Bài viết của một học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc
[MINH HUỆ 19-06-2020] Kể từ khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu năm 1999, nhà tù thành phố Trịnh Châu tỉnh Hà Nam đã sử dụng rất nhiều cách thức tra tấn khác nhau đối với các học viên Pháp Luân Công bị bỏ tù. Một trong những hình thức tra tấn chủ yếu mà nhà tù thường xuyên sử dụng nhằm ép buộc các học viên từ bỏ tín ngưỡng của mình là biệt giam.
Cách ly nghiêm ngặt
Khi các học viên được đưa đến nhà tù, đầu tiên họ bị giao cho Đội Chuyển hóa, tại đây các học viên bị cô lập trong những buồng biệt giam cùng với 3 nhân viên an ninh giám sát suốt ngày đêm, kể cả khi họ ăn uống, tắm giặt hay đi vệ sinh. Các học viên được cảnh báo là không được phép trao đổi ánh mắt với những học viên khác.
Sau những sức ép và đe dọa ban đầu, một số nhân viên an ninh và lính gác sẽ đóng vai “người tốt” và đề nghị giúp đỡ các học viên. Sau khi có được lòng tin của các học viên, họ sẽ dùng những chiêu trò mềm mỏng để dụ dỗ các học viên từ bỏ tín ngưỡng của mình.
Nếu như không có tác dụng, các lính gác sẽ gia tăng cấp độ “chuyển hoá”. Các học viên sẽ bị cưỡng chế xem các video phỉ báng Pháp Luân Công, bị cấm ngủ hoặc bị bắt phải ngồi trên một chiếc ghế nhỏ trong khoảng thời gian dài trong khi bị những tù nhân khác chế giễu và chửi bới.
Để tiếp tục lay động niềm tin của các học viên, các lính gác sẽ khuấy động sự hiểu nhầm và thù hận của gia đình các học viên đối với họ. Một số học viên bị vợ/chồng đe doạ ly dị, một số khác thì bị những người thân trong gia đình nói muốn cắt đứt quan hệ.
Mặc dù đối mặt với hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng hầu hết các học viên đều trụ vững trước sức ép và kiên định với niềm tin của mình vào Pháp Luân Công.
Giám sát nghiêm ngặt trong thời gian dài
Đối với những người vẫn kiên định với đức tin của mình, nhà tù thường giám sát họ rất nghiêm ngặt trong suốt thời gian cầm tù, thậm chí cả khi họ đã rời đội chuyển hóa. Họ chỉ được phép nói chuyện với những tù nhân được giao nhiệm vụ giám sát họ và mọi hoạt động của họ đều bị hạn chế.
Học viên Hồ Kiến Hoa ở Phân khu 2 bị kết án 10 năm tù đã luôn luôn bị giám sát nghiêm ngặt. Những tù nhân nói chuyện với ông đã bị trừng phạt, đôi khi thậm chí còn bị đánh đập.
Các học viên Bạch Hồng Dân, Lý Tuấn Kỳ, Trịnh Gia Hân, Lý Ngọc Hàng, Phó Khang Xuân, tất cả đều bị giám sát nghiêm ngặt ở Phân khu 9 trong suốt thời gian họ bị cầm tù. Còn có nhiều học viên nữa bị giam trong những phòng giám sát nghiêm ngặt trong nhiều tháng.
Biệt giam
Biệt giam trong một xà-lim nhỏ là hình thức tra tấn nghiêm trọng nhất. Xà-lim có diện tích chưa đến 9 mét vuông và chỉ có một chiếc ghế rất nhỏ bên trong. Cửa được làm bằng những thanh sắt nên vào mùa đông rất lạnh, còn vào mùa hè thì đầy muỗi và bọ.
Các học viên chỉ được cấp một chiếc bánh bao nhỏ cho mỗi bữa ăn. Việc biệt giam thường kéo dài từ 7 đến 15 ngày, nhưng đôi khi lâu hơn nhiều. Ông Mai Sinh Tân bị biệt giam trong một vài năm trong thời gian 9 năm ông bị cầm tù. Ông đã bị đánh đập và tra tấn tàn bạo. Hai ngày trước khi hết hạn tù, ông đã bị bức hại đến chết.
Giám sát bí mật
Những học viên đã từ bỏ tín ngưỡng của mình dưới áp lực và trái với ý muốn của họ được xếp vào cùng phòng giam với các tù nhân khác, nhưng vẫn bị giám sát bởi những tù nhân ở xung quanh họ.
Trên bề mặt, những học viên này có thời gian biểu cũng như những tù nhân khác. Nhưng những tù nhân đó hạn chế sự tiếp xúc của họ với những học viên khác và không cho họ ở trong xà-lim một mình để ngăn họ tập các bài công pháp của Pháp Luân Công.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/19/407899.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/8/1/186138.html
Đăng ngày 17-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.