tục tìm đến. Bởi vì nhà tôi ở khu buôn bán nằm ngay bên đường lộ nên cũng dễ tìm. Đại Pháp đã nhanh chóng truyền bá rộng rãi ở huyện thành xung quanh nơi chúng tôi ở.
Kể từ sau khi băng ghi hình giảng Pháp của Sư phụ được phát hành, nhà tôi lúc đó có một chiếc ti vi màu và một cái máy chiếu phim, chúng đã trở thành những công cụ quý giá để tôi sử dụng vào việc hồng Pháp. Ngoại trừ khoảng thời gian chúng tôi tổ chức lớp học chín ngày ở nơi địa phương ra, tôi thường mang chúng xuống dưới thị trấn (thời đó ti vi ở vùng nông thôn đa số là trắng đen). Có khi mấy doanh nghiệp hay công ty lớn trong vùng mời tôi đến công ty họ để chiếu băng hình giảng Pháp và dạy công của Sư phụ. Trước khi đi tôi luôn cảm thấy rất vui, có lúc tôi ra khỏi nhà một mạch tám chín ngày liền nên một mình vợ tôi đã quán xuyến việc bán buôn ở nơi cửa tiệm. Mỗi lần tôi đi hồng Pháp về, trong mấy ngày liền việc làm ăn phát đạt lạ thường, tôi không phải mất nhiều thời gian vào việc buôn bán, đây chính là hồng phúc khi chúng tôi tu luyện Đại Pháp. Về sau tôi phối hợp với tổng trạm ở tỉnh tổ chức giao lưu với các học viên ở tỉnh lân cận cũng như các địa khu và thành phố trong tỉnh chúng tôi, từ đó hình thành nên hoàn cảnh tu luyện và hồng Pháp thật tốt.
Tôi viết ra những trải nghiệm của bản thân cũng là để chứng thực tình huống phúc âm của Đại Pháp đã được hồng truyền rộng rãi ở địa khu Tây Bắc xa xôi này. Dưới bức hại điên cuồng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tôi cũng trở thành đối tượng trọng điểm bị bức hại. Con xin cảm ơn Sư phụ từ bi, Sư phụ đã khích lệ con đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, gập ghềnh bước đi cho đến hôm nay, tất cả đều nhờ Sư tôn từ bi bảo hộ.
Con xin cảm ơn Sư phụ đã cứu độ! Hợp thập!
Cảm ơn các bạn đồng tu đã giúp đỡ!
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2020/7/27/萬古的機緣-幸福的時刻-409617.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/8/12/186305.html
Đăng ngày 15-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.