[MINH HUỆ 10-08-2020] Ngày 20 tháng 7 vừa qua, các học viên đã tổ chức mít-tinh kháng nghị trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Tel Aviv, để ghi dấu 21 năm kể từ khi bắt đầu cuộc bức hại tàn bạo đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Các học viên giương các biểu ngữ, và 17 diễn giả đã phát biểu tại sự kiện.
Việc đại dịch lây lan khắp thế giới trong những tháng gần đây và bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bưng bít (do đó được gọi là “virus Trung Cộng”), đã khiến nhiều người hơn nữa nhận ra bản chất hủy diệt của chính quyền cộng sản Trung Quốc.
Ông Yaniv Nitzan, người đứng đầu Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp ở Israel, đã đề cập tới quá trình hồng truyền thời đầu của Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc và lợi ích to lớn mà môn tu luyện đã đem tới cho người dân và xã hội. Ông nói: “Bất cứ ai chọn học và tu luyện Pháp Luân Đại Pháp đều xuất phát từ tự nguyện của bản thân người đó, và dung nhập việc tu luyện vào cuộc sống một cách linh hoạt tùy theo hoàn cảnh riêng của mỗi người. Các học viên tựa như những bông hoa sen nở khắp Trung Quốc. Mọi người đã thay đổi cách sống của mình và lựa chọn cuộc sống theo Chân-Thiện-Nhẫn.”
“Sau hàng chục năm người dân Trung Quốc bị chính quyền đối xử bằng quả đấm sắt, các học viên đã đem tới điều gì đó khác biệt cho bầu không khí chung này. Mọi người bắt đầu quan tâm và thiện lương hơn với người khác. Họ hành xử chân thành, chính trực hơn trong gia đình và công việc. Họ trở nên điềm đạm hơn và ít tức giận hơn trong quan hệ với gia đình hay hàng xóm, và biểu hiện khoan dung hơn. Do đó, xã hội Trung Quốc đã thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn. Pháp Luân Đại Pháp đã mang tới những phúc báo to lớn cho Trung Quốc, nhiều ích lợi cho người dân và xã hội của quốc gia này, mà không hề có hại gì. Trong những năm đầu truyền ra công chúng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã từng ca ngợi môn tu luyện này.”
Ông Vadim Berestetsky, Chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp ở Israel, cho biết: “Cách đây 21 năm, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát động cuộc bức hại đối với Pháp Luân Công, chống lại Chân-Thiện-Nhẫn. Ông ta tin chắc rằng không gì có thể chống lại sức mạnh và sự tàn ác của chính quyền mình. Ngày nay, sau 21 năm bức hại, chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc đó đã sai. Khi cuộc bức hại bắt đầu, các học viên Pháp Luân Công đã nhận ra trách nhiệm của mình, chính là không để cho chính quyền Trung Quốc thuyết phục toàn nhân loại rằng chỉ có dối trá, đấu tranh và tàn ác mới có thể thống trị thế giới. Các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã cố gắng cho cả thế giới thấy không một chính quyền nào có thể đánh bại thiện lương và đạo lý, bất kể là chính quyền đó có quyền lực và tàn ác tới đâu.”
“Người dân ở Isarel hỏi rằng: ‘Vậy điều đó thì liên quan gì tới chúng tôi? Trung Quốc ở rất xa kia mà.’ Các chính trị gia Israel cũng vậy, trước nạn diệt chủng đang diễn ra ở Trung Quốc, họ cho rằng Israel nên giữ im lặng, bất chấp trách nhiệm lịch sử của chúng ta. Họ cho rằng cái giá phải trả khi có lập trường đạo đức là quá lớn.”
“Về phương diện nào đó, thì họ ‘đúng’ – để có lập trường đạo đức, thì thường đòi hỏi phải sẵn sàng trả giá.”
“Nhưng giữ im lặng cũng có cái giá của nó! Và mỗi người phải lựa chọn xem mình đứng về phía cái thiện hay cái ác.”
“Khi đối mặt với tà ác và tàn bạo, sẽ luôn có những người đứng lên đấu tranh cho công lý và thiện lương.”
Ông Vadim Berestetsky, Chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Israel
Ông Yehudah Glick, cựu thành viên của Knesset (Quốc hội Israel), phát biểu: “Không bao giờ nữa! Đơn giản là chúng tôi sẽ không im lặng trước một chính quyền mà yêu cầu người dân phải từ bỏ đức tin của mình, nếu không thì phải chết. Là những người Do Thái trở về Israel sau nhiều năm dài bị bức hại, và sau thảm họa tàn sát, chúng tôi trở về để tạo dựng một thế giới đạo đức hơn. Chúng tôi không thể cho phép việc giết hại người dân chỉ vì đức tin của họ, và đó là lý do tại sao tôi tới đây, để kịch liệt phản đối nó.”
Cựu Thành viên Knesset, ông Yehudah Glick
Ông Shai Malka, Lãnh đạo Đảng chính trị Zehut, phát biểu: “Người Do Thái đã mang thuyết độc thần đến thế giới, và chúng tôi phản đối một chính quyền cổ xúy chủ nghĩa vô thần. Để nỗ lực thay thế hình ảnh của Chúa bằng hình ảnh của Đảng, chính quyền đó đã lợi dụng người dân để tự tôn vinh bản thân và phạm tội. Từ Israel sẽ truyền đến phúc âm: Hãy chấm dứt nạn diệt chủng, chấm dứt tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng.”
Ông Shai Malka, Lãnh đạo Đảng Zehut
Ông Adv. Arie Suchovolsky cảnh báo sự độc hại của cộng sản đang xâm chiếm thế giới, và nó rất giống với chính quyền Đức Quốc xã và triều đại khủng bố của Stalin. Ông gọi việc sát hại các học viên Pháp Luân Đại Pháp đang diễn ra ở Trung Quốc là “một cuộc thảm sát”, và đau lòng nói rằng thế giới lại một lần nữa im lặng trước những hành động tàn bạo. Ông kêu gọi chính phủ Israel tỏ rõ sự phản đối của mình trước những hành vi như vậy, cắt đứt mọi quan hệ với Trung Quốc và yêu cầu chấm dứt cuộc bức hại.
Ông Adv. Arie Suchovolsky
Giáo sư Esther Hertzog cho biết: “Những tội ác phản nhân loại đang được thực hiện trong bóng tối và dưới bức màn bí mật. Tội ác càng nghiêm trọng thì sự bịt miệng và áp bức đối với những người chỉ trích lại càng lớn.”
Bà nói tiếp: “… tội ác thu hoạch nội tạng mà chính quyền Trung Quốc bị buộc tội không chỉ dẫn đến lòng tham và cướp đi mạng sống của con người, mà đó là một tội ác vốn có đặc thù của nó, vì thực tế là đức tin và lối sống của người dân đã bị chính quyền lợi dụng để làm hại họ.”
“Mỗi từng người dân phải có nghĩa vụ vượt qua sự xúi giục không nghe, không thấy, và không biết về những hành động tàn bạo đang diễn ra đối với người khác, họ phải vượt qua nỗi sợ bị trả thù và bị tổn thương…. Là công dân mà nói, thì việc giữ im lặng chắc chắn là cách tiếp tay cho những tội ác như vậy tiếp tục diễn ra.”
Khán giả bị cuốn hút theo những bài phát biểu. Một nhóm phóng viên của Kênh 20, một kênh truyền hình lớn của Israel, đã ghi hình trước bục diễn thuyết. Trong chương trình phát sóng hàng ngày, kênh truyền hình này đã phát sóng trực tiếp về buổi mít-tinh, với thời lượng chính là về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Một số diễn giả cũng đã được phỏng vấn cho chương trình.
Chương trình hàng ngày của Kênh 20 truyền hình trực tiếp buổi mít-tinh
Anh Guy, một người Israel mới trở về từ Hồng Kông, đã tham dự buổi mít-tinh. Anh đã sống ở Hồng Kông chín năm và làm việc cho một công ty công nghệ cao. Anh cho biết: “Tôi biết những gì các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc phải chịu đựng. Ở Hồng Kông, mọi người đều biết [điều này], và đã có rất nhiều cuộc biểu tình. ĐCSTQ bắt đầu bằng việc bức hại Pháp Luân Công, rồi sau đó bắt đầu bức hại người Hồi giáo, rồi đến tín đồ Cơ Đốc giáo, và bây giờ là đến bức hại người Hồng Kông. Cần phải ngăn chặn họ lại. Hiện tại ở Hồng Kông đã có luật an ninh quốc gia mới, và các cảnh sát Trung Quốc đã được phái tới Hồng Kông. Đó là lý do tôi rời khỏi Hồng Kông. Tôi không muốn sống ở một đất nước cộng sản. Chúng ta phải quý trọng sự tự do mà chúng ta có ở Israel. Tôi tới cuộc mít-tinh này để bày tỏ sự đồng cảm và ủng hộ của mình với Pháp Luân Đại Pháp, dù tôi không phải là một học viên. Tôi phải đấu tranh để chấm dứt cuộc bức hại này.”
Cô Tammara Or Slilat là một nhà thơ người Israel, lần đầu tiên biết đến cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp tại triển lãm “Chân-Thiện-Nhẫn” ở London. Cô vô cùng ấn tượng, và đã theo dõi vấn đề này một cách sát sao kể từ đó. Tại buổi mít-tinh, cô đã đọc to một bài thơ mà cô viết đặc biệt dành riêng cho sự kiện này, và trong bài thơ này, cô đã đề cập tới ĐCSTQ như một chính quyền tội phạm. Cô cho biết: “Tôi đã ký bản kiến nghị và muốn viết một bài thơ, và nói đôi lời ở đây hôm nay. Lần đầu tiên tôi biết về cuộc bức hại là khi tới tham quan một cuộc triển lãm trưng bày những bức chân dung tuyệt đẹp của những người trông rất thánh thiện, và sau đó tôi nhận ra rằng họ đều là học viên Pháp Luân Công. Họ đã bị sát hại và đều đã thiệt mạng. Từ đó tôi đã theo dõi sát sao vấn đề này.”
Nhà thơ Israel Tammara Or Slilat đọc bài thơ của mình, được viết đặc biệt dành riêng cho sự kiện này
Cô Michal là một nhà hoạt động nhân quyền, công tác tình nguyện tại Tổ chức Ân xá Quốc tế trong vài năm. Lần đầu tiên cô biết về cuộc bức hại là từ bộ phim cảm động “Thư từ Mã Tam Gia”. Sau khi xem bộ phim, cô muốn tìm hiểu thêm về chủ đề này, và tiếp tục đọc tin tức về Pháp Luân Công và cuộc bức hại. Đó là lý do tại sao cô quyết định đến tham dự buổi mít-tinh. Cô kể: “Tôi đã từng sống ở Trung Quốc bốn năm và dạy tiếng Anh ở đó. Đối với chúng tôi, rõ ràng là chính quyền này rất tàn ác và chuyên chế, và chúng tôi được chỉ dẫn là không được bàn về chính trị và bất kỳ chủ đề gây tranh cãi nào.”
Sau sự kiện, các học viên địa phương đã đăng tải video các bài phát biểu lên YouTube. Các học viên đã tập hợp các bài phát biểu và chế tác thành một video ngắn rồi đăng lên mạng xã hội để nhiều người hơn nữa có thể biết được chân tướng về cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc.
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/8/10/186273.html
Đăng ngày 16-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.