Bài viết của một học viên Pháp Luân Công tại Nam Úc

[MINH HUỆ 24-07-2020] Cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) đã đi qua 21 năm. Ngày 20 tháng 7 năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động một cuộc bức hại trên quy mô toàn quốc nhắm vào môn tu luyện này.

Hàng năm, các học viên trên khắp thế giới tổ chức các hoạt động để kỷ niệm ngày 20 tháng 7 và tưởng niệm các nạn nhân của cuộc bức hại. Năm nay, các học viên tại miền Nam nước Úc đã tổ chức thắp nến tưởng niệm trên Quảng trường Victoria tại thành phố Adelaide và dựng quầy thông tin trên North Terrace để nâng cao nhận thức về những sự tàn bạo đang diễn ra.

1f8c813b225250a58fe1d0d5f97f20b7.jpg

846b296df8651e87dd5b6c9683f11070.jpg

Thắp nến tưởng niệm trên Quảng trường Victoria ở thành phố Adelaide

Đêm thắp nến tưởng niệm được tổ chức vào tối ngày 17 tháng 7 trên Quảng trường Victoria. Các biểu ngữ được trải trên cỏ, hoa sen đủ sắc màu và nến được xếp thành các chữ “Chân-Thiện-Nhẫn” tiếng Trung, nguyên lý của Pháp Luân Đại Pháp. Các học viên cầm di ảnh của những người bị thiệt mạng do cuộc bức hại và ngồi mặc niệm những người đã khuất.

Sự kiện này thu hút những người đang trên đường về nhà sau giờ làm, nhiều người đã lấy tờ rơi thông tin từ các học viên để đọc. Mọi người ký vào bản kiến ​​nghị kêu gọi chấm dứt sự tàn bạo, có người còn nói với các học viên rằng họ sẽ truyền rộng thông tin và bảo mọi người ký bản kiến nghị trực tuyến.

Anh Gary Teller biết đến đêm thắp nến tưởng niệm qua mạng Internet và đến để thể hiện sự ủng hộ của anh.

Anh nói: “Chính phủ Úc nên giúp chấm dứt cuộc bức hại này.”

Lời kể của nhân chứng của cuộc bức hại

Cô Jenny Trần, một kế toán viên, cho biết cô đã trở thành một người tốt hơn sau khi tu luyện Pháp Luân Công, nhưng đến một ngày, cô bất ngờ bị bắt tại nơi làm việc và bị đưa đến một cơ sở tẩy não. Gia đình cô không biết cô ở đâu.

“Tôi không được ngủ ba ngày đêm liền. Tôi bị thẩm vấn liên tục. Tôi bị bắt xem các video bôi nhọ Pháp Luân Công.”

Cô nói: “Tôi mong thông qua đêm thắp nến tưởng niệm này, nhiều người hơn sẽ biết đến [cuộc bức hại] này và giúp chấm dứt nó.”

Cô Trần Hinh Ngữ, người làm việc cho một công ty xây dựng, bước vào tu luyện Pháp Luân Công hồi cô là sinh viên đại học. Trước khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, cô sẽ luyện công và đọc các bài giảng với các bạn cùng lớp mỗi ngày. Sau khi cuộc bức hại được phát động, cô đã bị bắt và bị giam trong một trại lao động trong một năm vì từ chối từ bỏ môn tu luyện. Cô bị buộc phải lao động nô lệ, và cô đã chứng kiến ​​các học viên khác trở nên tàn tật và bị tâm thần vì bị tra tấn.

Hàng năm, vào dịp ngày 20 tháng 7, cô Hinh Ngữ lại nghĩ đến những học viên này. Cô Trần Hinh Ngữ cho biết: “Hôm nay, tôi cầm di ảnh của dì Ngô. Trước khi về hưu, dì là phó giám đốc của một bệnh viện Trung Quốc. Chúng tôi luyện công ở cùng một điểm và tôi thường đến nhà dì ấy để học các bài giảng. Dì như người thân của tôi. Nhiều người thân của dì là học viên, nhưng ĐCSTQ đã tàn nhẫn tra tấn dì và em gái dì đến chết. Những người thân khác của dì bị cầm tù. Cuộc bức hại tàn bạo này đã khiến nhiều gia đình tan vỡ. Thông qua đêm thắp nến này, chúng tôi muốn nói với tất cả mọi người rằng chúng tôi sẽ không ngừng kháng nghị ôn hòa chừng nào cuộc bức hại còn tiếp diễn.”

Cô Anna Bạch đã gấp mấy bông sen giấy để tặng trong đêm thắp nến ngày hôm đó. Một bạn cùng lớp đã giới thiệu cô đến với Pháp Luân Công khi cô đang học ngành điều dưỡng tại một trường đại học ở Nam Úc.

“Tôi đã bị lừa bởi những lời dối trá của ĐCSTQ và không muốn nghe bạn cùng lớp của tôi nói. Cô ấy bình tĩnh bảo tôi hãy để cô ấy nói cho xong. Nhờ đó mà tôi được nghe ba chữ ‘Chân-Thiện-Nhẫn’ lần đầu. Tôi đã hỏi cô ấy tới ba lần để chắc chắn đây là nguyên lý mà Pháp Luân Công chỉ dạy. Tôi cho rằng không có gì sai khi sống theo những giá trị này. Tôi nhận ra rằng bức hại những người này là sai trái. Tôi hỏi tôi có thể làm gì để giúp đỡ. Cô ấy đề nghị tôi trước hết đọc cuốn sách chính Chuyển Pháp Luân để hiểu môn luyện này là thế nào.”

Cô Anna nhớ lại: “Hồi đó tôi nóng tính và bị trầm cảm. Đôi khi tôi nghĩ cuộc sống không đáng sống. Bạn tôi nói Pháp Luân Công có thể giúp thay đổi nhân sinh quan của tôi. Tôi muốn học các bài công pháp nhưng sợ bị tra tấn nếu tôi về Trung Quốc. Khi tôi lấy hết can đảm để đọc Chuyển Pháp Luân, tôi hiểu rằng đây là điều tôi muốn.”

Mọi người cần sống theo Chân-Thiện-Nhẫn

Ngày 19 tháng 7 năm 2020, các học viên đã dựng một quầy thông tin tại Prince Henry Gardens trên North Terrace ở Adelaide.

bbc8cd45dcc7e0310b9f099cd46e005e.jpg

Các học viên giới thiệu Pháp Luân Công cho người qua đường tại Prince Henry Gardens.

Anh Adam, một sinh viên trường y, đã kinh hoàng và tỏ ra hoài nghi khi nghe nói chính quyền cộng sản đang giết hại các tù nhân lương tâm để lấy nội tạng của họ. Anh đã ký bản kiến nghị để thể hiện sự ủng hộ của mình và cho biết sẽ chú ý đến vấn đề này.

Bà Ostermann quê ở Amsterdam, đã sống ở Úc nhiều năm. “Người ta không nên bị giam giữ vì đức tin của họ. Chân-Thiện-Nhẫn, ai cũng cần sống theo nguyên lý này.”

Chồng bà biết rõ tình cảnh của người Duy Ngô Nhĩ và công dân Hồng Kông, và nói: “Mọi chính phủ đều cần theo sát vấn đề này và đưa ra lập trường chắc chắn.”

Ông Bred, một tín đồ Cơ Đốc giáo, nói rằng ông biết rằng các học viên Pháp Luân Công đang bị bức hại vì bức tin của họ.

Ông nói: “Tôi biết nạn thu hoạch nội tạng, thật là kinh hoàng. Tôi vô cùng cảm thông với những nạn nhân này. Các bạn lẽ ra phải có tự do tín ngưỡng giống như những người khác. Tôi cho rằng những hoạt động mà các bạn tổ chức có ý nghĩa rất quan trọng. Nó không phải chỉ dành cho các học viên Pháp Luân Công mà dành cho tất cả mọi người trên thế giới này. Ai cũng nên thể hiện sự ủng hộ.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/7/24/409524.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/7/31/186126.html

Đăng ngày 07-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share