Bài viết của đệ tử Đại Pháp ở Trung Quốc Đại lục
[MINH HUỆ 25-05-2011] Tuy bản thân tôi đã từng bốn lần tham dự lớp truyền Pháp của Sư phụ nhưng tôi vẫn rất thích xem những bài chia sẻ về hồi ức Sư ân của các đồng tu. Mỗi lần tôi tĩnh tâm lại xem đều thấy phảng phất như mình đã quay trở về lớp truyền Pháp năm xưa, cảm thấy ấm áp khi được đắm mình trong Phật ân hạo đãng.
Lớp học thứ nhất ở Thạch Gia Trang
Tôi yêu thích khí công từ nhỏ. Tôi còn nhớ thời mình bước vào trung học, thầy giáo tiếng Anh đã dạy chúng tôi khí công trong giờ tự học. Do ảnh hưởng từ gia đình nên từ nhỏ tôi rất tin vào Phật Đạo Thần. Sau khi nhập ngũ, tôi vẫn luôn kiên trì với sở thích của mình. Tôi còn nhớ vào khoảng cuối tháng 2 năm 1994, một hôm có một chị luyện môn khí công khác nói với tôi là có một vị đại sư khí công sẽ đích thân đến Thạch Gia Trang truyền Pháp, ở lễ đường quân khu đã có dán áp phích thông báo. Chị ấy hỏi tôi có thể tham dự lớp học hay không. Lúc đó, tôi cảm thấy mình quá bận rộn, có thể là không tham dự được, nhưng vào giữa trưa ngày hôm sau, công việc cần tôi phải đi ngang qua lễ đường quân khu, lúc đó tôi bèn nghĩ mình vào xem áp phích thử!
Trưa ngày hôm sau, tôi đã đến trước cổng quân khu. Tôi còn nhớ đó là một ngày trời nắng đẹp, rất ít người qua lại trên phố, có người ngồi bán vé trong phòng bảo vệ ở nơi cổng chính, anh ấy ló đầu ra cửa sổ nhìn quanh. Tôi leo lên hơn chục bậc cầu thang đi đến trước cổng lễ đường thì nhìn thấy áp phích dán ngay bên cạnh cửa vào, trên đó viết về tám đặc điểm lớn nhất của Pháp Luân Công, tôi xem xong cảm thấy rất tốt. Sau đó, tôi bước xuống cầu thang, nhưng do nhịn không nổi nên tôi lại quay trở lên xem lại tấm áp phích đúng ba lần. Tôi đứng trước cổng đắn đo một lúc, không biết mình có nên tham dự lớp học này hay không. Cuối cùng tôi quyết định trước tiên mua một vé tham dự hội báo cáo kéo dài hai giờ đồng hồ vào buổi sáng ngày chủ nhật. Người bán vé vào cổng nhìn thấy tôi anh ấy liền cười, nói là còn đúng một vé cuối cùng! Sau khi tôi nhận vé vào cổng, trong tâm cảm thấy có chút phấn khích không thể diễn tả. Sau đó, tôi đi đến Hiệp hội khí công ở Cung văn hóa thanh thiếu niên là nơi bán vé đăng ký lớp học để thỉnh về cuốn sách “Pháp Luân Công Trung Quốc” vừa mới xuất bản. Tôi nhìn ảnh Sư phụ trong sách cảm thấy giống như được gặp gỡ người thân của mình sau nhiều năm, hình ảnh của Sư phụ trông quá đỗi thân thiết. Tôi thấy mình như đã thông suốt nên chẳng còn chút do dự nào, tôi bèn mua luôn hai tấm vé cho lớp học. Vừa đúng lúc mẹ tôi đến chỗ chị dâu trông nom cháu gái nên tôi đưa cho bà một vé.
Tôi còn nhớ sáng sớm ngày hôm đó, lúc đứng xếp hàng tập thể dục buổi sáng trong đơn vị, tôi ngửi thấy hương hoa thơm phức trước giờ chưa từng có, tuy nhiên khí trời lúc đó rất lạnh và hoa vẫn còn chưa nở. Tôi nhìn sang những người đứng bên cạnh nhưng dường như họ không ngửi được gì. Về sau, tôi mới biết điều này có liên quan đến việc mình đắc Pháp.
Buổi sáng ngày chủ nhật, ở buổi báo cáo tại lễ đường quân khu, người đến tham dự ngồi kín cả khán phòng, từ câu nói đầu tiên Sư phụ giảng cho đến câu cuối cùng kết thúc là đúng hai giờ đồng hồ. Tôi ngồi ở đó giống như định trụ lại vậy, toàn bộ thân tâm tôi đều đặt vào trong đó, lắng nghe không bỏ sót chữ nào, tôi có thể lý giải hết thảy, lập tức cảm thấy thoát thai hoán cốt giống như đã biến thành một người khác vậy.
Buổi tối ngày 3 tháng 3, tôi đạp xe đạp từ doanh trại đến nhà chị dâu gần một giờ đồng hồ để đón mẹ tôi, sau đó lại đi khoảng nửa giờ đồng hồ để đến khán phòng ở nhà máy dệt sợi tham dự lớp giảng Pháp, nghe giảng xong thì tôi lại chở mẹ về nhà chị dâu, bận đi bận về tốn mất ba giờ đồng hồ. Mẹ tôi ở quê mới lần đầu đến Thạch Gia Trang, năm đó bà cũng gần 70 tuổi, lên thành phố mới được vài ngày nên vẫn còn nhiều chỗ chưa quen. Có một hôm, trong đơn vị tôi có việc nên sau khi nghe giảng Pháp xong, tôi không có thời gian đưa mẹ về nhà. Tôi bắt cho mẹ chuyến xe buýt đi thẳng, rồi nhờ tài xế nhắc dùm bà ấy nên xuống xe ở trạm nào, tôi còn chỉ cho mẹ đường về nhà như nào sau khi xuống xe. Tôi cho rằng mình đã nói rõ ràng hết rồi, nhưng ngờ đâu sau khi xuống xe thì bà bị lạc đường, đứng giữa ngã tư giao lộ không biết nên đi đường nào. Trước đây bà cũng chưa từng đi xe buýt, thêm vào trời đông lạnh lẽo đã hơn 10 giờ đêm, trên đường không có bóng người qua lại. Mẹ tôi lúng túng chưa biết làm sao thì bỗng dưng xuất hiện một cô bé khoảng hơn 10 tuổi chủ động bắt chuyện với bà: “Bà ơi, bà định đi đến chỗ nào vậy?” Mẹ tôi chưa kịp trả lời thì cô bé đã dắt tay bà đi về phía trước, bởi vì mẹ tôi căn bản là không biết nhà chị dâu nằm ở chỗ nào (chị dâu đang chờ đơn vị cấp nhà nên ở tạm trong khu nhà trọ). Hai người đi khoảng hơn hai trăm mét thì đến trước nhà chị dâu. Khu vực xung quanh nhà chị dâu có nhiều công ty, nhà trọ cũng nhiều nhưng cô bé kia làm sao có thể biết chỗ nào cần đi nhỉ? Tôi hiểu ra chính là Sư phụ đang giúp mẹ tôi.
Thạch Gia Trang là một thành phố có nhiều doanh trại, ngày đầu tiên có nhiều người mặc quân phục đến tham gia lớp học. Họ không phải đều công tác ở cùng một đơn vị. Thời đó không phải chỉ có vài người kiên trì đến tham dự lớp học thôi, thật ra có rất nhiều người trong bộ đội rất thích luyện khí công.
Tôi cảm thấy rất tốt khi nghe Sư phụ giảng Pháp, ngày hôm sau tôi mượn một chiếc máy thu âm nhỏ đến lớp với mong muốn ghi âm lại toàn bộ bài giảng. Do không có kinh nghiệm ghi âm, thêm nữa là pin của máy không đủ nên hiệu quả ghi âm không tốt, cũng không ghi được toàn bộ nội dung. Nhưng có thể là Sư phụ đã nhìn thấy sự thành tâm của tôi nên sau khi kết thúc lớp học, tôi nhanh chóng nhận được băng thu âm giảng Pháp hoàn chỉnh và rõ ràng của lớp giảng Pháp lần này từ các đồng tu.
Trên bức tường trong khán phòng có dán áp phích thông báo về lớp học trong mấy tháng sắp tới diễn ra sau lớp học ở Thạch Gia Trang, mỗi tháng tổng cộng có ba lớp, còn có thông tin liên lạc chi tiết, học viên có thể gọi điện thoại để đặt chỗ trước. Tôi lấy sổ ra ghi chép lại toàn bộ những thông tin này (tâm tình của tôi lúc đó là muốn tham dự toàn bộ các lớp, tôi không muốn bỏ sót bất cứ lớp học nào, là một chủng tâm thái cảm thấy cấp bách không thể diễn tả bằng lời, nhưng trong một năm tôi chỉ có 10 ngày phép về thăm nhà nên tôi nghĩ mình chỉ có thể tham gia một lớp học mà thôi, khi nghĩ đến đây tôi cảm thấy hết sức tiếc nuối không biết phải làm sao). Lúc đó tôi nhìn thấy Sư phụ đã ngồi trên bục giảng, chuẩn bị giảng bài, Sư phụ nhìn thấy tôi vẫn còn đang ghi chép số điện thoại nên Ngài mỉm cười nhìn tôi. Tôi nhanh chóng quay về chỗ ngồi ổn định vị trí. Có thể là Sư phụ đã nhìn thấy sự thành tâm mong muốn tham gia nhiều lớp giảng Pháp của tôi nên Ngài đã giúp tôi hủy bớt nhiều thứ can nhiễu từ không giác khác, cho nên tôi có thể có cơ duyên trong tu luyện về sau. Tôi đã nghe băng thu âm 20 khóa giảng Pháp của Sư phụ ở 16 thành phố và huyện Quán, trong số đó có khóa thứ 5 ở Vũ Hán, khóa thứ 3 trong 5 khóa học ở Quảng Châu, khóa thứ 3 ở Bắc Kinh v.v. Tôi cũng đã xem qua toàn bộ băng hình giảng Pháp ở Diên Cát, Trịnh Châu và một phần băng hình ở Quý Dương. Lòng từ bi của Sư phụ đối với tôi không cách nào dùng ngôn ngữ để biểu đạt. Về sau, có thông báo tiêu hủy băng ghi âm và ghi hình từ Hội nghiên cứu Pháp Luân Công, tôi thật sự không nỡ làm việc đó, nhưng tôi vẫn phải dằn lòng mình xuống.
Kể từ lần đầu tiên gặp mặt Sư phụ, tôi có một mong muốn mạnh mẽ là cần phải làm đệ tử đi theo bên cạnh Sư phụ, lúc đó những người tham gia lớp học nghe Pháp chỉ mới là học viên, chưa được tính là đệ tử. Ngày hôm sau tôi đã viết một câu hỏi nhỏ trao cho nhân viên công tác của Hội nghiên cứu, nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh hồi đáp gì nên tôi đã bàn bạc với mẹ là mình sẽ đi theo Sư phụ. Mẹ tôi đã tham dự lớp học, cũng thể ngộ ra vẻ đẹp của Đại Pháp nên đương nhiên bà đã đồng ý, tôi lại viết câu hỏi lần nữa, nói rằng gia đình đã chấp nhận, tôi còn viết cả họ tên và nơi làm việc, sau đó tôi gửi câu hỏi lên nhưng vẫn không thấy động tĩnh gì nên tôi cảm thấy rất hối tiếc.
Mấy tháng trôi qua, tôi đến chơi nhà một đồng tu cũ, anh ấy mang ra một thùng sữa lúa mạch rót đầy một ly đưa tôi, anh ấy nói là Sư phụ đưa cho anh ấy thùng sữa ấy nên nó rất đáng quý. Anh ấy nói: “Thùng sữa này do người khác tặng cho Sư phụ nhưng Sư phụ không uống nên đưa cho tôi. Tôi bình thường cũng không có dịp uống nên mang ra uống khi có khách đến chơi nhà.”
Vị đồng tu này lại chủ động bắt chuyện với tôi, anh ấy nhắc đến chuyện tôi viết câu hỏi: “Khi đó Sư phụ thấy rất vui, Ngài thật sự muốn dẫn cậu đi theo. Ngài cầm lấy tờ câu hỏi đưa cho tôi xem, còn nói với tôi hai lần là ‘Con xem này, gia đình của cậu ấy đồng ý’. Tôi bèn ngăn lại, cho rằng cậu đang đi bộ đội nên không về được.” Sau khi nghe xong, tôi liền phàn nàn anh ấy, tuy là tôi biết mình khó xin về nhưng tôi vẫn muốn thử xem sao. Bất quá là việc này cũng khiến tôi được an ủi phần nào, rốt cuộc Sư phụ đã xem qua câu hỏi của tôi và xem xét yêu cầu của tôi.
Trong phần giải đáp câu hỏi vào ngày cuối cùng của lớp học, có học viên hỏi là quần áo của học viên ở phía trước giật điện anh ấy nên không biết là trong hội trường này có dẫn điện hay không. Sư phụ trả lời: “Có dẫn điện, mấy ngày diễn ra lớp học không chỉ là hội trường này dẫn điện, mà cả Thạch Gia Trang đều dẫn điện.” Chính là như vậy, mấy ngày hôm đó tôi huấn luyện quân sự cho một trường đại học, một sinh viên đã nói với tôi là bồn rửa mặt đã giật điện cậu ấy. Tôi nghĩ hiện giờ có khá nhiều người cảm thấy tĩnh điện, kỳ thực nguyên do chính là trường năng lượng của chỉnh thể đệ tử Đại Pháp rất mạnh, tôi cũng tự hỏi vì sao trước khi Sư phụ truyền Pháp lại không có hiện tượng này xảy ra.
Về sau tôi nghe một vị nhân viên công tác chịu trách nhiệm tiếp đãi Sư phụ nói là ba ngày sau khi mở lớp, Sư phụ ngoại trừ giảng Pháp ra, sau khi quay về nhà nghỉ, suốt cả ngày Sư phụ đều thanh lý các không gian khác, những đệ tử Đại Pháp ở Bắc Kinh đi theo Sư phụ cũng tham gia thanh lý trường không gian. Sư phụ đã từng nghiêm túc nói với họ là xem Thạch Gia Trang vì sao lại như thế, các không gian khác loạn đến như vậy. Bởi vì Thạch Gia Trang là một thành phố khí công, chỉ cần khí công sư có chút danh tiếng đều đến đây mở lớp, cả thành phố trở thành trường không gian của họ. Sau ba ngày thanh lý sạch sẽ xong thì trời quang mây tạnh, Sư phụ cũng suốt ngày cười vui.
Lúc luyện bài công pháp số năm Thần thông gia trì pháp trên lớp giảng Pháp, Sư phụ đích thân đi xuống chỉnh sửa động tác cho mọi người. Lúc tôi đả thủ ấn, tay phải không có duỗi thẳng ra, Sư phụ từ phía sau giúp tôi nâng tay một chút. Sau đó tôi phát hiện ra khi mình đả thủ ấn cảm nhận khí cơ rất mạnh mẽ, trong tâm cảm thấy mỹ diệu khôn cùng, tôi cũng đặc biệt thấy thích luyện công.
Lúc chụp hình kỷ niệm với Sư phụ, chúng tôi nghe theo sự sắp xếp trong hội trường chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm xếp thành hai hàng. Tôi thuộc vào nhóm thứ chín, chúng tôi đứng chụp hình bên ngoài cửa Tây của nhà thi đấu, khi đó tôi còn mặc quân phục và vừa thỉnh xong hai tấm hình Pháp tượng. Tôi và mẹ căng tấm hình ra để ở trước ngực, người đứng bên trái người đứng bên phải Sư phụ, lúc đó Sư phụ vội vàng cuộn tấm hình lại không cho chúng tôi trưng bày ra. Lúc đó bất kể là tôi nhìn thấy Pháp tượng của Sư phụ trong sách hay bức hình treo trên tường, vẻ mặt của Sư phụ trên Pháp tượng đều biểu lộ ra sự vui vẻ mà sau này khó lòng thấy được.
Lúc chụp hình, có nhóm sắp xếp chỗ ngay ngắn xong xuôi, nhưng cũng có nhóm chưa sắp xếp xong, có học viên cá biệt còn tranh nhau lôi kéo Sư phụ đến nhóm mình chụp hình trước, Sư phụ hạ giọng nghiêm túc nói: “Đừng không nghiêm túc như vậy”, khi đó còn có học viên vẫn xem Sư phụ như là một khí công sư bình thường.
Sau khi Sư phụ giải đáp xong câu hỏi cho học viên vào ngày cuối của lớp học, Sư phụ song bàn trên bục giảng đả một bộ tiểu thủ ấn, sau đó đả một bộ đại thủ ấn, lúc đó tôi thật sự có ý muốn ghi hình lại!
Lớp học thứ hai ở Trịnh Châu
Thời đó, tôi chỉ có 10 ngày nghỉ phép về thăm thân trong một năm, cho nên tôi chỉ có thể tham dự một lớp học ở địa phương khác, sau khi nghĩ tới nghĩ lui tôi đã chọn tham dự lớp ở Trịnh Châu diễn ra vào tháng 6. Tôi đã liên hệ với người ở Trịnh Châu để đặt trước vé.
Trong suốt thời gian lớp học diễn ra, có một hôm trước khi bắt đầu lên lớp, một vị đồng tu nọ đặt đệm ngồi ở một chỗ trống cách bục giảng không xa để giữ chỗ cho người đến sau, vừa quay mặt đi thì thấy một vị hòa thượng mập mạp mặc áo cà sa đang ngồi bên cạnh, đồng tu kia bèn nói với ông ấy đây là chỗ tôi giữ trước, người kia vẫn chưa đến. Khi nhìn lại thì không thấy hòa thượng đâu nữa, lúc này tôi mới biết đó là người từ không gian khác đến nghe Pháp.
Hội trường lớp giảng Pháp ở Trịnh Châu vô cùng tường hòa và tĩnh lặng. Hai ngày đầu Sư phụ giảng Pháp ở nhà thi đấu đầy mưa gió, buổi trưa hôm đó, gió thổi ngày một lớn hơn, bầu trời dần dần tối đen, lúc này mưa đá trút xuống càng lúc càng nhiều, đập vào mái vòm làm bằng thép của nhà thi đấu gây ra âm thanh rất lớn trong khán phòng, ngay lúc đó khán phòng bị cúp điện, Sư phụ bèn nói mọi người nghỉ giải lao một chút. Một lúc sau, Sư phụ bắt đầu đả đại thủ ấn. Ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi khi đó là bầu trời đen kịt, tôi còn nghĩ là trời đã tối rồi, chờ đến khi Sư phụ đả thủ ấn xong thì chỉ vài phút sau đó, một tia nắng sáng chói chiếu qua khung cửa sổ, lúc đó tôi mới bừng tỉnh bấy giờ vẫn là buổi chiều. Tuy là bên ngoài trời vẫn còn mưa gió nhưng đã giảm bớt nhiều, bầu trời cũng sáng sủa hơn, hôm đó tôi thật sự trải nghiệm được thế nào là vén mây thấy mặt trời. Chờ đến khi nghe xong bài giảng, ra khỏi khán phòng, tôi mới nhìn thấy cảnh tượng thê thảm ở bên ngoài, mấy gốc cây đại thụ vài chục năm tuổi ở các nơi như xưởng dệt sợi v.v. đều bị bứng gốc cả lên, nhiều ngôi nhà bị tốc mái.
Sau này, tôi nghe một vị học viên cũ khai thiên mục kể lại rằng Sư phụ truyền Pháp đã chọc giận rất nhiều ma quỷ, nhưng bọn chúng cũng không dám khinh suất động thủ, chúng truyền tai nhau hết tầng này đến tầng khác, cuối cùng tìm được một con ma mà chúng cho rằng nó ở tầng rất cao, tên Ma vương kia là thứ kỳ hình dị dạng, hắn ta dẫn theo một quần thể ma quỷ rợp trời dậy đất tấn công hội trường, lúc đó trên ti vi cảnh báo là có vòi rồng, kỳ thực cái đó bất quá chỉ là biểu hiện khi bọn chúng đi lướt qua. Bọn chúng muốn phá hoại không gian này từ trường giảng Pháp, nhưng kết quả là bọn chúng đã bị Sư tôn thanh lý sạch sẽ. Trong lớp giảng Pháp ở Tế Nam có học viên từng đặt câu hỏi về can nhiễu của ma trong lớp học lần này, khi đó Sư phụ trả lời rằng chúng chẳng là gì cả. Kỳ thực ở mỗi lớp học đều có những can nhiễu có thể nhìn thấy và không thể nhìn thấy.
Lúc cúp điện vào ngày hôm đó, bên dưới khán đài có chút dao động bất an, Sư phụ vì vậy đã giảng cho mọi người một câu chuyện như sau: “Có một lần nọ, Phật Thích Ca Mâu Ni đang giảng Pháp trong sơn động, một cơn gió thổi qua làm cho đèn dầu trong động tắt hết, mọi người vẫn tĩnh tĩnh nghe giảng Pháp, không có người nào dao động. Cái gì cũng động không nổi chư vị.”
Sau lớp học ở Trịnh Châu, Sư phụ quyết định mở hai lớp giảng Pháp nữa ở Tế Nam và Đại Liên, sau đó thì không mở lớp nào nữa. Tôi cảm thấy là do áp lực từ không gian khác, là sự cản trở từ tầng tầng tầng tầng cựu thần cũng như cựu nhân tố. Mấy tháng sau khi dừng mở lớp, Sư tôn vẫn luôn thanh lý và giải quyết những cản trở của các không gian khác đối với việc cứu độ chúng sinh. Thời đó tôi có thể thể ngộ được tâm tình nghiêm túc của Sư phụ, cũng như cảm nhận sâu sắc về những gian nan khi Sư phụ cứu độ chúng sinh.
Tôi còn nhớ vào một ngày nọ, trước khi Sư phụ lên lớp, bên ngoài cửa khán phòng có vài đồng tu hỏi một vị nhân viên công tác của Hội nghiên cứu về một số việc trong tu luyện, tôi cũng hỏi về một vấn đề, lúc đó cô ấy tỏ ra hết sức nghiêm túc, hết sức kích động nói với tôi: “Đã đến lúc nào rồi, anh có thể tu lên trên hay không! Anh vẫn còn nhiều lo lắng vậy sao!” Cô ấy tu luyện với thiên mục mở nên có thể nhìn thấy những hiện tượng đáng sợ từ các không gian khác áp xuống.
Trong lúc trả lời câu hỏi, có một học viên nói Sư phụ giảng hơi cao. Sư phụ nói: “Cao sao? Điều tôi cần là một trượng, mười trượng, trăm trượng, những điều tôi giảng cho chư vị vẫn chưa tới một tấc.” Tôi chợt nghĩ: bất kể là mình ngộ ra được gì, chứng ngộ đến đâu thì chúng chẳng là gì cả khi ở trước mặt Sư phụ! Bất kể là đến lúc nào đi nữa, đạt được thành tích gì thì vĩnh viễn không được mang theo tâm kiêu ngạo tự mãn! Vĩnh viễn đều là một lạp tử nhỏ bé trong Đại Pháp.
Có một hôm, chúng tôi phân nhóm chụp hình với Sư phụ, các đồng tu Hà Bắc và Đông Bắc chụp một tấm với Sư phụ. Còn mười học viên đến từ Thạch Gia Trang cùng chụp chung với Sư phụ một tấm hình khác.
Lúc kết thúc lớp học ở Trịnh Châu, Sư phụ từ trên bục giảng bắt tay từ biệt với các đệ tử
Ở buổi học cuối cùng, lúc rời khỏi hội trường, tôi và một vị đồng tu đi cùng không nỡ rời khỏi, Sư phụ đứng trên bục giảng lặng lẽ đưa mắt tiễn mọi người ra về. Lúc này có một vị đồng tu cao tuổi nước mắt giàn giụa bước lên bắt tay với Sư phụ, những người khác nhìn thấy vậy cũng liên tiếp lên bắt tay từ biệt. Có rất đông người nên tôi cũng không có ý chen lên trước, tôi cùng với đồng tu đi ra ngoài đại sảnh, nhưng do chịu không nổi nên tôi đã quay vào trong. Tôi bước lên phía trước, do rất đông người nên Sư phụ đứng trên bục giảng rướn người dang cả hai tay ra nhưng tôi vẫn không bắt được tay Sư phụ. Tôi chỉ có thể chạm vào mu bàn tay của Ngài rồi đành đứng sang một bên nhìn cảnh chia ly này. Lúc này các đồng tu đều bật khóc, tôi nhìn thấy rất rõ tuy là Sư phụ thôi thúc các đệ tử, Ngài không ngừng lặp lại lời nói “Mau lên nào! Nếu không đi cho nhanh thì không kịp xe lửa! Mau lên nào!” nhưng trong khóe mắt Ngài rơm rớm nước mắt, Sư phụ cố gắng kìm nén để nước mắt không trào ra, chứ kỳ thực Sư phụ không muốn các đệ tử rời đi. Chứng kiến cảnh tượng này, tôi cũng không cầm được nước mắt, nước mắt cứ thế trào ra. Cho đến khi về đến chỗ khu nhà nghỉ, nước mắt tôi vẫn chưa dừng lại, tôi bèn nói với vị đồng tu đi về cùng mình cớ sao nước mắt cứ rơi mãi không thôi, tôi không nhớ là trước đây mình đã từng rơi lệ vì điều gì giống như vậy hay chưa.
Lớp học thứ ba ở Tế Nam
Do chỉ còn lại hai khóa học nên sau khi mấy người chúng tôi bàn bạc xong xuôi, chúng tôi quyết định sẽ đi đến Tế Nam. Chúng tôi ở trọ tại một nhà nghỉ hai tầng mới xây ở gần trạm xe. Nhà nghỉ này chật kín người đến tham dự lớp giảng Pháp ở Tế Nam. Có học viên đến từ Quảng Châu, Thanh Hải, Vũ Hán v.v. mọi người giao tiếp với nhau hết sức thân thiết. Sau giờ cơm tối, lúc trời dần mát mẻ, có một chị làm ở ngân hàng Vũ Hán kể cho mọi người nghe về việc chị ấy nhìn thấy Pháp Luân đủ sắc màu đang xoay chuyển trên các ngọn đèn đường, trông chúng vô cùng đẹp mắt. Chị ấy còn nói lúc ở Trịnh Châu, một hôm trên đường về nhà nghỉ, chị ấy đã nôn ra một cục máu nhưng không bị sao cả, chị ấy hiểu ra là Sư phụ đang giúp mình điều chỉnh thân thể.
Người chủ nhà nghỉ chúng tôi ở trọ là một thanh niên ngoài ba mươi tuổi. Nhìn thấy có nhiều người từ nơi khác đến tham dự khóa học nên anh ấy cũng đăng ký tham gia. Anh ấy có một thói quen một ngày hút ba gói thuốc lá, sau khi tham dự lớp học, đến ngày thứ hai anh ấy đã bỏ hút thuốc và cảm thấy thật là thần kỳ. Do vậy, mẹ và con trai của anh ấy cũng đến tham dự lớp học. Cuối cùng vài chục người chúng tôi đã chụp tấm hình kỷ niệm cùng nhau ở trên sân thượng của nhà nghỉ.
Tôi thích chụp ảnh, trước khi đi Tế Nam, tôi đã mua một chiếc máy chụp ảnh sau khi kết thúc lớp học ở Trịnh Châu. Tôi đã chụp không ít hình ở lớp học Tế Nam. Mọi người hẳn vẫn còn nhớ có hôm Sư phụ giảng: “Chư vị đừng chụp nữa, nếu chụp nữa thì cũng bị hỏng cả thôi.” Tình huống khi đó chỉ đến một vị học viên cầm máy ảnh chụp tới chụp lui trước bục giảng Pháp, ảnh hưởng đến việc mọi người nghe Pháp, tôi cho rằng Sư phụ đang nói với anh ấy. Lúc đó tôi ngồi ở bậc thang phía trên bên tay phải trước mặt Sư phụ, cách khá xa bục giảng, ngay đúng lúc tôi cũng nghĩ đến chụp hình nhưng sau khi Sư phụ nói xong câu đó thì tôi vẫn ráng chụp một tấm, đồng tu ngồi nghe giảng kế bên nhìn thẳng vào tôi với ý tứ là: Anh không nghe lời Sư phụ vừa nói à. Khi đó tôi cho rằng Sư phụ không có nói đến mình, hơn nữa là mình ngồi ở khá xa nên không ảnh hưởng đến việc giảng Pháp, vả lại Sư phụ cũng không biết mình chụp ảnh. Lúc đó, tôi đã quên mất những lời Sư phụ giảng ra đều là Pháp, nó có mang theo lực ước thúc phổ biến, hơn nữa còn có vô số chư Thần hộ Pháp.
Kết quả là tôi lấy thân mình để thử Pháp này. Lúc đó tôi quả thật là không biết, về sau mới phát hiện ra cuộn phim chụp hôm đó toàn bộ trắng xóa, máy ảnh cũng không thể dùng được nữa, tôi mang nó đến tiệm sửa cũng không sửa được. Vậy mới thấy sự nghiêm túc của tu luyện cũng như uy lực của Đại Pháp. Máy ảnh tôi mới mua không bị vấn đề gì, lúc chụp cuộn phim thứ nhất, rửa ảnh ra rất đẹp. Thế mà lần này chụp cuộn phim thứ hai, toàn bộ ảnh rửa ra đều trắng xóa.
Sự việc này để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi, những lời Sư phụ giảng xuất ra đều là Pháp, nếu làm ngược lại thì sẽ nhận phải chịu hậu quả tương ứng. Có lúc bản thân tôi cũng làm sai, trông như cũng không có việc gì nhưng tổn thất có thể thể hiện ở không gian khác, hoặc là Sư phụ từ bi đã thay tôi gánh chịu hết thảy.
Trong thời gian diễn ra lớp học, mỗi ngày tôi đều mang theo máy ảnh với mong muốn chụp hình của Sư phụ. Có một lần nọ, trước khi lên lớp, tôi bước đi trên hành lang của nhà thi đấu, đúng lúc đang đi đối diện với Sư phụ, lúc đó chỉ có Sư phụ và tôi, cả hai người đều im lặng, đầu não tôi trống rỗng, không có chút gì trong đó. Cho đến khi Sư phụ đi qua, tôi dõi nhìn theo sau lưng Sư phụ thì mới nghĩ ra sao mình không chụp hình nhỉ. Lúc được bao phủ trong trường của Sư phụ, nhân tâm nào cũng không có nữa.
Có một hôm, tôi nhìn thấy toàn bộ bên trong khán phòng, đa số các đồng tu đều mang theo quạt tay. Tôi nhìn thấy có người đang phe phẩy chiếc quạt màu sắc lòe loẹt trông như bươm bướm đang tung cánh bay, không có nghiêm túc chút nào. Một lúc sau Sư phụ giảng: “Những học viên đang cầm quạt, không ngại thì các vị hãy bỏ quạt xuống thử xem.” Thật sự ngay lúc đó, tôi đã cảm thấy một làn gió mát từ phía sau thổi xuyên qua.
Vào một ngày nọ trên lớp giảng Pháp ở Tế Nam, bỗng dưng tôi nhận ra bộ Pháp tốt như thế này cần phải để cho nhiều người hơn nữa biết đến, tâm hồng Pháp của tôi trở nên mạnh mẽ. Tôi nghĩ sau khi ra về mình phải lập tức kiến lập điểm luyện công. Sau khi trở về, tôi cùng với một cô đồng tu lập điểm luyện công ở bãi đất trống bên cạnh đường lộ. Về sau từ một điểm luyện công này chia ra làm nhiều điểm nhỏ hơn.
Lớp học ở Tế Nam cũng không mấy dễ dàng! Tôi nghe nói Hiệp hội khí công lúc bắt đầu đã chỉ định hội trường khá nhỏ, chỉ có thể chứa được vài trăm người. Phụ đạo viên muốn đổi sang nhà thi đấu nhưng họ vẫn không chấp nhận, cứ cương trì như vậy trong thời gian rất lâu, có đồng tu không nhịn được bèn bật khóc, mãi cho đến cuối cùng mới quyết định tổ chức ở nhà thi đấu.
Pháp hội kỷ niệm hai năm ngày Sư phụ truyền Pháp ở Tế Nam năm 1995
Lớp học thứ tư ở Quảng Châu
Lần đầu tôi nghe nói về lớp học ở Quảng Châu là vào một buổi sáng sớm ngày chủ nhật. Sau khi hoàn thành luyện công buổi sáng ở nhà thi đấu xong, đồng tu bèn nói do thời gian tổ chức khóa học gấp rút nên nghe nói là không còn vé vào cổng nữa, trong tâm tôi cảm thấy buồn bã, tâm ý nguội lạnh. Nhưng trên đường đạp xe về nhà, trong tâm giống như nước thủy triều dâng, tôi nghĩ rằng đây là một lần cơ hội, nếu mình đi qua thôn này rồi sẽ không có quán trọ nào nữa, khi đó tay phải của tôi không chút do dự giơ lên khỏi đầu với khí thế có thể xẻ núi, định ra một niệm rằng mình phải đi Quảng Châu.
Nhưng mà làm sao để đi! Tôi bàn bạc với một số học viên ở học viện trung y, cuối cùng có đồng tu Giáp nói là anh ta sẽ đi dò đường trước, đến đâu xem thử có thể mua được vé hay không, rồi sẽ gọi điện thoại liên lạc sau, nếu mua được vé rồi thì sẽ cùng đi. Nhưng anh ấy đi mãi mà vẫn chưa có tin tức gì. Chúng tôi cũng không biết phải làm sao, đến cuối cùng chúng tôi quyết định cứ đi đến Quảng Châu trước.
Nhưng tôi cũng gặp phải bốn cái khó: Thứ nhất, không có vé vào cổng; thứ hai, không có vé xe lửa (thời đó không dễ mua vé xe lửa đi Quảng Châu, không giống như bây giờ có thể đặt chỗ trước mấy ngày, thêm nữa là rơi đúng vào dịp năm mới, mỗi ngày chỉ có một chuyến xe); thứ ba, không có ngày nghỉ phép, đơn vị vẫn đi làm; thứ tư, không có tiền, đồng lương thời đó vô cùng eo hẹp, căn bản là không đủ để chi tiêu.
Mấy sinh viên đại học trường trung y cũng không có tiền, chúng tôi đã chuẩn bị một bao to mì ăn liền loại rẻ nhất và dưa cải muối. Chúng tôi cũng nghe nói giá thuê nhà nghỉ rất đắt, đâu đó trên 100 nhân dân tệ, cho nên mấy người chúng tôi cũng chuẩn bị tinh thần sẽ ngủ qua đêm ngoài đường.
Cuối cùng bốn người chúng tôi quyết định lên đường, cộng thêm một anh chiến sĩ nhỏ quê ở Sơn Đông nấu cơm trong nhà ăn ở đơn vị của tôi, vậy là năm người chúng tôi cùng nhau đi đến Quảng Châu.
Thông qua sự việc lần này tôi thể ngộ ra chỉ cần chúng ta đặt tâm trong Pháp, bước đi trên con đường đã được nhắm chuẩn thì hết thảy đều là liễu ám hoa minh, hết thảy đều biến thành hảo sự. Điều Sư phụ cần chính là cái tâm hướng thượng này của chúng ta. Trên thực tế hết thảy khó khăn đều là giả tướng, kết quả là “bốn cái khó” nêu trên đã biến thành bốn điều thuận lợi và cát tường.
Trước khi xin nghỉ phép, tôi nhờ chị đánh điện báo cho đơn vị: “Trong nhà có việc cần em tôi về gấp.” Tôi nghĩ đây không tính là nói dối vì nghe giảng Pháp chính là đại sự trong nhà. Cán bộ tiếp nhận yêu cầu nghỉ phép đã cầm điện báo đưa lên cấp trên ký tên để kịp cho tôi nghỉ vào chiều thứ bảy, hơn nữa người lãnh đạo phê duyệt đơn nghỉ phép bình thường cũng không giỏi ăn nói nên có điện báo thì không chắc là ông ấy có thể duyệt ngay. Bởi vì chúng tôi đã mua vé xe lửa xuất phát vào đêm hôm đó nên trong tâm tôi cảm thấy gấp gáp. Tôi đứng trước ban công trên lầu lặng lẽ cầu cứu Sư phụ, lúc này tôi ngửi thấy hương hoa thơm phức giống như lần trước lúc tham dự lớp học ở Thạch Gia Trang, trong tâm bỗng thấy vui, đồng thời cũng thấy có hy vọng. Một lúc sau, vị cán bộ kia quay về với nụ cười trên môi, bảo rằng đơn xin nghỉ phép của tôi đã được phê duyệt xong.
Về việc mua vé xe lửa, chúng tôi nhờ người quen biết ở trạm xe tìm thử trước nhưng anh ấy nói là không còn vé nữa, tuy nhiên anh ấy cũng nói là biết đâu có thể gửi thêm vé bổ sung. Lúc chúng tôi đến trạm xe thì anh ấy đã chuẩn bị đầy đủ vé xe cho chúng tôi, hơn nữa còn là vé có chỗ ngồi.
Ngồi trên xe, tôi nhìn thấy có rất nhiều học viên đeo huy hiệu Pháp Luân đến từ Đông Bắc, Bắc Kinh, nhiều người cũng ngồi trên chuyến xe này. Lúc đó tôi nghe một vị học viên cũ nói là Sư phụ cũng ở trên xe. Tôi và chị ấy đến toa xe giường nằm xem thử nhưng không tìm thấy Sư phụ. Sau đó chúng tôi mới biết là Sư phụ không có ngủ trong toa giường nằm. Lúc xe lửa chạy ngang qua Hà Nam, Hồ Bắc, lại có thêm một số đồng tu bước lên xe. Tôi nhìn ai cũng thấy thân thiết, giống như người thân của mình sau nhiều năm mới gặp lại. Có một cô bé khoảng chừng bốn năm tuổi, đeo chiếc huy hiệu Pháp Luân nhỏ, đi qua đi lại ở lối đi. Tôi bèn hỏi cô bé: “Nhà con ở đâu? Ai đi với con?” Cô bé trả lời: “Vũ Hán, ba đi với con.” Lần đầu tiên nghe thấy từ Vũ Hán, tôi cảm thấy rất thân thiết. Tôi đã gặp mặt ba của cô bé đó, chúng tôi đã kết nên một mối duyên đáng trân quý, ở đây tôi xin phép không nói chi tiết thêm nữa về chuyện này.
Sau khi chúng tôi xuống xe, đồng tu Giáp đã đến trước để chờ chúng tôi, giá thuê nhà nghỉ rẻ đến bất ngờ, chúng tôi chỉ mất 7 nhân dân tệ, chỗ nhà nghỉ vốn là ký túc xá sinh viên học viên trung y, đúng lúc vào dịp năm mới nên sinh viên đều nghỉ học về quê, mấy tầng lầu đều chật kín học viên đến nghe giảng Pháp, giường hai tầng không đủ dùng nên chúng tôi phải ghép những chiếc bàn lại với nhau để làm giường ngủ. Phòng trọ bên chúng tôi rộng rãi hơn nên ngủ được 10 người, có học viên đến từ Trường Xuân, Nội Mông v.v. Ở cùng tầng lầu này còn có các học viên đến từ Tề Tề Cáp Nhĩ, Cẩm Châu, Qúy Châu. Trạm trưởng Khương ở Quý Dương đã kể cho chúng tôi nghe rất nhiều câu chuyện về Sư phụ khi Ngài mở lớp ở Quý Dương.
Lớp học ở Quảng Châu từ đầu có thông báo là sẽ không mở lớp, nhưng Hiệp hội khí công đã ép buộc đưa ra quảng cáo mở lớp và đăng lên tạp chí khí công để kiếm tiền. Bởi vì Hiệp hội khí công Quảng Châu trước đây vẫn chưa có mở lớp khí công với quy mô lớn, họ cũng lo rằng không bán được vé, tin tức bán vé đã được đăng lên tạp chí trước đó, rất nhiều vé vào cổng lớp học là vé điện tử, ý là họ sẽ thu tiền trước và nhập tên họ của người đăng ký vào trong máy tính, khi nào người ta đến nơi thì mới nhận vé sau. Nhưng họ có nằm mơ cũng chẳng nghĩ ra số người mua vé lại nhiều đến vậy, vé được bán hết trong chớp mắt, hơn nữa mỗi ngày người ta gọi điện thoại hỏi mua vé không ngớt khiến họ hết sức bận rộn.
Trước ngày mở lớp một ngày, họ thông báo là máy tính bị hỏng nên đã mất hết thông tin (thời đó máy tính còn chưa phổ biến, kỹ thuật hay dung lượng lưu trữ cũng kém). Có rất nhiều người đã đặt tiền giữ chỗ trước, với tình huống này thì số người chưa lấy được vé là quá nhiều, họ đứng xếp thành hàng dài để chờ mua vé bổ sung. Có người xếp hàng chờ suốt cả ngày, đặc biệt là có rất nhiều sinh viên đến từ Đại học Cát Lâm và các nơi khác ở Đông Bắc, trong sân của nhà thi đấu đầy ắp người, phần lớn là những người chưa có vé. Tôi nghe một học viên cũ nói là Sư phụ vừa xuống xe lửa liền đi đến sân của nhà thi đấu, khi Ngài vừa nhìn thấy cảnh này thì Ngài liền rơi lệ. Đây chính là can nhiễu từ không gian khác phản ánh đến đây để ngăn cản con người đắc Pháp.
Còn có nguyên nhân can nhiễu là trước khi việc này diễn ra, ở Quảng Châu có nơi đã xảy ra hỏa hoạn cho nên nhà thi đấu sợ bị hỏa hoạn, lúc bắt đầu bán vé đứng không dám bán nhiều, vì họ nghĩ là sẽ có rất nhiều người đến. Nhưng mấy ngày sau khi mở lớp, Hiệp hội khí công và nhà thi đấu đã tự bàn bạc với nhau bán vé đứng nhiều hơn, giá vé cũng càng ngày càng đắt, từ vài chục nhân dân tệ tăng lên vài trăm nhân dân tệ.
Buổi tối ngày đầu tiên mở lớp có rất nhiều người không thể vào trong hội trường, một vị nhân viên công tác của Hiệp hội nghiên cứu Pháp Luân Đại Pháp nhìn thấy có quá nhiều người không vào trong được, cô ấy liền bật khóc. Những người không vào được cũng không rời đi, họ ngồi thành một nhóm ở nhà thi đấu, mọi người tĩnh tĩnh ngồi đó. Chờ cho đến khi Sư phụ giảng Pháp xong thì mới tản đi, có người vượt cả nghìn cây số để đến Quảng Châu nghe Pháp. Phòng ban của Hiệp hội khí công nằm ở phía đối diện, những nhân viên của Hiệp hội khí công và nhà thi đấu thấy vậy đều bị làm cho cảm động, cuối cùng họ đã đồng ý cho lắp loa ở bên ngoài vào ngày hôm sau, và cũng đồng ý cung cấp hội trường phụ của nhà thi đấu cho những học viên không thể vào bên trong hội trường chính, mỗi ngày đều phát băng ghi hình Sư phụ giảng Pháp của ngày trước đó.
Vé của chúng tôi là do đồng tu Giáp đến trước vất vả mua được vé đứng từ Hiệp hội khí công. Vé đứng không có số ghế ngồi, chúng tôi có thể tùy ý ngồi ở bất cứ chỗ đất trống nào bên trong hội trường, cũng có người muốn đổi từ vé ngồi sang vé đứng để ở gần Sư phụ hơn, mặt đối mặt với Sư phụ để nhìn cho rõ. Tôi ngồi ở hàng thứ hai, cách Sư phụ chưa tới mười mét.
Có một lần, Sư phụ đi quanh hội trường một vòng, khoảng cách rất gần với mọi người, rất nhiều người đứng lên bắt tay với Sư phụ. Anh chiến sĩ nhỏ trong bộ đội đi cùng với tôi (lúc đó anh ấy đang mặc quân phục) cũng đứng bật dậy, đi ra bắt tay với Sư phụ, sau khi về chỗ ngồi anh ấy nói với tôi là tay của Sư phụ mềm mại như sợi bông vậy, anh bảo ngày xưa có một câu nói là: “Tay Phật mềm mại như bông.”
Một ngày nọ, rất nhiều người chúng tôi đứng trên tầng thượng của Học viện trung y Quảng Châu quan sát cảnh bầu trời về đêm, bỗng dưng nhìn thấy quầng hào quang giữa không trung bay tới bay lui, có lớn có nhỏ, có nhanh có chậm. Vào ngày hôm sau, tôi đã viết câu hỏi hỏi Sư phụ xem chúng có phải là Pháp Luân hay không. Sư phụ trả lời: “Là có Pháp Luân, mấy ngày diễn ra lớp học, toàn bộ địa khu Quảng Châu đã được bao bọc lại.”
Ngoài ra, còn có cặp vợ chồng đến từ Thạch Gia Trang, vốn là họ đến chữa bệnh, họ ngồi ở vị trí phía sau lưng của Sư phụ. Vào buổi học cuối cùng, lúc Sư phụ đả đại thủ ấn thì nam đồng tu kia nhìn thấy cánh tay của Sư phụ trong suốt, anh ta bèn phấn khích đứng lên vỗ tay và nói: “Tôi đã thấy rồi, đã nhìn thấy (cảnh tượng thần kỳ)”.
Trước khi buổi học cuối cùng kết thúc, mọi người tự nguyện dâng lên Sư phụ cờ hoa (cờ dùng để khen thưởng), có cái là cá nhân học viên tặng, có cái là đại diện cho gia đình, cũng có cái là đại diện cho các địa khu. Đủ loại cờ hoa bày ra trên bục giảng kéo dài đến hơn hai mươi mét. Mấy chục lá cờ hoa đều là phát tự nội tâm của học viên, thể hiện tấm lòng thành kính đối với Sư phụ, quang cảnh lúc đó quả thật cảm động lòng người. Sau khi kết thúc lớp học, có một vị đồng tu phàn nàn với tôi: “Các học viên Thạch Gia Trang chúng ta đi mà không có chuẩn bị cờ hoa. Cậu nhìn xem các địa khu khác đều có, phải chi cậu nói trước với tôi một tiếng, cho dù làm tám cái cờ thì tôi cũng chuẩn bị được.” Tôi nói với bà ấy là lúc đó tôi không nghĩ đến việc này. Lớp học lần này ngoại trừ ở Tây Tạng không có người đến tham dự, hầu hết các tỉnh khác đều có học viên đến tham gia.
Sau khi kết thúc lớp giảng Pháp, bước ra khỏi hội trường, mắt tôi đẫm lệ, nước mắt rơi lã chã. Lần này bởi vì tôi mặc quân phục (tôi cho rằng đây cũng là một cách hồng Pháp, tôi đã nghe không ít người nói là những người trong quân ngũ cũng đến tham dự lớp học), tôi sợ rằng những người trên phố nhìn thấy mình khóc sẽ không lý giải được cho nên tôi đã kéo mũ xuống thật thấp để che đi khuôn mặt giàn giụa nước mắt của mình. Tôi đi qua mấy trạm dừng, rồi về đến nơi ở trọ thì nước mắt mới ngừng tuôn rơi.
Tôi biết Sư phụ đã ban cho chúng ta quá nhiều quá nhiều. Từ sau lớp học này trở về điểm luyện công, có một vị đồng tu cũ nói với những người khác rằng, kể từ lúc tôi trở về từ Quảng Châu, bà ấy nhìn thấy xung quanh tôi có rất nhiều Pháp Luân nhỏ.
Như mọi người đều biết, vào năm 1999 xảy ra bức hại trên chỉnh thể nên tôi đã ra khỏi quân ngũ vào năm 2000, tôi trở về quê nhà đã mười một năm rồi.
Nhân dịp kỷ niệm Sư phụ truyền Pháp mười chín năm, cũng như kỷ niệm “Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới” vào năm thứ 12 diễn ra cuộc bức hại Pháp Luân Công, con xin kính tặng Sư tôn bài viết này, cũng như gửi tặng đến các đồng tu bằng tấm lòng thành kính của mình. Nếu như bài viết này có thể khích lệ các đồng tu tinh tấn thì đó là cũng niềm an ủi của tôi.
Có chỗ nào chưa thỏa đáng, mong các đồng tu từ bi chỉ rõ! Tại đây, con xin khấu đầu cảm ân Sư tôn! Còn có quá nhiều lời muốn nói – Con xin lễ bái Sư tôn!
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2011/5/15/240558.html
Đăng ngày 11-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.